Muốn cứu hành tinh: Không thể chỉ dựa vào công nghệ mới - cần thay đổi điều gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Lancaster cho biết, việc phụ thuộc quá nhiều vào các hứa hẹn về công nghệ mới để giải quyết biến đổi khí hậu đang gây ra sự chậm trễ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường.

Nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Nature Climate Change kêu gọi chấm dứt một chu kỳ dài của những lời hứa công nghệ và các mục tiêu thay đổi khí hậu bị đóng khung.

Các đề xuất công nghệ đương đại để ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm năng lượng hạt nhân nhiệt hạch, máy hút carbon khổng lồ, phục hồi băng bằng cách sử dụng hàng triệu máy bơm chạy bằng sức gió và phun các hạt vi nhỏ trong tầng bình lưu.

Tại sao dựa vào công nghệ mới không cứu được hành tinh

Các nhà nghiên cứu Duncan McLaren và Nils Markusson từ Trung tâm Môi trường Lancaster nói rằng: "Trong bốn mươi năm qua, hành động bảo vệ khí hậu đã bị trì hoãn bởi những lời hứa công nghệ. Những lời hứa đương đại cũng nguy hiểm không kém. Công việc của chúng tôi là vạch trần ra rằng những lời hứa như vậy chỉ làm tăng thêm những kỳ vọng về các lựa chọn chính sách hiệu quả hơn trong tương lai, và do đó cho phép một nền chính trị tiếp tục thịnh hành và hành động không thỏa đáng’’.

"Sự lảng tránh không nhất thiết là có chủ ý, nhưng những lời hứa như vậy có thể nuôi dưỡng ‘tham nhũng đạo đức’ có hệ thống, trong đó giới cầm quyền hiện tại được cho phép theo đuổi con đường của riêng mình, đồng thời truyền lại rủi ro cho những người dễ bị tổn thương trong tương lai và ở phía Nam của địa cầu’’.

Bài báo mô tả lịch sử của những lời hứa như vậy, chỉ ra rằng mục tiêu bao trùm của quốc tế là "tránh biến đổi khí hậu nguy hiểm" đã được giải thích đi giải thích lại nhiều lần và được thể hiện khác nhau bằng các phương pháp mô hình hóa, đưa ra các kịch bản biến đổi khí hậu và các lời hứa phát triển công nghệ mới để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Các nhà nghiên cứu lập luận rằng các mục tiêu, mô hình và công nghệ đã cùng tham gia vào phương cách cho phép trì hoãn: "Mỗi lời hứa mới không chỉ đua tranh với các ý tưởng hiện tại, mà còn hạ thấp bất kỳ ý thức cấp bách nào, cho phép trì hoãn nhiều lần thời hạn chính trị cho hành động khí hậu và làm suy yếu cam kết xã hội với các trách nhiệm có ý nghĩa’’.

Lịch sử các mục tiêu khí hậu cần đạt

Các nhà nghiên cứu lập bản đồ lịch sử của các mục tiêu khí hậu theo năm giai đoạn: "ổn định", sau đó tập trung vào "giảm phát thải phần trăm khí nhà kính", chuyển sang "nồng độ khí quyển" (tính bằng phần triệu), "ngân sách tích lũy" (tính bằng tấn carbon dioxide) và hiện tại đang là "đầu ra của nhiệt độ".

  • Trong giai đoạn đầu (tại Rio, 1992), các hứa hẹn về công nghệ bao gồm cải thiện hiệu quả năng lượng, tăng cường quy mô lớn các bể chứa carbon và năng lượng hạt nhân
  • Trong giai đoạn thứ hai xung quanh chính sách của Hội nghị thượng đỉnh Kyoto (1997) hứa hẹn tập trung vào việc cắt giảm khí thải nhà kính hiệu quả, chuyển đổi nhiên liệu và thu hồi và lưu trữ carbon (CCS).
  • Trong giai đoạn thứ ba (tại Copenhagen, 2009), CCS đã liên kết với năng lượng sinh học, trong khi chính sách tập trung vào giải quyết các vấn đề về nồng độ khí quyển.
  • Giai đoạn bốn chứng kiến sự phát triển của các mô hình ngân sách carbon toàn cầu tinh vi và sự xuất hiện của một loạt các công nghệ phát thải âm giả định.
  • Chính sách trong giai đoạn năm tập trung ngày càng nhiều vào kết quả nhiệt độ, được chính thức hóa với hiệp định Paris 2015.

Chuyển đổi đạo đức để thay đổi môi trường

Họ kết luận: "Đặt hy vọng của chúng ta chỉ vào các công nghệ mới là không khôn ngoan. Thay vào đó, chuyển đổi văn hóa, xã hội và chính trị là điều cần thiết để cho phép triển khai sự thay đổi rộng rãi cả trong các hành vi của con người và công nghệ đối với biến đổi khí hậu".

Chuyển đổi văn hóa để tác động lên xã hội và chính trị mới có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hiện tại. Muốn chuyển đổi văn hóa thì đạo đức là yếu tố đầu tiên cần được cải thiện.

Trước tiên, hãy xem xét “đạo đức” là gì. Đạo đức bao gồm các quy tắc và quy định về hành vi của con người. Tiêu chuẩn đạo đức giống như quy luật của chín hành tinh quay quanh mặt trời. Chúng cũng là quy tắc của vũ trụ đối với con người mà con người phải tuân theo. Các quy luật đó chi phối các mối quan hệ giữa con người với nhau và giữa con người với môi trường. Quan niệm của mọi người về đạo đức có thể thay đổi khi xã hội phát triển, nhưng tiêu chuẩn đạo đức là phổ quát và không thể thay đổi.

Chỉ khi con người làm mọi việc theo tiêu chuẩn đạo đức phổ quát này, văn hóa xã hội được nâng cao lên, các hành vi của con người với môi trường sẽ tốt đẹp hơn, các ý chí chính trị và phát triển công nghệ mới sẽ hướng đến thân thiện với môi trường, nếu không sẽ có vấn đề. Nhiều nền văn minh đã bị hủy diệt trong lịch sử, và những sự hủy diệt này đều liên quan đến sự xuống cấp về đạo đức của con người.

Tuy nhiên, không dễ để thay đổi quan niệm của con người. Có một câu nói của người Trung Quốc, “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.

Người cao tuổi thường nói rằng những người trẻ tuổi ngày nay không tuân thủ đạo đức như trước đây và điều này là đúng. Mặc dù đạo đức của con người đang suy giảm nhanh chóng, nhưng chúng ta vẫn chưa tuyệt vọng. Hiện nay vẫn còn có hàng trăm triệu người trên khắp thế giới đang hướng tới cuộc sống theo nguyên lý phổ quát của vũ trụ, đang nhanh chóng cải thiện tiêu chuẩn đạo đức. Lý do họ có thể thay đổi quan niệm và cải thiện tiêu chuẩn đạo đức là vì họ biết sống cuộc sống hướng nội, thiền định và luôn tìm nguyên nhân ở bên trong bản thân mình để cùng chia sẻ và phát triển tự nhiên với môi trường xung quanh.

Tất nhiên, mục tiêu cải thiện tiêu chuẩn đạo đức của con người không những chỉ để bảo vệ môi trường. Người có đạo đức cao sẽ biết được cần làm gì để phù hợp với tự nhiên. Họ sẽ biết cách đối xử với người khác và mọi thứ xung quanh. Họ chắc chắn cũng sẽ biết cách đối xử với môi trường. Có phải điều này cũng đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường?

Ánh Dương

Theo Phys.org



BÀI CHỌN LỌC

Muốn cứu hành tinh: Không thể chỉ dựa vào công nghệ mới - cần thay đổi điều gì?