Có một cơ thể vô hình khác tồn tại song song cùng cơ thể vật lý của chúng ta?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôi đột nhiên cảm thấy đau dữ dội ở chân trái. Tôi đã cố gắng với đến nó... với cánh tay duy nhất của mình, nhưng thấy mình quá yếu, tôi đã gọi y tá và nói: “Làm ơn giúp tôi gãi ngứa ở bắp chân trái”. Người y tá trả lời: “Bắp chân trái ư? Chúng tôi đã cắt bỏ đi rồi!’’

Phần chân dưới của quân nhân Mỹ, George Dodlow, đã được cắt bỏ, nhưng anh vẫn có thể cảm nhận được nó. Cảm giác phát ra từ phần chân bị mất của anh ấy dường như là không thể, nhưng Dodlow, người bị mất một cánh tay cũng như đôi chân của anh ta trong cuộc Nội chiến, là một trong số hàng ngàn trường hợp mắc hội chứng “đau chi ma’’ (phantom limb syndrome) mà nhà thần kinh học thế kỷ XIX Weir Mitchel ghi nhận trong suốt sự nghiệp của ông. Ngày nay, một số người ước tính rằng có đến 80% bệnh nhân bị cắt cụt chi trên toàn thế giới gặp phải hiện tượng kỳ lạ này. Các cá nhân bị mất chân tay, mắt hoặc răng vẫn tiếp tục cảm nhận được cảm giác chạm thấy, nóng, lạnh và đau trên phần cơ thể không còn tồn tại của họ.

Tương tự, một số bệnh nhân bị liệt nặng phải kiểm tra y tế nghiêm ngặt nhưng dường như họ không có vấn đề gì về thể chất. Cơ bắp và mạch máu của họ tại các phần cơ thể bị liệt đó thể hiện sự bất động trong tình trạng tê liệt thông thường, nhưng các dây thần kinh tương ứng với các phần cơ thể bị liệt đó vẫn hoạt động bình thường.

Vậy hiện tượng kỳ lạ này xảy ra như thế nào? Nhiều nhà thần kinh học tin rằng với việc mất một chi, vùng não tương ứng với chi đó trở nên im lìm, khiến cơ quan thụ cảm bên cạnh kích thích ra những phản ứng như đau đớn hoặc tê liệt. Năm 1998, các giáo sư tâm lý học của Đại học Vanderbilt gồm Neeraj Jain, Sherre L. Florence và Jon H. Kaas đã thực hiện các nghiên cứu cho thấy “đau chi ma’’ có thể là do não cố gắng tự tổ chức lại sau tổn thương.

“Cho đến gần đây, hầu hết các nhà thần kinh học tin rằng não người trưởng thành là hệ thống dây thần kinh cố định và phần lớn không có khả năng tái tổ chức. Chỉ duy nhất những vùng não có liên quan đến học tập và tiếp thu kỹ năng là có thể xảy ra hiện tượng tổ chức lại. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, mọi người đã xây dựng cơ sở rằng ngay cả các khu vực cảm giác chính của não cũng có khả năng tổ chức lại để đáp ứng với các tổn thương hoặc thay đổi mô hình kích thích ngoại biên’’, các giáo sư của Đại học Vanderbilt đã viết.

Giả sử nếu chấp nhận rằng não có thể rơi vào tình trạng tái tổ chức một phần sau chấn thương như vậy, thì làm thế nào điều này giải thích những đứa trẻ được sinh ra không có chi cũng có các biểu hiện triệu chứng giống như người lớn?

Cơ thể vô hình

Một trong những giả thuyết mới nhất và gây tranh cãi nhất hiện đang được đưa ra để giải thích làm thế nào bộ não có thể tiếp tục điều chỉnh một không gian cảm giác, nơi mà chi bị mất, là có một cơ thể vô hình hoặc ‘siêu vi’ tồn tại song song cùng với cơ thể vật lý. Lý thuyết cho rằng, có một cơ thể vô hình cấu tạo từ các hạt hạ nguyên tử sắp xếp trong không gian khác cùng tồn tại song song với cơ thể vật lý của sinh vật, do vậy khi một chi bị loại bỏ trong không gian tế bào này thì nó vẫn còn nguyên vẹn ở chiều không gian khác. Tương tự như vậy, lý thuyết này cũng có thể giải thích về các trường hợp khác, ví dụ như bệnh nhân không cử động được hoặc không cảm nhận bất kỳ cảm giác nào ở chân tay, mặc dù không có dấu hiệu bệnh lý hoặc tổn thương nào ở các bộ phận cơ thể vật lý đó.

Nhưng sự tồn tại của một cơ thể khác cấu tạo từ các hạt cực nhỏ có thể là khoa học không? Nó có thể được xác định là một cơ thể phụ, trong khi không tồn tại ở không gian vật lý, mà tồn tại ở một chiều không gian khác? Mặc dù những câu hỏi này đang thu hút cảm giác tuyệt vời và trí tưởng tượng của chúng ta, nhưng điều quan trọng hơn là cần nghiên cứu để áp dụng các lý thuyết vào việc điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân. Nếu có một ‘cơ thể khác’, thì làm thế nào để chúng ta truy cập nó được?

Trong cuốn sách của mình, Phantoms in the Brain (Những bóng ma trong não bộ), Tiến sĩ V. S. Ramachandran viết về một trường hợp cánh tay ảo đã thu hút sự tò mò của công chúng. Một trong những bệnh nhân của ông đã bị cắt cụt cánh tay sau một tai nạn xe hơi, nhưng vẫn bị đau dữ dội ở nơi cánh tay bị mất trong nhiều năm. Trong phần lớn thời gian sau khi cắt bỏ cánh tay một cách đáng tiếc, bệnh nhân vẫn thường xuyên chịu những cơn đau phát ra từ cánh tay bị mất của mình - từ nơi mà cánh tay đã có trước đó đến tận cùi chỏ khuỷu tay. Theo bệnh nhân này, nguyên nhân của cơn đau dai dẳng này đã đến ngay từ lúc cánh tay của anh bị cắt bỏ. Phản ứng với việc phẫu thuật, anh đã nắm chặt bàn tay đến mức móng tay đâm vào lòng bàn tay, anh cảm thấy như bàn tay của mình mãi mãi đóng băng trong một nắm tay thật chặt.

Tìm cách để loại bỏ nỗi đau khó hiểu của bệnh nhân này, Tiến sĩ Ramachandran đã thiết kế một thiết bị có thể giúp bệnh nhân liên hệ đến cánh tay ảo của mình: một hộp hình chữ nhật nhỏ với một cặp lỗ cánh tay và gương chia thiết bị thành hai ngăn.

Tiến sỹ V.S. Ramachandran và chiếc hộp gương nguyên bản sử dụng để điều trị bệnh “đau chi ma’’. (Ảnh: Wikipedia)

Bệnh nhân sẽ đưa hai tay về phía chiếc hộp, đưa bàn tay còn nguyên vẹn về phía nó, và với sự trợ giúp của chiếc gương, anh ta có thể tưởng tượng rằng bàn tay bị cắt cụt của mình vẫn còn ở phía bên kia. Bằng cách này, với bàn tay còn nguyên vẹn mở ra rất chậm, bệnh nhân có thể cảm thấy rằng móng tay của mình cuối cùng đã nhấc khỏi lòng bàn tay bị mất.

Giữa Y học và Thần bí

Trong lý thuyết “cơ thể vô hình’’, khi một chi bị loại bỏ, quy trình phẫu thuật không ảnh hưởng đến các không gian sâu hơn. Năng lượng và các hạt hạ nguyên tử cấu tạo nên chi đó vẫn gắn liền với cá nhân và não của anh ta ở các chiều không gian khác, mặc dù chúng sẽ thích nghi và biến đổi theo yêu cầu của trạng thái cơ thể vật lý.

Mặc dù ban đầu nghe có vẻ thần bí, nhưng lý thuyết này thực sự là một vấn đề về quan điểm. Ví dụ, khi y học phương Tây quan sát thấy có chỗ viêm hoặc loét trên cơ thể bệnh nhân, thì y học cổ truyền Trung Quốc lại cho rằng có một khối năng lượng (khí) bị tắc nghẽn tại vị trí đó trên hệ thống kinh mạch cơ thể người bệnh. Mỗi hệ thống có một cách tiếp cận khác nhau để điều trị, nhưng trong cả hai trường hợp khi bệnh nhân được chữa lành, các triệu chứng đều biến mất. Mặc dù hệ thống kinh mạch trong y học Trung Quốc không thể nhìn thấy được, nhưng nó vẫn được sử dụng trong hàng ngàn năm để giải quyết nhiều vấn đề sức khỏe trong cơ thể vật lý.

Hệ thống kinh mạch theo y học Trung Hoa. (Ảnh: Wikipedia)

Mary Helen Lee, một bác sĩ Đông y ở Chicago cho biết: “trong y học Trung Quốc nếu bệnh nhân mất một bộ phận cơ thể, chi hoặc bất kỳ bộ phận giải phẫu nào của cơ thể, năng lượng của mô đó và các kinh mạch và huyệt tương ứng vẫn còn. Một phương pháp điều trị châm cứu có thể được sử dụng trên đường kinh mạch của cơ quan mất tích đó hoặc trên các chi đối diện còn lại để chữa lành cơn đau ảo’’.

Hiện tượng hội chứng đau chi ma (cơn đau ảo) gây nên sự quan tâm đặc biệt đối với bản chất thực sự của cơ thể chúng ta, sự tương tác của cơ thể với tâm trí và môi trường xung quanh. Có phải những bệnh nhân này chỉ bị một trục trặc trong não bộ, hay có một quá trình sâu thẳm hơn mà chúng ta chưa biết đến? Tương tự như vậy, các hạt hạ nguyên tử của cơ thể của chúng ta có chết đi sau khi các tế bào cơ thể tan rã không, hay chúng vẫn tồn tại trong một không gian khác mà con người chưa chạm đến được? Hay có tồn tại sự sống sau khi con người chết đi ở không gian vật lý này không?

Ánh Dương (biên dịch)

Tác giả: Leonardo Vintini
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Có một cơ thể vô hình khác tồn tại song song cùng cơ thể vật lý của chúng ta?