Kinh tế - xã hội nước Anh sau đại dịch Cái chết đen và bài học kinh nghiệm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại dịch Cái Chết Đen (1346-1351) được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, ước tính nạn dịch này đã giết chết một nửa dân số Anh và để lại hậu quả sâu sắc về kinh tế xã hội.

Những lo ngại về sự lây lan của chủng Coronavirus mới đã chuyển thành mối lo về sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Các thị trường chứng khoán đã gây ấn tượng: Chỉ số FTSE 100 của Anh đã chứng kiến những ngày giao dịch tồi tệ nhất trong nhiều năm và chỉ số Dow Jones và S & P ở Mỹ cũng vậy. Tiền phải đi đâu đó và giá vàng - được coi là một mặt hàng ổn định trong các sự kiện cực đoan - đạt mức cao nhất trong bảy năm.

Nhìn lại lịch sử có thể giúp chúng ta xem xét các tác động về mặt kinh tế - xã hội của các đợt bùng phát dịch bệnh và cách quản lý chúng tốt nhất. Tuy nhiên, khi làm như vậy, điều quan trọng cần nhớ là các đại dịch trong quá khứ nguy hiểm hơn nhiều so với Coronavirus, có tỷ lệ tử vong tương đối thấp.

Trong quá khứ, cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương hơn khi đại dịch xảy ra do chưa có y học hiện đại và các tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới. Người ta ước tính rằng bệnh dịch hạch Justinian năm 541 sau Công nguyên đã giết chết 25 triệu người và bệnh cúm Tây Ban Nha năm 1918 giết chết khoảng 50 triệu người.

Cho đến nay, tỷ lệ tử vong tồi tệ nhất trong lịch sử đã gây ra bởi Cái chết đen. Nguyên nhân do một số dạng bệnh dịch hạch, giết chết từ 75 triệu đến 200 triệu người trên toàn thế giới (riêng ở châu Âu là 25 - 50 triệu người) và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn 350 - 375 triệu người vào năm 1400.

‘’Tức giận, đối kháng, sáng tạo’’ - tâm lý người dân sau đại dịch

Nghe có vẻ trái ngược thực tế - và không làm giảm tình trạng hỗn loạn tâm lý và cảm xúc thời đó do Cái chết đen gây ra - nhưng phần lớn những người sống sót đã có mức sống cải thiện hơn trước đó. Trước Cái chết đen, nước Anh đã phải chịu cảnh dân số quá đông.

Sau đại dịch, sự thiếu hụt nhân lực dẫn đến sự gia tăng tiền lương hàng ngày của người lao động, vì họ có thể tự tiếp thị cho người trả giá cao nhất. Chế độ ăn uống của người lao động cũng được cải thiện và bao gồm nhiều thịt, cá tươi, bánh mì trắng và rượu bia. Mặc dù các chủ đất luôn cố gắng tìm người thuê, nhưng những thay đổi trong hình thức sở hữu tài sản đã cải thiện thu nhập từ bất động sản và giảm nhu cầu của người thuê.

Nhưng thời kỳ sau Cái chết đen, theo nhà sử học kinh tế Christopher Dyer, là thời gian của ‘’kích động, phấn khích, giận dữ, đối kháng và sáng tạo’’. Phản ứng ngay lập tức của chính phủ là cố gắng duy trì trở lại làn sóng kinh tế theo nguyên lý cung - cầu.

Cuộc sống của người lao động trong thế kỷ 14 thật khó khăn. (Ảnh: Thư viện Anh)

Đây là lần đầu tiên chính phủ Anh đã cố gắng can thiệp vào nền kinh tế. Bộ luật Lao động đã được thông qua vào năm 1351 trong nỗ lực chốt tiền lương ở mức trước bệnh dịch và hạn chế quyền tự do đi lại của người lao động. Các luật khác được đưa ra là cố gắng kiểm soát giá thực phẩm và thậm chí hạn chế số phụ nữ được phép mặc các loại vải đắt tiền.

Nhưng nỗ lực điều tiết thị trường này đã không hoạt động hiệu quả. Thực thi pháp luật lao động khắt khe dẫn đến trốn tránh và phản đối. Về lâu dài, tiền lương thực tế tăng lên khi mức tăng dân số bị đình trệ với sự tái bùng phát của bệnh dịch hạch.

Các chủ đất đã nhượng bộ và đi đến thỏa thuận với những thay đổi trong thị trường đất đai do giảm sút dân số. Đã có sự di cư quy mô lớn sau Cái chết đen khi mọi người tận dụng cơ hội để chuyển đến vùng đất tốt hơn hoặc theo đuổi các hoạt động thương mại trong các thị trấn, thành phố. Hầu hết các chủ đất đã buộc phải cung cấp các giao dịch hấp dẫn hơn để đảm bảo có người thuê trang trại của họ.

Một tầng lớp đàn ông trung lưu mới (hầu như luôn luôn là đàn ông) xuất hiện. Đây là những người không được sinh ra trong những gia đình địa chủ về đất đai nhưng có thể kiếm đủ của cải để mua những mảnh đất. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng quyền sở hữu tài sản đã mở ra cho thị trường đầu cơ.

Sự thay đổi dân số đầy kịch tính của Cái chết đen cũng dẫn đến một sự bùng nổ trong dịch chuyển xã hội. Chính phủ đã cố gắng hạn chế những sự phát triển này và đã tạo ra sự căng thẳng và phẫn nộ trong tầng lớp dân cư.

Trong khi đó, Anh vẫn còn chiến tranh với Pháp và yêu cầu các đội quân lớn cho các chiến dịch của họ ở nước ngoài. Điều này đã buộc chính phủ phải chi phí lớn, và ở Anh đã dẫn đến phát sinh nhiều loại thuế hơn trong khi dân số giảm. Nghị viện của vua Richard II trẻ đã đưa ra ý tưởng sáng tạo về thuế bầu cử khắc nghiệt vào năm 1377, 1379 và 1380, dẫn trực tiếp đến tình trạng bất ổn xã hội dưới hình thức Cuộc nổi dậy của nông dân vào năm 1381.

Nông dân nổi dậy vào năm 1381. (Ảnh: Tranh của Jean de Wavrin)

Cuộc nổi dậy này, lớn nhất từng thấy ở Anh, là hậu quả trực tiếp của sự bùng phát của bệnh dịch hạch và các nỗ lực của chính phủ nhằm thắt chặt kiểm soát nền kinh tế và theo đuổi tham vọng quốc tế. Những người nổi dậy đã tuyên bố rằng họ bị áp bức quá nặng nề, rằng lãnh chúa của họ đã đối xử với họ ‘’như những con thú dữ’’.

Bài học cho ngày hôm nay

Tuy bệnh dịch gây ra Cái chết đen rất khác với bệnh dịch Coronavirus đang lan rộng ngày nay, nhưng chúng ta cũng xem xét một số bài học quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Đầu tiên, các chính phủ phải hết sức cẩn thận để quản lý sự suy sụp của nền kinh tế. Duy trì nguyên trạng đối với các quyền lợi bất di bất dịch của giai cấp thống trị có thể châm ngòi cho tình trạng bất ổn và biến động chính trị.

Thứ hai, hạn chế tự do đi lại của người dân có thể gây ra phản ứng dữ dội. Xã hội di động hiện đại của chúng ta sẽ phù hợp với sự cách ly y tế đến mức độ nào, kể cả là cách ly vì lợi ích lớn hơn của cộng đồng?

Hơn nữa, chúng ta không nên đánh giá thấp phản ứng tâm lý, bột phát. Cái chết đen chứng kiến sự gia tăng các cuộc tấn công bài ngoại và phản đối người Ả rập. Sợ hãi và nghi ngờ những người không phải là người bản địa đã thay đổi mô hình giao dịch thương mại.

Khi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng diễn ra sẽ có người hưởng lợi và kẻ thua cuộc về kinh tế. Trong bối cảnh Cái chết đen, tầng lớp thống trị đã cố gắng cố thủ quyền lực của họ, nhưng sự thay đổi dân số trong dài hạn đã buộc một số tái cân bằng lợi ích đối với người lao động, cả về tiền lương, sự di chuyển và mở cửa thị trường đất đai (nguồn chính của cải tại thời điểm đó) cho các nhà đầu tư mới.

Dân số suy giảm cũng khuyến khích nhập cư, mặc dù họ luôn chỉ đảm nhận các công việc có tay nghề thấp hoặc lương thấp. Tất cả đều là những bài học để các chính phủ hiện tại nghiên cứu kỹ lưỡng, kịp thời phản ứng và điều chỉnh các chính sách nhằm cân bằng các thay đổi kinh tế - xã hội đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của người dân.

Ánh Dương

Theo The Conversation

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế - xã hội nước Anh sau đại dịch Cái chết đen và bài học kinh nghiệm