Covid-19 đã đạt đỉnh chưa? Còn quá sớm để nói

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế giới đã đạt đỉnh COVID-19 chưa? Đó là một câu hỏi mà các nhà khoa học đang bắt đầu đặt ra khi số liệu ca bệnh toàn cầu giảm và các nỗ lực tiêm chủng hàng loạt đang tăng tốc. Các nhà nghiên cứu cho biết, có rất nhiều biến thể mới đe dọa phá vỡ vắc-xin và khả năng miễn dịch tự nhiên còn quá sớm để chắc chắn.

Caitlin Rivers, một nhà dịch tễ học tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland, cho biết: “Bằng chứng ban đầu rất lạc quan, nhưng việc biến chủng nhanh chóng là điều rất đáng quan tâm. Có rất nhiều nơi mà khả năng miễn dịch của quần thể và tỷ lệ bao phủ vắc-xin là khá thấp, và những nơi đó sẽ vẫn dễ bị tổn thương."

Ngày 11 tháng 1 năm 2021 ghi nhận gần 740.000 trường hợp nhiễm COVID-19 mới được báo cáo trên toàn cầu (nguồn: “Sự tăng và giảm của COVID-19”). Tiếp theo 2 tuần sau đó là kỷ lục hơn 14.400 trường hợp tử vong chỉ trong một ngày. Từ đỉnh đó, các con số giảm liên tục cho đến ngày 20 tháng 2 năm 2021 có khoảng 360.000 trường hợp mắc mới và 9.500 trường hợp tử vong được ghi nhận trên toàn cầu.

Số ca mắc và tử vong giảm do các chương trình tiêm chủng được triển khai trên toàn thế giới. Theo báo cáo của các quốc gia, tính đến ngày 16 tháng 3, gần 90 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ chống lại COVID-19, và khoảng 390 triệu liều đã được tiêm.

Việc xác định xem đại dịch đã qua đỉnh điểm hay chưa là điều quan trọng để đánh giá nguy cơ bùng phát và quyết định thời điểm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Rachel Baker, một nhà dịch tễ học tại Đại học Princeton ở New Jersey, cho biết: “Đó là câu hỏi trị giá hàng triệu đô la”.

Tình hình Covid-19 ở các lục địa trên thế giới.  
Tình hình Covid-19 ở các lục địa trên thế giới. (Ảnh: ecdc)

Những quan ngại về Covid-19

Ramanan Laxminarayan, một nhà dịch tễ học tại Đại học Princeton nhưng có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ, lạc quan rằng đại dịch lên đến đỉnh điểm vào tháng Giêng. Nhưng xét về các trường hợp mắc mới và tử vong trên toàn cầu, điều tồi tệ nhất có lẽ đang ở phía sau.

Laxminarayan nghi ngờ sự sụt giảm này một phần do một số lượng lớn người đã bị nhiễm bệnh. Ông nói với ít vật chủ hơn để lây nhiễm, sự lây lan của vi rút đã chậm lại. Điều này đang xảy ra ở các khu vực đô thị dày đặc, chẳng hạn như thành phố New York và các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề, bao gồm cả Ấn Độ và Mexico. Những nơi này đã trải qua phần lớn dịch bệnh.

Còn các quốc gia khác có tỷ lệ dân số lớn hơn, dễ mắc bệnh - ví dụ, Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc - đã thành công với các biện pháp ngăn chặn và các biện pháp y tế công cộng khác, thì có khả năng tiếp tục sử dụng chúng để kiểm soát các đợt bùng phát trong tương lai.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đề nghị thận trọng khi giải thích các xu hướng toàn cầu, vì vẫn còn nhiều điểm mù trong hiểu biết về đại dịch như thời gian chống tái nhiễm, hay mô thức biển thể của vi-rút cũng như hành vi của con người trong phòng dịch và chữa bệnh.

Các ca toàn cầu đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại kể từ cuối tháng 2 năm 2021 và số ca mắc mới hàng ngày hiện đang dao động khoảng 438.000 ca.

Henrik Salje, một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh cho biết vẫn còn quá nhiều điều chưa chắc chắn để có thể nhận định đỉnh dịch đã qua.

Miễn dịch tự nhiên đối với Covid-19

Các nhà nghiên cứu lập luận rằng số ca nhiễm bệnh toàn cầu khó có thể đạt đến đỉnh như hồi tháng 1 năm 2021. Các nghiên cứu cố gắng tiết lộ quy mô lây nhiễm thực sự ở một số nơi trên thế giới.

Ở Ấn Độ, một cuộc khảo sát toàn quốc chưa được công bố với hơn 28.000 người tham gia, thực hiện vào cuối tháng 12 năm 2020 và đầu tháng 1 năm 2021 ước tính rằng 22% những người từ 10 tuổi trở lên đã bị nhiễm bệnh. Manoj Murhekar, một nhà dịch tễ học và giám đốc Viện Dịch tễ học Quốc gia ở Chennai, một trong những người tham gia công trình cho biết con số này vượt quá 40% ở các siêu đô thị như New Delhi và Mumbai.

Ông cho rằng điều này có nghĩa là Ấn Độ có thể sẽ không trở lại mức đỉnh điểm với khoảng 100.000 trường hợp mắc mới hàng ngày như hồi tháng 9 năm 2020. Nhưng hơn ba phần tư dân số vẫn dễ bị nhiễm bệnh. Nghĩa lài Ấn Độ “không nên tự mãn và chủ quan”.

Hiệu ứng PHONG TỎA do Covid-19

Ở những nơi khác trên thế giới, dân số không đạt đến mức miễn nhiễm tự nhiên như ở các siêu đô thị của Ấn Độ. Sự sụt giảm các trường hợp nhiễm bệnh kể từ cuối tháng 1 là nhờ vào việc giãn cách xã hội hoặc phong tỏa.

Ví dụ, một phân tích tổng hợp các nghiên cứu về kháng thể, được công bố trên The Lancet Global Health vào ngày 8 tháng 3, cho thấy Ấn Độ có tỷ lệ phổ biến kháng thể cao nhất - với khoảng 20% những người xét nghiệm dương tính với kháng thể chống lại SARS-CoV-2 - trọng khi đó ước tính chỉ đạt 7% ở châu Mỹ, 5% ở châu Âu và 2% ở các quốc gia Tây Thái Bình Dương.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo, nếu những người ở các vùng có tỷ lệ nhiễm bệnh tương đối thấp bắt đầu hòa trộn trở lại khi các lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, các ca bệnh có thể bắt đầu gia tăng.

Và những gì xảy ra ở Hoa Kỳ - nơi chiếm gần một phần tư tổng số các trường hợp COVID-19 được ghi nhận trên toàn thế giới cho đến nay - sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến quỹ đạo toàn cầu. Mặc dù phần dân số Hoa Kỳ được xét nghiệm dương tính với kháng thể thấp hơn ở Ấn Độ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, ở một số bang, hơn một phần tư số người được xét nghiệm có kháng thể chống lại virus vào cuối tháng 1 năm 2021.

Sự sụt giảm ở nhiều nơi có thể là hiệu quả của việc giãn cách, phong tỏa, cách ly, hoặc do tác động của các kỳ nghỉ lễ vào tháng 11 và tháng 12. Khi một số bang dỡ bỏ các lệnh hạn chế, mọi người có thể bắt đầu giao lưu trở lại, và việc lây nhiễm có thể lại leo thang.

Sebastian Funk, nhà dịch tễ học tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London, cho biết tình trạng này đang diễn ra ở Vương quốc Anh và các khu vực của châu Âu, những nơi đang mở cửa trở lại.

Một ẩn số khác là khả năng miễn dịch - từ tiêm chủng hoặc từng bị nhiễm bệnh - sẽ tồn tại trong bao lâu? Nếu việc miễn dịch chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, có thể xảy ra các đợt bùng phát lớn hơn trong những tháng, năm tới.

Chạy đua với thời gian về các biến thể của Covid-19

Các biến thể mới nổi của virus là một điểm mù khác. Số ca bệnh ở Vương quốc Anh theo sau sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng cùng với sự biến thể của B.1.1.7.

Các nhà nghiên cứu quan ngại một số quốc gia châu Âu có nguy cơ cao xảy ra những đợt bùng phát trở lại như những gì đã diễn ra ở Anh vào cuối năm ngoái. Có vẻ Italia đang hứng chịu điều này khi các ca nhiễm bệnh đang tăng trở lại.

Ở những nơi khác, điều này có thể đã xảy ra. Có một số dấu hiệu cho thấy một biến thể có tên là P.1 đang càn quét Bra-xin. Các ca lây nhiễm liên tục gia tăng trên khắp lãnh thổ Bra-xin. Quốc gia này có thể là ví dụ báo trước một quỹ đạo đáng ngại cho các khu vực khác trên toàn cầu. Một nhà khoa học cho rằng các biến thể nguy hiểm vẫn chưa lan rộng khắp thế giới.

Chúng ta đang ở trong cuộc chạy đua với thời gian này. Liệu chúng ta có thể tiêm chủng cho mọi người đủ nhanh để có thể tránh được đỉnh điểm trong tương lai từ những biến thể dễ lây truyền hơn này không? Còn quá sớm để nói.

Lê Na

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Covid-19 đã đạt đỉnh chưa? Còn quá sớm để nói