Du hành vũ trụ sẽ làm thay đổi hoàn toàn tâm thức và tư duy của con người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhân loại hiện nay đã bắt đầu tiến vào không gian vũ trụ. Nghĩa là chúng ta đang du hành vào vương quốc từng thuộc về các vị Thần. Tuy nhiên, du hành vũ trụ sẽ buộc nhân loại phải suy nghĩ lại về mọi thứ.

Trong suốt lịch sử nhân loại, thiên đường được cho là một nơi xa xôi trong không gian, là vương quốc của các vị Thần. Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ nhân loại có khả năng du hành không gian. Nếu chúng ta tiếp tục đi theo quỹ đạo này, chúng ta sẽ phát triển những huyền thoại và quan điểm tâm linh mới. Không gian có thể truyền cảm hứng nhưng cũng có thể làm chúng ta chấn động, đòi hỏi chúng ta phải có những chuẩn bị về tâm lý, thậm chí cả tâm linh để thích nghi.

Con người đã sống trên Trái đất hàng thiên niên kỷ, nhưng một ngày nào đó điều đó sẽ thay đổi. Các vì sao đang mời gọi, và sức hút của chúng quá mạnh mẽ khiến nhân loại không thể bỏ qua. Nhân loại đã đặt chân lên Mặt trăng, và một ngày nào đó sẽ tiếp tục trở lại Mặt trăng. Hiện nay, nhân loại đang hướng đến Sao hỏa và sẽ còn đi xa hơn nữa.

Khi chúng ta thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái đất, rất nhiều thay đổi mãnh liệt đang chờ đón chúng ta. Nó sẽ thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận. Nó sẽ ảnh hưởng đến tâm thức, tâm linh của chúng ta — thậm chí có thể định nghĩa lại nhân loại.

Tâm linh nhân loại gắn liền với bầu trời

Trong suốt lịch sử loài người, chúng ta đã gắn kết tâm linh, thần thoại và tôn giáo của mình với bầu trời. Các chòm sao được rải đầy trong những câu chuyện về bầu trời, từ Orion đến Warepil (chòm sao đại bàng của thổ dân Úc). Người Mỹ bản địa Lakota coi dải Ngân hà là con đường cho những linh hồn đã khuất. Thiên đàng của chúa Giê-su ở đương nhiên ngự trên trời. Vị Thần chính của người Ai Cập cổ đại là Ra, Thần Mặt trời.

Bầu trời xanh thẳm. (Ảnh minh họa: Freepik/Jannoon028)

Jason Batt, một nhà khoa học viễn tưởng kiêm thần thoại học và tương lai học đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về những câu chuyện này và mối quan hệ của con người với thiên đường sẽ thay đổi như thế nào khi nhân loại trở thành chủng tộc du hành vũ trụ. “Vậy điều gì xảy ra với nhân loại?”. Batt, người đồng sáng lập Nhóm nghiên cứu dự đoán không gian chuyên sâu và là Giám đốc sáng tạo phi thuyền 100 năm, đã cân nhắc khi nói chuyện với Big Think: “Điều gì trong chúng ta sẽ bị thay đổi? Cái gì sẽ biến đổi?”

Mặc dù chúng ta thường liên tưởng chuyến du hành vũ trụ của mình với những kỳ tích kỹ thuật và khoa học, nhưng chúng cũng có một mối liên hệ không thể phủ nhận với nhiều huyền thoại của nhân loại. Minh chứng là cách chúng ta đặt tên cho các tên lửa không gian như: Gemini, Apollo, Artemis. Du hành vũ trụ là một việc lớn, không chỉ về phương diện công nghệ mà còn cả tinh thần đối với nhân loại.

Batt nói: “Có sự biến đổi tâm linh với bất kỳ nhóm nhân loại nào thực hiện bước nhảy vọt. Họ sẽ phải đối diện với những thay đổi cơ bản to lớn khi chuyển sang một môi trường mới.”

Chúng ta đã đặt chân lên Mặt trăng nhưng đã 50 năm rồi chúng ta chưa quay lại. Khi chúng ta trở lại các vì sao, nó sẽ thay đổi chúng ta như thế nào? Thật khó để nói. Nhưng chúng ta có thể đưa ra một số phỏng đoán.

Cơn chấn động vũ trụ

Nhân loại chưa bao giờ có đủ năng lực để hiểu rõ vị trí của Trái đất trong vũ trụ. Chúng ta từng nghĩ Trái đất là trung tâm của vũ trụ, rồi sau đó là Mặt trời. Cuối cùng, vị trí của Trái đất ở đâu trong vũ trụ này, nhân loại vẫn còn mù mờ không rõ.

Dải thiên hà. (Ảnh minh họa: Freepik/Pikisuperstar)

Trong cuốn Hướng dẫn về Thiên hà của Hitchhiker của Douglas Adams có một đoạn viết như sau: “Xa xa trong vùng nước đọng chưa được khám phá về phía Tây của dải Ngân hà là một Mặt trời màu vàng bị lãng quên. Quay quanh quỹ đạo này ở khoảng cách khoảng hơn một tỷ km là một hành tinh nhỏ màu xanh tầm thường với các dạng sống có nguồn gốc từ loài vượn nguyên thủy. Trình độ văn minh kém đến mức người ta vẫn nghĩ rằng đồng hồ kỹ thuật số là một ý tưởng khá hay ho.”

Đây là khởi đầu của khái niệm có tên “cơn chấn động vũ trụ”. Vũ trụ quá to lớn, lớn hơn cả trí tưởng tượng của nhân loại.

Batt nói: “Trái đất ở trung tâm và các ngôi sao ở trên chúng ta. Dương như các ngôi sao sinh ra ở đó để nhân loại thưởng thức. Nhân loại đã khám phá, học hỏi từ những ngôi sao và giờ có khát khao chinh phục những khoảng cách xa hơn thế. Nhân loại đã mạo hiểm dấn thân vào khoảng không gian mênh mông của vũ trụ. Để rồi đột nhiên nhận ra vũ trụ lớn hơn rất nhiều, cũng như nhân loại nhỏ hơn rất nhiều những gì nhân loại từng tưởng tượng, phỏng đoán. Và đó là điều vô cùng ám ảnh, thậm chí đáng sợ khi con người nhận ra năng lực tầm thường của mình khi đối diện với vũ trụ.”

Xã hội nhân loại có còn quan trọng không khi dải Ngân hà va chạm với một thiên hà khác trong vũ trụ, như thiên hà Andromeda? Tiềm thức của chúng ta sẽ còn tồn tại không, khi Mặt trời sẽ xâm lấn và nuốt chửng Trái đất?

Khi tiến vào không gian, nhân loại sẽ phải đối diện với những vấn đề này. Vũ trụ là một nơi khắc nghiệt. Từ vấn đề chân không, đến bức xạ vũ trụ, cho tới tình trạng thiếu trọng lực. Rời xa ngôi nhà Trái đất ấm áp, nhân loại sẽ bị cô lập hơn bao giờ hết.

Thử tưởng tượng bản thân là một phi hành gia trên một con tàu vũ trụ, trôi dạt giữa các vì sao, đi tìm kiếm một hệ hành tinh khác. Batt nói: Hãy tưởng tượng phi thuyền sẽ đi xa đến mức cả Mặt trời và các ngôi sao chỉ còn là những dấu chấm. Về mặt tâm lý, chúng ta đã chuẩn bị đối phó với cảm giác cô lập đó chưa? Cảm giác không thể quay trở về nhà.

Hiệu ứng tổng quan

Có một “kinh nghiệm tâm thức” nên biết để chuẩn bị cho cuộc du hành không gian, gọi là hiệu ứng tổng quan. Đây là tên do nhà triết học không gian Frank White đặt ra.

Ảnh minh họa (Nasa)

Nhiều phi hành gia đã trải nghiệm hiệu ứng tổng quan. Đó là một trải nghiệm tâm linh sâu sắc của các phi hành gia cảm thấy khi họ nhìn về Trái đất từ không gian vũ trụ mênh mông. Khi nhìn về ngôi nhà Trái đất từ vũ trụ sẽ thấy ranh giới giữa các quốc gia biến mất. Các phi hành gia còn thấy bầu khí quyển mà nhân loại dựa vào mong manh cỡ nào. Từ đó có thể thấy sự mong manh đáng kinh ngạc của hành tinh chúng ta.

Khi phỏng vấn một số phi hành gia đã đi vào vũ trụ, Deana Weibel, giáo sư khoa nhân chủng học và nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Bang Grand Valley, nhận thấy rằng họ có nhiều trải nghiệm khác nhau. Weibel nói với Big Think: “Có một nhận xét chung từ các phi hành gia khi quan sát Trái đất từ không gian đó là bầu khí quyển bảo vệ Trái đất 'mỏng như xốp'. Họ cảm thấy mạnh mẽ hơn bao giờ hết việc Trái đất cần được bảo vệ vì nó là một phương tiện trong không gian cung cấp sự sống cho nhân loại.”

Edgar Mitchell, phi hành gia thứ sáu đặt chân lên Mặt trăng, đã chia sẻ lại cảm xúc của mình như sau:

“Tôi kinh ngạc nhận ra bản chất của vũ trụ không như tôi đã được dạy… Tôi không chỉ nhìn thấy sự kết nối mà còn cảm nhận được nó… Tôi choáng ngợp với cảm giác vượt thoát cả về thể chất và tinh thần trong vũ trụ. Tôi nhận ra rằng đây là một phản ứng sinh học của não khi tôi cố gắng tổ chức lại ý nghĩa thông tin từ những quá trình kỳ diệu và tuyệt vời mà tôi vinh dự được thấy.”

Viện nghiên cứu Tổng quan là một nhóm chuyên cung cấp trải nghiệm này, ngay cả khi không đi vào vũ trụ. Họ tin rằng tác động của việc nhìn thấy toàn bộ hành tinh từ không gian sâu sắc đến mức nó có thể ảnh hưởng mọi thứ — từ cách thức hoạt động của tâm trí cá nhân đến việc giải quyết các vấn đề lớn như hòa bình thế giới và biến đổi khí hậu.

Nhìn về Trái đất từ không gian có thể điều chỉnh lại tâm trí con người bởi khi ấy chúng ta không còn là cư dân của một ngôi làng, thành phố hay quốc gia nào đó. Thay vào đó, chúng ta là thành viên của Trái đất bất kể chủng tộc, quốc tịch và tôn giáo, giống loài... Tất cả chúng ta đều ở trên “con tàu vũ trụ” này cùng nhau.

Định nghĩa lại các câu chuyện

Từ việc tiến vào không gian, nếu nhân loại có thể chạm tới cánh cửa thiên đường, đó sẽ là một chấn động to lớn thay đổi toàn bộ tâm thức con người. Batt nói: Con người mới chỉ bắt đầu nhúng ngón chân vào nước. Việc du hành không gian không chỉ là vấn đề về lực đẩy, về khám phá, về vệ tinh. Nhân loại phải nhận ra rằng chúng ta đang tiến vào nơi ở của các vị Thần.

Weibel giải thích nhiều ý tưởng tôn giáo gắn liền với Trái đất, hoặc một phần của Trái đất như sau:

“Sông Hằng rất linh thiêng trong Ấn Độ giáo sẽ bị bỏ lại phía sau nếu chúng ta rời Trái đất. Lịch của người Do Thái và người Hồi giáo dựa trên sự chuyển động của Mặt trăng quanh Trái đất (và một số ngày lễ của Cơ đốc giáo như Lễ Phục sinh cũng vậy), sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Nếu quỹ đạo của Mặt trăng quanh Trái đất trở thành một thứ gì đó xa xôi và chỉ có thể quan sát được qua kính viễn vọng công suất lớn, liệu điều đó có tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động tôn giáo của những người định cư ngoài vũ trụ không? Mặt trời của hệ mặt trời của chúng ta sẽ trở thành một ngôi sao thiêng liêng? Hay những người định cư Hồi giáo trên sao Hỏa hoặc một trong những mặt trăng của sao Mộc sẽ cầu nguyện về hướng Trái đất?”

Thử tưởng tượng, nếu một ngày nào đó, bạn đặt chân lên Mặt trăng, bạn có bao giờ nhìn nó như một quả cầu trên bầu trời nữa không? Hay bạn sẽ thấy nó đúng như bản chất của nó, là cả một thế giới riêng với những hẻm núi, núi non, cát bụi và một nơi nào đó để đứng?

Tưởng tượng về một tương lai xa, khi con người không chỉ sống trên Trạm vũ trụ quốc tế mà còn trên Mặt trăng, Sao Hỏa hoặc có lẽ là một con tàu vũ trụ liên thể hệ đang khám phá thiên hà. Rất nhiều câu chuyện, tôn giáo và tâm linh của chúng ta sẽ thay đổi như thế nào khi có những người sống tách biệt với những khái niệm này?

Chắc chắn, các thế hệ tương lai sẽ nghĩ khác về không gian so với chúng ta bây giờ. Mặt trăng có thể không chỉ là ánh sáng trên bầu trời đêm mà còn là nhà. Họ sẽ nghĩ gì về Trái đất? Nó sẽ giống như Eden, nơi chúng ta bắt nguồn, hay một kiểu địa ngục nguyên thủy? Nó sẽ là một ánh sáng trên bầu trời đêm hay chỉ là một đốm sáng khó nhìn thấy?

Theo BigThink

Lê Na

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Du hành vũ trụ sẽ làm thay đổi hoàn toàn tâm thức và tư duy của con người