DNA cho thấy: Nguồn gốc người châu Mỹ bản địa là từ châu Á

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới về DNA ty thể đã tìm thấy bằng chứng về ít nhất hai cuộc di cư của người Trung Quốc, Nhật Bản cổ đại đến châu Mỹ, trong Kỷ băng hà cuối cùng và sau thời kỳ băng tan.

Nhóm nghiên cứu đã lần theo dòng dõi người châu Mỹ bản địa, nghiên cứu DNA ty thể được truyền qua các thế hệ, đối chiếu với các nhóm người trên khắp thế giới. Sử dụng 100.000 mẫu hiện đại và 15.000 mẫu cổ đại, nhóm nghiên cứu đã có thể xác định 216 cá thể đương đại và 39 cá thể cổ đại có chung dòng dõi; lập bản đồ các đường phân nhánh. Các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon và so sánh các đột biến thu được trong nghiên cứu của mình.

Yu-Chun Li, nhà nhân chủng học phân tử tại Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết: “Tổ tiên châu Á của người Mỹ bản địa phức tạp hơn so với những gì chúng ta đã biết. Ngoài các nguồn tổ tiên của họ từ Siberia, Australo-Melanesia và Đông Nam Á như đã khám phá trước đây; chúng tôi phát hiện rằng vùng duyên hải phía bắc Trung Quốc cũng góp phần vào nguồn gen của người Mỹ bản địa”, theo Eurekalert.

Hai mẹ con người châu Mỹ bản địa.
Hai mẹ con người châu Mỹ bản địa. (Ảnh: Pxfuel)

Theo nhóm nghiên cứu, sự kiện di cư đầu tiên diễn ra từ 19.500 đến 26.000 năm trước, khi mà thời tiết lạnh giá ở vùng duyên hải phía bắc Trung Quốc không phù hợp với con người. Lần thứ hai diễn ra từ 19.000 đến 11.500 năm trước, khi loài người mở rộng sự khám phá ra nhiều nơi trên thế giới, trong điều kiện khí hậu tốt hơn.

Đáng ngạc nhiên, trong cả hai trường hợp, các nhà nghiên cứu tin rằng người cổ đại đã tìm đường đến châu Mỹ qua bờ biển Thái Bình Dương, chứ không phải qua Eo biển Bering Land – vùng đất khô cằn nối liền Siberia và Alaska trong Kỷ băng hà cuối cùng – như đã được đưa ra giả thuyết trước đây.

Dựa trên phân tích về sự di cư của họ trên khắp lục địa, so sánh khảo cổ của các đầu mũi tên và mũi giáo tìm thấy, các nhà nghiên cứu cho rằng các dân tộc thời kỳ đồ đá cũ của Trung Quốc và Nhật Bản đã đi qua vành đai phía bắc của Thái Bình Dương cho đến khi họ đến bờ biển phía tây bắc của Bắc Mỹ.

Dựa trên các mối liên hệ, một số ý kiến cho rằng người Mỹ bản địa là hậu duệ của người Jōmon ở Nhật Bản, mặc dù một nghiên cứu di truyền gần đây cho thấy điều này có thể không đúng.

Nhóm nghiên cứu giải thích trong nghiên cứu của họ: “Vào cuối thời kỳ Pleistocen, các mũi giáo của Nhật Bản, thể hiện những điểm tương đồng với các mũi giáo ở Đông Bắc Á (bao gồm cả Bắc Trung Quốc), cho thấy những điểm tương đồng với các mũi giáo bằng đá cùng thời từ các địa điểm Jōmon sơ khai”.

"Điều quan trọng là, các mũi giáo bằng đá được tìm thấy khắp vành đai Thái Bình Dương từ Nhật Bản đến Nam Mỹ với mối quan hệ gần gũi với nhau. Những phát hiện gần đây về các mũi giáo bằng đá có gốc ở Bắc Mỹ cho thấy mối quan hệ gần gũi với các mũi giáo bằng đá không có rãnh ở Nhật Bản hơn là những gì tìm thấy ở Bắc Á.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người từ vùng duyên hải phía bắc Trung Quốc đã đến Nhật Bản.

Li nói thêm: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng nguồn gốc tổ tiên này cũng đóng góp vào nguồn gen từ Nhật Bản, đặc biệt là người Ainus bản địa. Điều này cho thấy rằng mối liên hệ giữa châu Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản trong thời kỳ Pleistocene không chỉ giới hạn trong văn hóa mà còn trong di truyền học.”

Nhóm nghiên cứu có kế hoạch điều tra thêm các dòng dõi để có được bức tranh hoàn chỉnh hơn về nguồn gốc của người châu Mỹ bản địa.

Nghiên cứu được công bố trên Cell Reports.

Theo IFLScience



BÀI CHỌN LỌC

DNA cho thấy: Nguồn gốc người châu Mỹ bản địa là từ châu Á