Lỗ thủng tầng ozone ở trên Bắc Cực đóng lại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lỗ thủng tầng ozone lớn nhất từng được ghi nhận ở trên bầu trời Bắc Cực đã đóng lại nhanh như khi nó hình thành vào đầu năm.

Lỗ thủng này hình thành vào đầu năm 2020 và đạt kích thước tối đa trong tháng 3. Đây là lỗ thủng tầng ozone lớn nhất từng ghi nhận ở Bắc Cực, phá vỡ kỷ lục trước đó từng được quan sát vào mùa đông 2011.

Theo thông tin từ CNN, nhóm nghiên cứu thuộc Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS) tin rằng một xoáy cực (polar vortex) có cường độ mạnh bất thường đã gây ra lỗ thủng tầng ozone và làm kích thước của nó tăng đột ngột.

Khi nhiệt độ giảm đến một điểm đủ thấp, các đám mây tầng bình lưu vùng cực (PSC) có thể hình thành. Điều này có thể kích hoạt các hóa chất suy giảm tầng ozone như Clo và làm cho lỗ thủng mở rộng ra.

Trung bình, nhiệt độ trên Bắc Cực không phải là lạnh như ở Nam Cực. Do đó, sự xuất hiện theo mùa của các lỗ thủng ozone ở phía Bắc hiếm khi xảy ra, ngược lại hiện tượng này xuất hiện hàng năm ở phía Nam.

Nhà nghiên cứu Antje Inness đến từ Copernicus nói với Euro News: “Sự suy giảm tầng ozone mạnh như vậy xảy ra ở bán cầu Bắc là điều rất bất thường, nhưng xoáy cực năm nay đặc biệt mạnh và dai dẳng, và nhiệt độ đủ thấp để cho phép hình thành đám mây tầng bình lưu trong vài tháng”.

Tầng ozone giúp lọc tia tử ngoại khỏi bầu khí quyển. Tuy nhiên khi lỗ thủng tầng ozone xuất hiện, thì bức xạ Mặt trời có hại có thể thâm nhập vào khí quyển và đi tới bề mặt của Trái đất.

Một số người cho rằng sự biến mất nhanh chóng của lỗ thủng tầng ozone có thể là do sự sụt giảm của ô nhiễm không khí trong những ngày thế giới phong tỏa để đối phó với dịch COVID-19. Nhưng nhóm CAMS đã phủ nhận ý tưởng này.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Twitter, nhóm này viết: “COVID19 và phong tỏa có lẽ không gây ra điều này [việc lỗ thủng tầng ozone ở Bắc Cực đóng lại].

Nhóm CAMS cho rằng sự biến mất của lỗ thủng tầng ozone có khả năng do xoáy cực nóng lên. Sự nóng lên này đã gây ra sự trộn không khí tầng bình lưu với không khí giàu ozone ở tầng thấp hơn và làm lỗ thủng đóng lại.

Xoáy cực là một vùng áp suất thấp ở tầng trên cao nằm gần cực của Trái đất. Có hai xoáy cực trong bầu khí quyển của Trái đất, nằm trên Bắc Cực, và Nam Cực. Mỗi xoáy cực là vùng áp suất thấp liên tục, có quy mô lớn, quay trái chiều kim đồng hồ ở Bắc Cực (gọi là xoáy thuận), và theo chiều kim đồng hồ ở Nam Cực. Nền tảng của hai xoáy cực nằm ở giữa và trên tầng đối lưu và mở rộng vào tầng bình lưu. Các đợt xoáy cực có thể giảm và tăng theo từng năm.

Văn Thiện

Theo DailyMail



BÀI CHỌN LỌC

Lỗ thủng tầng ozone ở trên Bắc Cực đóng lại