Hệ thống định vị vệ tinh Beidou của Trung Quốc sẽ lớn nhất thế giới: ảnh hưởng đến Mỹ như thế nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tháng Sáu năm nay, Trung Quốc sẽ phóng tiếp hai vệ tinh cuối cùng của mạng Beidou vào không gian, do đó hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu của họ sẽ hoạt động đầy đủ theo dự án. Điều này sẽ đưa tổng số vệ tinh Beidou quay quanh trái đất lên 35 chiếc, vượt qua mạng vệ tinh GPS của Hoa Kỳ, có 24 chiếc. 

Hệ thống định vị vệ tinh Beidou của Trung Quốc

Trở lại năm 2017, một báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc đã nhấn mạnh ba lý do tại sao Trung Quốc tạo ra mạng lưới định vị vệ tinh của riêng mình. ‘’Trung Quốc đã tìm cách phát triển hệ thống định vị vệ tinh của riêng mình để (1) giải quyết các yêu cầu an ninh quốc gia bằng cách chấm dứt sự phụ thuộc quân sự vào GPS; (2) xây dựng một ngành công nghiệp định vị vệ tinh thương mại để khai thác lợi thế mở rộng thị trường nhanh chóng; và (3) đạt được uy tín trong nước và quốc tế bằng môi trường của một trong bốn hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GNSS) từng được phát triển’’, theo báo cáo tại Tin tức Vành đai và Con đường.

Báo cáo cũng cảnh báo rằng Beidou sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với nước Mỹ trong lĩnh vực kinh tế, an ninh và ngoại giao. Khi hoàn thành, Beidou sẽ là hệ thống định vị duy nhất có tám vệ tinh trên quỹ đạo đồng bộ địa lý, nghĩa là chúng sẽ có thể tập trung vào một khu vực cụ thể và tuân theo tốc độ quay của Trái đất. Chính phủ Trung Quốc cũng có thể theo dõi tất cả người dùng mạng Beidou ở bất cứ đâu trên Trái đất bằng cách triển khai phần mềm kiểm soát tinh vi. Điều này càng trở thành một vấn đề khi điện thoại thông minh có trang bị Beidou trở nên thịnh hành ở Hoa Kỳ.

Bắc Kinh đang cố gắng khiến các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường cam kết sử dụng Beidou và bỏ GPS. Theo một ước tính, Trung Quốc đã xuất khẩu các sản phẩm cơ bản của Hệ thống định vị vệ tinh Beidou tới hơn 120 quốc gia và đang ráo riết bổ sung thêm nhiều sản phẩm và khách hàng. Theo một ước tính, hàng hóa và dịch vụ gắn liền với Beidou sẽ đạt 57 tỷ USD trong năm nay. Trung Quốc cũng đang hợp tác với Moscow để tích hợp Beidou với hệ thống định vị riêng của Nga, GLONASS.

GLONASS là hệ thống định vị vệ tinh riêng của Nga. (Ảnh: glonass-iac.ru)

‘’Có một hệ thống vệ tinh lớn và mạnh mẽ như vậy là bổ sung thêm sức mạnh cho liên minh hai quốc gia ưa chuộng can thiệp vào tín hiệu GPS quốc tế trên các khu vực rộng lớn. Liên minh Nga và Trung Quốc vốn đã thường xuyên làm gián đoạn GPS ở phía bắc Scandinavia, Biển Đen, phía đông Địa Trung Hải, Biển Đông và các nơi khác thì sẽ ngày càng thường xuyên hơn và lan rộng hơn giống như chòm sao khổng lồ Sino-Russo trở nên mạnh mẽ hơn và các đối tác đó trở nên mạnh bạo hơn’’, theo National Defense Magazine (Tạp chí Quốc phòng Hoa Kỳ).

Hệ thống định vị vệ tinh của Ấn Độ

Hàng xóm Trung Quốc là Ấn Độ cũng đang phát triển hệ thống định vị khu vực của riêng mình có tên NavIC, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Được thiết kế bởi Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ, NavIC bao gồm bảy vệ tinh. ‘’NavIC cung cấp một hệ thống định vị được tuyên bố là cung cấp độ chính xác cao hơn 10 mét, mang lại lợi thế nổi bật so với GPS có độ chính xác hiện nay là 20-30 mét. Phạm vi chính của nó cũng được mở rộng đến 1.500 km ra bên ngoài biên giới Ấn Độ, cùng với khu vực Dịch vụ Mở rộng rộng lớn hơn’’, theo Money Control.

NavIC sẽ cung cấp hai loại dịch vụ - Dịch vụ định vị tiêu chuẩn (SPS) nhằm mục đích sử dụng thương mại và Dịch vụ hạn chế (RS), đây là dịch vụ được mã hóa chỉ cung cấp cho đối tác sử dụng xác định, chẳng hạn như quân đội. Chính phủ có kế hoạch rõ ràng là sẽ mở rộng mạng lưới vệ tinh từ 7 lên 11 chiếc. Công ty bán dẫn Qualcomm của Mỹ đang hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) để kích hoạt khả năng NavIC trong các nền tảng chipset di động Snapdragon của mình. Điều này dự kiến sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất thiết bị điện thoại thông minh khác nhanh chóng áp dụng NavIC.

Dịch vụ hạn chế (RS) của NavIC là một dịch vụ được mã hóa chuyên cung cấp cho đối tác sử dụng được ủy quyền như quân đội. (Ảnh: wikipedia/Muff 1.0)

Hệ thống định vị vệ tinh Beidou cũng chỉ là một phần trong ‘’sứ mệnh không gian’’ đang được Chính phủ Trung Quốc nỗ lực thực hiện với mục đích sẽ tiếp tục thống trị cuộc đua vào không gian. Ngày 19/02, chính quyền Trung Quốc xác nhận đã phóng thành công tên lửa lần thứ 4, tiếp tục thực hiện “sứ mệnh không gian” của mình, bất chấp sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19.

Trong giai đoạn 2018 - 2019, Trung Quốc là quốc gia đã phóng tên lửa vũ trụ nhiều nhất thế giới với 73 lần, so với Hoa Kỳ là 48 lần và Nga là 45 lần. Cho đến hiện nay của năm 2020, Trung Quốc và Hoa Kỳ có số lần phóng ngang bằng nhau là 4 lần.

Ánh Dương

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Hệ thống định vị vệ tinh Beidou của Trung Quốc sẽ lớn nhất thế giới: ảnh hưởng đến Mỹ như thế nào