Khoa học tâm lý: Đối mặt với sự chỉ trích để thành công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn đã làm việc tận tụy, chăm chỉ và vô cùng tỉ mẩn. Hầu hết mọi người ở đơn vị công tác đều hài lòng với khả năng và thành tích của bạn. Đột nhiên một ngày, một đồng nghiệp được kính trọng thẳng tay công kích thành quả của bạn. Bằng những từ ngữ nặng nề, anh ta bắt đầu bới móc sai sót và phủ nhận công sức của bạn.

Dù là một doanh nhân thành đạt hay một nhân viên trung thành, chấp nhận những lời chỉ trích chưa bao giờ là điều dễ dàng. Không ai trong chúng ta thích bị chỉ trích. Bản ngã của con người thích được đúng và cảm thấy bị tổn thương khi mình sai.

Bạn đã đầu tư xương máu, mồ hôi và đôi khi cả nước mắt cho công việc của mình. Vậy mà người khác lại nhảy vào và phủ nhận những gì bạn đã xây dựng sao? Bạn sẽ phản ứng thế nào đây? Bảo vệ mình một cách mạnh mẽ và tấn công lại, tìm kiếm sự trả thù xứng đáng?

Vậy nhưng, muốn hay không muốn, thích hay không thích, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những lời chỉ trích. Đó không chỉ là thực tế cuộc sống hàng ngày, những lời phê bình gay gắt thách thức chúng ta hiểu và hoàn thiện bản thân.

Nếu không thực tâm học hỏi từ sai sót, chúng ta rất dễ bị cảm xúc tự ái/khó chịu phong bế trí tuệ. Làm thế nào để chủ động điều khiển cảm xúc và tâm trí thay vì phản ứng bộc phát? Những chia sẻ dưới đây có thể giúp bạn hiểu rõ được tâm lý của mình và vượt qua sự tự ái/nỗi thất vọng khi đối mặt với lời chỉ trích.

1. Đừng coi nhẹ sai sót nhỏ nhặt

Khi đối diện với lời chỉ trích/nhắc nhở, bản năng đầu tiên của bạn sẽ là: Lỗi sai của mình có thực sự là một vấn đề lớn như vậy không?

Có thể có, có thể không. Nhưng lỗi sai của bạn hẳn là vấn đề lớn đối với người đã đưa nó ra và chỉ trích bạn. Và có thể chắc chắn rằng một vài người khác cũng cảm thấy như vậy.

Tôi từng vô cùng bối rối khi trưởng nhóm ở đơn vị công tác cũ phê bình gay gắt về những lỗi định dạng trong báo cáo nghiên cứu. Một báo cáo dày tới trăm trang với nhiều phân tích dữ liệu mà tôi bỏ bao công sức vào đó, vậy mà trưởng nhóm chỉ soi vào những bảng biểu lệch dòng, những đoạn ngắt dòng không đều. Trải qua nhiều công việc và tiếp xúc thêm với nhiều người, tôi nhận ra rằng không thể lấy tiêu chuẩn của mình áp lên người khác. Ở đây tồn tại vấn đề tôi chưa thực sự đặt mình vào vị trí người khác để đánh giá kết quả công việc.

Với bạn đó chỉ là lỗi nhỏ, không đáng bới móc, nhưng với họ (người chỉ trích bạn) đó lại là cái đập vào mắt đầu tiên, họ thấy vô cùng khó chịu với lỗi sai đó. Thậm chí sự khó chịu có thể lớn đến mức họ không để ý đến các đóng góp của bạn.

Hãy nhớ rằng: Khi bạn thực tâm muốn hoàn thiện công việc hay tác phẩm của mình, những chi tiết nhỏ nhặt cũng quan trọng.

2. Không tìm cách hợp lý hóa cho lỗi lầm và biện minh cho bản thân

Lúc ở độ tuổi thiếu niên, khi bố về nhà và càm ràm tại sao tôi chưa đổ rác, tôi đã chống chế: "Ôi, con đã mang rác ra ngoài cửa rồi đấy chứ. Đấy bố xem, nó ở ngay cạnh cửa. Con đang định đổ rác trong mấy phút tới.”

Về bản chất, những lý lẽ này chả giúp ích gì cho sự thật là rác chưa được vệ sinh, và đến tận giờ những lý lẽ suông cũng chả có tác dụng. Nó chỉ khiến người khác nhìn bạn như một người luôn tìm cách bao biện và không đáng tin cậy.

Khi một người thẳng thắn góp ý với tôi về bài thuyết trình còn nhiều chỗ dở, tôi bắt đầu giãi bày rằng tôi không có đủ thời gian để chuẩn bị và thật khó để làm hài lòng tất cả khán giả. Thật ra, tôi không cần phải lãng phí thời gian và năng lượng để giải thích lòng vòng như vậy! Chẳng thà dành năng lượng đó mà nhắm thẳng vào vấn đề căn bản từ chính mình, bài thuyết trình vẫn còn chỗ dở là do mình đã sơ suất ở đâu? Do đó, việc lắng nghe những lời góp ý một cách cẩn thận vô cùng quan trọng.

3. Không đổ lỗi

Đổ lỗi cho hoàn cảnh hay đối phương thì có giải quyết và cải thiện được sai sót không? Hay đó chỉ là liệu pháp tạm thời để xả bỏ và ve vuốt tinh thần của bạn? Thêm vào đó, cứ mãi đổ lỗi cho người khác khiến tâm trí chúng ta trở thành lối mòn, hễ có tình huống tương tự xảy ra thì tâm trí lại xử lý theo cách đó. Dần dần chúng ta càng tách biệt với những người xung quanh và trở nên cô đơn biết bao!

Rõ ràng chúng ta không thể kiểm soát người khác, nhưng chúng ta có thể thay đổi chính mình.

4. Không né tránh vấn đề

Nhiều người né tránh việc nhìn thẳng vào khuyết điểm của bản thân, họ đánh lạc hướng chú ý của đối phương, thậm chí thao túng và định hướng tâm lý đám đông. Những lời chỉ trích nghe rất nặng nề và khiến người nghe khó chịu, nhưng nó cũng phản ánh sự thật: Sự thật là có lỗi lầm!

Né tránh vấn đề không chỉ là thái độ yếu hèn, tâm lý đó sẽ dần hủy hoại bạn.

Bước đầu tiên để khắc phục khuyết điểm của bản thân là hãy thừa nhận và chấp nhận nó thực sự tồn tại.

Khi bạn luôn thấy mình ổn, mình làm thế là đã được rồi, nghĩa là bạn đang thiếu một điều gì đó rồi.

Khi chúng ta thực sự mở lòng, hạ bớt tự ngã, chấp nhận khuyết điểm một cách vui vẻ và thực sự tin là mình có thể vượt qua nó, những lời chỉ trích sẽ trở nên nhẹ nhàng. Những lời chỉ trích đã trở thành cơ điểm để bạn tiến về phía trước và gặt hái được lợi ích từ kết quả công việc tốt hơn cho chính mình và người xung quanh.

Không ai hoàn hảo và không phải lúc nào đối phương cũng có thể phản hồi theo cách mà bạn muốn. Nhưng nếu bạn cố gắng kiểm soát bản thân và cảm xúc của mình, mọi tình huống đều trở thành cơ hội để học hỏi và phát triển.

Mặc dù chúng ta thường bị thu hút bởi những người cùng chí hướng. Nhưng những người không đồng ý với chúng ta, liên tục phản biện với chúng ta thực sự giúp chúng ta phát triển vì họ gọi được những điểm yếu và sai sót của chúng ta ra và ta có cơ hội sửa chữa. Xem ra ta phải cảm ơn những người đó mới đúng!

Nguyễn Hảo

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Khoa học tâm lý: Đối mặt với sự chỉ trích để thành công