Loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực bằng cách thay đổi môi trường xung quanh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cuốn sách mới cung cấp các phương pháp giúp bạn tránh bị những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực lấn át.

Một trong những yếu tố lớn nhất giúp con người hạnh phúc là điều mà chúng ta hầu như không chú ý đến: tiếng nói từ nội tâm chúng ta.

Nhà tâm lý học Ethan Kross mô tả trong cuốn sách mới của mình “Chatter: The Voice in Our Head, Why It Matters, and How to Harness It” (Tạm dịch: “Đối thoại: Tiếng nói trong nội tâm chúng ta, tại sao quan trọng và cách tận dụng”), ý nghĩ từ nội tâm phản ánh các tình huống mà chúng ta đang gặp phải, những suy ngẫm về quá khứ và tương lai, giúp chúng ta hiểu sâu hơn: “chúng ta là ai”.

Mặc dù đôi khi những suy nghĩ đó rất thân thiện và lạc quan - không có vấn đề gì, mọi thứ đều sẽ tốt đẹp! - nhưng nó cũng có thể rất nghiêm trọng và mang đến những cảm giác thất vọng, nó có thể chỉ trích chúng ta về những sai lầm hoặc thậm chí huỷ hoại cuộc sống của chúng ta. Có thể là suy nghĩ về những cảm xúc và trải nghiệm tiêu cực, bào mòn ý chí chúng ta mà không có bất kỳ phương pháp giải quyết tích cực nào.

Theo Kross, có ba cách chính để chúng ta có thể giảm bớt những suy nghĩ trong đầu: thay đổi quan điểm để chúng ta không đắm chìm vào các vấn đề của mình, nói chuyện với người khác để nhận được sự hỗ trợ và thay đổi môi trường xung quanh chúng ta.

Hai cách tiếp cận đầu tiên có hiệu quả trong thời điểm tiêu cực: Kross đưa ra các mẹo để đẩy lùi và tránh xa các suy nghĩ tiêu cực, sau đó chia sẻ vấn đề của chúng ta với những người khác. Nhưng thay đổi môi trường sống là điều chúng ta có thể chủ động làm được, giúp chúng ta ít phải suy nghĩ tiêu cực.

Kross cho rằng: “Khi hòa mình vào môi trường sống xung quanh, các đặc điểm khác nhau của môi trường kích hoạt các áp lực tâm lý bên trong, ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận. Nếu đưa ra được những lựa chọn thông minh có thể giúp chúng ta kiểm soát suy nghĩ bên trong”.

Dưới đây là ba đề xuất từ cuốn sách của Kross để tối ưu hóa không gian xung quanh giúp chúng ta suy nghĩ tích cực hơn.

Đắm mình với thiên nhiên để loại bỏ suy nghĩ tiêu cực

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thiên nhiên khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu và cải thiện sức khỏe, cho dù chúng ta đang đi dạo giữa thiên nhiên, sống ở những nơi có nhiều không gian xanh hơn hay chỉ ngắm nhìn cây cối.

Thiên nhiên dường như giúp chúng ta chống lại những căng thẳng gặp phải trong cuộc sống. Ví dụ, một nghiên cứu ở Vương quốc Anh cho thấy rằng tiếp xúc với không gian xanh giúp những người thiếu thốn về vật chất sống lạc quan hơn, tăng cường sức khỏe. Trong một nghiên cứu khác, những người dân nghèo trong các khu chung cư ở đô thị cảm thấy rằng những trở ngại trong cuộc sống của họ sẽ giảm đi và dễ giải quyết hơn khi căn hộ của họ có trồng cây xanh, thay vì cảnh quan thành phố.

Tại sao thiên nhiên lại có thể làm giảm sự tiêu cực? Một nghiên cứu năm 2015 cung cấp một giả thuyết. Khi chúng ta dành 90 phút để đi bộ qua đồng cỏ, việc suy ngẫm sẽ ít hơn khi chúng ta đi bộ qua những con đường thành phố đông đúc. Không chỉ vậy, bằng nghiên cứu quét não cho thấy não bộ ít hoạt động hơn khi sống trong không gian xanh. Sống xung quanh thiên nhiên có thể ảnh hưởng đến thói quen suy nghĩ của chúng ta.

Ngay cả khi bạn không có nhiều cây xanh xung quanh, nghiên cứu này vẫn có liên quan. Các nghiên cứu khác cho thấy rằng bạn có thể nhận được sự cải thiện về khả năng tập trung và giảm căng thẳng chỉ bằng cách xem ảnh thiên nhiên hoặc lắng nghe tiếng chim, tiếng mưa và cây cối.

Tạo cơ hội cho sự tôn trọng và kính sợ

Hòa mình vào thiên nhiên, ngắm nhìn những tán cây cao hoặc những khung cảnh ngoạn mục, chúng ta thường trải qua một cảm giác kinh ngạc: cảm giác đứng trước một thứ gì đó rộng lớn thách thức sự hiểu biết của chúng ta về thế giới.

Chúng ta thật nhỏ bé giữa thiên nhiên.
Chúng ta thật nhỏ bé giữa thiên nhiên. (Ảnh: Pixabay)

Kross cho biết, thiên nhiên không phải là thứ duy nhất có thể gợi lên sự kinh ngạc. Chúng ta cũng có thể cảm thấy kinh ngạc khi đọc thơ hoặc nghe nhạc, hoặc xem những kỳ tích thể thao tuyệt vời hoặc những khoảnh khắc đáng nhớ đầu tiên của những đứa trẻ mới biết đi.

Kross cho biết: “Sợ hãi được coi là một cảm xúc siêu việt khiến mọi người suy nghĩ và cảm nhận về những nhu cầu và mong muốn của bản thân. Sợ hãi khiến chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé hơn, thúc đẩy chúng ta thay đổi suy nghĩ bên trong của mình cho một thứ to lớn hơn”.

Điều này được phản ánh trong não: Khi chúng ta cảm thấy sợ hãi, não sẽ ít hoạt động hơn ở các vùng liên quan đến sự tập trung và suy nghĩ vu vơ. Sự sợ hãi tự động khiến các vấn đề trở nên nhỏ hơn và cho chúng ta góc nhìn rộng hơn mà không cần phải trực tiếp giải quyết các vấn đề. Ví dụ, một nghiên cứu thực hiện các tình nguyện viên tham gia một chuyến đi thuyền trên sông cho thấy rằng họ càng trải qua nỗi sợ hãi, thì sự cải thiện tình trạng căng thẳng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, cảm giác hạnh phúc và cảm giác thân thuộc của họ càng tốt.

Một môi trường đầy cảm hứng sẽ như thế nào? Điều này có thể khác nhau đối với mọi người, điều đó có thể là trang trí bức tường trong phòng bằng tác phẩm nghệ thuật hoặc tranh ảnh, nghe nhạc hay rời xa các món đồ công nghệ để nhận thấy vẻ đẹp của những người xung quanh.

Dọn dẹp môi trường sống xung quanh

Khi suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta dường như không kiểm soát được, việc dọn dẹp nhà cửa giúp chúng ta có thể tạo ra cảm giác kiểm soát được môi trường xung quanh.

Kross cho rằng: “Khi môi trường sống xung quanh gọn gàng, ngăn nắp, con người sẽ làm chủ cuộc sống tốt hơn và dễ dàng đưa ra các giải pháp hơn”. Một nghiên cứu cho thấy thậm chí chỉ cần đọc các phương pháp giúp không gian xung quanh trở nên gọn gàng, ngăn nắp cũng có thể khiến chúng ta bớt suy nghĩ tiêu cực hơn.

Cũng có giả thuyết cho rằng, chúng ta cảm thấy mất kiểm soát, không thể trầm tĩnh xuống là khi nghĩ về một tình huống mà chúng ta bất lực hoặc khi tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Khi chúng ta cố gắng sắp xếp không gian xung quanh, chúng ta bị thu hút nhiều hơn vào các mô hình trực quan và hình ảnh có cấu trúc.

Giống như hai phương pháp đầu, việc dọn dẹp nhà cửa có thể chủ động thực hiện, nó có thể giúp bạn làm giảm căng thẳng.

Cuốn sách của Kross kết thúc với danh sách 26 phương pháp hữu ích giúp bạn có thể tránh xa những cảm giác choáng ngợp bởi những suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại. Và trong cuốn sách, Kross cũng chia sẻ những kinh nghiệm của chính ông, nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả một nhà nghiên cứu có chuyên môn về chủ đề này cũng không tránh khỏi việc đôi khi cũng cảm thấy áp lực bởi những suy nghĩ tiêu cực.

Mặc dù đôi khi suy nghĩ từ nội tâm giống như kẻ thù của chúng ta, nhưng có rất nhiều cách để chúng ta có thể biến cuộc trò chuyện đó theo hướng hữu ích.

Nguyễn Can

Theo The Epoch Times tiếng Anh

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực bằng cách thay đổi môi trường xung quanh