Hóa thạch ở Argentina cho thấy Khủng long có tính bầy đàn từ 193 triệu năm trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số lượng lớn các hóa thạch được khai quật ở vùng Patagonia phía nam Argentina cung cấp các bằng chứng lâu đời nhất cho thấy một số loài khủng long có đặc tính bầy đàn và có tổ chức tốt. Những con trưởng thành sẽ chăm sóc những con non và chia sẻ một nơi để cùng nhau sinh sống.

Các nhà khoa học cho biết vào hôm thứ Năm (ngày 21/10), các hóa thạch bao gồm hơn 100 quả trứng khủng long và xương của khoảng 80 con non và trưởng thành của một loài ăn thực vật trong Kỷ Jura có tên là Mussaurus patagonicus. Trong đó, bao gồm 20 bộ xương hoàn chỉnh đáng kể.

Nhà cổ sinh vật học Diego Pol thuộc Bảo tàng Cổ sinh vật học Egidio Feruglio ở Trelew, Argentina, người hướng dẫn nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific Reports, cho biết: “Đó là một cảnh tượng khá ấn tượng từ 193 triệu năm trước”.

Mussaurus, dài tới khoảng 6 mét (20 feet) và nặng khoảng 1,5 tấn, sở hữu chiếc cổ và đuôi dài, với một cái đầu nhỏ. Nó đã trưởng thành nên có hai chân, trong khi những con non là bốn chân.

Mussaurus sống vào đầu Kỷ Jura, kỷ thứ hai trong ba thời kỳ của thời đại khủng long. Nó là một loài vật tương đối lớn vào thời đó — lớn hơn cả những con khủng long ăn thịt cùng thời.

Diego Pol nói: “Khu vực này là một trong những khu vực độc nhất vô nhị”. “Nó bảo tồn những bộ xương khủng long tinh vi và nhỏ bé cũng như những quả trứng có phôi bên trong. Các mẫu vật chúng tôi tìm thấy cho thấy hành vi có tính bầy đàn đã có ở loài khủng long cổ dài từ thời sơ khai của chúng. Đây là những động vật có tính xã hội, và chúng tôi nghĩ rằng đây có thể là một yếu tố quan trọng để giải thích cho sự thành công của chúng”.

Các loài động vật được tìm thấy đã được phân nhóm theo độ tuổi tại thời điểm chúng chết, với những con non mới nở và trứng ở một khu vực trong khi bộ xương của những con non chưa chín chắn tập trung gần đó. Trứng được xếp thành từng lớp trong ổ trứng. Những con trưởng thành được tìm thấy một mình hoặc theo cặp.

Các nhà nghiên cứu cho biết hiện tượng này, được gọi là “phân biệt theo tuổi tác”, báo hiệu một cấu trúc xã hội phức tạp, bao gồm cả các con trưởng thành kiếm ăn và chăm sóc các con non. Các nhà nghiên cứu cho rằng các thành viên của đàn quay trở lại cùng một vị trí trong các mùa liên tiếp để tạo thành các đàn sinh sản.

Nhà cổ sinh vật học và đồng tác giả nghiên cứu Vincent Fernandez của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London cho biết, “Những con non đã ở với các con trưởng thành ít nhất cho đến khi chúng chín chắn. Có thể chúng ở cùng một đàn sau khi trưởng thành, nhưng chúng tôi không có thông tin để chứng thực giả thuyết đó”.

Hành vi bầy đàn cũng có thể bảo vệ những cá thể non và dễ bị tổn thương khỏi sự tấn công của những kẻ săn mồi.

Vincent Fernandez nói: “Đó là một chiến lược cho sự tồn tại của một loài”.

Bằng chứng lâu đời nhất trước đây về hành vi bầy đàn của khủng long là từ khoảng 150 triệu năm trước.

Khu đất mà chúng sinh sống nằm ở rìa khô của một hồ nước có cây dương xỉ và cây lá kim trong khí hậu ấm áp theo mùa. Những quả trứng có kích thước bằng một con gà. Những con trưởng thành nặng như một con hà mã.

Một phương pháp quét được gọi là chụp cắt lớp vi tính tia X có độ phân giải cao đã xác nhận rằng các phôi bên trong trứng thực sự là của loài Mussaurus.

Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Hóa thạch ở Argentina cho thấy Khủng long có tính bầy đàn từ 193 triệu năm trước