Khoa học không thể giải thích ý thức - nhưng liệu một cuộc cách mạng đang đến?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một trong những thách thức khoa học lớn nhất trong thời đại chúng ta là giải thích làm thế nào mà một thứ phức tạp như ý thức lại có thể xuất hiện từ một khối mô xám như thạch. Bộ não là một cơ quan cực kỳ phức tạp, bao gồm gần 100 tỷ tế bào thần kinh, mỗi tế bào được kết nối với 10.000 tế bào khác, tạo ra khoảng 10 nghìn tỷ kết nối thần kinh.

Chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc hiểu phương thức hoạt động của não và cách nó đóng góp vào hành vi của con người. Nhưng điều cho đến nay vẫn chưa ai giải thích được là những thứ này dẫn đến cảm giác, cảm xúc và trải nghiệm như thế nào. Làm thế nào để việc truyền tín hiệu điện và hóa học giữa các tế bào thần kinh lại dẫn đến cảm giác đau hoặc đỏ mặt?

Ngày càng có nhiều hoài nghi rằng các phương pháp khoa học thông thường sẽ không bao giờ có thể trả lời những câu hỏi này. May mắn thay, có một cách tiếp cận thay thế cuối cùng có thể khai mở bí ẩn này.

Hạn chế của khoa học trong bắt nguồn từ định nghĩa vật chất của Galileo

Trong phần lớn thế kỷ 20, có một điều cấm kỵ lớn đối với khoa học là việc truy xét thế giới bí ẩn bên trong của ý thức - nó không được coi là một chủ đề phù hợp cho “khoa học nghiêm túc”.

Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, và bây giờ có sự đồng ý rộng rãi rằng vấn đề ý thức là một vấn đề khoa học nghiêm túc. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu ý thức đánh giá thấp độ khó khăn của vấn đề, tin rằng chúng ta chỉ cần tiếp tục kiểm tra các cấu trúc vật lý của não để tìm ra cách chúng tạo ra ý thức.

Tuy nhiên, vấn đề ý thức hoàn toàn không giống bất kỳ vấn đề khoa học nào khác. Một lý do chủ yếu là ý thức không thể quan sát được. Bạn không thể nhìn vào trong đầu của ai đó và thấy được cảm xúc và trải nghiệm của họ.

Tất nhiên, các nhà khoa học hiện nay đã quen với việc tìm hiểu về những thứ không thể quan sát được. Ví dụ, các electron quá nhỏ để có thể nhìn thấy được. Nhưng các nhà khoa học giả định các thực thể không thể quan sát được để giải thích những gì chúng ta quan sát được, chẳng hạn như tia sét hoặc vệt hơi trong các buồng mây. Nhưng ý thức, điều cần giải thích vẫn không thể được quan sát. Chúng ta biết rằng ý thức tồn tại không phải thông qua các thí nghiệm mà thông qua nhận thức tức thời về cảm giác và kinh nghiệm của chúng ta.

Chỉ bạn mới có thể trải nghiệm cảm xúc của mình. (Ảnh: Olga Danylenko)
Chỉ bạn mới có thể trải nghiệm cảm xúc của mình. (Ảnh: Olga Danylenko)

Vậy làm sao khoa học có thể giải thích được ý thức? Khi xử lý những dữ liệu quan sát được, chúng ta có thể làm thí nghiệm để kiểm tra xem những gì chúng ta quan sát có khớp với những gì lý thuyết dự đoán hay không. Nhưng khi chúng ta xử lý dữ liệu không thể quan sát được như ý thức, phương pháp luận này bị phá vỡ. Điều duy nhất các nhà khoa học có thể làm là so sánh các trải nghiệm không thể quan sát được với các quá trình quan sát được, bằng cách quét não của mọi người và dựa vào các báo cáo của họ về những trải nghiệm có ý thức riêng tư của họ.

Bằng phương pháp này, chúng ta có thể xác định, chẳng hạn, cảm giác đói vô hình có tương quan với hoạt động nhìn thấy được ở vùng dưới đồi (hypothalamus) của não. Nhưng sự tích lũy của những mối tương quan như vậy không tạo thành một lý thuyết về ý thức.

Trên thực tế, chúng ta không nên ngạc nhiên khi phương pháp khoa học thông thường của chúng ta vấp phải khó khăn khi phải đối phó với ý thức. Trong cuốn sách của mình có tiêu đề, Sai lầm của Galileo: Nền tảng cho một Khoa học mới về Ý thức, tác giả Misha Ketchell cho rằng rõ ràng khoa học hiện đại được thiết kế sao cho loại trừ vấn đề ý thức.

Trước “cha đẻ của khoa học hiện đại” Galileo Galilei, các nhà khoa học tin rằng thế giới vật chất chứa đầy những thuộc tính, chẳng hạn như màu sắc và mùi vị. Nhưng Galileo muốn một khoa học định lượng thuần túy về thế giới vật chất, và do đó ông đề xuất rằng những thuộc tính này không thực sự có trong thế giới vật chất mà là trong ý thức, cái mà ông quy định nằm ngoài phạm vi khoa học.

Thế giới quan này tạo thành bối cảnh của khoa học cho đến ngày nay. Và miễn là chúng ta còn trong khung đó, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là thiết lập mối tương quan giữa các quá trình não bộ định lượng mà chúng ta có thể thấy và những trải nghiệm định tính mà chúng ta không thể, không có cách nào giải thích tại sao chúng đi cùng nhau.

Ý thức là vật chất

Ông Ketchell tin rằng có một con đường khác đã xuất hiện, một cách tiếp cận bắt nguồn từ công việc từ những năm 1920 của nhà triết học Bertrand Russell và nhà khoa học Arthur Eddington. Khởi điểm của họ là khoa học vật lý không thực sự cho chúng ta biết vật chất là gì.

Điều này có vẻ kỳ lạ, nhưng hóa ra vật lý chỉ giới hạn trong việc cho chúng ta biết về hành vi của vật chất. Ví dụ, vật chất có khối lượng và điện tích, các tính chất của vật chất hoàn toàn được đặc trưng về mặt hành vi - lực hút, lực đẩy và lực cản đối với sự gia tốc. Vật lý không cho chúng ta biết gì về cái mà các nhà triết học muốn gọi là “bản chất bên trong của vật chất”.

Do đó, hóa ra có một lỗ hổng lớn trong thế giới quan khoa học của chúng ta - vật lý khiến chúng ta hoàn toàn bế tắc để giải thích về vật chất thực sự là gì. Đề xuất của Russell và Eddington là lấp đầy lỗ hổng đó bằng ý thức.

Họ đề ra thuyết “Toàn tâm luận” (Panpsychism) - một quan điểm cổ xưa cho rằng ý thức là đặc điểm cơ bản và phổ biến của thế giới vật chất. Nhưng “làn sóng mới” của thuyết Toàn tâm luận lược bỏ đi hàm ý huyền bí của các hình thức quan điểm trước đây. Vật chất có thể được mô tả từ hai khía cạnh. Khoa học vật lý mô tả vật chất “từ bên ngoài”, về hành vi của nó, nhưng vật chất “từ bên trong” được cấu thành từ các dạng ý thức.

Điều này có nghĩa là ý thức là vật chất, và ngay cả các hạt cơ bản cũng thể hiện các dạng ý thức. Hãy cân nhắc điều này. Ý thức có thể khác nhau về mức độ phức tạp. Chúng ta có lý do chính đáng để nghĩ rằng trải nghiệm có ý thức của ngựa ít phức tạp hơn nhiều so với trải nghiệm của con người và trải nghiệm có ý thức của thỏ kém tinh vi hơn so với ngựa. Khi một vật nên đơn giản hơn, ý thức chỉ mờ nhạt đi nhưng không bao giờ biến mất hoàn toàn, nghĩa là ngay cả một electron cũng có một phần tử nhỏ của ý thức.

Toàn tâm luận cung cấp cho chúng ta một cách đơn giản, tao nhã để tích hợp ý thức vào thế giới quan khoa học. Tuy thuyết này không thể kiểm chúng được, nhưng Toàn tâm luận là lý thuyết đơn giản nhất về cách ý thức phù hợp với câu chuyện khoa học của chúng ta.

Trong khi phương pháp tiếp cận khoa học hiện tại của chúng ta không đưa ra lý thuyết nào cả - chỉ có các mối tương quan - thì phương pháp thay thế truyền thống cho rằng ý thức nằm trong vạn vật dẫn đến một bức tranh tổng thể về tự nhiên phải bao gồm cả vật chất và ý thức. Một số nhà khoa học thần kinh hàng đầu của chúng ta hiện đang coi Toàn tâm luận như một khuôn khổ tốt nhất để xây dựng khoa học về ý thức.

Có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ có khoa học về ý thức, nhưng nó sẽ không phải là khoa học như chúng ta biết ngày nay. Điều này không khác gì một cuộc cách mạng, và nó đã và đang được tiến hành.

Văn Thiện

Theo The conversation

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Khoa học không thể giải thích ý thức - nhưng liệu một cuộc cách mạng đang đến?