Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc hơn 20 tấn rơi mất kiểm soát xuống Trái đất cuối tuần này

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào cuối tuần này, tầng lõi của một tên lửa Trường Chinh 5B (Long March 5B) khác của Trung Quốc sẽ quay trở lại Trái đất một cách không kiểm soát sau khi đưa mô-đun thứ ba và cuối cùng lên trạm vũ trụ non trẻ của nước này, theo Live Science.

Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu tại Aerospace Corporation, tầng lõi có khối lượng khoảng 23 tấn, được phóng vào ngày 31/10 để đưa mô-đun cabin phòng thí nghiệm Mộng Thiên (Mengtian) lên trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong), sẽ quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất vào thứ Bảy, ngày 5/11 lúc 11:51 tối theo Múi giờ miền Đông (11:51 sáng Chủ nhật, ngày 6/11 theo giờ Việt Nam), sớm hoặc trễ 14 giờ.

Aerospace Corporation là một tập đoàn phi lợi nhuận của Mỹ điều hành một trung tâm nghiên cứu và phát triển do liên bang tài trợ ở El Segundo, California. Các nhà nghiên cứu tại đây hiện vẫn chưa xác định được chính xác nơi tên lửa sẽ hạ cánh, nhưng họ cho biết những khu vực có thể chứng kiến các mảnh vỡ bao gồm Hoa Kỳ, Trung và Nam Mỹ, Châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á và Úc.

Thông thường trong quá trình phóng lên, tầng đầu tiên (first stage) sẽ cung cấp phần lớn lực đẩy tên lửa. Trước khi tên lửa đạt vận tốc quỹ đạo, tầng này rơi trở lại đại dương một cách vô hại. Sau đó, tầng thứ hai nhỏ hơn sẽ được kích hoạt và đẩy trọng tải tên lửa vào quỹ đạo. Tuy nhiên, Trường Chinh 5B không có tầng bên trên. Thay vào đó, nó bao gồm một tầng lõi gắn với bốn tên lửa đẩy.

Sau khi các tên lửa đẩy cung cấp năng lượng cho tên lửa rời khỏi bệ phóng, tầng lõi, với hai động cơ chính YF-77, sẽ đẩy các mô-đun trạm vũ trụ lên quỹ đạo thấp của Trái đất. Tuy nhiên đến lúc này, tầng lõi không còn khả năng khởi động lại các động cơ chính của nó để thực hiện việc xâm nhập có kiểm soát vào bầu khí quyển của Trái đất. Thông thường, các tầng trên của tên lửa và các phần cứng không gian đã qua sử dụng khác được xử lý bằng cách nhắm tới Point Nemo, nơi hàng trăm tàu vũ trụ "yên nghỉ" ở Thái Bình Dương. Nhưng điều này sẽ không xảy ra trong trường hợp của tên lửa Trung Quốc.

Không phải tất cả phần cứng của các sứ mệnh không gian đều cần phải được xử lý theo cách trên. Các phương tiện như tàu vũ trụ Tiến bộ của Nga đủ nhỏ để bị cháy hết trong khí quyển. Nhưng điều này sẽ không xảy ra với tầng lõi của tên lửa Trường Chinh 5B có khối lượng hơn 20 tấn.

Trong ba lần phóng tên lửa trước đó - vào các năm 2020, 2021 và 2022 - những mảnh vỡ của các tên lửa Trung Quốc đã lần lượt rơi xuống các ngôi làng ở Bờ Biển Nga, Ấn Độ Dương và gần các ngôi làng ở Borneo. Rất may là vẫn chưa có ai bị thương do những mảnh vỡ này.

Trung Quốc khẳng định rằng việc rơi trở lại mất kiểm soát là thông lệ bình thường và bác bỏ lo ngại về thiệt hại tiềm ẩn là "sự cường điệu vô liêm sỉ".

Năm 2021, Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cáo buộc báo cáo của phương Tây thiên vị và sử dụng "tiêu chuẩn kép kiểu sách vở" trong việc đưa tin về tên lửa rơi của Trung Quốc. Ví dụ, vào tháng 3/2021, các mảnh vỡ từ một tên lửa SpaceX rơi xuống một trang trại ở bang Washington - một sự kiện mà bà Hoa tuyên bố rằng các hãng tin phương Tây đã đưa tin một cách tích cực và sử dụng "những từ ngữ lãng mạn". Một năm sau, vào tháng 8/2022, các mảnh vỡ của SpaceX đã hạ cánh xuống một trang trại cừu ở Úc. Trong khi đó, các kỹ sư SpaceX cho biết họ đã lên kế hoạch để các mảnh vỡ rơi xuống đại dương chứ không phải nông trại.

Sau vụ một hạ cánh Trường Chinh 5B vào tháng 3/2021, Giám đốc NASA Bill Nelson khi đó đã viết trong một tuyên bố: "Các quốc gia du hành vũ trụ phải giảm thiểu rủi ro đối với con người và tài sản trên Trái đất khi đưa các vật thể vào không gian và tối đa hóa tính minh bạch liên quan đến các hoạt động đó. Rõ ràng là Trung Quốc đang không đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm liên quan đến những mảnh vỡ không gian của họ”.

Trạm vũ trụ Thiên Cung, có khối lượng xấp xỉ bằng 1/4 so với Trạm Vũ trụ Quốc tế, dự kiến ​​sẽ ở trên quỹ đạo thấp của Trái đất trong ít nhất 10 năm. Các phi hành đoàn gồm ba phi hành gia luân phiên sẽ sử dụng trạm để thực hiện các thí nghiệm và kiểm tra công nghệ mới, chẳng hạn như đồng hồ nguyên tử siêu lạnh.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện trong không gian của mình để bắt kịp Mỹ và Nga. Nước này đã hạ cánh một tàu thám hiểm ở phía xa của Mặt trăng vào năm 2019 và lấy các mẫu đá từ bề mặt vệ tinh tự nhiên này vào năm 2020. Trung Quốc cũng đã tuyên bố rằng họ sẽ thành lập một trạm nghiên cứu trên cực nam của Mặt trăng vào năm 2029.

Văn Thiện

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc hơn 20 tấn rơi mất kiểm soát xuống Trái đất cuối tuần này