Điều gì đã kích hoạt sự sụp đổ của thủ đô Maya cổ đại? 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà nghiên cứu đã xem xét lại 800 năm lịch sử và kết luận rằng hạn hán đã hủy diệt Mayapan - thủ đô văn hóa và chính trị của người Maya trên bán đảo Yucatán vào thế kỷ 13 và 14 sau Công nguyên.

Theo các nhà nghiên cứu, đợt hạn hán đó gây ra các cuộc xung đột dân sự, từ đó dẫn đến sự sụp đổ chính trị. Người dân sau đó phải di cư đến các khu định cư nhỏ và an toàn hơn.

Ngoài việc cung cấp cho chúng ta một cái nhìn hữu ích về lịch sử của nền văn minh cổ đại này, nghiên cứu mới cũng là một lời cảnh báo rằng: thiên tai có thể nhanh chóng gây áp lực lên ngay cả những nền văn minh thịnh vượng và lâu đời nhất.

Các nhà nghiên cứu viết: "Nhiều nguồn dữ liệu cho thấy xung đột dân sự gia tăng đáng kể" .

"Chúng tôi cho rằng hạn hán kéo dài đã làm leo thang căng thẳng giữa các phe đối địch, nhưng những điều chỉnh sau đó cho thấy khả năng phục hồi ở quy mô khu vực, đảm bảo rằng các cấu trúc kinh tế và chính trị Maya tồn tại cho đến khi tiếp xúc với châu Âu vào đầu thế kỷ 16 sau Công nguyên”.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát rất nhiều hồ sơ lịch sử, bao gồm sự thay đổi dân số, chế độ ăn uống đương thời và điều kiện khí hậu. Những hồ sơ này còn được bổ sung một phân tích mới về hài cốt để tìm các dấu hiệu của chấn thương do xung đột.

Nghiên cứu cũng phân tích mối tương quan giữa việc tăng lượng mưa và sự gia tăng dân số trong khu vực, và giữa việc giảm lượng mưa sau đó và sự gia tăng xung đột.

Các nhà nghiên cứu nói rằng hạn hán kéo dài trong khoảng thời gian 1400-1450 sau Công nguyên rất có thể đã dẫn đến quá trình rời bỏ Mayapan.

Nghiên cứu cho thấy việc thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp và các tuyến đường thương mại, gây căng thẳng cho cư dân Mayapan. Khi lương thực trở nên khan hiếm hơn và tình hình trở nên trầm trọng hơn, mọi người hoặc chết hoặc ly tán.

Trong ngôi mộ tập thể cuối cùng được đào trước khi thành phố bị bỏ hoang, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng nhiều hài cốt có thể thuộc về các thành viên gia đình Cocoms (nguyên thủ quốc gia), một kết cục đẫm máu do sự cạnh tranh giữa các phe phái đối lập và bất ổn xã hội gây ra.

Các nhà nghiên cứu viết: "Những phát hiện của chúng tôi ủng hộ sự sụp đổ thể chế Mayapan từ năm 1441 đến năm 1461 sau Công nguyên, một hậu quả của xung đột dân sự do sự ganh đua và tham vọng chính trị. Điều này đã khắc sâu trong ký ức xã hội của các dân tộc Yucatecan mà lời kể của họ đã được nhắc đến trong ghi chép về thời kỳ đầu của Thời kỳ Thuộc địa".

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng phản ứng của con người đối với các áp lực môi trường như hạn hán rõ ràng rất phức tạp, thay đổi theo khu vực và theo thời đại. Do đó, chúng ta cần cân nhắc rất nhiều yếu tố khi xem xét lý do tại sao cư dân trong lịch sử lại hành động theo cách mà họ đã làm.

Sau sự sụp đổ của Mayapan, người dân đã di cư đến các vùng khác của Bán đảo Yucatán, bao gồm các thị trấn ven biển thịnh vượng và các khu định cư độc lập về chính trị. Điều này đã giúp nền văn hóa Maya tiếp tục phát triển mạnh cho đến trước khi sự cai trị của Tây Ban Nha bắt đầu.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Điều gì đã kích hoạt sự sụp đổ của thủ đô Maya cổ đại?