Đại dịch đầu tiên của lịch sử và thiên tai đã làm sụp đổ nền kinh tế vào thế kỷ thứ VI ở châu Âu: theo khảo cổ học

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhóm các nhà khảo cổ học từ Đại học Bar-Ilan và Đại học Haifa, Israel đã phát hiện ra bằng chứng mới và thuyết phục cho sự suy thoái kinh tế đáng kể ở vùng ngoại ô của Đế quốc Byzantine (Đế quốc Đông La mã) sau hậu quả của đại dịch bệnh vào giữa thế kỷ thứ VI. 

Nghiên cứu tái hiện sự lên xuống của nghề trồng nho thương mại ở giữa sa mạc Negev khô cằn của Israel bằng cách sử dụng bằng chứng về cuộc sống trong thời kỳ đó được tìm thấy ở một nơi không ngờ tới, đó là: các bãi hạt giống phế liệu.

Thảm họa kép núi lửa phun trào và đại dịch bệnh

Trong khi các quốc gia hiện nay đang vật lộn với đại dịch COVID-19, nhiều nhà nghiên cứu đã tham khảo quá khứ về các tiền lệ lịch sử dịch bệnh như bệnh cúm Tây Ban Nha năm 1918 và Bệnh dịch hạch đen của thế kỷ 14. Làn sóng dịch bệnh đầu tiên được chứng thực trong lịch sử được gọi là Bệnh dịch hạch đen (do vi khuẩn Yersinia pestis) gây ra lan rộng khắp Đế quốc Byzantine vào năm 541 sau Công nguyên.

Được biết đến với cái tên Đại dịch hạch Justinian Plague, sau khi hoàng đế Justinian mắc bệnh nhưng qua khỏi, đã gây ra tỷ lệ tử vong cao và đã gây ra một loạt các hiệu ứng kinh tế xã hội. Cùng thời gian đó, một thảm họa thiên nhiên khủng khiếp là vụ phun trào núi lửa khổng lồ vào cuối năm 535 hoặc đầu năm 536 AD đã đánh dấu sự khởi đầu của thập kỷ lạnh nhất trong 2000 năm qua (biến đổi khí hậu do bụi tro của vụ núi lửa phun trào). Một núi lửa khác có tỷ lệ tương tự cũng đã lại phun trào vào năm 539 AD.

Tuy nhiên, các học giả không thống nhất đánh giá về mức độ lan rộng và tàn phá của dịch bệnh giữa thế kỷ thứ VI và biến đổi khí hậu. Cuộc tranh luận mang tính học thuật này không có gì đáng ngạc nhiên, vì ngay cả ngày nay, các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới cũng có các đánh giá khác nhau về mức độ nghiêm trọng và phản ứng chính xác đối với COVID-19, chưa kể đến biến đổi khí hậu. Một lý do là khi nói đến bệnh dịch cổ thì các báo cáo cổ đại có xu hướng phóng đại hoặc đánh giá thấp các thiệt hại về kinh tế của con người, trong khi các bằng chứng khảo cổ về tác động kinh tế và xã hội của bệnh dịch hạch rất khó tìm thấy.

Bằng chứng về suy thoái kinh tế qua ngành trồng nho thương mại

Gần đây, một nhóm các nhà khảo cổ Israel đã phát hiện ra bằng chứng mới và thuyết phục cho một cuộc suy thoái kinh tế đáng kể ở vùng ngoại ô của Đế quốc Byzantine sau hậu quả của một đại dịch lớn vào giữa thế kỷ thứ VI sau Công nguyên. Nghiên cứu, được công bố gần đây trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc Hoa Kỳ(PNAS), tái hiện sự trỗi dậy và sụp đổ của nghề trồng nho thương mại ở giữa sa mạc Negev khô cằn của Israel.

Daniel Fuks, một nghiên cứu sinh tiến sĩ của Khoa Martin (Szusz) về Nghiên cứu và Khảo cổ học Vùng đất Israel tại Đại học Bar-Ilan, dẫn đầu nghiên cứu với tư cách là nhà nghiên cứu trong Phòng thí nghiệm Cổ thực vật học của Giáo sư Ehud Weiss, và là thành viên nhóm của Chương trình Nghiên cứu Khảo cổ Sinh học Negev Byzantine, Khủng hoảng Dự trữ của Đế quốc Byzantine, đứng đầu là Giáo sư Guy Bar-Oz của Đại học Haifa. Dự án này tìm cách khám phá khi nào và tại sao khu định cư nông nghiệp của Cao nguyên Negev bị bỏ hoang.

Nông nghiệp ở sa mạc khô cằn này đã được thực hiện thông qua việc canh tác bằng nước mưa đạt đến đỉnh cao vào thời Byzantine, như đã thấy ở các địa điểm như Elusa, Shivta và Nessana. Tại các địa điểm của Cao nguyên Negev ngày nay, tàn tích của các kiến trúc đá cổ đại được xây dựng kiên cố chứng minh một thời vinh quang trước đây của họ, nhưng nhóm của giáo sư Bar-Oz, được hướng dẫn bởi các nhà khảo cổ học từ Cơ quan Cổ vật Israel (IAA), Tiến sĩ Yotam Tepper và Tiến sĩ Tali Erickson-Gini, đã phát hiện ra nhiều bằng chứng thuyết phục hơn về cuộc sống trong khoảng thời gian đó ở một nơi không ngờ tới: bãi phế liệu. Giáo sư Bar-Oz giải thích: "Thùng rác của bạn nói rất nhiều về bạn. Trong các bãi phế liệu cổ xưa của người Negev, là một bản ghi chép về cuộc sống hàng ngày của cư dân dưới dạng các xác thực vật, xác động vật, vỏ gốm và các vật dụng khác’’. "Trong dự án Khủng hoảng Dự trữ, chúng tôi đã khai quật những gò đất này để khám phá hoạt động của con người thông qua các bãi phế liệu, nơi chứa đựng những vật thể kể cả ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ cũng như trong thời kỳ suy thoái".

Nghiên cứu về hạt giống được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ học là một phần của lĩnh vực được gọi là Cổ thực vật học (Cổ sinh thái học). Phòng thí nghiệm Cổ thực vật học của Đại học Bar-Ilan, trong đó phần lớn nghiên cứu này được thực hiện là phòng thí nghiệm duy nhất ở Israel dành riêng cho việc xác định hạt và trái cây cổ đại.

Giáo sư Ehud Weiss, người đứng đầu phòng thí nghiệm, giải thích rằng nhiệm vụ của khảo cổ học là "chui vào phòng đựng thức ăn", trong trường hợp này là bãi phế liệu của người cổ đại và nghiên cứu sự tương tác của con người thời cổ đại với ngành nông nghiệp trồng trọt thực vật. Cổ thực vật học tái hiện lại nền kinh tế, môi trường và văn hóa cổ đại, tuy nhiên đó không phải là công việc dễ dàng.

Các mẫu trầm tích vô tận phải được phân loại thành từng loại hạt, tìm kiếm hạt giống, xác định chúng và đếm từng hạt. Trong nghiên cứu hiện tại, gần 10.000 hạt nho, lúa mì và lúa mạch đã được lấy ra và đếm từ 11 bãi thực vật phế liệu tại ba địa điểm. "Xác định hạt giống và trái cây là một khả năng độc đáo của phòng thí nghiệm của chúng tôi", Weiss nói, "và nó dựa vào Bộ sưu tập Hạt giống và Trái cây Quốc gia của Israel được tập hợp trong phòng thí nghiệm của chúng tôi và nhiều năm kinh nghiệm trong việc thu hồi, xử lý và phân tích thực vật vẫn còn được lưu giữ từ các địa điểm của tất cả các thời kỳ trong khảo cổ học Israel".

Một trong những quan sát đầu tiên của các nhà nghiên cứu là số lượng hạt nho giống cao trong các bãi phế liệu cổ xưa. Điều này rất phù hợp với đề xuất của các học giả trước đây rằng Negev có liên quan đến nghề trồng nho xuất khẩu. Văn học Byzantine luôn ca ngợi “rượu vang Gaza’’ hay vinum Gazetum là một loại rượu vang trắng ngọt ngào được xuất khẩu từ cảng Gaza trên khắp Địa Trung Hải và thế giới. Rượu này thường được vận chuyển trong một loại bình gốm 2 quai (amphora) được gọi là bình Gaza, hoặc bình rượu Gaza, cũng được tìm thấy trong các địa điểm khai quật trên khắp Địa Trung Hải. Trong các bãi phế liệu của vùng Byzantine Negev, những chiếc bình Gaza này xuất hiện với số lượng lớn.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Daniel Fuks, Đại học Bar-Ilan, đã tìm cách xác định liệu có bất kỳ xu hướng thú vị nào trong tần suất tương đối về sự biến động của ngành trồng nho trong các bãi phế liệu thực vật này không. Trong một cuộc nói chuyện do TED tổ chức năm ngoái, Bet Avichai nói: "Hãy tưởng tượng bạn là một nông dân cổ xưa với một mảnh đất để nuôi gia đình. Trên hầu hết các diện tích của mảnh đất, bạn trồng ngũ cốc như lúa mì và lúa mạch vì đó là cách bạn đảm bảo bánh mì (lương thực) cho gia đình. Một phần đất nhỏ khác bạn trồng một vườn nho và các loại cây trồng khác như cây họ đậu, rau và cây ăn quả, cho nhu cầu của gia đình bạn. Nhưng một ngày, bạn nhận ra rằng bạn có thể bán rượu vang tuyệt vời mà bạn sản xuất để xuất khẩu và kiếm đủ tiền mặt để mua bánh mì và nhiều thứ khác. Từng chút một, bạn mở rộng vườn nho của mình và chuyển từ nghề nông nghiệp trồng trọt sang trồng nho thương mại. Nếu chúng ta nhìn vào các bãi phế liệu thực vật và đếm số hạt giống, chúng ta sẽ phát hiện ra sự gia tăng tỷ lệ trồng nho thương mại đối với các loại ngũ cốc. Và đây chính xác là những gì chúng tôi đã khám phá: Sự gia tăng đáng kể tỷ lệ giữa ngành trồng nho thương mại so với các loại ngũ cốc giữa thế kỷ thứ IV đến giữa thế kỷ thứ VI. Sau đó, đột nhiên, nó giảm xuống một cách rất đột ngột".

Trong khi đó, Fuks và Tiến sĩ Tali Erickson-Gini, một chuyên gia về gốm Negev cổ đại, đã đưa nó lên một tầm cao mới. Họ đã kiểm tra xem liệu có xu hướng tương tự về tỷ lệ bình rượu Gaza so với bình rượu hình túi hay không, loại bình rượu hình túi thì ít phù hợp hơn với vận chuyển bằng lạc đà từ Cao nguyên Negev đến cảng tại Gaza. Thật vậy, sự gia tăng và bắt đầu suy giảm của các bình Gaza đã phù hợp với sự tăng giảm của ngành trồng nho thương mại.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng quy mô thương mại của nghề trồng nho ở Negev, như được thấy trong các tỷ lệ tăng giá nho, được kết nối với thương mại vùng Địa Trung Hải, được chứng thực bởi các tỷ lệ bình Gaza. Nói cách khác, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một bằng chứng khảo cổ học mới cho một nền kinh tế thương mại quốc tế từ khoảng 1.500 năm trước.

Bài học cho đại dịch bệnh hiện nay

Giống như ngày nay, tình hình kinh tế đã mang lại sự thịnh vượng chưa từng thấy, nhưng cũng dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc. Vào giữa thế kỷ thứ VI, có một vài cú sốc như vậy có thể giải thích cho sự suy giảm nền kinh tế. Một trong số đó là bệnh dịch hạch Justinianic, nơi có số người chết cao ở Byzantium và các bộ phận khác của đế chế. Trong bài báo, các tác giả giải thích rằng "thị trường đối với các sản phẩm Gaza trong thời gian dịch bệnh đã gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Negev, ngay cả khi giao dịch tại Gaza gần đó có thể tiếp tục ... Nếu bệnh dịch đã xảy ra với Negev, nó cũng có thể gây hại cho năng lực sản xuất và cung ứng nông sản nói chung của địa phương bằng cách gây ra tình trạng thiếu lao động nông nghiệp".

Một cú sốc khác trong thời kỳ đó là một vụ phun trào núi lửa có tỷ lệ toàn cầu vào cuối năm 535/đầu năm 536 AD, bụi và tro núi lửa đã bao phủ bầu khí quyển của Bắc bán cầu và gây ra sự băng giá toàn cầu kéo dài hàng thập kỷ (một vụ phun trào khác có cường độ tương tự xảy ra vào năm 539 AD). Điều này dẫn đến hạn hán ở châu Âu, nhưng có thể đã tăng lượng mưa, có thể bao gồm lũ quét cường độ cao, ở miền nam Levant, gây bất lợi cho nông nghiệp địa phương.

Nhiệm vụ vô tận trong việc phân loại và đếm hạt giống có vẻ không thú vị nhất, nhưng nghiên cứu về cổ thực vật học là sáng tạo và có ảnh hưởng, đồng thời chứng minh sự khéo léo và sâu sắc liên quan đến tương tác của người cổ đại với thực vật. Guy Bar-Oz, thuộc Đại học Haifa, tuyên bố: "Việc phát hiện sự trỗi dậy và sụp đổ của nghề trồng nho thương mại ở Byzantine Negev hỗ trợ các bằng chứng gần đây được khai quật bởi dự án "Khủng hoảng Dự trữ" đối với việc mở rộng nông nghiệp và định cư trong thế kỷ thứ V đến sự suy giảm vào giữa thế kỷ thứ VI. Dường như khu định cư nông nghiệp ở Cao nguyên Negev đã chịu một cú đánh mạnh đến nỗi nó không hồi sinh được cho đến tận ngày nay. Đáng kể, sự suy giảm đã diễn ra gần một thế kỷ trước cuộc chinh phục của Hồi giáo vào giữa thế kỷ thứ VII".

Hai trong số những tác nhân có khả năng nhất gây ra sự sụp đổ giữa thế kỷ thứ VI là sự biến khí hậu do núi lửa phun trào và dịch bệnh, đã tiết lộ những lỗ hổng cố hữu trong các hệ thống kinh tế chính trị, vào thời gian đó cũng như thời hiện tại. "Sự khác biệt là Byzantines đã không thấy được các sự kiện sẽ xảy ra", Fuks giải thích. "Chúng ta thực sự có thể chuẩn bị cho đợt bùng phát dịch bệnh tiếp theo hoặc hậu quả sắp xảy ra của biến đổi khí hậu do các thảm họa thiên nhiên gây ra. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có đủ khôn ngoan để đối phó với những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai hay không?"

Ánh Dương

Theo Physic.org



BÀI CHỌN LỌC

Đại dịch đầu tiên của lịch sử và thiên tai đã làm sụp đổ nền kinh tế vào thế kỷ thứ VI ở châu Âu: theo khảo cổ học