Hỗ trợ điều trị bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán nặng như thế nào, có để lại di chứng lâu dài không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi số ca mắc bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán trên toàn thế giới tiếp tục tăng, các bệnh viện phải chịu áp lực cao trong việc chăm sóc khẩn cấp cho những bệnh nhân bị bệnh nặng nhất. Phương pháp hỗ trợ điều trị các bệnh nhân nặng thế nào? Virus Vũ Hán phá hủy hệ hô hấp như thế nào?

Virus đầu tiên xâm nhập cơ thể chúng ta bằng cách gắn vào một protein có tên là ACE2 trên các tế bào trong miệng, mũi và đường hô hấp. Trong tuần đầu tiên của quá trình lây nhiễm, các triệu chứng tương đối nhẹ, như là đau họng, ho và sốt. Một số người, đặc biệt là trẻ em, có thể mang virus với rất ít triệu chứng hoặc không có bất cứ triệu chứng nào.

Nhưng giai đoạn đầu này dường như cũng là thời điểm mà mọi người dễ gây ra lây nhiễm cho người khác nhất.

Dữ liệu về dịch bệnh viêm phổi từ Vũ Hán

Là nơi bắt nguồn của đại dịch, thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đã ghi lại một loạt các trường hợp lớn nhất và hữu ích nhất để các nhà khoa học phân tích tiến triển điển hình của bệnh dịch.

Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 9 sau khi bị lây nhiễm, các triệu chứng ngày càng thể hiện rõ ràng hơn, khó thở và ho sẽ tăng dần lên. Ở những người bị bệnh đến mức phải nhập viện, hơn một nửa trong số đó cần có sự trợ giúp của máy thở oxy, thường là ở khoa chuyên môn của bệnh viện. Một số bệnh nhân bị khó thở nặng hơn cần phải nhập viện tại khoa điều trị tích cực (ICU), thường là từ 8 đến 15 ngày sau khi bắt đầu lây nhiễm bệnh.

Điều trị viêm phổi thế nào trong ICU?

Trong ICU, có các phương pháp điều trị khác nhau để hỗ trợ các bệnh nhân với vấn đề hô hấp nghiêm trọng. Trong đó bao gồm có máy tạo oxy độ ẩm cao, được truyền qua mặt nạ vào trực tiếp đường hô hấp thông qua mũi của bệnh nhân. Oxy được làm ấm và tăng độ ẩm bằng phương pháp nhân tạo để tránh khô gây khó chịu cho người bệnh. Oxy nhân tạo được nhẹ nhàng bơm vào phổi với tốc độ thoải mái mà vẫn cho phép bệnh nhân nói và ăn.

Nếu khó thở nặng hơn, bệnh nhân được đặt nội khí quản. Tức là cần phải đưa một ống qua miệng và vào khí quản, qua đó oxy được đưa qua máy thở đến trực tiếp khí quản. Bệnh nhân đặt nội khí quản cần được gây mê (giữ giấc ngủ) cho đến khi phổi phục hồi đủ để hoạt động mà không cần hỗ trợ.

Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, khi phổi bị hỏng và không thể cung cấp đủ oxy bằng máy thở, bệnh nhân được thở oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO), tức là tim và phổi sẽ thực hiện hiệu quả công việc nhờ sự hỗ trợ từ một thiết bị bên ngoài cơ thể. Máu được mang từ cơ thể, loại bỏ carbon dioxide và thêm oxy, sau đó lại được đưa quay trở lại lưu thông tuần hoàn bên trong cơ thể bệnh nhân. Đây là hình thức hỗ trợ sự sống tiên tiến nhất, nhưng cũng mang lại rủi ro cao nhất và thời gian phục hồi lâu nhất.

Một phân tích về các bệnh nhân trưởng thành bị mắc viêm phổi Vũ Hán được điều trị tại 02 bệnh viện ở thành phố Vũ Hán cho thấy 50 trong số 191 trường hợp được nghiên cứu cần điều trị tại khoa ICU, theo Lancet.

Trong số 50 bệnh nhân điều trị tại khoa ICU này, có 41 người được thở oxy lưu lượng cao, 33 người được đặt nội khí quản và 3 người được thở oxy màng ngoài cơ thể.

Chỉ có 8 trong số 41 bệnh nhân được điều trị bằng oxy lưu lượng cao sống sót và chỉ một trong những bệnh nhân được đặt nội khí quản được cứu sống. Nhìn chung, 11 trong số 50 bệnh nhân điều trị tại ICU đã được cứu sống. Những người sống sót này đã hồi phục cũng rất nhanh: 75% đã được xuất viện trong vòng 25 ngày.

Dữ liệu từ bên ngoài Trung Quốc hạn chế hơn, nhưng cung cấp nhiều căn cứ cho sự lạc quan hơn. Một đánh giá của 18 bệnh nhân nhập viện ở Singapore cho thấy có 6 người cần được hỗ trợ bằng máy thở oxy, nhưng chỉ có hai người được nhận vào ICU và chỉ có một người được đặt nội khí quản, và bệnh nhân này đã có thể về nhà chỉ sau 6 ngày được hỗ trợ hô hấp.

Từ tiểu bang Washington ở Mỹ, trong số 21 trường hợp được nhận vào ICU, 17 trường hợp đã được nhận vào ICU trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện và 15 người được đặt nội khí quản. Bên cạnh suy hô hấp, 7 người bị tổn thương tim, 4 người bị suy thận và 3 người bị tổn thương gan. Tính đến ngày 17 tháng 3, 11 bệnh nhân đã chết, hai người đã hồi phục rời ICU và tám người vẫn cần thở máy.

Viêm phổi Vũ Hán có để lại di chứng lâu dài không?

Ở giai đoạn này, không có dữ liệu về tác dụng lâu dài của bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán. Nhưng chúng ta có thể xem xét hậu quả của các bệnh hô hấp do virus cấp tính khác như cúm, SARS và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Điều trị viêm phổi Vũ Hán
Hậu quả chung của các bệnh viêm phổi do virus cấp tính gây ra là sẽ tạo các mô sẹo tại vị trí bị viêm nhiễm. (Ảnh minh họa: Geralt/Pixabay)

Trong các bệnh này, được gọi chung là hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), các đường dẫn khí nhỏ và túi khí bị tổn thương do viêm nhiễm, có thể bị tắc nghẽn do ứ đọng chất lỏng và máu, sau khi lành bệnh sẽ tạo thành các mô sẹo tại vị trí bị viêm nhiễm đó. Điều này có thể làm cứng phổi - lúc đầu từ chất lỏng và sau đó từ mô sẹo - làm suy yếu khả năng chuyển oxy và làm cho việc thở trở nên khó khăn hơn. Trong SARS và MERS, thiệt hại này dường như đều có xảy ra do virus bị phá hủy bởi phản ứng miễn dịch.

Mất bao lâu để phục hồi từ ARDS? Một khảo sát trên 396 bệnh nhân Đức cho thấy 50% phải nhập viện lại trong 48 ngày đến một năm sau khi hồi phục ban đầu. Một đánh giá nhỏ hơn về 37 người sống sót sau đại dịch cúm điều trị tại ICU năm 2009, cho thấy khoảng một nửa vẫn phàn nàn về tình trạng khó thở khi gắng sức, nhưng có tới 83% đã trở lại làm việc.

Tại giai đoạn này của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, cách hành động tốt nhất của chúng ta là tập trung vào việc làm chậm sự lây lan của virus Vũ Hán và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Tỷ lệ tử vong do viêm phổi Vũ Hán tồi tệ hơn ở các quốc gia, nơi mà các dịch vụ y tế trở nên quá tải. Tốt nhất, chúng ta cần tối đa hóa tài nguyên hỗ trợ người bệnh và giảm thiểu số lượng người bị các triệu chứng nghiêm trọng.

Ánh Dương

Theo The Conversation

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Hỗ trợ điều trị bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán nặng như thế nào, có để lại di chứng lâu dài không?