DARPA lo ngại trường điện từ trong buồng lái máy bay có thể gây hại cho phi công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các phi công có bị ảnh hưởng bởi tần số vô tuyến và trường điện từ phát ra từ tất cả các thiết bị điện tử công suất lớn trên máy bay không? Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Lầu Năm Góc lo ngại rằng trường điện từ có thể khiến các phi công mất phương hướng và làm rơi máy bay.

Theo Forbes, một dự án nghiên cứu DARPA mới cảnh báo: “Buồng lái của phi công trên máy bay hiện nay tràn ngập tiếng ồn tần số vô tuyến (RF) phát ra từ máy phát sóng trên tàu, các dụng cụ kết nối thông tin liên lạc và thiết bị điện tử điều hướng, bao gồm trường điện từ mạnh (EM) từ tai nghe và thiết bị công nghệ theo dõi gắn trên mũ bảo hiểm. Các phi công thường báo cáo những khó khăn về hiệu suất nhận thức trong khi bay và từ năm 1993 đến năm 2013. Tình trạng mất phương hướng trên không trung của các phi công thuộc Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã gây ra 72 vụ tai nạn cấp độ A, khiến 101 người chết và 65 máy bay bị rơi”.

Quân đội Mỹ lo ngại rằng một số vụ tai nạn này có thể do trường điện từ gây ra. Nhưng hiện tại không có cách nào để chắc chắn giả thuyết đó.

DARPA cho biết: “Đã có giả thuyết rằng các trường RF và EM trong buồng lái có thể ảnh hưởng đến hiệu suất nhận thức của phi công ... Tuy nhiên, các trường này hiện vẫn chưa được giám sát, người ta đã thực hiện rất ít nỗ lực để che chắn phi công khỏi chúng và tác động tiềm tàng của chúng đối với nhận thức vẫn chưa được đánh giá”.

Trong vòng 2 năm, DARPA đã thực hiện dự án có tên Tác động của điện từ buồng lái lên thần kinh phi hành đoàn (ICEMAN). Một nghiên cứu trước đây của DARPA đã phát hiện ra rằng “não người cảm nhận từ trường, giống như việc động vật sử dụng từ trường để điều hướng và quá trình này có thể bị 'làm nhiễu' (tức là bị gián đoạn) bởi sóng vô tuyến (RF), tác động đến sóng não và hành vi. Hơn nữa, những phát hiện gần đây cho thấy ngay cả trường RF yếu và từ trường có 'cường độ Trái đất' cũng có những tác động có thể đo lường được”.

DARPA lưu ý rằng “các tai nghe âm thanh chiến thuật hiện nay có từ trường có thể lớn bằng 10 lần cường độ từ trường Trái đất”.

Giai đoạn I của ICEMAN sẽ xác định tần số vô tuyến và nhiễu trường điện từ trong buồng lái. Trong giai đoạn II, dự án sẽ xem xét ảnh hưởng của nhiễu RF và EM trên cơ thể con người. Các nhà nghiên cứu sẽ được yêu cầu thiết kế các cảm biến để đo lường các tác động này và tìm cách giảm thiểu chúng.

DARPA tuyên bố rõ ràng rằng vấn đề này ảnh hưởng đến các phi công lái máy bay thương mại cũng như quân sự: “Nếu nỗ lực nghiên cứu và phát triển này cho thấy những tác động tiêu cực của môi trường EM/RF trong buồng lái đối với chức năng nhận thức của con người hoặc hiệu suất của cảm biến sinh lý, thì việc này kỳ vọng sẽ tạo ra sự quan tâm từ ngành hàng không thương mại cũng như trong các ngành khác mà con người phải tiếp xúc với EM/RF”.

Trên thực tế, Lầu Năm Góc mong muốn các nhà khoa học khám phá vấn đề này để áp dụng cho thiết bị thương mại hơn là quân sự. Mặc dù cơ quan này sẽ không cung cấp cho các nhà nghiên cứu bất kỳ thiết bị nào của chính phủ để thử nghiệm, họ vẫn khuyến nghị các nhà khoa học “nên xem xét các máy bay thương mại tiêu biểu (chẳng hạn như những máy bay có radar thời tiết, hệ thống điện tử hàng không điển hình và mũ bảo hiểm hoặc tai nghe kiểu quân sự)”.

Từ lâu đã có những lo ngại rằng các phi công đang phải đối mặt với các mối nguy hại từ môi trường. Một số là bức xạ tự nhiên, chẳng hạn như tia cực tím từ Mặt trời xuyên qua cửa sổ buồng lái. Một số phi công chiến đấu Mỹ cũng tin rằng bức xạ từ các radar mạnh trên máy bay cũng góp phần làm tăng số ca ung thư trong hàng ngũ của họ.

Nhưng điều quan trọng về dự án mới của DARPA là thủ phạm gây hại cho phi công bị nghi ngờ không chỉ là radar công suất cao nữa. Phi công của các máy bay tiên tiến, chẳng hạn như máy bay chiến đấu tàng hình F-35, được bao bọc trong một tổ hợp thiết bị điện tử với các cảm biến mạnh mẽ, màn hình nghe nhìn và mũ bảo hiểm công nghệ cao.

Và không chỉ các phi công Mỹ: các phi công châu Âu, Nga, Israel và các phi công máy bay tiên tiến khác cũng sử dụng công nghệ này - và phải đối mặt với khả năng phơi nhiễm bức xạ nguy hiểm.

Văn Thiện

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

DARPA lo ngại trường điện từ trong buồng lái máy bay có thể gây hại cho phi công