Dự án điện mặt trời quy mô lớn ảnh hưởng tới môi trường như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bài báo này là bài thứ hai trong loạt bài về tác động tiêu cực của các dự án năng lượng mặt trời. Nông dân Hoa Kỳ lo lắng về việc tài sản của họ đang bị thu hẹp, nguy cơ bị mất vĩnh viễn đất nông nghiệp. Các nhà sinh vật học và các nhà hoạt động đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với hệ động vật, thực vật, cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt trên các sa mạc.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, lần đầu tiên diễn ra cơn sốt sử dụng đất sa mạc để phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

“Ông ấy muốn phát triển nhiều dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn trên các quỹ đất công”, Kevin Emmerich, cựu nhà sinh vật học thực địa và kiểm lâm của Cục Công viên Quốc gia Hoa kỳ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.

Emmerich và vợ của ông là Laura Cunningham, một nghệ sĩ, sớm nhận ra rằng những vùng đất khô cằn trên các sa mạc phía tây nam của Hoa Kỳ - đặc biệt là sa mạc Mojave và Đại Bồn địa - có nguy cơ bị sử dụng để phát triển các dự án năng lượng mặt trời với quy mô lớn.

Năm 2008, vợ chồng ông bà Emmerich thành lập tổ chức phi lợi nhuận mang tên Basin & Range Watch, để phản đối việc xâm lấn đất sa mạc để lắp đặt các tấm pin mặt trời.

Emmerich cho biết, họ chủ yếu phản đối các quyết định của Cục Quản lý Đất đai (BLM) liên quan đến việc xác định các vị trí tiềm năng để phát triển các trang trại năng lượng mặt trời quy mô lớn. Theo sơ đồ phân loại Quản lý tài nguyên trực quan của Cục Quản lý Ðất Hoa Kỳ, các khu vực như vậy thường được xếp vào loại thấp nhất, loại IV.

Emmerich cho biết: “Ở sa mạc Mojave, nhận thức của mọi người đang thay đổi. Khi dân số đông hơn, mọi người chuyển đi nơi khác nhiều hơn và ngày càng nhiều người tin rằng chẳng còn gì ở đó”.

Ngày nay, chính quyền Tổng thống Biden đang dự tính một sự thay đổi quy tắc gợi nhớ đến các động thái dưới thời chính quyền Tổng thống Obama.

Theo Đạo luật Năng lượng năm 2020 của Hoa Kỳ, đạo luật đặt nền tảng cho việc xác định lại các nhiên liệu khoáng, ví dụ như uranium được xác định là khoáng sản không quan trọng. BLM sẽ giảm cả phí và giá thuê đất công để phát triển các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Tổ chức Basin and Range Watch từng phản đối một sự thay đổi tương tự vào năm 2008, và lần này xem động thái của chính phủ đối với ngành năng lượng sẽ như thế nào.

Emmerich cho rằng tiêu chuẩn mới cũng có thể tạo tiền lệ cho một chính quyền trong tương lai giảm giá hoặc phí thăm dò dầu khí - điều mà ông cũng không ủng hộ.

Trong khi mối quan tâm của Emmerich dành cho việc khoan thăm dò nhiên liệu hóa thạch mà ngày nay đang khá phổ biến thì tổ chức Basin & Range thường một mình, gần như đơn độc trong việc phản đối các dự án năng lượng mặt trời và gió.

Các nhóm bảo vệ môi trường có tiếng sẵn sàng chứng kiến môi trường sống bị ảnh hưởng bởi các dự án năng lượng mặt trời, Emmerich nói: “bởi vì dù sao thì môi trường sống cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu”.

Dưới nền tảng “Thông minh ngay từ đầu”, Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã đã nhấn mạnh lợi ích từ việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời lớn trên các khu đất công, một phần để thực hiện mục tiêu “phát thải ròng bằng “0” từ các vùng đất và vùng nước công cộng”.

Trong khi đó, Câu lạc bộ Sierra đã tán thành Kế hoạch Bảo tồn Năng lượng Tái tạo Sa mạc (DRECP) của BLM, trong đó có thể chứng kiến hàng trăm nghìn mẫu sa mạc được sử dụng cho các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Thời báo The Epoch Times đã liên hệ với BLM và cũng tìm hiểu quan điểm từ nhiều tổ chức phi chính phủ đối với đề xuất của BLM về môi trường, bao gồm cả Câu lạc bộ Sierra và Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã.

Buổi sáng tại một đỉnh núi trong khu vực Trilobite Wilderness của Đài tưởng niệm Quốc gia Mojave Trails gần Essex, California, vào ngày 28/8/2017.
Buổi sáng tại một đỉnh núi trong khu vực Trilobite Wilderness của Đài tưởng niệm Quốc gia Mojave Trails gần Essex, California, vào ngày 28/8/2017. (David McNew / Getty Images)

Công suất điện năng thấp, tác động tiêu cực đến môi trường sống

Scott Cashen, một nhà sinh học thực địa ở California chuyên tư vấn cho các dự án năng lượng tái tạo, đã chia sẻ với The Epoch Times về mối quan tâm của Emmerich trong việc bảo tồn đất sa mạc:

“Nhu cầu thúc đẩy lớn đến mức cần rất nhiều khu đất rộng và sa mạc là nơi dễ dàng tiếp cận nhất. Sa mạc đang bị phá hủy. Đầu tiên, họ sử dụng những thiết bị hạng nặng để san bằng và quét sạch tất cả những sinh vật còn sống”.

Cashen cho biết, vấn đề cơ bản của dự án năng lượng mặt trời là phải sử dụng một quỹ đất rất lớn. Nghĩa là, năng lượng mặt trời mang lại công suất điện năng thấp hơn nhiều so với khí đốt tự nhiên, điện hạt nhân hoặc các nguồn điện thông thường khác.

Một bài báo năm 2018 ước tính rằng năng lượng mặt trời quy mô tiện ích có mật độ công suất khoảng 5,7W/m2; trong khi, cùng khoảng diện tích, khí tự nhiên có mật độ công suất là 482,1W/m2, cao gấp 85 lần. Năng lượng hạt nhân đạt mật độ công suất 240,8W/m2, cao hơn 42 lần. Điện than đạt mật độ công suất 135,1W/m2, cao gấp 24 lần so với năng lượng mặt trời.

Trong một bài viết khác vào năm 2010 về mật độ công suất điện, nhà khoa học môi trường Vaclav Smil đã đưa ra những ước tính tương tự.

Smil dự đoán việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ đòi hỏi một cơ sở hạ tầng lớn đến đáng kinh ngạc, cần một diện tích đất rộng lớn gấp từ 10 đến 1.000 lần cho việc đốt cháy và phát điện từ nhiên liệu hóa thạch.

Smil viết: “Việc phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng tái tạo có thể là điều mong muốn… nhưng với mật độ công suất thấp như vậy thì phải cần sau nhiều thập kỷ phát triển dần dần mới có thể thay thế được các hệ thống hoạt động chính yếu hiện nay.

Cashen cho biết thêm: "Với khoảng diện tích đất vô cùng lớn đó, chúng ta đang nói về sự suy thoái và phá hủy môi trường sống của rất nhiều loài”.

Ngoài các tấm pin, cơ sở hạ tầng năng lượng mặt trời còn cần các thứ khác như các trạm biến áp, đường xá, cho đến nhiều km đường dây tải điện bổ sung, thách thức càng tăng khi hệ thống lắp đặt năng lượng mặt trời càng xa các khu cộng đồng mà nó phục vụ.

Cashen nói thêm: "Mọi người vẫn nghĩ: ‘Ồ, sản phẩm được sản xuất 100% từ năng lượng mặt trời, tôi rất hài lòng khi sử dụng dịch vụ này’. Nhưng mọi người đã không biết được rằng, các trang trại năng lượng mặt trời đã phá hủy hàng ngàn mẫu hoang mạc nguyên sơ”.

Emmerich nhấn mạnh một lần nữa nhận xét của Cashen về mật độ công suất điện: "Hiệu quả của một dự án năng lượng mặt trời thật đáng buồn cười, đơn giản vì nó mang lại công suất điện quá thấp”.

Cashen chỉ ra rằng các đường dây truyền tải bổ sung làm tăng nguy cơ hỏa hoạn, đặc biệt đối với các vùng dễ xảy ra cháy rừng như ở California.

“Luật tại California yêu cầu, đối với những khu vực có nguy cơ cháy cao, xung quanh đường dây điện bắt buộc phải có khoảng cách an toàn tối thiểu là 1.2m. Do vậy, để dẫn các đường dây truyền tải ở cơ sở hạ tầng mới, có thể phải đốn đi một lượng lớn cây xanh đáng kể”, Cashen bổ sung.

Ông còn lưu ý rằng các công trình lớn thậm chí có thể ảnh hưởng đến vi khí hậu xung quanh, có khả năng làm tăng khả năng xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng. (Trong phần một của loạt bài này đề cập đến Nancy Caywood, nông dân trồng bông ở Arizona, cho biết nhiệt độ tại trang trại của bà phía gần dự án năng lượng mặt trời cao hơn rất nhiều so với nhiệt độ ở những nơi khác)

Các đường dây truyền tải mới cũng làm tăng nguy cơ va chạm, thiêu cháy chim chóc. Việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời làm trầm trọng thêm các mối đe dọa đối với cuộc sống của những loài chim trong khu vực.

Đối với cấu trúc thiết kế các tháp năng lượng mặt trời, tại đó gương tập trung hội tụ tia mặt trời tại một điểm duy nhất, làm tan chảy, thiêu trụi các loài chim, bướm và các sinh vật sống khác không may đi lạc quá gần.

Tính đến năm 2016, nhà máy năng lượng mặt trời Ivanpah của California, nằm trên sa mạc Mojave, ước tính giết chết 6.000 con chim mỗi năm.

Vấn đề của các tháp truyền tải năng lượng mặt trời là điều có thể đã tiên liệu được nhưng cái chết của những con chim liên quan đến các tấm pin quang điện trải rộng trên một diện tích quy mô lớn, lại là điều bất ngờ.

Ông Cashen nói: “Càng nhiều người đổ xô vào tìm kiếm đất sa mạc, số lượng xác chim chết tại các trang trại năng lượng mặt trời càng tăng. Chỉ cần nhìn qua, bạn cũng sẽ thấy”.

Một con chim cút California kiếm ăn giữa thảm thực vật bị đốt cháy ở Khu bảo tồn Hoang dã Pipes Canyon gần Thung lũng Morongo, California, vào ngày 12/4/2007. Khu bảo tồn thiên nhiên rộng 37 dặm vuông đang bị đe dọa bởi một kế hoạch đề xuất xây dựng đường dây điện và tháp truyền tải năng lượng mặt trời.
Một con chim cút California kiếm ăn giữa thảm thực vật bị đốt cháy ở Khu bảo tồn Hoang dã Pipes Canyon gần Thung lũng Morongo, California, vào ngày 12/4/2007. Khu bảo tồn thiên nhiên rộng 37 dặm vuông đang bị đe dọa bởi một kế hoạch đề xuất xây dựng đường dây điện và tháp truyền tải năng lượng mặt trời. (Hình ảnh David McNew/Getty)

Loài diều hâu Sparrow, Western Grebes, Virginia ray, American coots, và nhiều loài khác được phát hiện chết trên sa mạc hoặc chết tại các cơ sở năng lượng mặt trời.

Việc nhanh chóng hình thành các trang trại năng lượng tái tạo mới đã đặt thêm ra một câu hỏi khác: Chính phủ và các công ty năng lượng tái tạo quy mô lớn có làm tất cả những điều họ cần làm và nên làm để bảo vệ động vật hoang dã tại các khu vực lắp đặt không?

Năm ngoái, sau khi Dự án năng lượng mặt trời của Nevada’s Yellow Pine Solar được nhanh chóng phê duyệt, các nhà bảo vệ động vật hoang dã đã di chuyển hơn 130 con rùa sa mạc, một loài bị đe dọa theo Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Nhưng trong đó, 30 trong số những con rùa đã không thể được cứu sống. Sự việc này đã khiến tổ chức của Emmerich nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.

Thời báo The Epoch Times đã liên hệ với đơn vị phát triển kinh doanh của Yellow Pine, NextEra Energy Resources. Cashen và Emmerich đã mô tả một vấn đề rắc rối khác.

Tại các sa mạc khô cằn ở Tây Nam Hoa Kỳ, hạn hán và khan hiếm nước xảy ra quanh năm, việc lắp đặt xe tưới nước công nghiệp quy mô lớn của các dự án năng lượng mặt trời, giúp tạo độ ẩm dọc theo các con đường để ngăn bụi bốc lên.

Nguồn nước đó, cũng như bóng mát từ dưới các tấm pin mặt trời, có thể thu hút thằn lằn, rắn và các động vật khác kéo đến. Cashen cho biết chính những điều kiện đó có thể khiến các tấm pin trở thành một cái bẫy sinh thái. Những con thằn lằn thường bị xe tưới nước cán qua, trong khi các tổ chim gần các tấm lợp có thể bị nhiệt độ thiêu đốt làm chín trứng bên trong.

Emmerich cho biết hệ thống nước kiểm soát bụi thường không hoạt động: “Nếu bạn đã ở đây vào mùa hè, bạn sẽ biết nó nóng như thế nào và nước bốc hơi nhanh như thế nào, như vậy trái đất bị phá hủy rất nhanh”.

Ngoài ra, The Epoch Times đã tiếp cận tới nhiều nhà khoa học nổi tiếng và các nghiên cứu của họ về tác động của các dự án năng lượng mặt trời ở quy mô lớn đối với môi trường.

Những tấm gương Heliostats của Hệ thống điện mặt trời Ivanpah tại sa mạc Mojave ở California gần Primm, Nevada, vào ngày 3/3/2014.
Những tấm gương Heliostats của Hệ thống điện mặt trời Ivanpah tại sa mạc Mojave ở California gần Primm, Nevada, vào ngày 3/3/2014. (Ethan Miller/Getty Images)

Những cuộc bảo vệ thành công

Mặc dù các nhà bảo vệ môi trường và động vật hoang dã, người bạn “không thân thiết” của các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn, thường phải đối mặt với những khó khăn, nhưng họ đã có được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo Annette Smith, giám đốc điều hành của công ty môi trường Vermonters for a Clean Environment (VCE), ở vùng ngoại ô Vermont, việc tước đoạt môi trường sống của loài chim bobolinks và các đồng cỏ là một vấn đề thường xuyên gây tranh cãi.

Vào năm 2015, Công ty năng lượng Green Mountain Power đã không nhận được sự chấp thuận cho một dãy 19.000 bảng điều khiển được đề xuất tại một khu nhà tù ở Windsor, Vermont.

Smith nói với The Epoch Times: “Nơi đây là môi trường sống tuyệt vời của loài chim đồng cỏ”.

Theo báo địa phương Valley News mô tả, 60 người dân của một khu làng có mặt tại một phiên điều trần về dự án, hầu như tất cả đều lên tiếng phản đối việc lắp đặt một hệ thống lớn như vậy mà chỉ cung cấp điện cho khoảng 1.200 ngôi nhà.

Allen Palmer, một viên chức thuộc bộ phận Quản lý Tài sản của Vermont, trước đó đã viết trong một email cho các quản lý cấp cao Vermont rằng bất cứ ai đại diện cho tiểu bang tham dự buổi điều trần về dự án đó đều sẽ “là nơi để mọi người trút giận”.

Theo các nguồn thư có được thông qua hồ sơ công khai và được gửi cho The Epoch Times, Palmer viết: “Thật không may, sự việc có thể đã quá muộn”.

Smith nói: “Dự án đã bị loại bỏ”. Theo nguồn tin, bà Smith không sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời và khí propan từ năm 1989, bà bày tỏ sự hoài nghi về những thay đổi quy tắc được đề xuất bởi BLM, điều sẽ giúp giảm chi phí hoạt động cho các công ty năng lượng tái tạo hoạt động trên đất công.

Bà Smith nói: “Ngành công nghiệp này được trợ cấp rất nhiều và được giảm thuế ở mọi nơi. Chúng tôi đang xem xét vấn đề tập trung quyền lực."

The Epoch Times đã yêu cầu Green Mountain Power và bang Vermont đưa ra bình luận.

Emmerich tự hào về những nỗ lực và thành công gần đây của ông trong việc ngăn chặn dự án năng lượng mặt trời Battle Born Solar quy mô lớn, dự án chiếm khoảng 14 dặm vuông sa mạc và là trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất Nevada.

“Bạn vẫn có thể ngắm nhìn những ngọn núi tuyệt đẹp với nhiều dấu ấn lịch sử và nền khảo cổ học ở đó”, Emmerich nói.

Thành công của Emmerich được hỗ trợ một phần bởi nhóm hoạt động địa phương mang tên “Save Our Mesa!”.

The Epoch Times cũng đã liên hệ với Arevia Power, đơn vị đề xuất dự án.

Cashen vẫn còn lo lắng khi chúng ta chưa hiểu hết những hệ lụy gây ra cho môi trường của các dự án năng lượng mặt trời. Ông tiên đoán, trong tương lai không xa, phần lớn đất sa mạc của Mỹ có thể trở thành bãi rác thải bởi những tàn tích hoang phế, độc hại của các trang trại năng lượng mặt trời cũ để lại. “Tất cả những điều này còn rất mới lạ đối với chúng ta,” ông nói.

Tác giả: Nathan Worcester

Theo The Epoch Times

May May biên dịch.

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Dự án điện mặt trời quy mô lớn ảnh hưởng tới môi trường như thế nào?