Không phải 5 mà có tới hơn 70 thanh nhiên liệu bị hư hại tại nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc, theo một người tố giác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà máy điện hạt nhân do Trung-Pháp sở hữu tại Đài Sơn (Taishan) đã bị ngừng hoạt động vào tháng 8 sau khi có báo cáo về sự cố rò rỉ nhiên liệu gây ra "mối đe dọa phóng xạ"...

Lò phản ứng, được xây dựng ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, do Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc và Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) điều hành.

Ủy ban Nghiên cứu Độc lập và Thông tin về Phóng xạ (CRIIRAD), một tổ chức của Pháp được thành lập sau vụ tai nạn Chernobyl, đã nói với cơ quan an toàn hạt nhân của nước này rằng một người tố giác đã liên hệ với họ để cung cấp thông tin về nguyên nhân có thể gây ra vụ rò rỉ tại Đài Sơn.

Ngoài ra, trong khi các nhà chức trách thừa nhận rằng khoảng 5 thanh nhiên liệu hạt nhân đã bị hư hỏng, người tố giác nói với đài truyền hình nhà nước Pháp Radio France Internationale rằng con số thực tế lên tới hơn 70 thanh.

Các thanh nhiên liệu sẽ giúp cho các phản ứng phân hạch duy trì liên tục xảy ra trong các nhà máy điện hạt nhân, tạo ra nhiệt làm sôi nước và cho phép sản xuất điện. Các phản ứng được giữ ở mức an toàn bằng cách đưa và rút các thanh điều khiển làm bằng vật liệu kiềm chế phản ứng (dampening material) như than chì. Những sai sót hoặc yếu kém về cơ học - như đã thấy trong thảm họa Chernobyl năm 1986 - có thể dẫn đến rò rỉ phóng xạ hoặc sự cố hạt nhân.

Lỗi thiết kế trong lò phản ứng Đài Sơn

Người tố giác, được xác định là một kỹ sư người Pháp có kiến ​​thức chuyên môn về ngành hạt nhân và có kiến ​​thức chi tiết về lò phản ứng Đài Sơn, nói rằng sư hư hại của các thanh nhiên liệu có thể là do lỗi thiết kế có thể xảy ra trong bình áp suất lò phản ứng. Người này cũng nói thêm rằng hư hỏng được tìm thấy trên các cụm là do "rung động bất thường”.

Người tố giác đã nói với CRIIRAD rằng, những rung động này có thể liên quan đến một lỗ hổng thiết kế trong bình áp suất của lò phản ứng thế hệ 3 EPR (European Pressurized Reactor hoặc Evolutionary Power Reactor).

Vào ngày 27/11, CRIIRAD đã liên lạc với cơ quan an toàn hạt nhân của Pháp qua email và yêu cầu cơ quan giám sát hạt nhân điều tra kỹ lưỡng các cáo buộc của người tố giác. Tổ chức này nói thêm rằng bất kỳ vấn đề nào bắt nguồn từ nhà máy Đài Sơn đều có thể có tác động đến các lò phản ứng hạt nhân khác mà EDF đang phát triển ở Pháp và nước ngoài.

CRIIRAD cho biết trong email: “Quan trọng là các cơ quan an toàn hạt nhân của các quốc gia liên quan cần thực hiện phân tích chặt chẽ các phản hồi xuất phát từ Đài Sơn 1 và hậu quả của nó đối với sự an toàn của các lò phản ứng EPR”.

Hôm 29/11, một phát ngôn viên của EDF cho biết cuộc điều tra về sự tích tụ của khí trơ vẫn đang được tiến hành, đồng thời cho biết thêm rằng nguyên nhân của vấn đề vẫn chưa thể được xác định đầy đủ cho đến khi cuộc điều tra đó hoàn tất.

Julien Collet, Phó tổng giám đốc cơ quan an toàn hạt nhân Pháp (ASN), nói với Reuters rằng vẫn còn quá sớm để cơ quan này đưa ra bất kỳ kết luận nào vì các cuộc điều tra sẽ mất vài tháng để hoàn thành.

Vào tháng 6, cơ quan quản lý an toàn hạt nhân Trung Quốc đã thừa nhận mức độ phóng xạ tăng lên trong mạch chính của một trong hai lò phản ứng do thanh nhiên liệu bị hư hỏng, nhưng cho biết việc này “hoàn toàn khác với tai nạn rò rỉ phóng xạ” vì “các rào cản vật lý là an toàn”.

Cơ quan của Trung Quốc cũng phủ nhận việc họ đã tự ý nâng cao giới hạn bức xạ có thể chấp nhận được, và cho biết mức độ bức xạ "vẫn nằm trong phạm vi cho phép hoạt động ổn định”.

Vào ngày 14/6, CNN cũng đưa tin rằng chính phủ Hoa Kỳ đang dành một nguồn lực đáng kể để đánh giá "mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra", sau thông báo rằng một rò rỉ tiềm năng đã được báo cáo tại nhà máy Đài Sơn.

Văn Thiện

Theo Vision Times

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Không phải 5 mà có tới hơn 70 thanh nhiên liệu bị hư hại tại nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc, theo một người tố giác