Đội ‘săn virus’ của thế giới - những người tiên phong ngăn chặn đại dịch sắp tới

Giúp NTDVN sửa lỗi

COVID-19 đã chứng minh rõ ràng rằng thế giới chỉ có thể vượt qua đại dịch bằng cách hợp tác cùng nhau. Các đội ‘săn virus’ đã được hình thành với mục tiêu ngăn chặn đại dịch sắp tới. 

Khi virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện, thế giới đã không được chuẩn bị và đã không kịp phối hợp phản ứng ở mức độ toàn cầu. Virus vốn không biết đến biên giới quốc gia, mà hiện nay việc đi lại giữa các quốc gia và lục địa trở thành điều bình thường, có nghĩa là tất cả mọi người trên thế giới đều có thể gặp nguy hiểm.

Liên minh Phòng thủ Đại dịch Abbott (APDC)

Một số công ty tư nhân đã tiên phong hình thành mạng lưới nghiên cứu virus và ngăn chặn dịch bệnh. Năm 2021, Abbott - công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu nổi tiếng với các xét nghiệm chẩn đoán - đã quyết định thành lập Liên minh Phòng thủ Đại dịch Abbott (APDC). Đây là nơi hội tụ đầu tiên của các chuyên gia y tế công cộng và học thuật do một công ty tư nhân đứng đầu.

Hiện nay Liên minh bao gồm 15 thành viên có trụ sở tại 12 quốc gia. Nhiệm vụ của họ là: phát hiện những mầm bệnh mới đe dọa thế giới, chia sẻ công khai các khám phá mới nhất của họ để ngăn chặn bất cứ dấu hiệu của đại dịch nào trước khi quá muộn.

Liên minh chỉ mới bắt đầu hoạt động, nhưng nó đã thành công. Các đối tác của APDC là một trong những đối tác đầu tiên trên thế giới phát hiện ra một số đột biến nguy hiểm của virus COVID-19 — bao gồm cả Omicron — ngay khi chúng mới xuất hiện. Điều này đã giúp các quốc gia cảnh giác cao hơn và cho phép họ sớm đưa ra các phương án đối phó như: tăng cường xét nghiệm, tăng gấp đôi chương trình vaccine, và khuyên người nhiễm bệnh cách ly.

Đó là một sự thay đổi to lớn so với việc bị che giấu thông tin khi đại dịch mới bắt đầu. Giờ đây, đội ‘săn virus’ không chỉ để ý các phiên bản mới của SARS-CoV-2, họ còn tiếp tục tìm kiếm các loại virus gây bệnh nguy hiểm khác.

Vào tháng 6, khi bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu lây nhiễm sang mọi người trên khắp thế giới, mạng lưới đã theo dõi trình tự di truyền của virus, cho thấy nó xuất phát từ hai chủng bệnh đậu mùa khỉ ít độc lực hơn ở châu Phi trước đây, và vaccine hiện có sẽ tiếp tục có hiệu quả.

Sử dụng dữ liệu đó, Abbott đã phát triển một thử nghiệm PCR bệnh đậu mùa khỉ (chỉ dành cho mục đích nghiên cứu) mà các thành viên của liên minh đang sử dụng để theo dõi virus ở các quốc gia để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và phát hiện bất kỳ thay đổi nào trong bộ gen của virus ngay khi xuất hiện.

APDC cũng giám sát một loạt các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác, bao gồm viêm gan, Zika, sốt xuất huyết, viêm màng não và sốt vàng da. Chúng được dự đoán sẽ trở nên phổ biến hơn; khi con người tiếp tục xâm phạm vào các khu vực hoang dã còn lại trên thế giới. Biến đổi khí hậu cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm do các loài mang virus hoặc vi khuẩn lây lan ra các khu vực rộng lớn hơn.

Các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đánh dấu mẫu trong quá trình đào tạo tại AP8 ở Abbott Park, Ill.
Các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đánh dấu mẫu trong quá trình đào tạo tại AP8 ở Abbott Park, Ill. (Ảnh: Abbott)

Chia sẻ thông tin và nguồn lực giữa các thành viên của APDC

Nếu một trong các đối tác phát hiện ra một mẫu virus mới, họ ngay lập tức chia sẻ nó với tất cả các đối tác để xác định xem những đối tác khác có đang tìm thấy cùng một xu hướng hay không.

Gavin Cloherty, người lãnh đạo APDC cho biết: “Chúng tôi có thể xây dựng các công cụ như xét nghiệm và thử nghiệm, và có thể phân phối cho các đối tác để có khả năng sản xuất chúng trên quy mô lớn nếu cần”. Liên minh cũng chia sẻ bất kỳ khám phá nào của họ đến các quan chức y tế công cộng và các nhà lãnh đạo chính phủ trên toàn thế giới, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng như trên toàn cầu.

Đối với các thành viên, việc tham gia liên minh cũng liên kết được các phòng thí nghiệm y tế công cộng trên khắp thế giới — từ những nơi bao gồm châu Phi, Trung Mỹ và châu Á — thành một cộng đồng chặt chẽ có thể nhanh chóng phổ biến thông tin về bất kỳ tác nhân gây bệnh mới nào mà họ phát hiện ra hoặc tìm thấy trong trình tự di truyền của virus.

Esper Kallas, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng tại Đại học Sao Paulo, cho biết: “Mặc dù đây là một công ty tư nhân và các bộ dụng cụ chẩn đoán phải được bán, nhưng những gì tôi thấy là nỗ lực của các nhà khoa học nhằm xóa bỏ biên giới và tăng cường sự giao tiếp trên toàn cầu”.

APDC đã xác định ba biến thể chính của SARS-CoV-2

Cho đến nay, các thành viên APDC đã góp phần xác định ba biến thể chính của SARS-CoV-2. Vào tháng 6 và tháng 7 năm 2020, khi liên minh đang được thành lập, các bệnh viện ở Nam Phi nhận thấy sự gia tăng nhanh chóng ở những bệnh nhân nhập viện COVID-19 dường như không tương xứng với các xu hướng trước đó.

Một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Đổi mới và Ứng phó với Dịch bệnh (CERI) tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi - đã hợp tác với Abbott để theo dõi HIV - đã phân tích mẫu từ bệnh nhân tại 200 phòng khám khi họ tìm thấy đột biến mà WHO sau đó đã chỉ định là Beta.

Tulio de Oliveira, người đứng đầu CERI, cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy cùng một biến thể trong các mẫu từ các phòng khám cách xa hàng trăm km, vì vậy chúng tôi biết rằng nó đã phổ biến rộng rãi và chúng ta có khả năng có một biến thể mới”.

De Oliveira ngay lập tức cảnh báo các cơ quan y tế toàn cầu về biến thể mới, cho phép các chuyên gia y tế cộng đồng chuẩn bị cho làn sóng bệnh nhân tiềm năng có thể cần được chăm sóc tại bệnh viện tích cực hơn.

Các nhà nghiên cứu Brazil đã đưa ra một báo động tương tự vài tháng sau đó. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Sao Paulo đã làm việc với các nhà khoa học Oxford trong đợt bùng phát dịch Zika năm 2015 của Brazil. Sau đó họ đã quét các mẫu COVID-19, họ nhận thấy các chuỗi bất thường đến từ phía bắc Brazil trong lưu vực sông Amazon, tập trung xung quanh thành phố Manaus. Những thay đổi đối với bộ gen của virus hóa ra báo hiệu một biến thể mới, Gamma.

Sau đó, họ cũng đã phát hiện ra biến thể Omicron. Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm ở Nam Phi đang tiến hành giải trình tự gen định kỳ của các mẫu SARS-CoV-2 ngẫu nhiên và nhận thấy rằng virus này thiếu một trong ba loại protein đặc trưng mà tất cả các biến thể trước đó đều có.

Các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm trong một khóa đào tạo tại AP8 ở Abbott Park, Ill.
Các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm trong một khóa đào tạo tại AP8 ở Abbott Park, Ill. (Ảnh: Abbott)

Kỹ thuật viên đã tiết lộ cho nhóm của de Oliveira, họ đã tiến hành một phân tích chi tiết hơn. Trong khoảng thời gian sáu giờ, hàng trăm mẫu từ hơn 100 phòng khám từ các thành phố khác nhau ở Nam Phi đã đến phòng thí nghiệm của de Oliveira ở Stellenbosch. Giải trình tự các mẫu đó cho thấy cùng một kiểu đột biến. Trong vòng 36 giờ, de Oliveira đã thông báo cho Bộ trưởng Y tế và Tổng thống Nam Phi, cùng với WHO, rằng một phiên bản mới của virus đang xuất hiện.

Trong vòng vài ngày sau khi xác nhận các phát hiện, de Oliveira cũng đã chia sẻ chúng với các đối tác liên minh trên khắp thế giới — ở Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan, Brazil và Columbia, cũng như trên khắp lục địa châu Phi — để giúp các quốc gia bắt đầu tìm kiếm những thay đổi di truyền báo hiệu biến thể Omicron, giống như những gì họ đã làm với Beta và Gamma.

Cần mở rộng các Liên minh khoa học tương tự trên thế giới

Cách duy nhất để chuẩn bị cho việc đối phó với đại dịch tiếp theo là tăng cường mở rộng những liên minh như vậy. Duy trì và mở rộng Liên minh giữa các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ nhân loại chống lại mối đe dọa lớn tiếp theo.

Tiến sĩ Eric Topol, giám đốc và người sáng lập của Viện Dịch thuật Nghiên cứu Scripps cho biết: “Quan hệ đối tác công tư là điều cần thiết cho việc giám sát, xét nghiệm, điều trị [bệnh]. Chúng ta sẽ làm tốt hơn nếu các nhóm đó làm việc cùng nhau".

Sự hợp tác nhanh chóng thu hút nhiều đánh giá khác nhau về cùng một vấn đề cấp bách. Tiến sĩ Sunil Solomon, phó giáo sư y khoa về các bệnh truyền nhiễm tại Johns Hopkins và giám đốc YRG Care ở Chennai, Ấn Độ, một trong những đối tác của liên minh, cho biết: “Mỗi thành viên chúng ta có những kỹ năng khác nhau.

“Ví dụ, Solomon và những người khác tại trung tâm có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về HIV và hiện nay là giám sát dựa vào cộng đồng và phân tích dữ liệu về SARS-CoV-2. Đôi khi chúng ta chỉ tập trung vào những việc đang làm, mà quên mất bức tranh lớn hơn. Liên minh tập trung vào việc dịch những gì mà tất cả chúng ta tìm thấy về sự phù hợp lâm sàng để đảm bảo rằng bất cứ điều gì chúng ta đang làm đều phù hợp với việc cải thiện sức khỏe cộng đồng".

Mạng lưới đội ‘săn virus’ của thế giới

Các liên minh như APDC có thể đóng vai trò như một mô hình để xây dựng các mạng lưới săn virus rộng lớn hơn. Cloherty cho biết: “Những nỗ lực của chúng tôi nhằm tăng cường và bổ sung vào những nỗ lực chung toàn cầu, với triết lý kết nối các mạng lưới y tế công cộng khác nhau lại với nhau”.

WHO có một hệ thống tương tự để theo dõi các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng thông qua Mạng lưới phản ứng cảnh báo và bùng phát toàn cầu (GOARN). Họ cung cấp việc hỗ trợ khẩn cấp cho các quốc gia đang đối mặt với sự bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm.

Nhưng trách nhiệm của GOARN còn lớn hơn nữa, vượt ra ngoài những đợt bùng phát như vậy, bao gồm các cuộc khủng hoảng về an toàn thực phẩm, thảm họa tự nhiên và nhân tạo cũng như việc thải ra chất độc hóa học. Với nguồn lực có hạn thì họ khó có thể chuyên tâm cho phát hiện bất cứ virus nào mới nổi.

CDC cũng tiến hành giám sát các mầm bệnh mới nổi và duy trì các đội ngũ ở nước ngoài cũng như các nhóm di động sẵn sàng bay đến bất cứ đâu trên thế giới để hỗ trợ nếu các quốc gia yêu cầu.

Nhưng về mặt lịch sử, sự nhiệt tình trong việc duy trì các loại hệ thống này tăng lên trong các đợt bùng phát dịch — chẳng hạn như trong thời kỳ Ebola vào những năm 2010, và bây giờ là COVID-19 — nó cũng giảm khi mối đe dọa rút lui, cùng với kinh phí.

Cần có những thay đổi để 'săn virus' hoạt động hiệu quả hơn

Những thay đổi mang tính hệ thống — như tài trợ tốt hơn và đầy đủ — là rất cần thiết để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Nếu chúng ta thực hiện các hành động như vậy, khả năng phát hiện bất cứ virus nào khi chúng mới xuất hiện trên thế giới sẽ sẽ được đảm bảo và hạn chế đại dịch tiếp theo.

Một số chuyên gia, như Kallas, hy vọng rằng COVID-19 chứng minh cho các chính phủ thấy sự hợp tác giữa các quốc gia là điều đặc biệt quan trọng, đặc biệt là đối với các mối đe dọa sức khỏe tiềm ẩn mới.

Ông nói: “Một số người cho biết rằng Amazon Brazil đang là một vùng nóng, một nơi có sự đa dạng về động thực vật [phong phú] đến mức khả năng một loại virus lây truyền từ động vật sang người là rất cao”.

Chúng ta cũng biết rằng, biến thể Gamma của SARS-CoV-2 sẽ không phải là loại virus cuối cùng xuất hiện. Ông nói: “Chúng ta cần một sự thay đổi về văn hóa trong tư duy, một sự thay đổi về giá trị đối với xã hội trong việc đầu tư vào khoa học để giảm bớt đau khổ và làm cho chúng ta trở thành một xã hội tốt đẹp hơn”. Do vậy, một quốc gia như Brazil sẽ cần được đầu tư nhiều để có nhiều ‘thợ săn virus’ hơn.

Theo Time



BÀI CHỌN LỌC

Đội ‘săn virus’ của thế giới - những người tiên phong ngăn chặn đại dịch sắp tới