Kinh Phật chỉ được ghi lại sau 500 năm khẩu truyền?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tam tạng kinh (Kinh Phật) của Phật giáo bao gồm Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn, các vị tu sĩ đã kết tập nhiều lần để soạn lại và ghi nhớ Pháp mà Ngài đã truyền. Tuy nhiên 500 năm sau bộ Tam Tạng Kinh hoàn chỉnh mới được ghi chép lại thành văn bản.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã truyền giảng con đường giải thoát mà Ngài đã tu luyện trong suốt 49 năm. Ngài đã thu nhận rất nhiều đệ tử, có người xuất gia theo Ngài hoặc tự tụ tập lại thành từng nhóm gọi là các Tăng đoàn, có người còn tu luyện tại gia, gọi là các cư sĩ. Ngài đã truyền giảng tại rất nhiều nơi nhưng chủ yếu là ở vùng Đông Bắc Ấn Độ giáp với Nepal, dọc theo các nhánh thượng nguồn của sông Hằng.

Ngài thường được gọi là Đức Phật Cồ Đàm (Buddha Gotama). Chữ "Phật" là tiếng gọi tắt của "Phật Đà", phiên âm từ chữ Phạn "Buddha" - người bình dân Việt Nam có nơi gọi là ông Phật - nghĩa là người đã thông qua tu luyện mà giác ngộ (Giác Giả) . Trong các kinh sách ghi lại, Ngài thường tự gọi mình là Tagatatha (Như Lai). Ngài có rất nhiều đệ tử từ các quốc gia trong vùng, gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, lứa tuổi, nam nữ, và từ nhiều nguồn gốc tín ngưỡng khác nhau.

Đức Phật đã để lại một kho tàng quý giá gồm nhiều bài thuyết giảng (Kinh), trong nhiều dịp giảng dạy cho các đệ tử, bậc thánh thanh văn, cư sĩ, ... Với sự phát triển ngày càng mạnh của các Tăng đoàn, Ngài đã đặt ra nhiều giới luật để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tu tập (Giới). Ngoài ra còn nhiều bài giảng đặc biệt khác mà về sau này được đúc kết lại trong bộ A Tỳ Đàm (Abhidhamma).

Đại hội kết tập lần thứ nhất

Sau khi nghe tin Phật nhập Niết bàn, một tỳ kheo tên là Bạt-nan-đà (Upananda) mới gia nhập tăng đoàn không lâu nói như sau:

Vị trưởng lão ấy (chỉ Phật) thường dạy chúng ta nên làm như thế này, không nên làm như thế kia; nên học những điều này, không nên học những điều kia, thật là phiền toái. Bọn chúng ta ngày nay mới thoát được nỗi khổ ấy, tùy ý muốn làm gì thì làm, không còn ai ngăn cản nữa. Vì sao các ông lại thương tiếc khóc than?

Ma-ha-ca-diếp (Mahakasyapa) một trong các trưởng lão của Tăng-già nghe thấy và ông cho rằng sự hiểu lầm như thế rất có thể sẽ phổ biến, do vậy mà quyết định tổ chức một đại hội gồm các vị am hiểu phật pháp nhằm thống nhất nội dung tu học.

Ba tháng sau khi Đức Phật nhập niết bàn, đại hội các vị tu sĩ (Tỳ khưu) được tổ chức, ngày nay được gọi là Đại hội Kết tập Lần thứ I, tại vùng đồi núi ngoại thành Rajagaha (Vương Xá). Tại đại hội, các vị tu sĩ đã kết tập các bài kinh giảng và các điều luật thành một hệ thống chặt chẽ hơn.

Chủ trì phần Luật là Tỳ khưu Upali (Ưu Ba Ly), và chủ trì phần Kinh là Tỳ khưu Ananda (A Nan Đà), là người cận sự với Đức Phật và vì thế có nhiều dịp nhất để nghe và ghi nhớ các bài giảng của Ngài.

Đại hội gồm khoảng 500 vị cao tăng duyệt lại các giới luật và các bài thuyết pháp, sắp xếp thành hai nhóm chính: Luật Tạng và Kinh Tạng. Qua những thu thập lúc đó, Kinh Tạng được phân chia làm 4 Bộ chính: Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng bộ, và Tăng Chi bộ.

Tất cả nội dung của bộ Kinh này đều được các vị tu sĩ học thuộc, ghi nhớ và truyền khẩu.

Đại hội kết tập lần thứ nhất được tổ chức 3 tháng sau khi Phật Thích Ca Mâu Nị nhập niết bàn.
Đại hội kết tập lần thứ nhất được tổ chức 3 tháng sau khi Phật Thích Ca Mâu Nị nhập niết bàn. (Ảnh minh họa: encyclopediaofbuddhism)

Đại hội kết tập lần thứ hai

Đức Phật đã đi nhiều nơi hoằng dương đạo pháp trong suốt 49 năm, Ngài đã giảng đạo cho nhiều người và kết nạp nhiều đệ tử. Các đệ tử của Ngài ở rải rác khắp nơi, không thể nào cùng về tham dự Đại hội Kết tập lần đầu tiên do sự chuẩn bị có phần chưa được chu đáo để đáp ứng kịp thời cho sự chấn chỉnh đạo pháp. Do đó có thể có một số bài thuyết giảng và giới luật phụ do Đức Phật đặt ra đã không được kết tập trong kỳ Đại hội lần thứ nhất này.

Có một lần, trưởng lão Da-sá tuần du đến thành Vaishali (Tỳ-xá-ly) đã nhận thấy các tỳ-kheo ở đây thực hiện nhiều hành vi trái với giới luật. Trong đó nghiêm trọng nhất là việc nhận vàng bạc của thí chủ cúng dường. Ông nói như thế này với người dân và tỳ-kheo ở Vaishali:

"Các ngươi không nên cúng thí tiền, ta từng đích thân theo Phật nghe Pháp, nếu ai cầu thí không đúng với giáo pháp, cũng như những ai cúng thí không đúng với giáo pháp, cả hai đều đắc tội’’].

Các vị tỳ-kheo ở đây thì biện minh cho rằng mình không có tội, họ nói rằng đó là những điều chỉnh thích hợp đối với văn hóa và phong tục nơi đây. Mâu thuẫn không thể giải quyết và do vậy họ quyết định trục xuất Da-sá. Da-sá sau đó đi đến nhiều vùng đất khác nhau tập hợp các Trưởng lão và những người am hiểu phật pháp nhằm mục đích xem xét các hành vi trái với giới luật là có thể chấp nhận được hay không.

Vì vậy mà khoảng 100 năm sau, năm 383 trước CN, một đại hội kết tập các tu sĩ nữa lại được tổ chức. Sau lần kết tập này, Luật Tạng được mở rộng với các giới luật mà các vị tu sĩ cho rằng đã không được kết tập trong kỳ Đại Hội I, và một số các bài kinh giảng khác chưa được kết tập, tạo thành một bộ kinh thứ 5 của Kinh Tạng (Tiểu Bộ).

Sau lần kết tập này, Luật Tạng và Kinh Tạng xem như đã thành hình, và các bài giảng có lẽ cũng giống như bài giảng mà chúng ta có được trong bộ Đại Tạng hiện nay.

Tuy nhiên, cũng giống như lần kết tập thứ nhất, toàn bộ bộ Kinh này đều được các vị tu sĩ học thuộc, ghi nhớ và truyền khẩu.

Đại hội kết tập lần thứ ba

Một trăm ba mươi năm sau đó, năm 253 trước CN, vua Asoka (A Dục) của Ấn Độ cho triệu tập Đại hội lần thứ III. Mục đích của đại hội là ngăn chặn việc các nhà sư đem giáo luật ngoại đạo giảng cho tín đồ Phật giáo của mình, qua đó ngăn chặn rạn nứt trong các Tăng đoàn. Thể thức kết tập cũng giống hai lần đại hội trước.

Tiểu Bộ của Kinh Tạng lại được mở rộng và kết tập thêm nhiều bài kinh giảng khác. Quan trọng hơn hết là việc Đại hội đã đúc kết các bài giảng về tâm lý, thể tính và sự tướng của vạn pháp, tạo thành Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma, A Tỳ Đàm, Vi Diệu Pháp, Luận Tạng).

Đại hội kết tập lần thứ bốn

Khoảng năm 20 trước CN, 500 năm sau ngày Phật nhập Đại Niết Bàn, vua Vattagamani của Tích Lan (Sri Lanka) triệu tập Đại hội Kết tập Lần thứ IV tại Aluhivihara -- gần thành phố Kandy ngày nay, kết tập lại các phần Kinh, Luật, và đúc kết phần Thắng Pháp Tạng.

Để gìn giữ các bài giảng của Đức Phật dù đã kết tập nhưng chỉ truyền khẩu trong 500 năm qua, ba tạng kinh điển được cho viết lại trên một loại giấy bằng lá bối-đa khô trong lần kết tập này. Từ đó Tam Tạng Kinh được thành hình, và dường như không còn thay đổi nào khác.

Trong thời kỳ gần đây, Miến Điện có tổ chức hai kỳ kết tập khác: kết tập lần thứ V, năm 1870, và lần thứ VI, năm 1954. Tuy nhiên các kỳ kết tập này chỉ để làm sáng tỏ các điểm chính trong kinh, nhưng không thay đổi gì trong bộ Tam Tạng Kinh.

Ánh Dương

Theo Đại học KHXH&NV/Wikipedia



BÀI CHỌN LỌC

Kinh Phật chỉ được ghi lại sau 500 năm khẩu truyền?