Tiếp bước Ba Lan, Hungary đệ trình luật bảo vệ công dân khỏi sự kiểm duyệt của Facebook và Twitter 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một chính trị gia hàng đầu Hungary thuộc Đảng Fidesz, một đảng bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa, cầm quyền muốn ngăn chặn sự kiểm duyệt của các công ty công nghệ lớn như Facebook và Twitter bằng cách đề xuất một đạo luật nhằm kiềm chế quyền lực của những công ty này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hungary Judit Varga cho biết Thủ tướng Viktor Orban, người cũng là lãnh đạo của Đảng Fidesz, sẽ không dung thứ cho các cuộc tấn công của Big Tech đối với quyền tự do ngôn luận.

Để đạt được mục tiêu trên, bà Varga tuyên bố rằng đất nước sẽ tiếp bước nước láng giềng Ba Lan trong việc trừng phạt các công ty truyền thông xã hội cố gắng kiểm duyệt những tiếng nói bảo thủ trên Internet.

Thông báo này được đưa ra khi cả thế giới đang đấu tranh chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Big Tech. Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump và nhiều đảng viên cộng hòa cùng chí hướng khác đã bị khóa tài khoản vĩnh viễn khỏi các nền tảng truyền thông xã hội. Khi Facebook cấm ông Trump, bà Varga cáo buộc gã khổng lồ truyền thông xã hội “loại bỏ các chức sắc công quyền” khỏi các không gian trực tuyến.

Ở Liên minh châu Âu (EU), các chính trị gia đang đấu tranh để áp dụng một cách tiếp cận phối hợp để quy định về mức độ Big Tech nên được phép giám sát nội dung trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này trong EU đang bị cản trở bởi sự phân chia ý thức hệ rõ ràng giữa các thành viên phía Tây và Đông EU. Ở phía tây, các nước như Pháp và Đức đang cố gắng đấu tranh chống lại những luận điệu cực đoan về tôn giáo cũng như bạo lực được cho là bắt nguồn từ những người cực hữu. Ở phía đông, các quốc gia như Hungary và Ba Lan muốn tập trung vào cái mà bà Varga gọi là kiểm duyệt “có chủ ý” và “ý thức hệ” trên mạng xã hội.

Trong một bài đăng trên Facebook gần đây, Varga cho biết bà dự định sẽ đệ trình một dự luật “điều chỉnh hoạt động nội địa của các công ty công nghệ lớn”.

Bà Varga nói: “Ngày nay, bất kỳ ai cũng có thể bị ngắt kết nối khỏi không gian trực tuyến mà không có bất kỳ thủ tục chính thức, minh bạch, công bằng và biện pháp pháp lý nào”. Bà cũng cáo buộc trong một bài đăng trước đó rằng Facebook đã "cấm đoán bà" vì khả năng hiển thị các bài đăng của bà trên mạng xã hội đã giảm đáng kể mà không có bất kỳ lời giải thích hoặc lý do chính thức nào.

Ngoài ra, bà Varga tuyên bố rằng các mạng truyền thông xã hội như Facebook và Twitter thường hạn chế khả năng hiển thị của những người có quan điểm và niềm tin Cơ đốc giáo, bảo thủ và cánh hữu khác. Bà cáo buộc các công ty công nghệ lớn này được chỉ đạo làm điều này bởi "các nhóm quyền lực”.

Thủ tưởng Orban và Đảng Fidesz chiếm đa số trong quốc hội của Hungary nhờ liên minh với Đảng KDNP bảo thủ xã hội. Điều này có nghĩa là nếu bà Varga đệ trình dự luật của mình trước cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo, nó rất có thể sẽ được thông qua với điều kiện là không ai trong liên minh cầm quyền phản đối nó.

Đảng cầm quyền của Ba Lan cũng đang đề xuất một biện pháp cụ thể để chống lại sự thiên vị của các công ty công nghệ lớn. Theo luật được đề xuất của đất nước, người dùng đã xóa bài đăng hoặc tài khoản bị chặn khỏi mạng xã hội sẽ có thể khiếu nại vụ việc của họ lên một cơ quan được gọi là Hội đồng Tự do Ngôn luận.

Nếu hội đồng nói trên phát hiện ra rằng công ty truyền thông xã hội bị cáo buộc từ chối khôi phục các bài đăng hoặc tài khoản bị khóa, họ có thể bị phạt tới 50 triệu Zloty (13,5 triệu USD).

Người châu Âu không tin tưởng Big Tech

Vào tháng 6/2020, quỹ nghiên cứu Hungary Szazadveg đã thực hiện một cuộc khảo sát trên toàn EU về mức độ tin tưởng của mọi người đối với mạng xã hội. Tổ chức này đã công bố lại kết quả nghiên cứu của họ sau các sự kiện gần đây liên quan đến việc Big Tech đàn áp những tiếng nói bảo thủ.

Theo cuộc khảo sát, 57% người dân ở mọi quốc gia EU và Vương quốc Anh hoàn toàn không tin tưởng vào mạng xã hội. Điều này thể hiện một sự gia tăng nhẹ so với 54% những người nói rằng họ không tin tưởng vào mạng xã hội vào năm 2019.

Khi Szazadveg hỏi những người tham gia họ tin tưởng mạng xã hội đến mức nào, 57% nói rằng họ hoàn toàn không tin tưởng mạng xã hội, 7% nói rằng họ rất tin tưởng mạng xã hội, 32% nói rằng họ tin tưởng vào mạng xã hội và 4% không biết.

Khi được hỏi mức độ tin tưởng của các phương tiện truyền thông nhà nước, 34% người tham gia cho biết họ hoàn toàn không tin tưởng vào truyền thông nhà nước, 11% nói rằng họ rất tin tưởng, 52% nói rằng họ phần nào tin tưởng vào tin tức và 3% nói rằng họ không biết .

Szazadveg cũng hỏi những người tham gia: “Việc các trang mạng xã hội xóa nội dung người dùng khỏi trang web của họ dựa trên quan điểm chính trị của họ có được chấp nhận hay không?” Cuộc khảo sát cho thấy 59% EU và Vương quốc Anh thấy điều đó là không thể chấp nhận được. 25% cho biết có thể chấp nhận được và 16% từ chối trả lời hoặc không biết.

Cuộc khảo sát của Szazadveg cho thấy 69% người dân ở Hungary cho rằng điều đó là không thể chấp nhận được trong khi chỉ có 15% nói rằng điều đó là ổn. Tại Đức, tỷ lệ người chấp nhận mạng xã hội kiểm duyệt người dùng dựa trên quan điểm chính trị cao nhất là 37%.

Văn Thiện

Theo Naturalnews

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Tiếp bước Ba Lan, Hungary đệ trình luật bảo vệ công dân khỏi sự kiểm duyệt của Facebook và Twitter