Luân hồi vẫn luôn là một câu đố khó giải đối với khoa học

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên khắp thế giới, các học giả nghiên cứu về luân hồi đang đưa ra những phát hiện ngay cả những người hoài nghi cũng khó giải thích nhưng cũng không thể phủ nhận.

Những cơn ác mộng bắt đầu khi Ryan Hammons 4 tuổi. Cậu thường thức dậy ôm ngực, nói với mẹ Cyndi rằng cậu không thể thở được, trái tim cậu đã nổ tung ở Hollywood. Nhưng gia đình Cyndi và Ryan lại không sống ở Los Angeles mà đang cư trú tại Oklahoma.

Vài tháng trước, vào đầu năm 2009, Ryan bắt đầu nói về việc trở về nhà ở Hollywood và cầu xin Cyndi đưa cậu đến gặp gia đình khác của mình. Khi chơi với bạn, cậu rất hay hét câu, "Diễn!" và giả vờ đạo diễn các bộ phim. Cậu biết những cảnh trong một bộ phim cao bồi chưa bao giờ xem; và cho biết một quán cà phê khiến cậu nhớ đến Paris, nơi cậu chưa từng đến.

Thậm chí, cậu còn kể về đứa con của mình, những chuyến du lịch khắp thế giới và công việc tại một cơ quan. Cyndi không nghĩ nhiều về điều đó cho đến khi cơn ác mộng ập đến và Ryan bắt đầu mô tả về cái chết.

Với mong muốn biết được con mình đang gặp vấn đề gì, Cyndi đến thư viện công cộng và xem một vài cuốn sách về Hollywood. Và khi cô đang lướt qua các cuốn sách thì Ryan lại tỏ ra phấn khích trước một bức ảnh trong bộ phim Night After Night năm 1932.

Cậu bé hào hứng khoe với mẹ: Mẹ ơi, đó là George. Chúng con đã cùng nhau chụp bức ảnh này. Mẹ ơi, con tìm thấy con rồi”. George mà Ryan nhắc tới là George Raft, một diễn viên kiêm vũ công chuyên đóng các bộ phim xã hội đen trong những năm 1930 và 1940. Cô không thể tìm ra tên của người đàn ông mà Ryan đã xác định là bản thân cậu ấy.

Ryan đã nhận ra khuôn mặt của diễn viên George trong bức ảnh Hollywood cũ khi ông vẫn còn là một cậu bé.
Ryan đã nhận ra khuôn mặt của diễn viên George trong bức ảnh Hollywood cũ khi ông vẫn còn là một cậu bé. (Ảnh: John Springer Collection/Corbis qua Getty Images)

Cyndi chưa bao giờ gặp phải bất cứ điều gì như thế này. Cô là một phó văn phòng quận, người được nuôi lớn trong nhà thờ Baptist. Chồng cô, Kevin, là một cảnh sát và là con trai của một mục sư. Cả gia đình cô là những người bình thường nhưng Ryan có vẻ không như thế. Cyndi cho rằng khả năng con mình có thể là một trường hợp luân hồi.

Luân hồi trong khoa học Phương Tây

Dù có thể tìm đến một trong những tôn giáo có niềm tin vào luân hồi, chẳng hạn như Ấn Độ giáo hoặc Phật giáo, nhưng Cyndi lại chuyển sang khoa học. Vào tháng 2 năm 2010, cô đã viết một lá thư cho Bộ phận Nghiên cứu Tri giác thuộc khoa tâm thần học và hành vi thần kinh tại Trường Y, Đại học Virginia. Trong vòng vài tuần, trường đã viết thư trả lời. Và Ryan không còn đơn độc khi có những ký ức về tiền kiếp.

Nhìn lại lịch sử ra đời và phát triển của Bộ phận Nghiên cứu Tri giác thì phải quay trở lại những năm 1920 khi Tiến sĩ Ian Stevenson lớn lên ở Canada. Là một đứa trẻ ốm yếu, ông mắc bệnh viêm phế quản kinh niên và phải nằm hàng giờ trên giường. Để giải buồn, ông đã ngấu nghiến bộ sưu tập sách phong phú về các tôn giáo phương Đông của mẹ mình. Chính ở đó, lần đầu tiên ông được tiếp xúc với những báo cáo về các hiện tượng huyền bí.

Stevensons lấy bằng y khoa tại Đại học McGill năm 1943, trước khi chuyển đến Arizona. Ông nghiên cứu một thời gian ngắn về hóa sinh trước khi chuyển sang y học tâm thần, để tìm kiếm “thứ gì đó gần gũi hơn với con người”. Từ đó, ông chuyên nghiên cứu tâm thần học và phân tâm học.

Sự nghiệp của ông thăng hoa ở Mỹ. Ông được bổ nhiệm làm chủ nhiệm khoa tâm thần học tại Đại học Virginia (UVA) vào năm 1957, khi vẫn đang ở độ tuổi 30. Vào khoảng thời gian đó, ông đã hồi sinh sở thích thời thơ ấu của mình về những điều huyền bí. Ông bắt đầu nghiên cứu về các khả năng tinh thần dường như đi ngược lại hoặc nằm ngoài các quy luật tự nhiên và khoa học đã biết - bằng cách viết các bài đánh giá và viết báo cho các ấn phẩm phi học thuật như tạp chí Harper.

Năm 1958, ông giành chiến thắng trong cuộc thi của Hiệp hội Nghiên cứu Tâm thần Hoa Kỳ cho bài luận hay nhất về các hiện tượng tâm thần huyền bí và mối quan hệ của chúng với cuộc sống sau khi chết. Bài luận của ông có tựa đề “Bằng chứng về những ký ức hóa thân” đề cập tới 44 trường hợp cá nhân trên khắp thế giới có ký ức về tiền kiếp. Các trường hợp luân hồi thuyết phục nhất đều liên quan đến trẻ nhỏ, thường ở độ tuổi từ 2 đến 5, vì chúng có thể nói rất chi tiết về những nơi chúng chưa bao giờ đến và những người chúng chưa bao giờ gặp, hoặc những người có vết bớt tương ứng với thương tích khi họ phải đối mặt với những cái chết bạo lực. Hầu hết những trường hợp đó ở các nước châu Á, nơi niềm tin vào luân hồi rất mạnh.

Chester Carlson, một nhà vật lý giàu có, người đã phát minh ra máy photocopy, và thành lập tập đoàn nổi tiếng Xerox, đã đọc bài luận chiến thắng của Stevenson. Carlson đã liên hệ với Stevenson để đề nghị tài trợ xong Stevenson từ chối. Sau khi quyết định đi sâu vào nghiên cứu, và cần phải thực hiện các chuyến đi toàn cầu để phỏng vấn những đứa trẻ có ký ức tiền kiếp tại Ấn Độ và Srilanka, Stevenson cuối cùng đã đồng ý nhận tài trợ của Carlson.

Khoản tài trợ cho phép ông từ chức chủ tịch khoa tâm thần học để tập trung toàn thời gian vào nghiên cứu luân hồi của mình. Dù không mấy tán đồng với định hướng nghiên cứu của Stevenson về luân hồi, nhưng hiệu trưởng vẫn đồng ý để ông thành lập một bộ phận nghiên cứu nhỏ để thực hiện nghiên cứu mới gây tò mò tại UVA.

Carlson đột ngột qua đời vào năm sau và để lại một triệu đô la hỗ trợ nghiên cứu cho Stevenson. Trong những thập kỷ sau, Stevenson đi qua nhiều nơi trên thế giới theo dõi xuống các trường hợp trẻ em với những ký ức tiền kiếp. Ông đã đi bình quân 88.500 km một năm, gặp gỡ, phỏng vấn 2.000 trường hợp. Ông là tác giả của hơn 300 ấn phẩm, trong đó có 14 cuốn sách.

Nghiên cứu cận tâm lý nhằm khám phá về luân hồi

Bộ phận nghiên cứu tại UVA được gọi là Bộ phận Cận tâm lý. Giờ đây, đơn vị nghiên cứu được gọi là Phòng Nghiên cứu tri giác, hay DOPS, vẫn tiếp tục hoạt động dù Stevenson đã qua đời vào năm 2007. Tại đó, bức thư của Cyndi Hammons thuật lại những ký ức ở Hollywood của cậu con trai Ryan đã được Tuker - giám đốc phòng nghiên cứu tìm thấy.

Tucker đã đến Oklahoma để gặp gia đình Hammons vào tháng 4 năm 2010. Với sự giúp đỡ của một nhóm phóng viên truyền hình đang theo dõi trường hợp của Ryan, họ đã xác định được người đàn ông trong bức ảnh trong Night After Night là Marty Martyn, người đã qua đời vào năm 1964.

Tucker đã cho Ryan xem những bức ảnh người quen của Martyn. Ryan đã chọn ra vợ của Martyn, và nói rằng cô ấy trông rất quen thuộc, nhưng không chắc mình biết cô ấy như thế nào. Họ cùng nhau bay đến Los Angeles và gặp con gái của Martyn. Năm cô bé 8 tuổi thì cha cô qua đời. Ryan rất bối rối khi thấy cô đã lớn.

Tucker đã kiểm tra ký ức của Ryan với con gái của Martyn. Rất nhiều chi tiết được chứng minh là chính xác. Trường hợp này đã đưa ra được “bằng chứng mạnh mẽ cho sự luân hồi” mà Tucker viết trong cuốn sách xuất bản năm 2013 có tựa đề Return to Life (tạm dịch: Trở lại cuộc sống).

Một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm 2018 cho thấy 33% người trưởng thành ở Hoa Kỳ tin vào luân hồi.

Hầu hết công việc của Stevenson tập trung vào hiện tượng luân hồi ở châu Á, nhưng khi Tucker lao vào nghiên cứu ký ức tiền kiếp, ông nhận ra rằng nếu muốn người Mỹ xem xét công việc của mình một cách nghiêm túc thì cần phải tìm kiếm những trường hợp ở Mỹ.

Tucker hiện đã xuất bản hai cuốn sách ghi lại các trường hợp trẻ em có ký ức tiền kiếp — một thuật ngữ mà ông thích hơn là “luân hồi”. Ông viết bằng một lối văn dễ gần hơn Stevenson, nhắm đến đối tượng bình dân thay vì học thuật.

“Mục tiêu chính của Stevensons là khiến giới khoa học xem xét nghiêm túc về luân hồi. Và vì khoa học là một độc giả khó tính nên ông phải tiếp cận như vậy. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ viết cho khán giả đó trong nhiều thập kỷ, đến một lúc nào đó bạn phải quyết định rằng phần còn lại của thế giới cũng cần phải nghe về nó”, Tucker phát biểu.

Ngay cả ở châu Âu, nơi nghiên cứu cận tâm lý học phổ biến hơn ở các trường đại học như Đại học Edinburgh và Đại học Northampton, cộng đồng tâm lý học rộng lớn vẫn hoài nghi về công việc này.

Bất chấp những nỗ lực của Stevenson trong việc biến các nghiên cứu về luân hồi thành một môn khoa học, cận tâm lý học vẫn là một lĩnh vực bị kỳ thị trong giới học thuật, nơi nó không được coi là một lĩnh vực rất đáng trân trọng. Đó là một trong những lý do mà Tucker, cũng như nhiều nhà cận tâm lý học khác, giữ một chân trong ngành tâm thần học hoặc tâm lý học chính thống trong khi theo đuổi nghiên cứu tâm lý học của họ.

Tucker và các đồng nghiệp của ông tại DOPS cũng không phải là học giả duy nhất trong lĩnh vực này ở Mỹ. Christine Simmonds-Moore, một nhà cận tâm lý học và phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Tây Georgia nói: “Đó là một mối quan tâm học thuật và đây là những trải nghiệm mà con người đã báo cáo qua các thời điểm khác nhau và qua các nền văn hóa khác nhau, và chúng ta thực sự cần phải tìm hiểu về tất cả các khía cạnh của trải nghiệm con người”.

Sự hấp dẫn của luân hồi đối với các nhà nghiên cứu

Simmonds-Moore đã bị hấp dẫn bởi những điều huyền bí khi còn là một đứa trẻ ở Anh. Nhưng phải đến khi học chuyên sâu về tâm lý, cô mới nhận ra mình thực sự có thể nghiên cứu các hiện tượng huyền bí một cách nghiêm túc. Sau khi lấy bằng Tiến sĩ ở Anh, cô chuyển đến Mỹ để nghiên cứu tại Trung tâm Rhine, một trung tâm nghiên cứu cận tâm lý độc lập ở Bắc Carolina từng được liên kết với Đại học Duke. Trong khi làm việc ở đó, cô ấy lần đầu tiên gặp gỡ các nhà nghiên cứu tại UVA.

Cô nhớ rõ ràng chuyến thăm đầu tiên của mình đến DOPS. “Nó khiến bạn rùng mình khi bạn đi vào phòng và thấy tất cả các tủ hồ sơ chứa tất cả các trường hợp có ký ức tiền kiếp đã được điều tra bởi Stevenson”, cô nói.

Không phải ai cũng cảm động trước công việc của Stevenson và Tucker. Christopher French, giáo sư tâm lý học tại Goldsmiths, Đại học London, tự nhận mình là người hoài nghi khi nói đến các hiện tượng huyền bí, mặc dù đã tiến hành một số nghiên cứu của riêng mình về ký ức tiền kiếp. Ông bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học thần kinh chính thống trước khi chuyển sang tâm lý học dị thường, nghiên cứu về hành vi của con người liên quan đến điều huyền bí nhưng dựa trên giả định rằng không có điều gì huyền bí liên quan. Theo mô tả, hướng đi mới của French đã được bộ phận của ông “chấp nhận” và ông phải tiếp tục nghiên cứu tâm lý học chính thống song song với công việc dị thường mà ông quan tâm hơn nhiều.

“Tôi nghĩ chúng là những ký ức sai lầm hình thành do một loại tương tác tâm lý xã hội thú vị giữa đứa trẻ và những người xung quanh”. Ông cho rằng đây là lời giải thích hợp lý nhất cho phần lớn các trường hợp là bọn trẻ đang trải qua, mặc dù ông vẫn tôn trọng nghiên cứu tỉ mỉ của Stevenson. Ông cho rằng trẻ nhỏ thường nói những điều không có ý nghĩa với cha mẹ khi chúng mới bắt đầu biết nói và cha mẹ sau đó sẽ vô tình cung cấp thông tin và sự tương tác này cuối cùng sẽ tạo ra một tình huống mà họ đã vô tình cấy ghép những ký ức sai lệch.

Tuy nhiên, ông không nghi ngờ về sự cần thiết của nghiên cứu. Ông cho rằng chỉ có thể có hai khả năng. Một là có một điều gì đó thực sự huyền bí đang xảy ra, và nếu điều đó là sự thật, điều đó sẽ thật tuyệt vời. Hoặc, nó cho chúng ta biết điều gì đó rất thú vị về tâm lý con người. Vì vậy, dù bằng cách nào thì cũng đáng để chúng ta xem xét một cách nghiêm túc.

Tiến sĩ Anita H. Clayton, chủ nhiệm khoa tâm thần học và hành vi thần kinh của UVA, nơi có DOPS, lặp lại quan điểm đó: “Câu hỏi của tôi là, DOPS nên ở đâu nếu nó không thuộc khoa tâm thần học? Và nó nên ở đâu nếu nó không thuộc về học thuật? Bởi vì tôi nghĩ những gì các nhà khoa học làm là điều tra một cách cẩn thận những hiện tượng mà chúng ta chưa hiểu rõ”.

Sau hơn hai thập kỷ nghiên cứu những đứa trẻ có ký ức tiền kiếp, Tucker vẫn đang nhận được những lá thư về những đứa trẻ như Ryan và ông vẫn đang tìm kiếm những trường hợp mới. Vào lần thống kê cuối cùng, Tuker đã thu thập được khoảng 2.200 trường hợp trong cơ sở dữ liệu. Ông tự mô tả mình là người “tâm linh nhưng không tôn giáo” và mục tiêu của ông vẫn nhất quán với Stevenson, người đã dùng khoa học chính thống để khẳng định giá trị công việc của mình.

Tuker tự tin công việc hoặc các bài viết của mình có tác động tích cực đến rất nhiều người, những người đang trăn trở với câu hỏi: mình là ai, và cố gắng tìm câu trả lời. Rõ ràng có nhiều bằng chứng cho thấy có phần của con người vẫn tiếp tục tồn tại sau khi cơ thể con người ngừng hoạt động.

Lê Na

Theo Vice

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Luân hồi vẫn luôn là một câu đố khó giải đối với khoa học