Chúng ta có thể giao tiếp với những người đang trong giấc mơ, theo một nghiên cứu mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một nghiên cứu xuất bản gần đây, các nhà khoa học đã xác định được một hiện tượng mới mà họ mô tả là "giấc mơ tương tác", nơi những người trải qua giấc ngủ sâu và “giấc mơ sáng suốt” có thể làm theo hướng dẫn, trả lời các câu hỏi và thậm chí giải các bài toán đơn giản.

Ngoài ra, nghiên cứu còn bổ sung một mức độ hiểu biết hoàn toàn mới về những gì xảy ra với não bộ khi chúng ta đang mơ và dạy chúng ta cách rèn luyện giấc mơ của mình để hướng tới một mục tiêu cụ thể, chẳng hạn việc điều trị một vấn đề sức khỏe tâm thần nào đó.

Có rất nhiều vấn đề về tâm lý của giấc ngủ vẫn còn là một bí ẩn, bao gồm giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM), thời điểm thường xảy ra những giấc mơ. Việc chúng ta có khả năng nhận được phản hồi từ những người đang ngủ trong thời gian thực, thay vì dựa vào các báo cáo sau đó, có thể rất hữu ích.

Nhà tâm lý học Ken Paller từ Đại học Northwestern cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng các cá nhân trong giấc ngủ REM có thể tương tác với người thử nghiệm và tham gia vào giao tiếp trong thời gian thực. Chúng tôi cũng chỉ ra rằng những người đang mơ có khả năng hiểu câu hỏi, tham gia vào các hoạt động cần trí nhớ làm việc và đưa ra câu trả lời”.

Ông nói thêm: "Hầu hết mọi người có thể dự đoán rằng điều này sẽ không thể xảy ra - rằng con người sẽ thức dậy khi được hỏi một câu hỏi hoặc không trả lời được, và chắc chắn không thể hiểu một câu hỏi mà không bị hiểu sai”.

Các nhà nghiên cứu đã làm việc với 36 người trong các thí nghiệm tại bốn phòng thí nghiệm khác nhau. Một tình nguyện viên mắc chứng ngủ rũ và thường xuyên trải qua những giấc mơ sáng suốt, trong khi những người khác có trải nghiệm không giống nhau trong giấc mơ sáng suốt.

Tóm tắt các thí nghiệm. (Konkoly và cộng sự, Current Biology 2021)
Tóm tắt các thí nghiệm. (Konkoly và cộng sự, Current Biology 2021)

Trong giai đoạn sâu nhất của giấc ngủ, được theo dõi bằng các thiết bị điện não đồ (EEG), các nhà khoa học đã tương tác với những người tham gia nghiên cứu thông qua âm thanh nói, đèn nhấp nháy và chạm vào cơ thể: những người ngủ được yêu cầu trả lời các câu hỏi toán học đơn giản, đếm các lần nhấp nháy ánh sáng hoặc chạm vào cơ thể và để trả lời các câu hỏi có hoặc không chẳng hạn như "bạn có thể nói tiếng Tây Ban Nha không?".

Các câu trả lời được đưa ra thông qua chuyển động mắt hoặc cử động cơ mặt. Trong 57 phiên ngủ, ít nhất một câu trả lời chính xác cho một truy vấn đã được quan sát thấy trong 47 % các phiên có giấc mơ sáng suốt và được xác nhận bởi người tham gia.

Nhà khoa học thần kinh Karen Konkoly từ Đại học Northwestern cho biết: “Chúng tôi kết hợp các kết quả lại với nhau bởi vì chúng tôi cảm thấy rằng sự kết hợp của các kết quả từ bốn phòng thí nghiệm khác nhau sử dụng các phương pháp tiếp cận khác nhau chứng thực một cách thuyết phục nhất về thực tế của hiện tượng giao tiếp hai chiều này”.

Bà nói thêm: "Bằng cách này, chúng tôi thấy rằng các phương tiện khác nhau có thể được sử dụng để giao tiếp”.

Các cá nhân tham gia nghiên cứu thường được đánh thức sau khi phản hồi thành công để yêu cầu họ báo cáo về những giấc mơ của họ.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học so sánh việc cố gắng giao tiếp với những người mơ sáng suốt giống như việc cố gắng liên lạc với một phi hành gia trong không gian và chính sự phản ứng tức thời đã làm cho cách tiếp cận mới này trở nên thú vị.

Nghiên cứu có thể hữu ích trong việc tìm hiểu về những giấc mơ, trí nhớ trong tương lai và tầm quan trọng của giấc ngủ đối với việc cố định ký ức tại chỗ. Nó cũng có thể hữu ích trong việc điều trị chứng rối loạn giấc ngủ, và thậm chí có thể cung cấp cho chúng ta một cách để đào tạo những gì chúng ta thấy trong giấc mơ của mình.

Các nhà nghiên cứu viết trong bài báo : "Những quan sát lặp đi lặp lại về giấc mơ tương tác, được ghi lại bởi bốn nhóm phòng thí nghiệm độc lập, chứng minh rằng các đặc điểm hiện tượng học và nhận thức của giấc mơ có thể được thẩm vấn trong thời gian thực" .

Văn Thiện

Theo Scienealert

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Chúng ta có thể giao tiếp với những người đang trong giấc mơ, theo một nghiên cứu mới