Dấu hiệu điện thoại bị nhiễm virus và một số cách đối phó

Giúp NTDVN sửa lỗi

Rất có thể tại một thời điểm nào đó, chúng ta đã cài đặt phần mềm độc hại (virus) vào điện thoại của mình mà không biết. Sau đây là một số cách phát hiện, xử lý và hạn chế khả năng lây nhiễm virus.

Hiện nay, gần 84% dân số thế giới đang sở hữu điện thoại thông minh. Cuộc sống của chúng ta ngày càng phụ thuộc vào chúng. Những thiết bị này đã trở thành một con đường hấp dẫn cho tin tặc tấn công.

Năm ngoái, công ty an ninh mạng Kaspersky đã phát hiện gần 3,5 triệu cuộc tấn công độc hại vào người dùng điện thoại di động. Các tin nhắn hoặc email rác thường sẽ chứa virus, một loại phần mềm độc hại (malware).

Theo một báo cáo toàn cầu do công ty tư nhân Zimperium ủy quyền, hơn 1/5 thiết bị di động có chứa các phần mềm độc hại. Và cứ 10 điện thoại di động trên toàn thế giới thì có 4 chiếc dễ bị tấn công mạng.

Điện thoại bị lây nhiễm virus như thế nào?

Giống như máy tính cá nhân, điện thoại có thể bị xâm nhập bởi các phần mềm độc hại.

Ví dụ, virus Hummingbad đã lây nhiễm cho 10 triệu thiết bị Android trong vòng vài tháng kể từ khi nó được tạo ra vào năm 2016 và khiến 85 triệu thiết bị gặp nguy hiểm.

Thông thường, virus điện thoại hoạt động giống như virus máy tính: mã độc lây nhiễm vào thiết bị, tự sao chép và lây lan sang các thiết bị khác bằng cách tự động nhắn tin cho những người khác trong danh bạ lưu trên điện thoại hoặc tự động chuyển tiếp dưới dạng email.

Virus có thể hạn chế chức năng của điện thoại, gửi thông tin cá nhân của bạn cho tin tặc, gửi tin nhắn rác cho các địa chỉ trong danh bạ của bạn để tạo ra các liên kết với phần mềm độc hại. Nó cũng cho phép tin tặc “theo dõi” bạn bằng cách chụp màn hình điện thoại của bạn, đọc các ký tự từ bàn phím mà bạn gõ vào; cũng như theo dõi vị trí địa lý của bạn.

Tại Úc, Scamwatch đã nhận được 16.000 báo cáo về virus Flubot chỉ trong 8 tuần vào năm 2021. Loại virus này gửi tin nhắn tới người dùng Android và iPhone có liên kết đến phần mềm độc hại. Việc nhấp vào các liên kết có thể dẫn đến một ứng dụng độc hại được tải xuống điện thoại của bạn, cho phép tin tặc truy cập vào thông tin cá nhân của bạn.

Những tin tặc đã phát tán Flubot thường xuyên thay đổi quốc gia mà chúng muốn tấn công. Theo công ty an ninh mạng Bitdefender, những kẻ phát tán FluBot đã nhắm mục tiêu đến Úc, Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha, Áo và các quốc gia châu Âu khác trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 12 năm 2021 đến ngày 2 tháng 1 năm nay.

Apple hay Android có bảo mật hơn không?

Điện thoại của Apple thường được coi là an toàn hơn trước virus so với các thiết bị Android, nhưng chúng vẫn gặp rủi ro.
Điện thoại của Apple thường được coi là an toàn hơn trước virus so với các thiết bị Android, nhưng chúng vẫn gặp rủi ro. (Ảnh: Mohamad_Hasan/Pixabay)

Mặc dù các thiết bị của Apple thường được coi là an toàn hơn Android và ít bị virus tấn công hơn, nhưng những người dùng iPhone “bẻ khóa” hoặc sửa đổi điện thoại của họ lại tự mở ra các lỗ hổng bảo mật.

Tương tự, người dùng Android cài đặt ứng dụng từ bên ngoài ứng dụng Google Play sẽ làm tăng nguy cơ cài đặt phần mềm độc hại. Tất cả người dùng điện thoại nên cảnh giác vì cả Apple và Android đều dễ bị ảnh hưởng bởi các rủi ro bảo mật.

Có nhiều người nói rằng, điện thoại thường được bảo vệ chống lại virus tốt hơn so với máy tính cá nhân. Điều này là do phần mềm thường được cài đặt thông qua các ứng dụng được ủy quyền (mặc dù một số ứng dụng độc hại đôi khi có thể lọt qua các bản crack).

Ngoài ra, so với máy tính, điện thoại an toàn hơn vì các ứng dụng thường được bảo vệ trong môi trường cô lập của riêng chúng - không thể truy cập hoặc can thiệp vào các ứng dụng khác. Điều này làm giảm nguy cơ lây nhiễm hoặc nhiễm chéo từ phần mềm độc hại. Tuy nhiên, không có thiết bị nào hoàn toàn miễn nhiễm.

Các dấu hiệu cảnh báo điện thoại lây nhiễm virus

Mặc dù không phải lúc nào cũng dễ dàng biết được điện thoại của mình có bị nhiễm virus hay không, nhưng nếu có thì nó sẽ biểu hiện một số hành vi bất thường.

Một số dấu hiệu cần chú ý bao gồm:

  • hiệu suất kém, chẳng hạn như các ứng dụng chậm hơn bình thường khi mở hoặc bị lỗi ngẫu nhiên
  • tiêu hao pin quá mức (do phần mềm độc hại liên tục hoạt động)
  • hạn mức dữ liệu sụt giảm nhanh
  • các khoản phí thanh toán không giải thích được (có thể bao gồm phí sử dụng dữ liệu tăng do phần mềm độc hại tiêu tốn dữ liệu)
  • pop-ups bất thường (một cửa sổ tự động hiện ra mà bạn ko hề bấm click) ; và
  • thiết bị quá nóng đột ngột.

Nếu có nghi ngờ virus đã lây nhiễm vào thiết bị của mình, bạn có thể thực hiện một số bước. Trước tiên, để ngăn chặn thiệt hại thêm, bạn cần phải xóa phần mềm độc hại. Dưới đây là một số bước khắc phục sự cố đơn giản:

  1. Sử dụng một ứng dụng chống virus đáng tin cậy để quét điện thoại để phát hiện virus. Một số nhà cung cấp có uy tín cung cấp dịch vụ bảo vệ trả phí và miễn phí bao gồm Avast, AVG, Bitdefender, McAfee hoặc Norton.
  2. Xóa bộ nhớ và bộ nhớ cache của điện thoại (trong thiết bị Android) hoặc lịch sử duyệt web và dữ liệu trang web (trong thiết bị Apple).
  3. Khởi động lại iPhone hoặc khởi động lại điện thoại Android để chuyển sang chế độ an toàn - đây là một tính năng trên Android ngăn các ứng dụng của bên thứ ba hoạt động khi nó được đặt ở chế độ bật.
  4. Xóa mọi ứng dụng đáng ngờ hoặc không quen thuộc đã tải xuống và nếu bạn là người dùng Android, tắt chế độ an toàn sau khi các ứng dụng bị xóa.

Phương án cuối cùng là sao lưu tất cả dữ liệu và thực hiện khôi phục cài đặt gốc trên điện thoại. Đặt lại điện thoại về cài đặt gốc sẽ loại bỏ mọi phần mềm độc hại.

Bảo vệ điện thoại khỏi bị nhiễm virus

Bên trên là các hướng dẫn để sửa điện thoại khi nghi ngờ nhiễm virus, điều quan trọng là phải bảo vệ nó khỏi virus trong tương lai và các rủi ro bảo mật khác. Các ứng dụng bảo mật di động được đề cập ở trên sẽ giúp bạn điều này. Nhưng bạn cũng có thể:

  • tránh nhấp vào cửa sổ bật lên bất thường hoặc liên kết trong các tin nhắn, bài đăng hoặc email bất thường trên mạng xã hội
  • chỉ cài đặt ứng dụng từ các ứng dụng được ủy quyền, chẳng hạn như Google Play hoặc App Store của Apple
  • tránh cài đặt các phần mềm bẻ khóa hoặc hiệu chỉnh bất thường điện thoại
  • kiểm tra các quyền của ứng dụng trước khi cài đặt, để bạn biết ứng dụng sẽ truy cập những gì (thay vì tin tưởng vào nó một cách mù quáng)
  • sao lưu dữ liệu thường xuyên; và
  • luôn cập nhật phần mềm điện thoại lên phiên bản mới nhất (sẽ có các bản vá bảo mật mới nhất).

Liên tục theo dõi điện thoại để phát hiện virus và các hoạt động đáng ngờ. Nếu điều gì đó nghe có vẻ quá tốt và miễn phí được gửi tới điện thoại của bạn, thì nó có thể là vấn đề.

Theo The Conversation

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Dấu hiệu điện thoại bị nhiễm virus và một số cách đối phó