Hố đen siêu khổng lồ, có thể “nuốt” Mặt Trời như bữa sáng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Điều gì sẽ xảy ra khi một hố đen xuất hiện gần hệ Mặt trời của chúng ta? Các nhà khoa học đang lo ngại về việc một hố đen chẳng may có thể đến gần hệ mặt trời của chúng ta, liệu những tác động của nó có ảnh hưởng gì lớn đối với Trái đất, thậm chí có nuốt chửng chúng ta? Đó sẽ là ngày tận thế hay là cánh cửa mở ra một chân trời mới, một chuyến du hành vào tương lai?

“Các nhà nghiên cứu cho rằng điều quan trọng nhất là làm sáng tỏ bản chất của các lỗ đen, vì sợ rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ bắt đầu tôn thờ chúng”, nhà vật lý thiên văn Harvard, Eric Chaisson cho biết. Vào tháng 4 năm 2019, một sự kiện hoành tráng đã diễn ra như việc tàu Apollo 11 hạ cánh lên Mặt trăng và có thể cảnh báo của nhà vật lý Chaisson dường như đã được dự đoán trước.

Lần đầu tiên thế giới được nhìn thấy hình ảnh của vật thể mà trước đây chỉ xem là trên lý thuyết không thực tế: Một lỗ đen siêu lớn ở trung tâm của thiên hà M87. Ở khoảng cách ~ 55 triệu năm ánh sáng, chúng ta đã nhìn thấy vật thể này như thể nó xuất hiện trong quá khứ xa xôi. Kích thước của chân trời sự kiện cho lỗ đen này có thể so sánh với hệ mặt trời của chúng ta nhưng nó có khối lượng bằng sáu tỷ rưỡi mặt trời được gói gọn trong cùng một thể tích.

Hình ảnh được chụp bởi tổng hợp những kính thiên văn có khẩu độ tương đương với bán kính của hành tinh Trái đất. Khả năng của mảng này đạt đến độ phân giải hình ảnh mạnh gấp 4.000 lần so với Kính viễn vọng Không gian Hubble. Nhà vật lý thiên văn Janna Levin tại Đại học Columbia cho biết: “Trải qua thời gian mà ánh sáng từ M87 chiếu tới hệ mặt trời của chúng ta, chúng ta đã xuất hiện trên Trái đất cùng với những câu chuyện thần thoại, các nền văn hóa, hệ tư tưởng, ngôn ngữ và niềm tin khác nhau”.

Lỗ đen: Cánh cổng địa ngục, sự kết thúc của không gian và thời gian

Các hố đen khổng lồ này là sự bí ẩn, bí hiểm mà các nhà khoa học chưa giải thích được, khiến có lúc nó được gọi là “cổng địa ngục”, lúc khác lại được mô tả là “nơi tận cùng trái đất”.

Các hố đen này được mô tả ở một cuộc họp báo ở Brussels: "Cánh cổng địa ngục, sự kết thúc của không gian và thời gian".

Lỗ đen này, một vật thể siêu lớn ở trung tâm của thiên hà Messier 87 (M87 được hiển thị ở trên), thực sự là một con quái vật, nhà báo Ellie Mae O’Hagan viết trên tạp chí The Guardian “Tất cả vật thể nào chẳng may đến quá gần nó đều bị rơi vào hố đen và biến mất không còn dấu vết, kể cả ánh sáng cũng không thoát ra được. Đó là thời điểm mà mọi quy luật vật lý của vũ trụ đã biết đều sụp đổ. Có lẽ đó là thứ gần nhất với địa ngục: đó là vực thẳm, một khoảnh khắc bị lãng quên”.

Các nhà thiên văn đã đưa ra giả thuyết rằng lỗ đen ở trung tâm M87 đã phát triển đến kích thước khổng lồ bằng cách hợp nhất với một số các lỗ đen khác. M87 là thiên hà lớn nhất, khổng lồ nhất trong vũ trụ và nó được cho là hình thành từ sự hợp nhất của 100 hoặc nhiều thiên hà nhỏ hơn. Kích thước của các lỗ đen ở tâm M87 cùng với vị trí tương đối gần Trái đất, khiến các nhà thiên văn nghĩ rằng nó có thể là lỗ đen đầu tiên mà họ thực sự có thể “nhìn thấy” được.

Kính viễn vọng có kích thước tương đương Trái đất

Kính viễn vọng Chân trời Sự kiện (là một dự án và là chương trình quan sát thiên văn tập trung vào các lỗ đen siêu khối lượng nằm ở trung tâm các thiên hà) chụp ảnh lỗ đen thực chất là 10 kính thiên văn, được liên kết trên bốn lục địa ở Hoa Kỳ, Mexico, Chile, Tây Ban Nha và Nam Cực, và được thiết kế để quan sát vũ trụ bằng sóng vô tuyến. Trong một vài ngày của tháng 4 năm 2017, các đài thiên văn đã nghiên cứu bầu trời song song, tạo ra một kính viễn vọng khổng lồ gần bằng kích thước của hành tinh.

Một thiên hà rơi vào lỗ đen

“Một thiên hà có kích thước trung bình rơi qua trung tâm của M87, và do hệ quả của lực thủy triều hấp dẫn khổng lồ, các ngôi sao của nó hiện đang phân tán trên một khu vực lớn hơn 100 lần so với thiên hà ban đầu!”, giáo sư Ortwin Gerhard, người đứng đầu nhóm động lực học tại Viện Vật lý ngoài Trái đất Max Planck cho biết. Các quan sát vào tháng 7 năm 2018 với Kính viễn vọng Rất lớn của ESO đã tiết lộ rằng thiên hà hình elip khổng lồ có khả năng nuốt chửng toàn bộ thiên hà cỡ trung bình trong một tỷ năm qua.

Hình minh họa về một lỗ đen siêu lớn được bao quanh bởi một đĩa bồi tụ và phát ra một phản lực tương đối tính.
Hình minh họa về một lỗ đen siêu lớn được bao quanh bởi một đĩa bồi tụ và phát ra một phản lực tương đối tính. (Ảnh: Wikipedia)

Giống như quan sát một quả bóng gôn trên Mặt trăng

Trái ngược với quái vật ở trung tâm thiên hà M87, lỗ đen siêu lớn nằm ở trung tâm của Dải Ngân hà được gọi là Sagr A * có khối lượng gấp 4 triệu lần khối lượng mặt trời của chúng ta và có chiều ngang 44 triệu km. Điều đó nghe có vẻ là một vật thể khổng lồ, nhưng khi quan sát qua kính thiên văn trên Trái đất cách xa 26.000 năm ánh sáng (hoặc 245 nghìn tỷ km), nó giống như cố gắng để chụp ảnh một quả bóng gôn trên Mặt trăng.

“Hơn 50 năm trước, các nhà khoa học đã nhìn thấy có thứ gì đó rất sáng ở trung tâm thiên hà của chúng ta”, Giáo sư Paul McNamara, nhà vật lý thiên văn tại Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và là chuyên gia nghiên cứu về các lỗ đen, nói với hãng thông tấn AFP’s Marlowe Hood. Nó có một lực hấp dẫn mạnh mẽ đủ để làm cho các ngôi sao quay xung quanh nó rất nhanh — nhanh nhất là 20 năm, so với hành trình của hệ mặt trời, mất khoảng 230 triệu năm để quay quanh trung tâm của Dải Ngân hà.

Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ McNamara nói: “Chúng ta đang ngồi ở vùng đồng bằng của thiên hà - bạn phải nhìn xuyên qua tất cả các vì sao và các lớp bụi mới có thể nhìn tới trung tâm được”.

Chúng tôi hy vọng sẽ nhìn thấy hình ảnh của lỗ đen siêu lớn Sgr A * ở trung tâm thiên hà của chúng ta từ EHT( Kính thiên văn Chân trời sự kiện) trong tương lai gần nhưng hiện tại các thiên hà ngoài thiên hà của chúng ta như M87 là mục tiêu dễ dàng hơn cả.

Cho đến nay điều bí ẩn này vẫn làm đau đầu các nhà khoa học, bởi rất nhiều điều vẫn còn là giả thiết mà chưa có bằng chứng xác thực nào cả. Tuy nhiên việc đến gần chân trời sự kiện rồi thoát ra là điều không tưởng bởi chúng ta sẽ cần một chiếc phi thuyền có vận tốc lớn hơn cả vận tốc ánh sáng.

Sức mạnh hủy diệt của hố đen là vô cùng to lớn và dường như không có bất cứ điều gì có thể ngăn cản chúng.

Giống như một con quái vật trong vũ trụ, chúng tiêu diệt bất cứ thứ gì trên đường đi của chúng. Nhưng tôi cũng có một tin tốt, đó là với những gì các nhà khoa học nghiên cứu được ngày hôm nay, thì khả năng một hố đen xuất hiện gần hệ Mặt trời của chúng ta là rất rất và rất nhỏ.

Tuy nhiên nếu có một ngày như vậy, thì việc duy nhất chúng ta có thể làm đó là .... cầu nguyện.

Ngọc Mai

Theo Daily Galaxy



BÀI CHỌN LỌC

Hố đen siêu khổng lồ, có thể “nuốt” Mặt Trời như bữa sáng?