Khoa học Trung Quốc: Vì sao đi trước thời cổ đại… nhưng lại về sau thời cận - hiện đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

‘Tứ đại phát minh’ cùng với một số phát minh khác của Trung Quốc ra đời sớm hơn châu Âu nhiều thế kỷ. Đó là những cống hiến lớn cho nền văn minh nhân loại. “... Nhưng vì sao Khoa học Trung Quốc lại không phát triển vào thời cận đại - hiện đại?” là một phần của câu hỏi được gọi là ‘Nan đề Needham’. Cho đến nay nó luôn làm đau đầu nhiều thế hệ các nhà khoa học TQ và vẫn chưa có ai tìm ra lời giải thích hợp lý nhất.

Joseph Needham (1900-1995), viện sĩ người nước ngoài của Viện Khoa học Trung Quốc (TQ), là tác giả bộ sách đồ sộ mà không nhà nghiên cứu về Trung Quốc nào không đọc: Science and Civilisation in China. ‘Nan đề Needham’ của ông gồm hai phần:

1- Vì sao trong thời kỳ từ thế kỷ I trước CN cho đến thế kỷ XVI, người TQ vượt xa châu Âu về Khoa học và Công nghệ (KH&CN)? Vì sao châu Âu thời đó không có những tiến bộ xã hội như ở TQ?

2- Vì sao khoa học cận đại không nảy sinh ở TQ mà lại nảy sinh ở châu Âu từ thế kỷ XVII, nhất là từ sau thời kỳ Văn nghệ phục hưng?

Khoa học Trung Quốc cổ đại so với châu Âu

Ai cũng biết người TQ rất tự hào là quê hương của ‘tứ đại phát minh’ được coi là cống hiến lớn với nền văn minh nhân loại.

  • Họ biết dùng nam châm để làm kim chỉ nam sớm 400 năm trước người châu Âu.
  • Năm 105 trước CN họ phát minh ra giấy viết làm từ xen-luy-lô thực vật; đến thế kỷ XII châu Âu mới bắt chước họ làm được giấy.
  • Thế kỷ XI, TQ phát minh cách dùng con chữ làm bằng chất dẻo có khắc chữ ngược để in sách; đến thế kỷ XV người Đức mới biết dùng hợp kim đúc con chữ in.
  • TQ cuối đời Đường (thế kỷ X) đã dùng thuốc nổ vào mục đích quân sự; Anh và Pháp mãi đến giữa thế kỷ XV mới biết làm việc đó.

Thời nhà Minh, TQ từng có nhiều thành tựu KH&CN, như về thiên văn, toán học, địa lý… ví dụ sách “Thiên công khai vật” của Tống Ứng Tinh, “Nông chính toàn thư” của Từ Quang Khải… Sách phương Tây dịch ra Trung văn có “Kỷ hà nguyên bản” , “Khái yếu Thiên văn học Kopecnic”…

Đúng là trên lĩnh vực ứng dụng các tri thức khoa học tự nhiên trong thời gian từ thế kỷ II trước CN cho tới thế kỷ XIV sau CN, TQ đạt được kết quả hơn phương Tây. Tại sao họ làm được như vậy? Và tại sao sau đó, từ thời Galileo trở đi, quá trình toán học hóa các giả thuyết về giới tự nhiên cũng như các khoa học cận đại, các công nghệ tiên tiến lại đều xảy ra ở châu Âu, chứ không tại TQ? – câu hỏi này càng khó giải đáp hơn.

Theo tư liệu TQ công bố, từ thế kỷ VI cho tới thế kỷ XVII, TQ luôn chiếm tỷ lệ không dưới 54% trong các thành quả KH&CN lớn trên thế giới, song tới thế kỷ XIX thì tụt xuống chỉ còn 0,4%. Tại sao TQ lại tụt hậu sau phương Tây một khoảng cách lớn như vậy về mặt KH&CN?

Chính Needham cũng thấy khó hiểu. Còn người TQ thì tranh cãi mãi vẫn chưa nhất trí với lời giải đáp hợp lý. Sự lạc hậu về KH&CN của TQ ngày xưa cũng là sự lạc hậu nói chung của châu Á, trong đó có Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa TQ.

Khoa học Trung Quốc hiện đại so với châu Âu

Khoảng 20 năm qua, số sinh viên đại học Trung Quốc tăng 4 lần, nay đạt 16 triệu người; mỗi năm đào tạo được 352 nghìn kỹ sư (Mỹ: 137 nghìn). Tổng số người TQ du học nước ngoài trong 20 năm qua lên tới một triệu người, khoảng 1/3 đã về nước làm việc, riêng năm 2006 có 30 nghìn tiến sĩ về nước.

Đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của TQ tăng nhanh hàng năm. Tuy thế, so với các nước phát triển thì TQ vẫn còn một hố ngăn cách về KH&CN không dễ vượt qua. GDP của TQ hiện xếp thứ 4 thế giới, song sức cạnh tranh KH&CN lại đứng thứ 28; sức cạnh tranh xét về mặt nghiên cứu khoa học và chỉ tiêu phát minh sáng chế lần lượt xếp thứ 32 và 21.

Nghĩa là sức cạnh tranh về KH&CN tụt hậu xa so với sức cạnh tranh về kinh tế. Xem ra ngày nay, khi kinh tế đã đạt được tiến bộ lớn, TQ vẫn còn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh của Nan đề Needham.

Giải đáp của Needham

Joseph Needham (1900-1995), viện sĩ người nước ngoài của Viện Khoa học Trung Quốc (TQ), là tác giả bộ sách đồ sộ mà không nhà nghiên cứu về Trung Quốc nào không đọc: Science and Civilisation in China.
Joseph Needham (1900-1995), viện sĩ người nước ngoài của Viện Khoa học Trung Quốc (TQ), là tác giả bộ sách đồ sộ mà không nhà nghiên cứu về Trung Quốc nào không đọc: Science and Civilisation in China. (Ảnh chụp màn hình youtube)

Trong bộ sách của mình, Needham không chỉ nêu ra câu hỏi mà còn cố gắng tìm cách giải đáp câu hỏi ấy. Needham cho rằng TQ chưa có quan điểm dựa vào khoa học để phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài ra người TQ quá chú trọng thực dụng, rất nhiều khám phá dừng lại ở giai đoạn kinh nghiệm.

Chế độ khoa cử của TQ đã bóp chết sự quan tâm tìm hiểu quy luật của thiên nhiên, trói buộc tư tưởng con người vào các thư tịch cổ và danh lợi. Thí sinh tham gia khoa cử chỉ cần học thuộc lòng các sách kinh điển của thánh hiền như Tứ thư Ngũ kinh… là đủ. Ai có trí nhớ tốt thì dễ thi đỗ. Nho học truyền thống của TQ chỉ chú trọng đạo đức mà coi nhẹ việc quản lý kinh tế định lượng.

Ông còn cho rằng họ thiếu môi trường cạnh tranh KH&CN. Sau khi thống nhất đất nước, nhà Tần đã thi hành một cơ chế quan liêu phong kiến, trung ương chỉ đạo toàn bộ, Hoàng đế trực tiếp quản lý các quan chức, chính quyền địa phương chỉ chịu trách nhiệm trước triều đình.

Cơ chế quan liêu đem lại hiệu quả trên hai mặt. Mặt tích cực là tập hợp được nhiều người thông minh, được giáo dục tốt, đưa họ vào bộ máy chính quyền đã quản lý tốt nhà nước, giúp TQ phát triển được khoa học nghiên cứu thực dụng; ví dụ đào kênh lớn dẫn nước. Mặt tiêu cực là làm cho xã hội khó tiếp thu các quan điểm mới, lĩnh vực triển khai công nghệ mới không có cạnh tranh. Tầng lớp buôn bán không được hưởng các quyền lợi như ở Châu Âu. Trong xã hội có tư tưởng “Trọng nông khinh thương”.

Cuối cùng Needham kết luận: Nếu người TQ có hoàn cảnh cụ thể như Âu Mỹ thì chắc chắn họ sẽ có nền KH&CN và chủ nghĩa tư bản trước người Âu Mỹ.

Người Trung Quốc giải thích Nan đề Needham

Thực ra từ trước Needham đã có nhiều người TQ đưa ra những câu hỏi tương tự Nan đề Needham. Ví dụ năm 1915 Nhiệm Hồng Tuyển từng viết bài “Nguyên nhân TQ không có khoa học” đăng trên tạp chí “Khoa học”. Nhiều nhà khoa học khác đã tham gia cuộc tranh luận tìm câu trả lời Nan đề Needham. Tóm lại họ đã đề cập tới các vấn đề sau:

Xét về góc độ tư tưởng, văn hóa, triết học, người TQ cho rằng:

1- TQ thiếu tư tưởng triết học khoa học cổ Hy Lạp. Nguyên nhân là do TQ cổ đại không có tư tưởng logic hình thức hoàn thiện, cho nên rất khó sinh ra được vũ khí lý luận sắc bén. Einstein năm 1953 viết trong thư gửi bạn có nói: Nền tảng để khoa học phương Tây phát triển là hai thành tựu vĩ đại, đó là hệ thống logic hình thức do các triết gia Hy Lạp phát minh, và phương pháp thực nghiệm khoa học có hệ thống để tìm ra mối quan hệ nhân quả.

2- Thiếu sự giải phóng tư tưởng cho người lao động bình thường. TQ cổ đại chỉ có phát minh về kỹ thuật, phần lớn do người lao động phát minh, rất lẻ tẻ phân tán, không được tập trung sử dụng, không được phát huy.

3- Tư tưởng trọng văn chương, nhẹ kỹ thuật đã cản trở phát triển KHKT.

4- Triết học tự nhiên của Hy Lạp khác với của TQ.

5- Phương thức tư duy khác nhau.

6- Chữ viết khác nhau. So với chữ viết của phương Tây, chữ Hán thiếu tính logic, trở thành trở ngại lớn cản trở sự phát triển khoa học.

Xét về ảnh hưởng của kinh tế: TQ chịu ảnh hưởng lớn của kinh tế tiểu nông, dẫn đến thiếu sự phân công xã hội, còn kinh tế phương Tây đã tiến sang thời kỳ trao đổi hàng hóa.

Ngoài ra phương Tây có nhiều dân tộc giàu tinh thần mạo hiểm, dám vượt biển đi xa khám phá các vùng đất mới. Người TQ thiếu tinh thần đó.

Trong sách “Câu hỏi của Tiền Học Sâm”, nhà khoa học TQ nổi tiếng Tiền Học Sâm nêu câu hỏi “Vì sao nhà trường của ta không đào tạo được người tài kiệt xuất?” Ông so sánh nền giáo dục của TQ với phương Tây và cho rằng giáo dục của TQ nhấn mạnh luân lý và tri thức, đặt mục tiêu cuối cùng là “Quân tử” mà không chú trọng đào tạo về toán lý. Giáo dục của phương Tây nhấn mạnh chân lý và trí tuệ , đặt mục tiêu cuối cùng là thu được kiến thức và trở thành nhà khoa học.

Máy đo địa chấn của Zhang Heng, một phát minh vĩ đại của Khoa học Trung Quốc cổ đại.
Máy đo địa chấn của Zhang Heng, một phát minh vĩ đại của Khoa học Trung Quốc cổ đại. (Muséum de Toulouse / CC BY-ND 2.0)

Phương Tây nói gì về “Nan đề Needham”?

Trong khi khẳng định cống hiến về mặt khoa học của Needham, giới khoa học phương Tây không thừa nhận “Nan đề Needham”. Trước hết họ cho rằng sách của Needham lẫn lộn hai khái niệm khoa học và kỹ thuật. Thực chất đây chỉ là sách lịch sử kỹ thuật. Để làm nổi bật thành tựu khoa học cổ đại TQ, tác giả đã cố tình trùm lên lịch sử kỹ thuật một áo khoác lịch sử khoa học.

Thứ hai, Needham đã khuếch trương thành tựu kỹ thuật của TQ cổ đại, đánh giá quá cao một số thành tựu kỹ thuật không có hiệu quả lâu dài. Thứ ba, Needham đã khuếch trương ảnh hưởng của kỹ thuật cổ đại TQ đối với phương Tây. TQ và phương Tây ở hai đầu của Đông Tây, ảnh hưởng trực tiếp với nhau rất yếu. Kỹ thuật của TQ tác động rất bình thường đối với Ấn Độ và các nước theo đạo Islam.

Vấn đề đạo đức trong Khoa học của Trung Quốc hiện nay

Gần đây dư luận nói nhiều về mặt đạo đức của các nhà khoa học TQ. Tháng 5 năm 2006, 120 giáo sư khoa học sự sống và các nhà khoa học khác làm việc ở Mỹ và TQ liên danh gửi thư cho các Bộ KHKT, Giáo dục, Viện KHTQ bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề thành thật trong công tác nghiên cứu khoa học của TQ, kêu gọi có biện pháp giải quyết, có cơ chế xử phạt kẻ có lỗi và bảo vệ người tố cáo.

Chủ tịch Viện Khoa học TQ thời bấy giờ, ông Lộ Dũng Tường nói: “Quá nhiều quyến rũ đã làm cho một số nhà nghiên cứu nhận thức mập mờ về động cơ nghiên cứu khoa học”. Ăn cắp (“đạo”) kết quả nghiên cứu của người khác thì rất dễ bị phát hiện, nhưng xen lẫn một số liệu phịa, kết quả bịa đặt thì vừa dễ làm, chẳng tốn kém tiền của công sức gì mà vừa rất khó bị phát hiện. Do đó tuy chưa có kết quả nghiên cứu nhưng người ta đã viết được luận văn gửi đăng báo; hậu quả là các bài báo của TQ chỉ có số lượng mà không có mấy chất lượng. Năm 2004, TQ đứng thứ 9 thế giới về số bài báo được đăng, nhưng lại chỉ xếp thứ 124 về số lần được trích dẫn của các bài đó.

Quả thật, xã hội TQ đang có nhiều mảnh đất nuôi dưỡng nạn giả dối gian lận: hàng giả đầy các cửa hiệu, cầu thủ dùng doping và dàn xếp tỷ số, ca sĩ hát nhép… cho nên gian lận trong giới học thuật chẳng có gì lạ. Trong cuốn “Đông Á Tam quốc chí” gần đây xuất bản, nhà văn TQ Kim Văn Học nhận xét: Nói dối của người TQ là một đại đặc sản, người Nhật nói chung không biết nói dối; người Hàn Quốc không nói dối nhưng có tài nói khoác.

Nổi tiếng nhất có vụ “Chíp Hanxin giả” bị tố giác hồi tháng 5/2006: GS Trần Tiến (Chen Jin) trường ĐH Giao thông Thượng Hải lấy con chíp của Motorola đem mài nhẵn bóng rồi bảo là mình làm ra, lừa được hơn 100 triệu NDT (12 triệu USD) kinh phí nghiên cứu. Tháng 3/2006, ĐH Thanh Hoa tuyên bố: GS Lưu Huy (Liu Hui) trợ lý Giám đốc Viện Y khoa trường này khai gian lý lịch, nhận luận văn của người khác (trùng họ, trùng tên phiên âm La-tinh) là của mình.

Kết quả điều tra 180 người đạt học vị tiến sĩ năm 2006 cho thấy 60% thừa nhận đã bỏ tiền để được đăng luận văn trên báo, cũng từng ấy vị nhận có sao chép kết quả nghiên cứu của người khác… Nhưng viện sĩ Uông Phẩm Tiên nói mấy vụ bê bối lớn ấy chỉ là phần nổi của núi băng.

Hiện TQ thường được gọi là “công xưởng của thế giới”. Ô tô, máy tính sản xuất tại TQ tràn ngập khắp năm châu, hệt như Nhật Bản hồi thập niên 70-80. Có điều thời đó Nhật không làm hàng giả!

Những gì phải đến rồi cũng đang đến. Hơn hai năm nay, sản xuất của Trung Quốc đang sụt giảm nghiêm trọng, cơn bão Bất động sản và Ngân hàng đang quét rất mạnh tại nơi này. Khoa học Trung Quốc thực sự đang rất cần những định hướng đúng đắn để phát triển trở lại.

Theo Tiasang/Nghiencuuquocte



BÀI CHỌN LỌC

Khoa học Trung Quốc: Vì sao đi trước thời cổ đại… nhưng lại về sau thời cận - hiện đại