Con người và loài chó đã 'bén duyên' từ khi nào? 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thật thú vị khi tìm thấy người bạn cổ đại của con người: Những hài cốt 6.000 năm tuổi của chó được chôn cùng với con người được cho là ví dụ sớm nhất về việc thuần hóa chó trên Bán đảo Ả Rập.

Trong văn hóa Ấn Độ cổ đại có một tác phẩm sử thi nổi tiếng bằng tiếng phạn Mahabharata khoảng năm 400 trước Công nguyên. Phần cuối sử thi là câu chuyện về cuộc hành hương gian khổ của vua Yudisthira cùng gia đình tìm tới thiên đường. Khi đến được cổng thiên đường, những người thân đều đã chết và chỉ còn lại chú chó trung thành bên cạnh vua Yudisthira. Khi biết rằng mình không thể dẫn theo chú chó nhỏ vào thiên đường, vua Yudisthira quyết định từ chối thiên đường để tìm một nơi không xua đuổi loài chó, điều này đã làm hài lòng người giữ cổng thiên đường và cả ông cùng chú chó của mình đều được chào đón tại một vùng đất của hạnh phúc.

Khi các nhà khảo cổ học ở Ả Rập Xê Út khai quật một ngôi mộ cổ vào năm ngoái, họ đã rất ngạc nhiên khi tìm thấy hài cốt của một con chó được chôn cùng với con người khoảng 6.000 năm trước.

"Đó là một khoảnh khắc vô cùng phấn khích", nhà khảo cổ Hugh Thomas nói. "Đột nhiên, chúng tôi chợt nhận ra: Chà, có phải chúng ta có con chó thuần hóa lâu đời nhất ở Ả Rập không?"

Hugh nói rằng vị trí chôn cất cho thấy rằng con chó đã được thuần hóa. Các dấu hiệu lão hóa và viêm khớp trên xương của con chó đã chứng thực lý thuyết này bởi vì các loài động vật hoang dã sẽ không thể sống lâu như vậy.

Khi khám phá ngôi mộ, Thomas đã nghi ngờ rằng ông có thể đã tìm thấy một ví dụ lịch sử về một con chó cưng. Ông đã muốn sử dụng thử nghiệm carbon-14 để xác định niên đại của hài cốt.

Sau đó COVID-19 ập tới. Các nhà nghiên cứu thu dọn đồ đạc của họ và vội vã rời khỏi Ả Rập Xê Út, để lại một đống bằng chứng khảo cổ học.

Khi ở nhà trong vùng cách ly, Thomas bắt đầu viết một nghiên cứu về cuộc khảo sát và gửi nó để xuất bản. Các nhà xuất bản đã hỏi xem con chó đó bao nhiêu tuổi.

Những hài cốt chó 6.000 năm tuổi được chôn cùng với con người được cho là ví dụ sớm nhất về việc thuần hóa chó trên Bán đảo Ả Rập.
Những hài cốt chó 6.000 năm tuổi được chôn cùng với con người được cho là ví dụ sớm nhất về việc thuần hóa chó trên Bán đảo Ả Rập. (Ảnh: Ủy ban Hoàng gia về AlUla, Discovery và Đại học Tây Úc)

Sau đó, một mảnh xương hàm nhỏ của con chó được lấy ra và gửi đi xét nghiệm carbon-14. Hóa ra đó là con chó thuần hóa lâu đời nhất trong vùng.

Di tích 6.000 năm tuổi không phải là đột phá; một trong những tài liệu về quá trình thuần hóa chó sớm nhất là từ 14.000 năm trước ở Đức. Nhưng khám phá này đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu manh mối về cuộc sống cổ đại trong khu vực.

Nhà nghiên cứu Thomas nói: “Chiếc xương chó được xác định tuổi dựa trên phương pháp xác định niên đại C-14, đột nhiên trở thành phần chính trong câu chuyện. Câu chuyện này liên kết với sự độc đáo về nghệ thuật trên đá mà chúng tôi có trong khu vực thể hiện những con chó đã từng được sử dụng trong quá trình săn bắn của con người".

Nhóm nghiên cứu do giáo sư Thomas dẫn đầu đã kết hợp mẫu xương với các loại bằng chứng khác để hiểu rõ hơn về lịch sử. Một phần lớn của câu đố lịch sử là nghệ thuật trên đá - những bức tranh và hình khắc trên các phiến đá do con người tạo ra từ hàng nghìn năm trước.

Nhà khảo cổ học Maria Guagnin, người chuyên nghiên cứu về nghệ thuật trên đá, đã hợp tác với giáo sư Thomas để phát triển câu chuyện lịch sử xung quanh ví dụ lâu đời nhất về việc thuần hóa chó Ả Rập này.

"Luôn luôn có những cuộc tranh luận", cô nói. "Con người thực sự có bao nhiêu quyền kiểm soát đối với những con chó này? Chỉ từ những mảnh xương còn lại, bạn không thể trả lời câu hỏi đó, cũng có thể đó là một mối quan hệ khá thân thiết".

Dây xích, tác phẩm nghệ thuật trên đá cho thấy những con chó đã thực sự có thể giúp đỡ con người trong việc săn bắn và các phần khác của cuộc sống hàng ngày.

"Tất nhiên, mối quan hệ sẽ phát triển giữa những con người và những con chó", Giáo sư Thomas nói. "Giống như cách mà chúng ta có một mối quan hệ với loài chó ngày nay".

Nghiên cứu mới không chỉ hé lộ nguồn gốc của quá trình thuần hóa chó mà còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của loài vật nuôi này trong các cộng đồng thời kỳ đồ đá cũ. Chúng có thể giúp con người tìm kiếm thức ăn, bảo vệ các khu định cư và thậm chí là phục vụ mục đích tâm linh.

“Người bạn bốn chân” của con người trải qua hàng nghìn năm lịch sử, không còn là loài vật duy nhất được con người thuần hóa song cho đến nay vẫn không có loài nào thay thế được loài chó trong mối quan hệ đồng hành với con người.

Ngọc Mai

Theo NPR



BÀI CHỌN LỌC

Con người và loài chó đã 'bén duyên' từ khi nào?