Động vật có vú ‘mơ’ về thế giới bên ngoài ngay cả khi chưa sinh ra

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi một động vật có vú mới sinh mở mắt lần đầu tiên, nó đã có thể nhanh chóng thích nghi với thế giới xung quanh. Nhưng làm thế nào điều này xảy ra khi chúng chưa có kinh nghiệm thông qua việc nhìn thấy các sự vật?

Một nghiên cứu mới của Yale gợi ý rằng, theo một nghĩa nào đó, động vật có vú mơ về thế giới mà chúng sắp bước vào trước khi chúng được sinh ra.

Trong một nghiên cứu trên tạp chí Science, một nhóm do Giáo sư Michael Crair, chuyên về khoa học thần kinh, nhãn khoa và khoa học thị giác đến từ đại học Yale dẫn đầu, đã mô tả về các sóng hoạt động phát ra từ võng mạc sơ sinh ở chuột trước khi chúng mở mắt.

Hoạt động này biến mất ngay sau khi sinh và được thay thế bằng một mạng lưới thần kinh trưởng thành truyền các kích thích thị giác đến não, nơi thông tin được mã hóa và lưu trữ.

Crair, tác giả cao cấp của nghiên cứu, cho biết: “Khi mở mắt, động vật có vú có năng lực hành vi khá phức tạp. Nhưng làm thế nào để các mạch hình thành cho phép chúng ta nhận thức chuyển động và điều hướng trong thế giới? Hóa ra chúng ta sinh ra đã có khả năng thực hiện nhiều hành vi này, ít nhất là ở dạng thô sơ”.

Trong nghiên cứu, nhóm của Crair, dẫn đầu bởi các sinh viên tốt nghiệp Yale là Xinxin Ge và Kathy Zhang, đã khám phá nguồn gốc của những sóng hoạt động này. Chụp ảnh não của chuột ngay sau khi sinh nhưng trước khi chúng mở mắt, nhóm nghiên cứu của Yale nhận thấy rằng những sóng võng mạc này truyền theo một mô hình bắt chước sóng hoạt động sẽ xảy ra vài ngày sau khi con vật di chuyển về phía trước trong môi trường thực tế.

Crair lưu ý: “Hoạt động này giống như giấc mơ sớm có ý nghĩa tiến hóa vì nó cho phép một con chuột dự đoán những gì nó sẽ kinh nghiệm sau khi mở mắt, và được chuẩn bị để đáp ứng ngay lập tức với các mối đe dọa môi trường”.

Đi xa hơn, nhóm nghiên cứu của Yale cũng nghiên cứu các tế bào và mạch chịu trách nhiệm truyền sóng võng mạc bắt chước chuyển động về phía trước ở chuột sơ sinh. Họ phát hiện ra rằng việc ngăn chặn chức năng của các tế bào amacrine dạng sao, là các tế bào trong võng mạc giải phóng chất dẫn truyền thần kinh, ngăn chặn các sóng truyền theo hướng bắt chước chuyển động về phía trước. Điều này làm cản trở sự phát triển khả năng phản ứng của chuột với chuyển động nhìn thấy sau khi sinh.

Điều thú vị là trong võng mạc trưởng thành của chuột, những tế bào tương tự này đóng một vai trò quan trọng trong một mạch phát hiện chuyển động phức tạp hơn cho phép chúng phản ứng với các tín hiệu môi trường.

Tất nhiên, chuột khác với con người ở khả năng nhanh chóng điều hướng môi trường ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh của con người cũng có thể phát hiện ngay lập tức các đồ vật và xác định chuyển động, chẳng hạn như một ngón tay di chuyển qua tầm nhìn của chúng, cho thấy rằng hệ thống thị giác của chúng cũng đã được hình thành trước khi sinh ra.

Crair nói: “Những mạch não này tự tổ chức khi mới sinh ra và một số hoạt động dạy dỗ sớm đã được thực hiện. Nó giống như mơ về những gì bạn sẽ thấy trước khi bạn mở mắt”.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Động vật có vú ‘mơ’ về thế giới bên ngoài ngay cả khi chưa sinh ra