Điều bí ẩn gì khiến nhà phát minh “ô tô chạy bằng nước” chết bất thường?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thời điểm cả thế giới hướng về cuộc chiến tại Ukraine và nền kinh tế toàn cầu đang phải chịu mức giá xăng dầu tăng cao chóng mặt, thì câu chuyện về Stanley Meyer lại khơi gợi nhiều vấn đề. Đặc biệt khi ông qua đời vào năm 1998 trong hoàn cảnh bí ẩn sau khi ý tưởng về “pin nhiên liệu nước” của ông bị bác bỏ. Cho đến ngày nay, có rất nhiều giả thuyết đằng sau cái chết bí ẩn của ông.

Biến cố khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất

Những ngày đầu tháng 5 này, giá xăng tại Mỹ lập kỷ lục mới khi chạm mức 4,37 USD/gallon, tương đương 1,15 USD/lít. Người tiêu dùng hiện phải trả ít nhất gấp đôi để mua xăng sau khi Mỹ tuyên bố cấm vận năng lượng nhập khẩu từ Nga. Tại châu Âu vốn phụ thuộc dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, các lệnh trừng phạt đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng, khiến chi phí của hộ gia đình và doanh nghiệp tại lục địa này tăng phi mã.

Có thể nói mỗi cuộc khủng hoảng dầu khí trong nửa thế kỷ qua đều gắn liền với các cuộc xung đột, chiến tranh, biến động chính trị và suy thoái kinh tế.

Khủng hoảng tại Ukraine đã gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng vào năm 1973, khi các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định cắt ngừng cung nhiên liệu sang Mỹ, Nhật và Tây Âu, nhằm trừng phạt các nước này đã ủng hộ đồng minh Israel trong cuộc xung đột giữa Israel và liên quân Ai Cập - Syria.

Lượng dầu bị cắt giảm khi ấy tương đương với 7% sản lượng của cả thế giới thời kỳ đó. Sự kiện này đã khiến giá dầu thế giới tăng cao đột ngột và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1975 trên quy mô toàn cầu. Ngày 16/10/1973, giá dầu từ 3,01 USD nhảy lên 5,11 USD/thùng, và tăng đến gần 12 USD vào giữa 1974.

Đây được xem là cơn khủng hoảng đáng nhớ nhất trong thập niên 1970. Những ai từng trải qua "cơn khủng hoảng dầu Trung Đông" sẽ không thể nào quên cảnh hàng người dài dằng dặc chờ đợi trước các cây xăng bởi nguồn cung ứng thiếu hụt nghiêm trọng và giá cả tăng cao.

Một dàn khoan khai thác dầu trên Vịnh Mexico (Nguồn: Adobe Stock)

Trong thời gian khủng hoảng, tại nhiều bang ở Mỹ, mỗi người dân chỉ được phép mua một lượng nhiên liệu nhất định. Trong khi ấy, giá xăng dầu đã tăng trung bình 86% chỉ trong vòng một năm từ 1973 đến 1974.

Thêm vào đó, một biến cố lớn nữa xảy đến với thị trường chứng khứng toàn cầu vào năm 1973 - 1974. Chỉ số FT30 của Sở giao dịch chứng khoán London bốc hơi 73% giá trị, khiến đồng đôla Mỹ mất giá và làm cuộc khủng hoảng dầu lửa thêm tồi tệ.

Thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi 97 tỷ đôla - một số tiền khổng lồ vào thời điểm đó chỉ sau một tháng rưỡi. Trong suốt cuộc khủng hoảng, GDP của Mỹ giảm 3,2%, tỷ lệ thất nghiệp chạm mức 9%. Suy thoái và lạm phát lan rộng gây ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu cho tới tận thập niên 1980.

Chứng kiến giá dầu khí ở Mỹ tăng lên hằng ngày, cùng nhiều công ty bị phá sản và ngành công nghiệp ô tô nước này bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí tiêu thụ nhiên liệu quá cao, Stanley Meyer khi ấy đã nỗ lực tạo ra một sự thay đổi có thể mang lại cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ.

Stanley Meyer đã thiết kế một loại “pin nhiên liệu” cho ô tô có thể sử dụng nước làm nhiên liệu thay vì xăng, nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Phát minh kỳ thú: Nước lã thay xăng

Vào những năm 1960, Stanley Meyer đã phát minh ra một thiết bị bằng sáng chế có thể tạo ra năng lượng từ nước (H2O) thay vì nhiên liệu dầu mỏ. Meyer đặt tên cho nó là “pin nhiên liệu” hay còn gọi là “pin nhiên liệu nước”.

Stanley Allen Meyer sinh ngày 24/8/1940. Ông là một người sùng đạo, và cực kỳ đam mê nghiên cứu sáng tạo. Suốt cuộc đời mình, Stanley Meyer đã sở hữu hàng nghìn bằng sáng chế bao gồm trong các lĩnh vực như ngân hàng, hải dương học, máy đo tim mạch và ô tô. Trong tất cả các bằng sáng chế của ông, bằng sáng chế nổi tiếng và gây tranh cãi nhất chính là “xe chạy bằng nước”.

Động cơ chạy bằng nước của Stanley Meyer là kết quả của 20 năm nghiên cứu, chế tạo và ông tuyên bố nó có khả năng biến nước thành nhiên liệu hydro để vận hành chiếc ô tô. Phát minh của ông sau đó đã gây ấn tượng mạnh với công chúng và hứa hẹn một tương lai của các phương tiện không gây ô nhiễm có thể được tiếp nhiên liệu từ những chiếc vòi nước ở bất kỳ đâu.

Nguyên lý của hệ thống trên chiếc xe chạy bằng nước được Meyer giải thích đơn giản như sau: Nước (H2O) tạo nên nguồn nhiên liệu hoàn hảo, gồm hai nguyên tử hydro (H) và một nguyên tử oxy (O). Khi phân tử nước được tách thành hai nguyên tử thành phần của nó và bị oxy hóa làm nhiên liệu, kết quả tương đương với một đầu ra năng lượng mạnh hơn xăng gấp hai lần.

Các pin nhiên liệu nước sẽ tách nước thành khí hydro và oxy, sau đó sẽ được đốt trở lại vào hơi nước trong một động cơ đốt trong, thông thường để tạo ra năng lượng ròng. Sản phẩm phụ của quá trình đốt cháy là hơi nước, hoàn toàn không gây ô nhiễm, đưa nước trở lại bầu khí quyển.

Do đó, ô tô chạy bằng hydro cũng sẽ thân thiện với môi trường thay vì ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Nói cách khác, quá trình này được khoa học gọi là điện phân, là một phương pháp tách các nguyên tố bằng cách đẩy dòng điện qua một hợp chất (chất lỏng hoặc dung dịch có chứa các ion). Nếu chất lỏng là nước, thì nó sẽ phân thành khí oxy và khí hydro. Tuy nhiên, quá trình này tốn kém hơn nên sẽ không giảm bớt chi phí nhiên liệu.

Nhưng theo Meyer, thiết bị của ông có thể vận hành gần như không tốn phí. Làm thế nào điều đó có thể trở thành sự thật vẫn còn là một bí ẩn mà chỉ có Meyer mới biết được.

Nếu khẳng định này của Stanley Meyer là đúng, thì phát minh đột phá của ông thực sự có thể mang đến một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế thế giới. Kể từ khi ô tô ra đời, các nhà sản xuất đã thiết kế các động cơ khác nhau để hạn chế tác động đến môi trường do hàng triệu tấn khí thải carbon mà ô tô tạo ra hàng năm.

Meyer sau đó đã thiết kế một chiếc Buggy màu đỏ, đây là chiếc xe đầu tiên chạy bằng nước và ông trở thành một trong những người đi đầu áp dụng phát minh này cho xe hơi.

Chiếc Buggy màu đỏ là chiếc xe đầu tiên chạy bằng nước.

Chiếc xe này đã đi khắp nước Mỹ trình diễn và được truyền thông chú ý. Vào thời điểm đó, mọi người đều tò mò về phát minh mang tính cách mạng của ông. Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Meyer tuyên bố rằng chiếc xe chạy bằng pin nhiên liệu nước này sẽ chỉ cần 22 gallon nước (83 lít) để đi hết chiều ngang của nước Mỹ (khoảng 4.501,3km) tính từ Los Angeles đến New York. Hơn nữa, Meyer tuyên bố đã thay thế các bugi với "kim phun" do ông chế tạo để kích hoạt hỗn hợp hydro/oxy trong các xy-lanh động cơ.

Rắc rối bắt đầu đến từ phát minh kỳ lạ này

Năm 1996, Meyer đã ký với hai nhà đầu tư một hợp đồng sử dụng công nghệ pin nhiên liệu bằng nước của ông. Mọi thứ trở nên rắc rối khi Meyer nhờ một chuyên gia tên là Michael Laughton kiểm tra phát minh của mình.

Thời điểm ấy, Michael Laughton là giáo sư chuyên ngành kỹ thuật điện tử tại Đại học Queen Mary (London) đã kiểm tra thực nghiệm công trình của Meyer. Tuy nhiên, ông Laughton khẳng định Meyer đã “bao biện một cách vụng về” vì thoái thác đợt thử nghiệm với lý do đang đợi cấp bằng sáng chế. Do đó, hai nhà đầu tư đã kiện Stanley Meyer ra tòa.

Tại tòa, có ba nhà khoa học chứng thực phát minh “công nghệ pin nhiên liệu bằng nước” của Meyer, và khẳng định đây chỉ là một phát minh “không có gì đột phá, đơn giản chỉ dùng điện phân thông thường”. Tòa án kết luận Meyer “lừa đảo trắng trợn” và yêu cầu ông bồi hoàn 25.000 USD cho hai nhà đầu tư trên.

Các chuyên gia khẳng định thêm, Meyer đã sử dụng thuật ngữ “pin nhiên liệu” hay “pin nhiên liệu nước” để chỉ phần thiết bị của ông, trong đó sử dụng tính chất của dòng điện để phân tách phân tử nước thành hydro và oxy. Họ cho rằng, việc Meyer sử dụng thuật ngữ này là trái với nghĩa thông thường trong khoa học, bởi quá trình như vậy thường được gọi là "điện phân".

Cái chết bí ẩn của Stanley Meyer

Trong lúc bằng sáng chế của ông đang gặp rắc rối và vẫn trong thời gian chờ giải quyết, Stanley Meyer bất ngờ qua đời vào năm 1998 tại một nhà hàng.

Vào ngày 20/3/1998, Meyer đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp với hai nhà đầu tư người Bỉ, sau khi trao đổi qua điện thoại với ngỏ ý mong muốn hợp tác với ông đầu tư để mở rộng mô hình sản xuất. Cuộc hẹn được tổ chức tại nhà hàng Cracker Barrel để bàn bạc cụ thể hơn, và anh trai của Meyer là Stephen Meyer cũng có mặt tại đó.

Tại bàn ăn, 4 người cùng nâng ly chúc mừng cho sự hợp tác này, nhưng đột nhiên sau đó Meyer chạy ra ngoài với hai tay ôm cổ họng. Những lời cuối cùng Stanley Meyer nói với anh trai của mình rằng là ông đã bị trúng độc.

Người anh trai Stephen Meyer đã kể lại rằng: “Sau khi uống một ngụm nước ép việt quất, Meyer đã lao ra khỏi cửa, khuỵu xuống và nôn mửa dữ dội. Tôi chạy ra ngoài và hỏi em: 'Có chuyện gì vậy?' Cậu ấy nói: “Họ đã đầu độc em”. Đó là lời trăn trối cuối cùng của Stanley Meyer.

Văn phòng Điều tra viên hạt Franklin và Sở cảnh sát Grove City đã tiến hành một cuộc điều tra. Sau đó, họ đi đến kết luận rằng Stanley Meyer đã chết vì chứng phình động mạch não.

Nhiều người quen biết và ở gần với Stan Meyer thời điểm đó, tin rằng ông đã bị đầu độc. Stephen Meyer khẳng định em trai mình đã bị sát hại. Thế nhưng báo cáo của các nhân viên điều tra lại cho thấy rằng "không có chất độc nào được khoa học Mỹ biết đến".

Stanley Meyer có phải là nạn nhân của một âm mưu?

Nhiều người cho rằng Stanley Meyer bị giết trong một âm mưu, nhằm ngăn chặn phát minh mang tính cách mạng của ông.

Thực tế ai cũng biết rằng phát minh của Stanley Meyer gây ra một mối đe dọa khôn lường đối với các ông chủ ngành công nghiệp dầu mỏ. Stanley Meyer cũng khước từ sự cám dỗ của đồng tiền đến từ nhiều lời đề nghị mua lại bằng sáng chế.

Cuộc sống hiện đại đang ngày càng khiến con người phụ thuộc nhiều hơn vào các phương tiện tiện ích. Tuy nhiên xu thế sử dụng năng lượng thân thiện thay thế xăng dầu bởi tác động môi trường đang ngày càng được công chúng thế giới quan tâm, bởi theo thống kê, "ô tô sử dụng động cơ đốt trong thải ra môi trường khoảng 333 triệu tấn carbon dioxide hàng năm, chiếm 20% tổng lượng khí thải trên thế giới".

Các nhà quan sát cho rằng, hiển nhiên ngành công nghiệp dầu mỏ không hề thích thú ý tưởng thay xăng bằng nước lã. Ở thời điểm đó, Stanley Meyer và chiếc ô tô chạy bằng nước của ông đã đe dọa trực tiếp tới nguồn thu dồi dào của Big Oil - vốn là những ông lớn dầu mỏ không chỉ nắm trong tay quyền lực kinh tế, chính trị to lớn, mà còn có sức ảnh hưởng đến truyền thông dư luận. Và theo các giả thuyết, thì họ có thể sẵn sàng “chôn vùi” các phát minh có nguy cơ làm giảm hoặc loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Ngành công nghiệp dầu mỏ không chỉ thu lợi nhuận khủng nhờ chiến tranh (các loại vũ khí, xe cơ giới, xe tăng, máy bay đều cần đến nhiên liệu), mà họ còn có thể “bắt tay” với các ông lớn tổ hợp sản xuất vũ khí để trở thành tác nhân xúi giục, khơi mào các cuộc chiến tranh nhằm kiếm lời từ đó. Bởi vậy các ông lớn này nhận thức rõ ràng rằng, thu nhập và tương lai họ sẽ gặp nguy hiểm nếu một loại nhiên liệu rẻ, bền vững (như phát minh của Stanley Meyer) thay thế các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch.

Một máy bay chiến đấu phản lực Mirage 2000-5F cất cánh từ căn cứ không quân 116 Luxeuil-Saint Sauveur, ở Saint-Sauveur, miền đông nước Pháp, vào ngày 13/3/2022. - Là một phần trong sứ mệnh Chính sách đường không tăng cường (eAP) của NATO, nhằm mục đích bảo tồn chủ quyền của không phận Baltic, Lực lượng Không quân và Vũ trụ Pháp (AAE) sẽ kiểm soát bầu trời Estonia từ giữa tháng 3/2022. (Ảnh Getty Images)

Một số người cũng cho rằng lý do chính đằng sau cái chết của Meyer là do phát minh của ông đã nhận được sự chú ý không mong muốn từ các nhân vật của Chính phủ. Meyer từng có nhiều cuộc gặp gỡ với những du khách bí ẩn đến từ các quốc gia khác nhau.

Vậy hai nhà đầu tư người Bỉ đã dùng bữa với anh em nhà Meyer vào ngày định mệnh đó có thể cũng là một trong số nghi phạm? Thế nhưng họ là ai và chất độc nào được dùng để sát hại Stanley Meyer cho tới nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Theo anh trai của Meyer, các nhà đầu tư Bỉ có thể đã biết về vụ sát hại của Stanley vì họ không có phản ứng gì khi được thông báo về cái chết của Meyer. Họ không một lời chia buồn, hỏi thăm hay đề cập bất cứ chi tiết nào về cái chết bất thường của ông.

Điều gì xảy ra với bằng sáng chế của Stanley Meyer sau khi ông qua đời?

Người ta nói rằng tất cả các bằng sáng chế của Meyer đã hết hạn. Các phát minh của ông giờ đây được sử dụng miễn phí cho công chúng mà không có bất kỳ hạn chế nào, hoặc không phải trả tiền bản quyền. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhà sản xuất động cơ hay xe hơi nào sử dụng bất kỳ sáng chế nào của Meyer.

Một thời gian sau, James A. Robey, người từng dẫn chương trình webcast đã nghiên cứu và coi phát minh của Stanley Meyer là đúng. Ông đã viết một cuốn sách có tên “Xe nước - Cách chuyển nước thành nhiên liệu hydro!” mô tả lịch sử 200 năm chuyển nước thành nhiên liệu.

Vào năm 2008, công ty Genepax đã ra mắt chiếc xe chạy bằng nước tại Osaka, Nhật Bản. Chiếc xe của Genepax có thể hoạt động với bất kỳ loại nước nào, từ nước mưa, nước sông cho đến nước biển. Công ty này cũng cho biết, chỉ cần 1 lít nước này cũng đủ cung cấp cho động cơ của xe với tốc độ đạt 80 km/h.

Nguyên lý hoạt động của xe Genepax cũng có phần tương tự như phát minh của Stanley Meyer khi dựa vào phân tách các phân tử nước để tạo ra hydro cấp nguồn năng lượng cho xe.

Tuy nhiên khoảng một năm sau khi ra mắt, công ty Genepax đã đóng cửa. Họ ngừng toàn bộ mọi hoạt động như nghiên cứu, sản xuất và quảng bá sản phẩm. Lời giải thích duy nhất được đưa ra là thiếu vốn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhà phân tích nghi ngờ rằng, hẳn có “thế lực" nào đó đã đứng ra đe dọa, kiểm soát những công ty phát minh kiểu này.

Nếu như một động cơ chạy hoàn toàn bằng nước được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, thì ngành công nghiệp khai thác dầu khí sẽ có nguy cơ bị đóng cửa, kéo theo hàng tỷ tỷ đô la lợi nhuận sẽ bị mất đi, những nước có nền kinh tế phụ thuộc vào khai thác dầu khí sẽ bị ảnh hưởng.

Câu chuyện những mẫu xe hơi chạy bằng nước "yểu mệnh" vẫn còn ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Trong khi những thông tin về cái chết của Stanley Meyer vẫn chỉ là phỏng đoán.

Đông Bắc

 



BÀI CHỌN LỌC

Điều bí ẩn gì khiến nhà phát minh “ô tô chạy bằng nước” chết bất thường?