Lịch sử chìm nổi của thuật châm cứu Trung Hoa

Giúp NTDVN sửa lỗi

5000 năm lịch sử của Trung Hoa chứa đựng rất nhiều tinh hoa, trong đó có y học. Rất nhiều thuật chữa bệnh của Trung Quốc cổ đại mà cho đến nay y học hiện đại vẫn không thể giải thích được cơ chế, trong đó có thuật châm cứu.

Những điều cơ bản cần biết về châm cứu cổ truyền Trung Hoa

Châm cứu là một trong những phương pháp chữa bệnh lâu đời nhất trên thế giới. Nó được định nghĩa là một tập hợp các thủ thuật liên quan đến việc dùng kim đâm xuyên qua da để kích thích các điểm nhất định trên cơ thể, còn gọi là các huyệt đạo. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, việc kích thích các huyệt đạo sẽ điều chỉnh sự mất cân bằng trong dòng khí lưu thông qua các đường kinh mạch, giúp cơ thể trở về trạng thái cân bằng, không còn bệnh.

Thuật châm cứu dựa trên một nguyên lý tiền đề rằng các chức năng của cơ thể được điều chỉnh bởi một năng lượng gọi là khí lưu chuyển khắp cơ thể. Sự gián đoạn của dòng chảy khí được cho là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Châm cứu sẽ giúp điều chỉnh sự mất cân bằng trong dòng chảy của khí bằng cách kích thích các vị trí gọi là huyệt đạo trên cơ thể.

Kim châm cứu thường được làm bằng dây thép không gỉ, thường dùng một lần, nhưng đôi khi cũng được tái sử dụng và phải qua khử trùng. Kim châm cứu có chiều dài khác nhau từ 13-130mm. Kim ngắn hơn sử dụng gần mặt và mắt. Kim dài hơn được sử dụng ở những vùng thịt dày, nhiều. Đường kính kim thay đổi từ 0,16 - 0,46 mm. Kim dày hơn được sử dụng cho những bệnh nhân khỏe mạnh hơn. Kim mỏng hơn cần có ống để chèn. Đầu kim không được quá nhọn để tránh bị gãy, mặc dù kim cùn sẽ gây đau hơn.

Huyệt đạo, kinh mạch, khí vẫn là những điều bí ẩn đối với y khoa hiện đại bởi không tìm thấy bất kỳ mối tương quan mô học hoặc sinh lý nào đối với các khái niệm này. Nhiều nghiên cứu y khoa cho thấy châm cứu hiệu quả hơn giả dược trong việc giảm một triệu chứng đau đớn và buồn nôn sau phẫu thuật. Các đánh giá có hệ thống cũng cho thấy châm cứu là một lựa chọn điều trị đầy hứa hẹn cho chứng lo âu, rối loạn giấc ngủ và trầm cảm.

Ngoài kim thông thường, còn có các loại kim khác có thể được sử dụng, chẳng hạn như kim ba cạnh. Các thầy châm cứu Nhật Bản sử dụng những chiếc kim cực mỏng, Hàn Quốc sử dụng kim đồng.

Sự chìm nổi của thuật châm cứu Trung Hoa trong chiều dài lịch sử

Đồ hình châm cứu thời nhà Minh
Đồ hình châm cứu thời nhà Minh (c.1368-1644).

Khó có thể xác định chính xác niên đại xuất hiện của châm cứu. Tuy nhiên có tư liệu cho thấy trong những trận chiến thời cổ đại Trung Quốc, một số binh lính được chữa khỏi nhiều bệnh mãn tính nhờ những cây kim.

Bản ghi chép sớm nhất về châm cứu được tìm thấy trong Hoàng Đế Nội Kinh, có niên đại khoảng năm 200 trước Công nguyên. Việc thực hành châm cứu đã lan rộng ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc sang các khu vực hiện là một phần của Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan.

Ở châu Âu, qua kiểm tra xác ướp 5.000 năm tuổi của Người băng Otzi đã xác định được 15 nhóm hình xăm trên cơ thể, một số trong số đó nằm trên những điểm mà ngày nay được xem là các huyệt đạo. Điều này được xem như là bằng chứng cho thấy các thực hành tương tự như châm cứu có thể đã được thực hiện ở những nơi khác ngoài Trung Quốc trong thời kỳ đồ đồng đầu tiên.

Hàn Quốc được cho là quốc gia thứ hai mà thuật châm cứu rất phổ biến bên cạnh Trung Quốc. Ở Hàn Quốc, có truyền thuyết cho rằng thuật châm cứu được phát triển bởi Đàn Quân - vị hoàng đế huyền thoại của Hàn Quốc. Mặc dù nhiều khả năng bỏ ngỏ cho rằng châm cứu được đưa vào Hàn Quốc từ một quận thuộc địa của Trung Quốc.

Khoảng 90 tác phẩm về châm cứu đã được viết ở Trung Quốc giữa thời nhà Hán và nhà Tống. Hoàng đế Tống Nhân Tông năm 1023, đã ra lệnh sản xuất một bức tượng nhỏ bằng đồng mô tả các kinh mạch và huyệt đạo sử dụng cho châm cứu. Tuy nhiên, sau thời nhà Tống, châm cứu đã mất đi vị thế của mình, dần dà chỉ được coi là một kỹ thuật chứ không mang nhiều tính học thuật như dược phương. Ở những thế kỷ tiếp theo, thuật châm cứu thường được sử dụng bởi các pháp sư, nhà giả kim, bà đỡ, gắn liền với tầng lớp thấp và mù chữ. Từ đó châm cứu chỉ được cho là một thủ thuật chứ không còn là học thuật.

Vào thế kỷ 16, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha là những người đầu tiên đưa các báo cáo về châm cứu đến phương Tây. Năm 1674, Hermann Buschoff, một linh mục người Hà Lan ở Batavia, đã xuất bản cuốn sách đầu tiên về châm cứu để chữa bệnh viêm khớp. Năm 1683, Willem ten Rhijne, một bác sĩ người Hà Lan đã xuất bản một nghiên cứu công phu về thuật châm cứu sau hai năm ở Nagasaki, Nhật Bản. Năm 1757, bác sĩ Xu Daqun xuất bản báo cáo miêu tả sự lụi tàn của châm cứu, và cho rằng đây là một nghệ thuật đã thất truyền, ít chuyên gia hướng dẫn.

Sự suy giảm của châm cứu một phần là do sự phổ biến của các loại thuốc men, cũng như mối liên hệ của châm cứu với các tầng lớp thấp hơn.

Năm 1822, một sắc lệnh của Hoàng đế Trung Quốc đã cấm hoàn toàn việc thực hành và giảng dạy châm cứu trong Học viện Y khoa Hoàng gia. Tại thời điểm này, châm cứu vẫn được giới thiệu ở châu Âu với cả sự hoài nghi và khen ngợi, tuy nhiên có rất ít nghiên cứu chuyên sâu và thử nghiệm.

Vị thế của châm cứu cổ truyền Trung Hoa trong kỷ nguyên hiện đại

Trong những năm đầu sau nội chiến Trung Quốc, các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc đã chế giễu y học cổ truyền Trung Quốc, bao gồm cả châm cứu, là mê tín dị đoan, phi lý và lạc hậu, cho rằng điều đó mâu thuẫn với sự cống hiến của đảng đối với khoa học như một con đường tiến bộ. Tuy nhiên sau đó chính Chủ tịch đảng cộng sản Mao Trạch Đông đã đảo ngược quan điểm này, nói rằng "Y học và dược học Trung Quốc là một kho tàng vĩ đại và cần nỗ lực khám phá chúng và nâng chúng lên một tầm cao hơn."

Huyệt đạo châm cứu.
Huyệt đạo châm cứu. (Ảnh: freepik)

Dưới sự lãnh đạo của Mao, trước tình trạng thiếu các bác sĩ y học hiện đại, châm cứu đã được hồi sinh và lý thuyết của nó được viết lại để tuân thủ các nhu cầu chính trị, kinh tế và hậu cần nhằm cung cấp cho nhu cầu y tế của người dân Trung Quốc.

Châm cứu đã thu hút được sự chú ý ở Hoa Kỳ khi Tổng thống Richard Nixon đến thăm Trung Quốc vào năm 1972. Trong một phần của chuyến thăm, phái đoàn đã được xem một bệnh nhân trải qua cuộc đại phẫu trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo nhờ được châm cứu chứ không phải gây mê. Sự tiếp xúc lớn nhất của phương Tây với thuật châm cứu là khi phóng viên James Reston của tờ New York Times được châm cứu ở Bắc Kinh để điều trị chứng đau hậu phẫu vào năm 1971 và đã bày tỏ sự hài lòng và thán phục của mình trên tờ báo này sau đó.

Cũng trong năm 1972, trung tâm châm cứu hợp pháp đầu tiên ở Mỹ được thành lập tại Washington DC. Từ 1973-1974, trung tâm này tiếp nhận tới một nghìn bệnh nhân. Năm 1973, Sở Thuế vụ Hoa Kỳ cho phép chi phí châm cứu được khấu trừ vào chi phí y tế.

Châm cứu là chủ đề của nghiên cứu khoa học tích cực cả về cơ sở và hiệu quả điều trị của nó kể từ cuối thế kỷ 20, nhưng nó vẫn còn gây tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu y khoa. Những người ủng hộ tin rằng châm cứu có thể hỗ trợ khả năng sinh sản, mang thai và sinh nở. Một đánh giá của Cochrane năm 2008 về các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên về thụ tinh trong ống nghiệm và châm cứu cho thấy châm cứu được thực hiện vào ngày phôi được chuyển vào tử cung có thể làm tăng tỷ lệ sống sót của bào thai.

Một phân tích tổng hợp năm 2012 kết luận rằng châm cứu có hiệu quả trong điều trị đau mãn tính. Một đánh giá khác vào năm 2012 cho thấy châm cứu giúp giảm đau do thoái hóa khớp gối tốt đáng kể và cải thiện chức năng. Hai đánh giá từ năm 2007 và 2008 đã mang lại kết quả khả quan tương tự. Hiệp hội Nghiên cứu Viêm xương khớp quốc tế đã đưa ra một loạt các khuyến nghị đồng thuận vào năm 2008, kết luận châm cứu có thể hữu ích trong việc điều trị các triệu chứng của viêm xương khớp gối.

Một số đánh giá từ 2009 - 2012 cho thấy châm cứu có hiệu quả trong điều trị chứng đau nửa đầu, rối loạn cổ, đau đầu do căng thẳng và viêm xương khớp ngoại biên. Một đánh giá của Cochrane năm 2009 về việc sử dụng châm cứu để điều trị chứng đau nửa đầu cho thấy ít tác dụng phụ hơn so với điều trị bằng thuốc dự phòng.

Các nhà khoa học đã quét não của những người tình nguyện khi họ được điều trị bằng phương pháp châm cứu cổ truyền Trung Quốc và phát hiện ra rằng nó đã vô hiệu hóa các con đường chi phối cơn đau. Tiến sĩ Hugh MacPherson, Đại học York, cho biết: "Những kết quả này cung cấp bằng chứng khoa học khách quan rằng châm cứu có tác dụng cụ thể đối với não bộ, hy vọng sẽ giúp hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của châm cứu." Các phát hiện, được công bố trên Brain Research, cho thấy châm cứu có tác động đáng kể đến các cấu trúc thần kinh cụ thể.

Khó khăn trong chứng minh tính đặc hiệu của châm cứu và sự công nhận của thế giới

Vị trí huyệt đạo và đường đi của khí.
Vị trí huyệt đạo và đường đi của khí.

Điều khó khăn nhất đối với việc nghiên cứu thuật châm cứu chính là “huyệt đạo”. Chúng gây ra rất nhiều tranh cãi trong việc định nghĩa, và mô tả đặc điểm của huyệt đại, vì không có đối chứng về giải phẫu và sinh lý học. Khó nắm bắt hơn nữa là một số khái niệm y học cổ truyền phương Đông then chốt như lưu thông khí, hệ thống kinh mạch và thuyết ngũ hành. Những khái niệm này khó dung hòa với thông tin y sinh học đương thời nhưng lại đóng một vai trò quan trọng trong đánh giá bệnh nhân và xây dựng phương pháp điều trị trong châm cứu.

Khí, âm, dương và kinh mạch không có đối trọng trong các nghiên cứu hiện đại về hóa học, sinh học, vật lý hoặc sinh lý học con người. Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm thấy bằng chứng chứng minh sự tồn tại của chúng. Tương tự như vậy, không có nghiên cứu nào thiết lập bất kỳ cấu trúc hoặc chức năng giải phẫu nhất quán nào cho các huyệt đạo hoặc kinh mạch. Đặc biệt là hệ thống thần kinh đã được đánh giá có mối quan hệ với các huyệt đạo, nhưng chưa có cấu trúc nào được liên kết rõ ràng với chúng.

Rất khó để thiết kế các thử nghiệm nghiên cứu về châm cứu. Do tính chất xâm lấn của châm cứu, một trong những thách thức lớn trong nghiên cứu hiệu quả là thiết kế một nhóm kiểm soát giả dược thích hợp.

Trong những năm gần đây, một số nước phương Tây đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về số lượng người sử dụng châm cứu để điều trị các bệnh thông thường:

Tại Úc, một cuộc khảo sát quốc gia năm 2005 cho thấy gần 1/10 người lớn đã sử dụng châm cứu trong năm trước.

Tại Hoa Kỳ, ít hơn một phần trăm tổng dân số cho biết đã sử dụng châm cứu vào đầu những năm 1990. Năm 2002, Trung tâm Y học Quốc gia tiết lộ rằng 2,1 triệu người trưởng thành đã sử dụng châm cứu trong 12 tháng trước đó. Vào đầu những năm 2010, hơn 14 triệu người Mỹ cho biết đã sử dụng châm cứu như một phần trong quá trình chăm sóc sức khỏe của họ. Mỗi năm, khoảng 10 triệu phương pháp điều trị bằng châm cứu được thực hiện tại Hoa Kỳ.

Tại Vương quốc Anh, tổng số 4 triệu ca châm cứu đã được thực hiện trong năm 2009.

Theo một số tổ chức bảo hiểm y tế công cộng, phụ nữ chiếm hơn 2/3 số người sử dụng châm cứu ở Đức. Sau khi kết quả của các Thử nghiệm Châm cứu của Đức được công bố vào năm 2007, số lượng người thường xuyên châm cứu đã tăng 20%, vượt qua con số một triệu vào năm 2011.

Vào ngày 16 tháng 11 năm 2010, châm cứu đã được UNESCO công nhận là một phần của di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Việc y khoa hiện đại gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu và chứng minh hiệu quả của châm cứu khi điều trị bệnh là tất nhiên, bởi cách tiếp cận trong chẩn trị bệnh của người xưa hoàn toàn khác với y học thực chứng hiện nay chỉ chú trọng vào xử lý triệu chứng bề mặt. Người xưa sớm đã có cách tiếp cận uyên bác đối với việc trị bệnh khi đặt con người trong mối giao hòa tổng thể với ngũ hành, với vũ trụ. Hai cách tiếp cận khác nhau vĩnh viễn không thể giải thích được cho nhau. Và châm cứu hẳn sẽ mãi là bí thuật của y học cổ truyền Trung Hoa.

Theo crystalinks

Lê Na

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Lịch sử chìm nổi của thuật châm cứu Trung Hoa