Chia sẻ dữ liệu và kết quả nghiên cứu khoa học: Thế giới cần có tư duy đột phá 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi các thành phố bị phong tỏa và biên giới quốc gia bị đóng cửa để đối phó với sự bùng phát của coronavirus, khoa học lại đang trở nên cởi mở và chia sẻ hơn. Sự cởi mở và chia sẻ này đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học có sức mạnh tổng hợp để đối phó với chủng coronavirus mới và có khả năng thay đổi thế giới, thúc đẩy ‘’văn hóa khoa học khuyến khích hợp tác minh bạch và rõ ràng’’.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế và sự bùng phát toàn cầu của chủng coronavirus mới. Một ngày sau, tổ chức từ thiện nghiên cứu Wellcome Trust kêu gọi các nhà nghiên cứu, tạp chí và nhà tài trợ trên khắp thế giới chia sẻ dữ liệu và kết quả nghiên cứu liên quan đến coronavirus một cách nhanh chóng và cởi mở, để thông báo cho công chúng và cứu giúp nhân loại.

Cùng ngày, Cơ sở hạ tầng Tri thức Quốc gia Trung Quốc đã ra mắt một trang web miễn phí và kêu gọi các nhà khoa học công bố nghiên cứu về coronavirus với quyền truy cập mở. Ngay sau đó, tạp chí khoa học nổi tiếng Nature đã đưa ra một bài xã luận kêu gọi tất cả các nhà nghiên cứu coronavirus ‘’tiếp tục chia sẻ và cởi mở’’.

Nhưng để cho mọi kết quả nghiên cứu thích hợp với bất kỳ ai, cho bất kỳ mục đích nào thì không hề đơn giản. Nếu không có sự quan tâm và trách nhiệm, thì sẽ dễ dẫn đến mối nguy hiểm là khoa học cởi mở có thể bị lạm dụng hoặc góp phần vào việc truyền bá thông tin sai lệch.

I. Gỡ bỏ rào cản để chia sẻ tri thức

Khoa học cởi mở có ba dạng khác nhau, bao gồm: cởi mở về dữ liệu, cởi mở về ấn phẩm khoa học online và cởi mở về tài nguyên giáo dục.

  1. Cởi mở về dữ liệu

Trình tự DNA có tầm quan trọng lớn để phát triển các bộ chẩn đoán cụ thể trên toàn thế giới. Yong-Zhen Zhang và các đồng nghiệp của ông từ Đại học Fudan ở Thượng Hải là những người đầu tiên giải trình tự DNA của chủng coronavirus mới. Họ đã đặt chuỗi gen trong GenBank, một kho lưu trữ dữ liệu truy cập mở. Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới ngay lập tức bắt đầu phân tích chuỗi gen này để phát triển chẩn đoán.

Kể từ ngày 19 tháng 2 năm 2020, 81 trình tự gen coronavirus khác nhau đã được chia sẻ công khai thông qua GenBank và 189 thông qua Trung tâm Dữ liệu Gen Quốc gia Trung Quốc. Họ cung cấp những dữ liệu này cởi mở như vậy sẽ cho phép các nhà khoa học giải mã bí ẩn của virus và hy vọng tìm ra phương pháp điều trị hoặc vaccine nhanh hơn.

WHO và các tổ chức quốc gia như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cũng công bố dữ liệu thống kê mở, chẳng hạn như số lượng bệnh nhân. Điều này có thể giúp các nhà nghiên cứu lập bản đồ về sự lây lan của virus và cung cấp thông tin cập nhật và minh bạch công khai.

  1. Cởi mở về ấn phẩm khoa học online

Các ấn phẩm khoa học online có giá khá cao. Một trong những ấn bản của nhà xuất bản (NXB) khoa học lớn nhất thế giới Elsevier online, Tetrahedron Letters, có giá 16.382 bảng cho một tổ chức thuê bao hàng năm và 673 bảng cho một cá nhân. Ngay cả Đại học Harvard cũng không đủ khả năng để đăng ký thuê bao tất cả các tạp chí. Điều này có nghĩa là không phải tất cả các nhà nghiên cứu đều có quyền truy cập vào tất cả các ấn phẩm dựa trên đăng ký thuê bao.

Các tác giả có thể xuất bản bài viết của họ để truy cập miễn phí, điều này thường có nghĩa là họ cần trả cho nhà xuất bản trung bình 2.000 bảng cho chi phí xử lý bài viết. Năm 2018, chỉ có 36,2% ấn phẩm khoa học là truy cập mở.

Tính đến ngày 18 tháng 2 năm 2020, đã có 500 bài báo khoa học về coronavirus mới trong cơ sở dữ liệu học thuật toàn diện Dimensions. Trong đó chỉ có 160 bài báo (32%) là truy cập mở. Các trang web như bioRxiv và arXiv cũng nằm trong số các trang web truy cập mở được sử dụng rộng rãi để xuất bản các nghiên cứu sơ bộ trước khi được đánh giá thẩm định ngang hàng về khoa học.

Thông thường, bạn sẽ cần phải trả phí thuê bao để đọc bất kỳ bài nào trong số 340 bài viết còn lại. Tuy nhiên, các bài báo được xuất bản bởi 100 công ty đã ký tuyên bố Wellcome Trust đồng ý chia sẻ nghiên cứu coronavirus, đã được các nhà xuất bản truy cập tự do.

Các nhà xuất bản khoa học lớn bao gồm Elsevier, Springer Nature, Thư viện trực tuyến Wiley, Emerald, Nhà xuất bản Đại học Oxford và Wanfang cũng đã thiết lập trang tài nguyên truy cập mở đặc biệt. Cơ sở dữ liệu CQVIP của Trung Quốc đã cung cấp quyền truy cập miễn phí vào tất cả 14.000 tạp chí của họ trong đợt dịch coronavirus.

Vì phải mất trung bình 160 ngày để một bản in được xuất bản sau khi đánh giá ngang hàng, chia sẻ trước bản in có thể tiết kiệm thời gian và cứu sống nhân loại. Truy cập miễn phí vào các bài viết về coronavirus cũng có thể đẩy nhanh nghiên cứu toàn cầu về chủ đề này.

 

Chia sẻ dữ liệu về Coronavirus có thể giúp chế tạo thuốc điều trị nhanh hơn. (Ảnh: TOLGA AKMEN/AFP qua Getty Images)
  1. Cởi mở về tài nguyên giáo dục

Do sự bùng phát của dịch bệnh, các trường đại học ở Trung Quốc đã hoãn học kỳ mới và chuyển sang học trực tuyến. Bên cạnh 24.000 khóa học trực tuyến dành cho sinh viên, các trường đại học (bao gồm Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và Đại học Xipo Tuan Jiaotong) đang cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí cho công chúng về coronavirus. Các khóa học như vậy có thể cung cấp thông tin đáng tin cậy cho công cộng dựa trên nghiên cứu học thuật, giúp họ hiểu rõ hơn và bảo vệ bản thân trước virus.

II. Cần có trách nhiệm với khoa học mở

Mặc dù tất cả những phát triển này đều tích cực, nhưng điều quan trọng cần nhớ là khoa học mở không có nghĩa là khoa học không có giới hạn. Nó phải được sử dụng có trách nhiệm bởi các nhà nghiên cứu và công chúng.

Để bắt đầu, các nhà nghiên cứu cần có sự tôn trọng lẫn nhau về tình trạng nguyên vẹn của công việc của họ. Ví dụ, đã có những bất đồng về việc liệu các nhà khoa học có cần yêu cầu sự đồng ý cho sử dụng lại dữ liệu trước công bố của trình tự gen coronavirus được chia sẻ hay không.

Giả sử các nhà nghiên cứu hành động một cách thiện chí và không chỉ đơn giản là theo đuổi sự nghiệp của mình, điều quan trọng là họ cần làm rõ các điều kiện mà họ thực hiện nghiên cứu và kiểm tra cẩn thận và tuân theo các điều kiện như vậy khi sử dụng dữ liệu của người khác. Việc sử dụng có trách nhiệm các dữ liệu trước khi công bố là rất quan trọng để thúc đẩy ‘’văn hóa khoa học khuyến khích hợp tác minh bạch và rõ ràng’’.

Cũng có những vấn đề với việc cung cấp kết quả nghiên cứu sơ bộ mà chưa thông qua đánh giá ngang hàng (bản thảo) - như xảy ra với các trang web chuyên cung cấp các nghiên cứu sơ bộ - vì việc phiên giải sai và sai lầm có thể dễ dàng xảy ra. Một bài báo được đăng trên bioRxiv - một trang web truy cập mở dành cho các công trình nghiên cứu sơ bộ - vào ngày 2 tháng 2 năm 2020 đã tuyên bố cho thấy ‘’sự lồng ghép’’ trong DNA coronavirus, rằng có ‘’sự giống nhau kỳ lạ’’ với các vùng được tìm thấy trong DNA HIV.

Sau những chỉ trích về công việc của họ, các tác giả của bài báo đã gỡ bài báo xuống và thông báo rằng họ không có ý định ‘’đưa mồi cho các thuyết âm mưu’’ cho rằng coronavirus mới là do con người tạo ra. 27 nhà khoa học từ tám quốc gia đã lên án những thuyết âm mưu này trong tuyên bố mở của họ trên tạp chí y học hàng đầu The Lancet.

Tuy nhiên, cho đến ngày 19 tháng 2 năm 2020, bài báo đã rút đó là nghiên cứu được thảo luận nhiều nhất trên thế giới về tin tức trực tuyến và phương tiện truyền thông xã hội, theo trang Altmetric - trang web được xếp hạng của giới học thuật. Bài báo đã bị gỡ xuống nhưng nó sẽ không bị lãng quên.

Khoa học mở rất quan trọng để giải quyết những thách thức lớn của thế giới. Nhưng khi thông tin có thể bị lạm dụng, sai lệch hoặc giải thích sai ở cấp độ toàn cầu một cách nhanh chóng, chúng ta cũng cần các nhà khoa học và công chúng đối xử với khoa học mở với sự quan tâm và trách nhiệm cao.

Ánh Dương

Theo The Conversation



BÀI CHỌN LỌC

Chia sẻ dữ liệu và kết quả nghiên cứu khoa học: Thế giới cần có tư duy đột phá