Giáo sư Trung Quốc đề nghị một vợ 'hai chồng' để giải quyết hậu quả chính sách một con của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Yew-Kwang Ng, giáo sư kinh tế tại Đại học Phục Đán, đã đề xuất một giải pháp để chống lại các vấn đề nhân khẩu học do chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc. Trong chuyên mục "Làm thế nào để hạnh phúc hơn" trên NetEase Finance, ông lập luận rằng Bắc Kinh nên cho phép phụ nữ có nhiều chồng, lý tưởng là hai.

Chính sách một con, có hiệu lực trên khắp các vùng lớn của Trung Quốc từ năm 1980 và được nới lỏng vào năm 2016. Kết hợp với sở thích sinh con trai truyền thống, chính sách này dẫn đến mất cân bằng giới tính nghiêm trọng khi một số gia đình chọn bỏ thai nhi bất hợp pháp.

Ông Ng trích dẫn sự mất cân bằng giới tính hiện tại của Trung Quốc là 117 bé trai cho mỗi 100 bé gái, mặc dù một số người cho rằng tỷ lệ này chỉ khoảng 105: 100. Do đó, nhiều người đàn ông muốn kết hôn giờ gặp khó khăn trong việc tìm vợ. Điều này có nghĩa là “nhu cầu về thể chất và tâm lý của người đàn ông không được đáp ứng”, và tình hình “có thể trở nên tồi tệ hơn trong tương lai”.

Ông Ng đề xuất giải pháp cho vấn đề này là chiến lược “hai chồng”. Ông viết: “Định nghĩa truyền thống về hôn nhân bao gồm hai người, một nam và một nữ... Trong khi một số quốc gia đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, chúng ta cũng có thể từ bỏ điều kiện thứ hai của định nghĩa này và cho phép một người phụ nữ có nhiều chồng”. Ông lập luận rằng thật là thực tế khi một người phụ nữ có hai người chồng về mặt “hiệu suất tình dục” và “làm việc nhà”. Ông nhấn mạnh rằng lợi ích của việc tìm vợ đối với những người đàn ông độc thân sẽ tăng lên hơn một chút, nhưng cũng gây tác hại ngắn hạn đối với việc tìm đủ chồng của những người phụ nữ.

Bài viết ông Ng đã bị lên án rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội. Đáp lại sáng kiến của ông, một người dùng đã viết một cách phẫn nộ rằng: “Chức năng của một người vợ vượt xa vấn đề nhu cầu giới tính. Chức năng? tôi không thể tin rằng những từ này phát ra từ miệng một chuyên gia”. Những người khác cũng cáo buộc ông này coi thiếu tôn trọng phụ nữ khi coi họ như hàng hóa và máy móc.

Một người dùng khác viết: “Có phải ông đang nghiên cứu về hạnh phúc của người Trung Quốc? Tôi thì chỉ thấy hạnh phúc của đàn ông”.

Chính sách một con tai hại của chính quyền Trung Quốc

Chính sách một con là chính sách kiểm soát dân số, chính sách quốc gia cơ bản của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được áp dụng từ năm 1979 và được thay thế bằng chính sách 2 con vào năm 2015.

Tên chính thức do Chính phủ Trung Quốc đặt là "Chính sách kế hoạch hóa gia đình". Kể từ khi ra đời, chính sách này đã có nhiều thay đổi, mở rộng dần số con được phép sinh ra với một số đối tượng. Chính sách này hạn chế mỗi một cặp vợ chồng ở thành thị chỉ được sinh một con, những trường hợp ngoại lệ áp dụng đối với các cặp vợ chồng ở nông thôn có con gái đầu lòng, các dân tộc thiểu số và những cặp vợ chồng là con một. Chính sách một con không áp dụng với đặc khu hành chính Hồng Kông và Macao, nơi được thiết lập chính sách kế hoạch gia đình riêng.

Cuối năm 2013, sau 35 năm thực thi nghiêm khắc chính sách một con, Ủy ban Lập pháp tối cao Trung Quốc đưa ra báo cáo tuyên bố nới lỏng chính sách này, cho phép các cặp vợ chồng được sinh con thứ hai nếu cha hoặc mẹ là con một. Đến cuối năm 2015, chính sách này bị bãi bỏ.

Những quy định ngặt nghèo của chế độ một con được cho là nguyên nhân dẫn đến nhiều bi kịch xã hội tại Trung Quốc.

Những cặp vợ chồng vi phạm chính sách một con phải đóng một phức phạt cao gấp nhiều lần so với thu nhập bình quân thông thường của họ. Năm 2000, chính quyền Trung Quốc gọi mức phạt sinh con thứ hai là "phí đóng góp cho xã hội" chứ không phải tiền phạt, chi phí này nhằm trang trải những "thiệt hại" cho xã hội do đứa con thứ hai của các gia đình gây ra. Riêng năm 2010, tổng tiền phạt thu về khoảng 20 tỷ Nhân dân tệ (66 nghìn tỷ VNĐ). Mức phạt cho từng cặp vợ chồng được chính quyền các địa phương tự định ra tính theo thu nhập của gia đình vi phạm và nhiều yếu tố khác.

Nếu gia đình không đóng khoản phí này, những đứa con ngoài chính sách không được đăng ký khai sinh, không có tên trong hộ khẩu, không được cấp chứng minh thư, không được tham gia vào hệ thống bảo hiểm cũng như không được hưởng hệ thống giáo dục, sức khoẻ của nhà nước. Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc năm 2011, có tới 13 triệu người dân nước này không được xã hội thừa nhận do không có hộ khẩu.

Trong trường hợp người mẹ bị phát hiện đang mang thai ngoài chính sách và không có khả năng đóng tiền phạt sẽ bị cưỡng ép phá thai. Một số trường hợp phá thai cưỡng bức dẫn đến thai phụ bị thiệt mạng. Ngoài ra, một số biện pháp khác cũng được thi hành như đặt vòng tránh thai cho phụ nữ có một con, triệt sản cho phụ nữ có hai con. Chính quyền một số tỉnh như Quảng Đông từng đề ra chiến dịch chống "ba không" (không chứng minh thư, không hộ khẩu, không giấy phép tạm trú), bao gồm bắt giữ, đánh đập và giam giữ những người công dân không hộ khẩu.

Riêng ở một số địa phương kém phát triển, khoản tiền phạt này là một trong những khoản thu chủ yếu của chính quyền. Điều này được cho là lý do của việc mạnh tay chống phá thai nhằm buộc người dân đóng tiền phạt.

Chính sách một con đã tỏ ra có hiệu quả trong việc giảm thiểu tốc độ gia tăng dân số ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách cũng bị cho rằng đã thất bại ở khu vực nông thôn và không đủ khả năng để ngăn cản những người có khả năng tài chính. Bên cạnh đó là một loạt các chỉ trích về:

  • Gián tiếp làm gia tăng tỷ lệ nạo phá thai.
  • Tình trạng mất cân bằng giới tính do tập quán "trọng nam khinh nữ".
  • Tỷ lệ sinh giảm mạnh gây xáo trộn cấu trúc dân số.
  • Mở ra khe hở pháp luật tạo điều kiện cho tham nhũng.
  • Ảnh hưởng đến những người cao tuổi phụ thuộc vào sự chăm sóc và hỗ trợ chi phí y tế của con cháu khi về già, tăng gánh nặng hỗ trợ người già trong xã hội.
  • Làm giảm lượng dân số trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế.
  • Đẩy mạnh tệ nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em và phụ nữ.
  • Cản trở mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
  • Sau khi đạt đỉnh dân số trong tương lai, dân số sẽ giảm nhanh chóng do bị già đi.
  • Tỉ lệ dân tộc thiểu số gia tăng.
  • Các bé gái bị bỏ rơi sau khi sinh nở.

Văn Thiện

Theo Caixin, Wikipedia



BÀI CHỌN LỌC

Giáo sư Trung Quốc đề nghị một vợ 'hai chồng' để giải quyết hậu quả chính sách một con của Bắc Kinh