Huawei phải đối mặt với sự phản đối ở Anh do sự mất niềm tin của nước này vào Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nội bộ đảng cầm quyền của Vương quốc Anh đang ngày càng có nhiều ý kiến về việc ngăn chặn gã khổng lồ viễn thông Huawei giữ vai trò trong mạng lưới 5G của đất nước, khi chính phủ cho thấy lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh trong việc xử lý đại dịch virus Corona Vũ Hán (COVID-19).

Bloomberg đưa tin rằng vào tháng 1, chính phủ Anh đã trao cho Huawei vai trò trong việc xây dựng các bộ phận không nhạy cảm của mạng không dây thế hệ tiếp theo và mức tham gia là 35%. Nhưng kể từ đó, sự phản đối từ bên trong Đảng Bảo thủ cầm quyền đã đặt ra lo ngại rằng biện pháp này có thể được Quốc hội phê chuẩn.

Một dự luật nhằm chính thức hóa quyết định tháng 1 dự kiến sẽ được đưa ra trong vòng vài tháng.

Chiến dịch chống lại Huawei diễn ra trong bối cảnh Đảng Bảo thủ kêu gọi thiết lập lại mối quan hệ với chính quyền Trung Quốc do Bắc Kinh đã che đậy sự bùng phát COVID-19 và gây ra sự lây lan của virus trên toàn cầu.

Thành viên đảng Bảo thủ thuộc Quốc hội Anh Owen Paterson nói với NTD: “Tôi nghĩ rằng chính phủ đã bị đánh lạc hướng. Tôi hy vọng rằng những sự kiện trong những tuần gần đây sẽ thực sự giúp họ nhận thức được về sự nguy hiểm của một công ty, được điều hành chặt chẽ bởi chính phủ Trung Quốc”.

Hoa Kỳ đã từng cảnh báo Vương quốc Anh và các đồng minh khác rằng thiết bị của Huawei có thể được Bắc Kinh sử dụng để làm gián điệp hoặc phá hủy các mạng viễn thông của nước sở tại. Nguyên nhân do mối quan hệ chặt chẽ giữa Huawei và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cũng như luật pháp Trung Quốc, buộc các công ty nước này hợp tác với các cơ quan tình báo khi được yêu cầu.

Huawei, đã bác bỏ các cáo buộc của phía Hoa kỳ, và đăng một bức thư ngỏ vào tuần trước kêu gọi Vương quốc Anh không thực hiện bất kỳ bước đi nào để loại bỏ công ty này khỏi việc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng 5G của quốc gia này.

Ông Tom Tugendhat, Chủ tịch Đảng Bảo thủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cũng ủng hộ việc ngăn chặn sự tham gia của Huawei trong việc xây dựng mạng của Vương quốc Anh.

Ông Tugendhat nói với Bloomberg: “Tôi nghĩ rằng tâm trạng trong nghị viện quốc hội đã cứng rắn trở lại. Và tôi nghĩ rằng đó là nhận thức chung về việc phụ thuộc vào một doanh nghiệp của một đất nước không chia sẻ các giá trị của chúng tôi. Điều đó đã trở nên rõ ràng hơn”.

Cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ và thư ký ngoại giao William Hague, hiện đang nắm một ghế tại Thượng Nghị viện, trước đó nói rằng Anh không thể phụ thuộc vào Trung Quốc về công nghệ vì cuộc khủng hoảng đại dịch gần đây đã chứng minh chế độ cầm quyền của nước này không “theo luật lệ của chúng ta”.

Một phát ngôn viên của chính phủ Anh nói với NTD rằng thái độ của chính phủ nước này đối với Huawei đã thay đổi.

Đầu tuần này, quyền thủ tướng Dominic Raab cho biết nước Anh không thể quay trở lại “hoạt động kinh doanh như bình thường” với Bắc Kinh sau cuộc khủng hoảng đại dịch.

Ông Raab nói: “Chúng tôi sẽ phải đưa ra những câu hỏi khó [cho Trung Quốc] về việc dịch bệnh đã xuất hiện như thế nào và tại sao không ngăn chặn nó sớm hơn”.

Vào ngày 17/4, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho rằng chính quyền Trung Quốc đã thất bại trong việc đưa ra các hành động thích hợp để ứng phó với đại dịch COVID-19. Điều này có thể sẽ khiến các nước suy nghĩ lại liệu họ có muốn sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông và mạng 5G bị ĐCSTQ kiểm soát hay không, thông qua các công ty của họ chẳng hạn như Huawei.

Ông Pompeo nói với Fox Business Network: “Các nước sẽ có một lăng kính khác để đưa ra quyết định khi Huawei đến gõ cửa để bán cho họ thiết bị và phần cứng”.

Ông Paterson cho biết, về sự thất bại trong việc quản lý của chính quyền Trung Quốc đối với sự bùng phát dịch bệnh, “tôi nghĩ rằng đối với nhiều thành viên của Nghị viện, tất cả những điều này sẽ thay đổi hình ảnh của Trung Quốc và chắc chắn họ sẽ có suy nghĩ lại về mối quan hệ của chúng tôi với nước này”.

Văn Thiện

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Huawei phải đối mặt với sự phản đối ở Anh do sự mất niềm tin của nước này vào Bắc Kinh