Kỳ án rùng rợn tại đèo Dyatlov đã được giải mã?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Điều kinh hoàng gì đã dẫn đến cái chết của 9 nhà leo núi trong chuyến thám hiểm định mệnh ở dãy núi Ural (Nga) vào năm 1959, đã khiến họ phải rạch lều thoát ra ngoài ngay giữa đêm khuya lạnh giá? Những dấu vết hiện trường để lại cực kỳ kỳ quái, trong khi tư thế chết của nạn nhân khá lạ lùng, và quần áo của một vài người trong số họ bị nhiễm phóng xạ cực cao. Đây được coi là một trong những thảm kịch vừa ghê rợn vừa bí ẩn nhất trong thế kỷ 20.

Hành trình bi thảm

Trong đêm mùng 1 rạng sáng ngày 2/2/1959, 9 nhà leo núi đã chết tại một khu vực hẻo lánh trên dãy núi Ural trong những tình huống cực kỳ bí ẩn.

Ngày 25/1/1959, một nhóm gồm 3 kỹ sư và 7 sinh viên ở độ tuổi 20 và 30 thuộc Viện Bách khoa Ural ở thành phố Sverdlovsk, Liên Xô cũ đã đón chuyến tàu tới phía bắc vùng núi Ural để thực hiện cuộc hành trình chinh phục dãy Otorten. Mục đích của hành trình này là để thử nghiệm về tác động của độ cao và thời tiết khắc nghiệt đối với cơ thể con người.

Khi cả nhóm chuẩn bị lên xe hướng về dãy núi Ural thì một thành viên trong nhóm là Yury Yudin bị ốm và buộc phải bỏ cuộc giữa chừng. Yudin đã tiếc nuối ôm tạm biệt đồng đội, mà không hề biết rằng anh đã may mắn đến nhường nào.

9 người còn lại do Igor Alekseyevich Dyatlov (23 tuổi) dẫn đầu bắt đầu hành trình vào khu vực hẻo lánh của vùng núi Urals. Họ dự định sẽ leo lên một ngọn núi ở độ cao 565m ngay trong ngày và cắm trại qua đêm tại đây.

Igor Alekseyevich Dyatlov (23 tuổi) dẫn đầu đoàn thám hiểm gồm 9 người bắt đầu hành trình vào khu vực hẻo lánh ở vùng núi Urals.
Igor Alekseyevich Dyatlov (23 tuổi) dẫn đầu đoàn thám hiểm gồm 9 người bắt đầu hành trình vào khu vực hẻo lánh ở vùng núi Urals. (Wikimedia Commons - Petr Bartolomey / CC BY-SA 2.0)

Nhưng trên đường đi họ gặp bão tuyết và bị mất phương hướng nên đã lạc đến một con đèo nằm ở phía bên kia sườn của ngọn núi, mà bộ tộc Mansi gọi là Kholat Syakhl, nghĩa là “Ngọn núi tử thần”.

Họ quyết định dựng trại nghỉ qua đêm tại đây. Vào lúc nửa đêm, một điều lạ lùng nào đó đã xảy ra khiến cả nhóm phải chạy trốn trong bóng tối dưới cơn bão tuyết mịt mù...

Những cái chết kinh hoàng

Theo kế hoạch, cả nhóm sẽ trở lại thị trấn Vizhai vào ngày 12/2/1959 và từ đó trưởng nhóm Dyatlov sẽ gửi một bức điện tín thông báo họ đã đến nơi an toàn.

Tuy nhiên, 12 ngày trôi qua mà không có bất cứ tin tức gì về đoàn thám hiểm, thân nhân của nhóm leo núi bắt đầu thấy bất an và yêu cầu chính phủ Liên Xô mở một cuộc tìm kiếm.

Ngày 25/2, một phi công đã phát hiện điều bất thường trên sườn núi phía bắc, và từ đây dần hé lộ những tin tức đầu tiên của vụ mất tích 9 người.

Ngày 26/2, một nhóm tình nguyện viên dẫn đầu là sinh viên Mikhail Sharavin của trường ĐH Bách khoa Ural đã có một khám phá sửng sốt trên sườn rặng núi Ural. Họ phát hiện một góc lều nhô lên trên mặt tuyết.

Bản báo cáo của Sharavin miêu tả cảnh tượng như sau: “Chiếc lều đã bị rách toạc một nửa, và phủ đầy tuyết. Bên trong không có gì, đồ đạc và giày của nhóm leo núi đều bị bỏ lại”.

Ngày 26/2, một nhóm tình nguyện viên dẫn đầu là sinh viên Mikhail Sharavin của trường ĐH Bách khoa Ural đã phát hiện một góc lều nhô lên trên mặt tuyết. (Wikipedia / Public Domain)
Ngày 26/2, một nhóm tình nguyện viên dẫn đầu là sinh viên Mikhail Sharavin của trường ĐH Bách khoa Ural đã phát hiện một góc lều nhô lên trên mặt tuyết. (Wikipedia / Public Domain)

Một vết chém cho thấy ai đó đã dùng dao rạch lều để có lối thoát. Họ tìm thấy những dấu chân được xác định là của các nạn nhân chưa kịp đi giày, đã mạo hiểm đi chân trần hoặc chỉ đi tất trong điều kiện nhiệt độ âm 30 độ C. Tất cả dấu chân đều hướng tới bìa rừng gần đó.

Lần theo dấu vết này, ở khoảng cách 500m, đoàn cứu hộ đã tìm thấy dưới một cây tùng là tàn tro của một bếp lửa, và thi thể đông cứng của hai thành viên Doroshenko và Krivonischenko. Cả hai chỉ mặc quần áo lót trên người.

Mở rộng cuộc tìm kiếm, họ tìm thấy thêm 3 thi thể nữa của Dyatlov, Rustem Slobodin, và Zinaida Kolmogorov. Tư thế chết cho thấy dường như cả ba đang tìm cách quay trở lại lều và nằm chết rải rác ở khoảng cách 300m, 480m và 630m tính từ vị trí cây tùng, nơi phát hiện 2 thi thể đầu tiên.

Hơn 2 tháng sau, vào ngày 4/5 các nhà điều tra tìm thấy thêm 4 thi thể còn lại gồm:

  • Hướng dẫn viên leo núi Alexander Zolotaryov
  • Kỹ sư Nicolas Thibeaux-Brignollel
  • Hai sinh viên Alexander Kolevatov và Ludmila Dubinina

4 thi thể đều bị chôn vùi dưới hố băng dày gần 4m trong một khe núi, cách vị trí cây tùng khoảng 75m về hướng bìa rừng.

Điều kì lạ ở chỗ, cả 4 người này đều mặc đầy đủ quần áo, nhưng lại có dấu hiệu cho thấy có sự xáo trộn trang phục giữa họ. Zolotaryov mặc áo khoác và đội mũ của Dubinina, trong khi chân của Dubinina lại quấn mảnh quần dạ của Krivonischenko.

Giám định pháp y

Giám định pháp y cho biết 5 nạn nhân trước đó chết vì hạ thân nhiệt, ngoại trừ Slobodin có một vết rạn nhỏ trên hộp sọ, nhưng không được cho là vết thương chí mạng.

Kết quả giám định 4 nạn nhân sau đã khiến thảm kịch trở nên bí ẩn kỳ quái.

3 trong số 4 nạn nhân đã bị chấn thương rất nặng:

  • Nicolas Thibeaux-Brignollel bị tổn thương nặng vùng sọ
  • Ludmila Dubinina và Alexander Zolotaryov bị gãy xương sườn, lồng ngực và chảy máu bên trong.

Tiến sĩ Boris Vozrozhdenny khẳng định, các chấn thương này tương đương với việc nạn nhân phải chịu “một lực tác động cực mạnh” của một vụ tông xe ô tô. Đáng chú ý, 4 thi thể đều không có các vết xước, hay bầm dập các mô mềm.

Những bí ẩn từ thảm kịch

Khi tìm hiểu kỹ chiếc lều, các nhà điều tra đi đến kết luận rằng, nó đã bị xé toạc từ bên trong. Được biết, nhiệt độ vào đêm mùng 1 rạng sáng ngày 2/2 rất lạnh, khoảng âm 25-30 độ với bão tuyết vần vũ suốt cả đêm. Tuy nhiên chỉ có một người kịp xỏ một chiếc giày, số còn lại đều không đi giày hoặc chỉ đi tất.

Vậy điều kỳ quái gì đã xảy ra bên trong lều khiến những người leo núi bất chấp thời tiết khắc nghiệt mà bỏ chạy ra ngoài? Và tại sao 3 trong số 9 nạn nhân lại có những vết thương chí mạng. Kinh hoàng hơn nữa là thi thể của Dubinina còn bị mất lưỡi, mắt và một phần môi. Ngoài ra, quần áo của hai nạn nhân có chất phóng xạ cực mạnh. Thêm nữa, thi thể của họ đều chuyển sang màu cam xỉn.

Có quá nhiều những tình tiết kỳ quái xoay quanh cái chết bi thảm của 9 nhà leo núi này. Các điều tra viên nghi ngờ trong đêm định mệnh ấy, nhóm thám hiểm đã phải đối mặt với một tình huống kinh dị đến nỗi họ không kịp mặc quần áo và đi giày.

Các điều tra viên nghi ngờ trong đêm định mệnh ấy, nhóm thám hiểm đã phải đối mặt với một tình huống kinh dị đến nỗi họ không kịp mặc quần áo và đi giày. (Wikimedia Commons)
Các điều tra viên nghi ngờ trong đêm định mệnh ấy, nhóm thám hiểm đã phải đối mặt với một tình huống kinh dị đến nỗi họ không kịp mặc quần áo và đi giày. (Ảnh minh họa: Wikimedia Commons - HopsonRoad / CC BY-SA 4.0)

Theo những gì các nhà điều tra tìm thấy, đoàn thám hiểm đã để lại toàn bộ giày và dụng cụ leo núi tại lều, và gần như đi chân trần, ngoài ra có người cũng chẳng có mấy vải che thân.

Các dấu chân trên tuyết để lại quanh lều cho thấy, 9 người đã vội vã tỏa ra các hướng khác nhau, nhưng họ đều cố gắng trở lại tìm đồng đội khi đã cách xa chỗ cắm trại gần 300m.

Sau 3 năm đi tìm lời giải, các nhà điều tra Liên Xô vẫn không đưa ra được kết luận chính xác và cuối cùng đã khép lại hồ sơ vụ án bằng kết luận: Nhóm thám hiểm thiệt mạng do "một thế lực tự nhiên bí ẩn”.

Dù vậy, kết luận này đã không giúp xua tan nhiều phỏng đoán về thảm kịch trên, và đã có hàng loạt giả thuyết về nguyên nhân đằng sau những cái chết bí ẩn này. Một vài trong số những giả thuyết đó như sau:

  • Bị bộ tộc Mansi sát hại?

Có suy đoán cho rằng bộ tộc Mansi đã sát hại nhóm thám hiểm do họ đã phạm sai lầm đi lạc vào vùng đất cấm địa của tộc người này. Nhưng giả thuyết này không hợp lý bởi hiện trường chỉ có duy nhất dấu chân của đoàn thám hiểm, và không có dấu hiệu của các cuộc vật lộn.

  • Bị người Tuyết tấn công

Có người cho rằng một sinh vật khổng lồ là Yeti hay còn gọi là Người Tuyết sống ở vùng núi Siberia là thủ phạm tấn công đoàn thám hiểm vào lúc nửa đêm, khiến họ hoảng sợ bỏ chạy khỏi lều và gây ra những vết thương chí mạng cho một số thành viên.

Tuy nhiên, giả thuyết này nhanh chóng bị bác bỏ vì các nhà điều tra không tìm thấy dấu chân to lớn nào quanh khu lều trại.

Có người cho rằng một sinh vật khổng lồ là Yeti hay còn gọi là Người Tuyết sống ở vùng núi Siberia là thủ phạm tấn công đoàn thám hiểm vào lúc nửa đêm.
Có người cho rằng một sinh vật khổng lồ là Yeti hay còn gọi là Người Tuyết sống ở vùng núi Siberia là thủ phạm tấn công đoàn thám hiểm vào lúc nửa đêm. (Pixabay)
  • Hiện tượng huyền bí

Khi cuộc điều tra đi vào bế tắc, giả thuyết về người ngoài hành tinh được khá nhiều người tin theo. Đặc biệt khi người đứng đầu cuộc điều tra thảm kịch năm 1959 là ông Lev Ivanov xác nhận có nhân chứng cung cấp thông tin rằng:

Cách nơi nhóm 9 người cắm trại khoảng 50 km, ngày hôm ấy cũng có một nhóm sinh viên khác đã thuật lại từ nơi cắm trại của mình rằng, họ đã nhìn thấy một vật thể hình cầu màu cam phát sáng trên bầu trời phía bắc vào buổi tối định mệnh 1/2/1959.

  • Thử nghiệm vũ khí

Thành viên duy nhất trong đoàn bỏ cuộc giữa chừng là Yury Yudin cho rằng, 9 người bạn của anh đã vô tình đi vào vùng quân sự bí mật của chính phủ Liên Xô khi ấy, và không may trở thành con mồi trong một cuộc thử nghiệm vũ khí hạ âm. Yudin nghi ngờ chính lý do này đã khiến chính phủ phải giấu giếm các tình tiết trong khi điều tra và không đưa ra kết luận thực sự.

Ngoài ra, một số khía cạnh rùng rợn của vụ án có thể được giải thích như sau:

  • Thi thể bị mất bộ phận

Vì sao thi thể của Dubinina bị mất lưỡi, mắt và một phần môi? Người ta cho rằng, xác của cô được tìm thấy trong tư thế nằm úp mặt xuống con suối nhỏ dưới băng tuyết. Vì vậy những bộ phận bị mất trên thi thể của cô phù hợp với quá trình phân hủy trong môi trường ẩm ướt.

  • Quần áo bị phơi nhiễm phóng xạ

Vì sao trên quần áo của một số nạn nhân lại nhiễm mức phóng xạ cao? Các nhà điều tra cho rằng, công việc của hai nạn nhân là Alexander Kolevatov và Yuri Krivonischenko đều liên quan tới công nghệ xử lý hạt nhân. Vì vậy có thể quần áo của hai người này đã bị phơi nhiễm phóng xạ từ trước đó.

  • Da đổi màu

Lý giải cho việc da của thi thể chuyển sang màu cam có thể là do tiếp xúc với các yếu tố, trong đó việc bị “ướp xác” trong giá lạnh nhiều ngày cũng khiến da của họ đổi màu.

Mở lại cuộc điều tra

Vào đêm 1 rạng sáng ngày 2/2/1959, đoàn thám hiểm đã bị đánh thức bởi tiếng động lớn, và họ cho rằng là do lở tuyết nên đã vội vã xé lều bỏ chạy ra ngoài.
Vào đêm 1 rạng sáng ngày 2/2/1959, đoàn thám hiểm đã bị đánh thức bởi tiếng động lớn, và họ cho rằng là do lở tuyết nên đã vội vã xé lều bỏ chạy ra ngoài. (Ảnh minh họa: Unsplash)

Năm 2019, các nhà điều tra Nga đã mở lại hồ sơ sự cố tại đèo Dyatlov và nghi ngờ nguyên nhân gây ra cái chết thảm thương của 9 nhà leo núi có thể là sự kết hợp của hai yếu tố: Lở tuyết và tầm nhìn hạn chế.

Tháng 7/2020, các nhà điều tra Nga đã đưa ra một đề xuất, và từ đây đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về thảm kịch thương tâm này như sau:

Khu vực sườn núi phía tây Kholat - Syakhl luôn bị coi là vùng nguy hiểm khi thường xuyên xảy ra lở tuyết. Vào đêm 1 rạng sáng ngày 2/2/1959, đoàn thám hiểm đã bị đánh thức bởi tiếng động lớn, và họ cho rằng là do lở tuyết nên đã vội vã xé lều bỏ chạy ra ngoài.

Lạc trong bóng đêm giữa cơn bão tuyết khắc nghiệt, và tầm nhìn dưới 15m, 5 người đã chết cóng vì hạ thân nhiệt khi họ cố gắng tìm đường quay trở lại lều. 4 người còn lại đã quay trở lại lều, mặc thêm quần áo và đi tìm đồng đội. Họ đã đi về hướng bìa rừng, và chết gục tại đó.

Tuy nhiên, giả thuyết lở tuyết đã bị bác bỏ vì các điều tra viên cho rằng tuyết sẽ phủ lấp hết dấu chân chứ không để lại bằng chứng quanh lều. Ngoài ra, sạt lở tuyết không gây ra những vết thương chí mạng cho 4 thành viên trong đoàn như vậy.

Cuồng phong Katabatic là “thủ phạm”?

Những phiến tuyết rắn chắc có thể đã trượt xuống lều trại nơi các nạn nhân đang ngủ, đè lên người họ và gây nên những tổn thương chí mạng. (Unsplash)
Những phiến tuyết rắn chắc có thể đã trượt xuống lều trại nơi các nạn nhân đang ngủ, đè lên người họ và gây nên những tổn thương chí mạng. (Unsplash)

Giả thuyết cuồng phong Katabatic, một dạng phễu không khí chuyển động nhanh do lực đẩy đã kéo các phiến tuyết rắn chắc trên đỉnh núi lao xuống khu lều của đoàn thám hiểm được cho là thủ phạm gây ra thảm kịch.

Những phiến tuyết rắn chắc có thể đã trượt xuống lều trại nơi các nạn nhân đang ngủ, đè lên người họ và gây nên những tổn thương chí mạng bên trong cơ thể vốn không thể do tuyết lở gây ra.

Những phiến tuyết này phải cực kỳ cứng và di chuyển với tốc độ khá nhanh thì mới gây nên những vết thương khủng khiếp như vậy.

Và có thể 9 thành viên đã quyết định rời sườn núi đi về hướng bìa rừng, và cũng là nơi an toàn nhất khi lở tuyết xảy ra. Họ đã dìu những người bị thương và không ai bị bỏ lại. Nhưng tất cả đã phải đầu hàng trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Dù vậy, đây cũng vẫn chỉ là giả thuyết bởi chưa có kết luận cuối cùng.

Trong tất cả chuỗi sự kiện bi thảm trên, sự cố đèo Dyatlov được đặt tên nhằm tưởng nhớ người trưởng nhóm Igor Dyatlov - là câu chuyện tuyệt vời về lòng dũng cảm và tình bạn khi con người đối mặt với sự cuồng nộ của thiên nhiên.

Đông Bắc



BÀI CHỌN LỌC

Kỳ án rùng rợn tại đèo Dyatlov đã được giải mã?