Mặt trăng có thể ‘giải phóng’ lượng khí nhà kính khổng lồ từ đáy biển Bắc Cực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu gần đây cho thấy Mặt trăng có thể giải phóng một lượng khí metan khổng lồ từ đáy biển ở Bắc Băng Dương.

Thủy triều, chịu ảnh hưởng bởi Mặt trăng, tác động đến lượng khí metan được giải phóng ra từ lớp trầm tích đáy biển: Thủy triều dâng thấp làm cho áp suất khối nước biển thấp hơn và khí metan giải phóng ra nhiều hơn, trong khi thủy triều dâng cao sinh áp suất lớn hơn và do đó lượng khí metan giải phóng ra ít hơn.

Nghiên cứu được thực hiện ở vùng phía tây Svalbard của Bắc Cực, với kết quả được công bố ngày 9/10/2020 trên tạp chí Nature Communications.

Ông Jochen Knies, đồng tác giả nghiên cứu và là nhà địa chất học biển tại Trung tâm Khí Hydrat, Môi trường và Khí hậu Bắc Cực (CAGE), cho biết: "Đây là lần đầu tiên quan sát này được thực hiện ở Bắc Băng Dương. Hiện tượng quan sát được cho thấy sự thay đổi áp suất nhỏ có thể giải phóng một lượng khí metan đáng kể. Đây là yếu tố quyết định và gây ảnh hưởng lớn của nghiên cứu".

Metan là một loại khí nhà kính, góp phần vào hiện tượng nóng lên toàn cầu bằng cách lưu giữ nhiệt trong khí quyển. Một lượng khí metan khổng lồ đang nằm ẩn dưới đáy biển, và sự ấm lên của đại dương được cho là sẽ giải phóng một lượng lớn khí metan đó. Vì vậy, việc nắm được cơ chế tác động của thủy triều đối với lượng khí thải metan dưới đáy biển này là quan trọng đối với các dự báo khí hậu trong tương lai.

Do đó, nhóm nghiên cứu đã đo áp suất và nhiệt độ bên trong các lớp trầm tích đáy biển và nhận thấy rằng lượng khí ở gần đáy biển tăng và giảm tương ứng theo mức thủy triều.

Bằng cách sử dụng một công cụ theo dõi liên tục, họ có thể phát hiện khí metan đang thoát ra trong một khu vực của Bắc Băng Dương, nơi chưa từng được quan sát.

Cô Andreia Plaza Faverola, đồng tác giả của nghiên cứu, nhà địa chất biển và địa vật lý tại CAGE, cho biết: “Điều này cho chúng ta biết, rằng lượng khí thoát ra từ đáy biển lớn hơn những gì chúng ta có thể thấy khi sử dụng khảo sát bằng siêu âm truyền thống”.

Thiết bị đo áp lực nước lỗ rỗng được sử dụng để khảo sát lượng khí metan thoát ra từ những lớp trầm tích đáy biển.
Thiết bị đo áp lực nước lỗ rỗng được sử dụng để khảo sát lượng khí metan thoát ra từ những lớp trầm tích đáy biển. (Ảnh: P.Domel)

Khám phá của họ cũng chỉ ra rằng các nhà khoa học đã chưa đánh giá đúng mức lượng khí nhà kính thoát ra ở Bắc Cực.

Ông Knies cho biết: "Những phát hiện của chúng tôi thật sự bất ngờ và có thể hệ lụy của nó là rất lớn. Đây là một khu vực nước sâu. Những thay đổi nhỏ về áp suất có thể làm tăng lượng khí rò rỉ, nhưng khí metan vẫn sẽ ở trong lòng đại dương dưới độ sâu đó. Tuy nhiên điều gì xảy ra ở những khu vực có độ sâu thấp hơn? Do vậy phép đo này cũng cần được thực hiện ở vùng nước nông Bắc Cực trong thời gian dài hơn. Ở vùng nước nông, khả năng khí metan bay vào khí quyển sẽ càng lớn".

Hiện tượng mới được phát hiện này cũng đặt ra câu hỏi về việc mực nước biển dâng cao và sự ấm lên của đại dương (cả hai đều gây ra bởi biến đổi khí hậu) sẽ tương tác với nhau như thế nào. Bởi vì thuỷ triều dâng cao làm giảm lượng khí thải metan từ đáy biển, trong khi đó hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng làm tăng mực nước biển, nên từ đó ngược lại lại ngăn chặn một tác nhân gây hiệu ứng nhà kính.

Quang Minh

Theo Livescience



BÀI CHỌN LỌC

Mặt trăng có thể ‘giải phóng’ lượng khí nhà kính khổng lồ từ đáy biển Bắc Cực