Công ty Trung Quốc bán điện thoại thông minh chứa phần mềm độc hại ở châu Phi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một báo cáo của nền tảng chống gian lận Secure-D đã tiết lộ rằng nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Transsion Holdings đã bán điện thoại bị nhiễm phần mềm độc hại tại các quốc gia châu Phi...

Phần mềm độc hại được tìm thấy trong thương hiệu điện thoại Tecno chạy trên nền tảng Android của công ty. Hiện tại, Transsion Holdings đang thống lĩnh thị trường điện thoại thông minh châu Phi với thị phần khoảng 41%. Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến và sản xuất ba thương hiệu điện thoại cho thị trường châu lục này - Tecno, Itel và Infinix. Thương hiệu Tecno còn chiếm nhiều thị phần hơn cả Apple và Samsung tại đây.

Điện thoại có phần mềm độc hại

Theo báo cáo của BGR: “Bắt đầu từ tháng 3 năm 2019… Secure-D đã phát hiện và chặn một số lượng lớn giao dịch bất thường đến từ thiết bị cầm tay Transsion Tecno W2 chủ yếu ở Ai Cập, Ethiopia, Nam Phi, Cameroon và (và) Ghana, với một số hoạt động giao dịch di động gian lận tại 14 quốc gia khác… Cho đến nay, có tổng cộng 19,2 triệu giao dịch đáng ngờ - bí mật đăng ký dịch vụ mà không có sự cho phép của người dùng - đã được ghi lại từ hơn 200 nghìn thiết bị”.

Các giao dịch được kích hoạt bởi một phần mềm độc hại trên điện thoại có tên là Triada.

Theo báo cáo, Triada cài đặt một mã có tên Xhelper trên các thiết bị. Trojan Xhelper có khả năng phục hồi cao, vẫn tồn tại ngay cả sau khi xóa ứng dụng, khởi động lại máy và khôi phục cài đặt gốc. Ngay cả các chuyên gia có kinh nghiệm cũng bối rối về cách đối phó với trojan này. Đáng chú ý là chỉ có thương hiệu điện thoại Tecno bị phát hiện nhiễm phần mềm độc hại. Các thương hiệu khác của Transsion Holdings như Infinix và Itel không bị phát hiện.

Trojan Xhelper có khả năng phục hồi cao, vẫn tồn tại ngay cả sau khi xóa ứng dụng, khởi động lại và khôi phục cài đặt gốc. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình/YouTube )
Trojan Xhelper có khả năng phục hồi cao, vẫn tồn tại ngay cả sau khi xóa ứng dụng, khởi động lại và khôi phục cài đặt gốc. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình/YouTube )

Tecno Mobile tuyên bố rằng sự cố phần mềm độc hại là sự cố cũ đã được khắc phục vào tháng 3 năm 2018 và yêu cầu khách hàng tải xuống bản sửa lỗi thông qua điện thoại của họ hoặc bằng cách liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng. Transsion Holdings đổ lỗi cho “một nhà cung cấp không xác định trong chuỗi cung ứng” vì để xảy ra việc lây nhiễm phần mềm độc hại.

Đầu năm nay, một điện thoại Android khác của Trung Quốc cũng bị gắn cảnh báo vì cài sẵn phần mềm độc hại. Đó là chiếc điện thoại UMX U686CL được trao cho các gia đình có thu nhập thấp ở Mỹ thông qua một chương trình của chính phủ. Một trong những ứng dụng bị nhiễm phần mềm độc hại trông giống như một chương trình cập nhật nhưng thực sự đã cài đặt các ứng dụng khác vào thiết bị mà không cần sự đồng ý của người dùng. Một ứng dụng khác còn sử dụng các mã có các ký tự Trung Quốc. Cả hai ứng dụng này đều không thể gỡ bỏ.

Trở lại năm 2016, một nhà nghiên cứu tên là Ryan Johnson đã nhấn mạnh nguy cơ bảo mật liên quan đến điện thoại Android khi ông tiết lộ rằng gần 700 triệu thiết bị trong số này đã bị nhiễm phần mềm độc hại. Năm ngoái, Google đã viết một bài đăng trên blog đổ lỗi cho các nhà cung cấp bên thứ ba chịu trách nhiệm về những lượt cài đặt như vậy. Công ty tuyên bố rằng họ đã làm việc với các nhà sản xuất điện thoại thông minh để giải quyết vấn đề.

Các công ty Trung Quốc ở Châu Phi

Việc Tecno bị phát hiện cài đặt sẵn phần mềm độc hại chứa dữ liệu của người dùng có thể sẽ không bị các chính phủ châu Phi trừng phạt. Vấn đề sẽ được giải quyết như thể không có gì xảy ra vì Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến chính trị và các hoạt động quản lý tại châu lục này.

Việc Tecno bị phát hiện cài đặt sẵn phần mềm độc hại chứa dữ liệu người dùng có thể sẽ không bị các chính phủ châu Phi trừng phạt. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình / YouTube )
Việc Tecno bị phát hiện cài đặt sẵn phần mềm độc hại chứa dữ liệu người dùng có thể sẽ không bị các chính phủ châu Phi trừng phạt. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình / YouTube )

Nếu một vụ việc như vậy xảy ra ở Hoa Kỳ hoặc EU, các công ty Trung Quốc sẽ bị phạt rất nặng. Họ có thể sẽ bị phạt nhiều triệu USD và thậm chí buộc phải chấp nhận sự giám sát của chính phủ.

Ngoài Transsion Holdings, một số nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc khác cũng đang xâm nhập thị trường châu Phi. Nổi bật trong số đó là Huawei, với gần 4,05% thị phần tính đến năm 2018, tiếp theo là các thương hiệu như TCL, X-Tigi, Stylo,...

Văn Thiện

Theo Vision Times

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Công ty Trung Quốc bán điện thoại thông minh chứa phần mềm độc hại ở châu Phi