Kế hoạch chiến tranh chiến hào của Nga đứng trước nguy cơ phá sản vì máy bay không người lái cỡ nhỏ của Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nga đang xây dựng một mạng lưới chiến hào rộng lớn để ngăn chặn những bước tiến xa hơn của Ukraine. Vào hôm 18/11, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh báo cáo rằng Nga dường như có kế hoạch ổn định cho mùa đông khi họ đang xây dựng các tuyến phòng thủ mới cách tiền tuyến tới 60 km. Điều này sẽ giúp Nga có thời gian xây dựng lại lực lượng của mình trong khi sự nhiệt tình và ủng hộ của phương Tây đối với một cuộc chiến đang cạn dần. Nhưng đây không phải là năm 1916, và các kế hoạch của Nga có thể sẽ bị phá sản bởi lực lượng máy bay không người lái cỡ nhỏ ngày càng mạnh mẽ của Ukraine...

Một lính tình nguyện Ukraine cho biết: “Thực tế là chúng tôi đang tiêu diệt họ bằng máy bay không người lái”.

Trong Thế chiến thứ nhất (WW1), thuật ngữ “chiến tranh chiến hào” đã trở thành một khái niệm đồng nghĩa với một cuộc xung đột tĩnh mà trong đó không bên nào có thể đạt được lợi thế. Hai loại vũ khí mới thời đó là súng máy và pháo bắn nhanh đã gây thiệt hại nặng nề cho các đoàn quân đang cố gắng tiến công trên bãi đất trống và khiến kỵ binh rơi vào thế buộc phải nướng quân để tiến lên. Đội quân cố thủ có thể sống sót ngay cả khi bị pháo kích dữ dội kéo dài nhiều ngày. Chiến tranh chiến hào mang lại cho quân phòng thủ một lợi thế quyết định và các trận chiến trở thành một nhiệm vụ khó khăn mà trong đó một cuộc tiến công lớn tiêu tốn hàng nghìn sinh mạng nhưng chỉ có thể giúp quân đội giành được một vài dặm.

Người Nga có thể hy vọng rằng với việc sở hữu các tên lửa chống tăng và phòng không của riêng mình, cộng với việc Ukraine tương đối thiếu áo giáp và máy bay phản lực, thì quân phòng thủ trong chiến hào của họ sẽ khiến bất kỳ cuộc tấn công nào đều phải trả giá đắt. Thế bế tắc kéo dài có thể là hy vọng tốt nhất để Putin tiếp tục cuộc chơi.

Nhưng rất nhiều video từ các lực lượng Ukraine cho thấy quân đội phòng thủ dễ bị tổn thương như thế nào trước một chiến thuật mới: sử dụng máy bay không người lái 4 cánh (quadcopter) để thả lựu đạn với độ chính xác cực cao. Kỹ thuật này hiện đã được hoàn thiện và các máy bay 4 cánh dành cho người tiêu dùng như DJI Mavic 3 đã trở thành các máy bay ném bom tiêu chuẩn khi trang bị thêm lựu đạn được chuyển thể từ lựu đạn sát thương Vog-17.

Những người điều khiển máy bay không người lái của Ukraine đã trở nên thành thạo trong việc tấn công các mục tiêu chính xác từ độ cao vài trăm mét. Tuy các hố cáo, mảnh vỏ đạn và chiến hào cung cấp khả năng bảo vệ tuyệt vời khỏi hỏa lực của súng máy và đại bác, nhưng từ góc nhìn của máy bay không người lái, một người lính trong chiến hào vẫn chỉ là đang đứng ngoài trời.

Ngay cả khi ở độ cao lớn, người điều khiển máy bay không người lái có thể thả lựu đạn vào rãnh rộng một mét. Một cuộc tấn công kiểu này có thể giết chết hoặc làm bị thương nhiều người cùng một lúc bởi vì những người lính trong chiến hào có xu hướng tập trung lại với nhau.

Các máy bay không người lái này cũng hoạt động từ đủ cao để người Nga không nhìn thấy hoặc nghe thấy trước khi quá muộn. Một số video gần đây cho thấy các cuộc tấn công vào những người lính Nga đang ngủ trong hố phòng thủ: một số sẽ chết mà không biết thứ gì đã tấn công họ.

Rõ ràng là chúng ta hiện vẫn chưa rõ tỷ lệ thành công trong việc ném bom bằng máy bay không người lái. Nhưng không giống như máy bay không người lái tự sát, nếu các máy bay này thả bom trượt, chúng có thể chỉ cần quay lại căn cứ để nhặt một quả bom khác và chuẩn bị cho lần thả tiếp theo. Thêm vào đó, nguồn cung lựu đạn giá rẻ lại gần như là không giới hạn.

Các hầm trú ẩn có thể sẽ bảo vệ tốt khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và một số video cho thấy người Nga chạy vội đến hầm đào ngay khi một quả bom rơi trúng. Nhưng máy bay không người lái có thể thả bom vào lối vào, hoặc đơn giản là đợi những người trong hầm trú ẩn chui ra. Trong WW1, những người cư ngụ trong hầm có thể nghe thấy khi nào một trận pháo kích bắt đầu, khi nào kết thúc và có thể ra ngoài an toàn. Với máy bay không người lái, không có thời điểm nào là an toàn.

Thậm chí, hiện tại các hầm trú ẩn cũng có thể không còn an toàn. Ngày càng có nhiều video cho thấy các lực lượng Ukraine sử dụng máy bay không người lái loại nhỏ chứa đầy chất nổ như những loại vũ khí tự sát. Chúng có thể di chuyển trong không gian chật hẹp, bay qua các ô cửa hoặc xuống các chiến hào. Chúng có thể không có khả năng bằng máy bay 4 cánh sát thủ Lanius được hỗ trợ bởi AI mới của Israel nhưng chúng rẻ và sẵn có.

Như vậy, mặc dù chiến hào có khả năng bảo vệ khá tốt trong WW1, hiện tại máy bay không người lái lại biến chúng thành những cái bẫy chết người. Quân đội Nga có thể đơn giản trú ẩn trong các boong-ke sâu. Điều này sẽ giúp họ tránh khỏi cuộc chiến một cách hiệu quả, tuy nhiên nó cũng sẽ ngăn cản họ trong việc chống lại các bước tiến của Ukraine. Nhưng ít nhất họ sẽ vẫn còn sống sót để đầu hàng.

Nga đang tính đến một động thái phòng thủ đầu thế kỷ 20 để làm chậm bước tiến kẻ thù. Nhưng nó có thể giúp ích rất ít để chống lại lực lượng không quân nhỏ gọn của quân đội thế kỷ 21.

Văn Thiện

Theo Forbes

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Kế hoạch chiến tranh chiến hào của Nga đứng trước nguy cơ phá sản vì máy bay không người lái cỡ nhỏ của Ukraine