Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc dưới sự chỉ huy của một đơn vị quân đội tối tân?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những tranh luận gay gắt về khinh khí cầu do thám giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ giới hạn ở các khu vực gần lục địa Mỹ. Nhiều chuyên gia nói rằng, có một đơn vị tối tân của Quân đội Giải phóng Nhân dân TQ (PLA), có thể đã đứng sau các hoạt động này.

SSF - Lực lượng hỗ trợ chiến lược của PLA

Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc trước Quốc hội Mỹ, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (Strategic Support Force - SSF) bí ẩn – được thành lập năm 2015, như một phần trong công cuộc cải tổ PLA – là một tổ chức cấp chỉ huy chiến trường, tập trung vào các nhiệm vụ về chiến lược không gian, mạng internet, điện tử, thông tin liên lạc và chiến tranh tâm lý.

SSF đã tiến hành các hoạt động giám sát, thu thập thông tin cực mạnh tại khu vực Biển Đông. Hồi đầu năm 2021, khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, Bắc Kinh đã cho triển khai các biện pháp đối phó. Bay cao phía trên nhóm tàu sân bay là một khí cầu do thám thu thập thông tin về mọi động thái của Mỹ.

PLA đang thiết lập rầm rộ sự hiện diện quân sự tại khu vực Biển Đông trong nhiều năm nay. Lực lượng hải quân, không quân, và tên lửa của Trung Quốc đang hiện diện trên hầu hết các đảo nhân tạo ở khu vực này để hỗ trợ tàu sân bay, tàu hải quân, tàu ngầm, máy bay và tên lửa.

Năm 2001, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc và một máy bay giám sát điện tử của Hải quân Mỹ đã va chạm trên vùng trời Biển Đông. Máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Vụ va chạm giữa không trung khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng và đã trở thành một vấn đề quốc tế lớn.

Một số thông tin về nhiệm vụ của SSF

Các thợ lặn của Hải quân Mỹ đã trục vớt khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, Nam Carolina, vào ngày 5/2, sau khi nó bị bắn hạ bởi một tên lửa từ máy bay đánh chặn F-22 của Mỹ.
Các thợ lặn của Hải quân Mỹ đã trục vớt khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, Nam Carolina, vào ngày 5/2, sau khi nó bị bắn hạ bởi một tên lửa từ máy bay đánh chặn F-22 của Mỹ. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

SSF là một lực lượng rất bí ẩn, nhưng người ta đã có thể biết được đôi chút về phạm vi nhiệm vụ của nó nhờ một bài báo xuất bản năm 2016 trên Thời báo Hoàn cầu, tờ báo tiếng Anh trực thuộc Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bài báo của Thời báo Hoàn cầu cho biết SSF bao gồm ba đơn vị với các chức năng khác nhau: đơn vị chiến tranh mạng - có nhiệm vụ chống lại các cuộc tấn công của tin tặc; đơn vị chiến tranh không gian - có thẩm quyền đối với các vệ tinh do thám và Hệ thống Vệ tinh Dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc; và đơn vị tác chiến điện tử - chuyên làm gián đoạn hệ thống radar và thông tin liên lạc của đối phương.

Quả khí cầu khổng lồ bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Nam Carolina được trang bị các ăng-ten được cho là có liên quan đến đánh chặn thông tin liên lạc, cho thấy nó có liên hệ với SSF.

Đảo Hải Nam cũng là nơi đặt các cơ sở phóng vệ tinh quan trọng của Trung Quốc. Căn cứ nằm ở Văn Xương, một khu vực được coi là thành trì của SSF.

Gần đây, có dấu hiệu cho thấy SSF đang mở rộng quy mô sau khi các quảng cáo tuyển dụng nhân sự trực tuyến xuất hiện.

Lực lượng này đang tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học và những người có trình độ học vấn cao hơn, ngoài ra còn tuyển cả học sinh tốt nghiệp trung học và trung cấp nghề cho các công việc trình độ thấp, liên quan đến công nghệ thông tin.

Điều bất ngờ là quá trình tuyển dụng được tiến hành công khai, tập trung vào những tài năng trẻ giống như quá trình tuyển dụng của các công ty tư nhân. Thật vậy, SSF là một biểu tượng của “sự giao thoa quân sự-dân sự”, một chính sách tiêu biểu của Tập Cận Bình.

Ông Tập đã từng đi thị sát SSF vào tháng 8/2016, chuyến thăm này đã được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc trước Quốc hội Mỹ mô tả rằng SSF thực hiện các sứ mệnh và nhiệm vụ trong khuôn khổ “tam chủng chiến pháp”, gồm chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý, và chiến tranh pháp lý.

Phía Mỹ cho rằng nếu xảy ra trường hợp khẩn cấp ở Đài Loan, đơn vị chiến tranh mạng của Trung Quốc sẽ cố gắng phát động các hoạt động chiến tranh tâm lý nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận ở Đài Loan.

Khinh khí cầu do thám - một vũ khí lợi hại

Dù lời khẳng định của Trung Quốc – rằng vụ việc ở Mỹ là sự xâm nhập ngoài ý muốn của một “khí cầu dân sự” – là không đúng sự thật, thì tuyên bố của Bắc Kinh rằng khí cầu này đang quan sát khí tượng là có cơ sở, vì thời tiết luôn có ý nghĩa quan trọng đối với các hoạt động quân sự. Các điều kiện thời tiết luôn cần được tính đến vì chúng ảnh hưởng đến thành công hay thất bại của một vụ phóng rocket, cụ thể là độ chính xác khi phóng đi và hiệu quả của việc bắn pháo.

Theo các nhà phân tích, việc vận hành các khinh khí cầu cỡ lớn, công nghệ cao cũng là một nhiệm vụ quan trọng của quân đội. Sau khi Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo khổng lồ ở Biển Đông nhờ cải tạo đất, rất nhiều các khinh khí cầu đã được nhìn thấy trên bầu trời nơi đây.

Khinh khí cầu do thám đã xuất hiện rất nhiều lần trong lịch sử chiến tranh với sự phong phú và đa dạng trong ứng dụng. Chúng đã là một phần của chiến lược quân sự từ thế kỷ 18 cho cả hoạt động gián điệp trong nước và quốc tế. Đây là một loại vũ khí thích hợp của bất kỳ quân đội nước nào khi họ cần phải thực hiện các nhiệm vụ do thám đối phương.

Đây là một loại vũ khí có sức mạnh bền bỉ, lâu dài. Mặc dù chúng không nhanh hoặc không tạo ra thế bất ngờ cho đối phương, nhưng chúng có chi phí thấp hơn vệ tinh, có thể di chuyển ở phía cao trên không trung và không cần tiếp nhiên liệu.

Tham khảo Nghiencuuquocte



BÀI CHỌN LỌC

Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc dưới sự chỉ huy của một đơn vị quân đội tối tân?