Mới phát hiện Ngoại hành tinh đá có thể có bầu khí quyển

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhóm các nhà thiên văn học đã tìm thấy một ngoại hành tinh rất gần và tương tự như Trái đất, có thể có bầu khí quyển.

Trong những thập kỷ gần đây, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra hàng nghìn ngoại hành tinh (hành tinh quay xung quanh các ngôi sao không phải là Mặt trời của chúng ta) với hy vọng tìm ra một số hành tinh có thể có sự sống như những sinh vật trên Trái đất. Tuy nhiên, chỉ một số rất ít hành tinh được phát hiện cho đến nay là giống Trái đất, và rất khó để nghiên cứu bầu khí quyển của chúng.

Hành tinh mới được phát hiện này có thể khác.

Phát hiện này đã được đăng tải trong một bài báo được xuất bản gần đây trên tạp chí Khoa học. Hành tinh này được gọi là Gliese 486b, là một ngoại hành tinh tương tự Trái đất, có nghĩa là nó có khối lượng lớn hơn Trái đất nhưng không lớn bằng Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương.

Ngôi sao chủ của nó, Gliese 486, là một ngôi sao lùn cách Trái đất 26,3 năm ánh sáng trong chòm sao Xử Nữ. Gliese 486 nhỏ hơn và mát hơn nhiều so với Mặt trời của chúng ta.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng hành tinh Gliese 486b có bán kính gấp 1,31 lần bán kính Trái đất và khối lượng gấp 2,8 lần Trái đất. Tỷ trọng tổng thể là tương tự với Trái đất.

Vì ngoại hành tinh này rất gần Trái đất, và nó là một hành tinh đá giống Trái đất, nên nó đã trở thành mục tiêu lý tưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu bầu khí quyển của nó, một ngoại hành tinh có rất nhiều điểm giống với Trái đất.

Tác giả chính, Tiến sĩ Trifon Trifonov tại Max Planck - Viện Thiên văn học (MPIA), cho biết trong một tuyên bố: “Sự gần gũi của ngoại hành tinh này rất thú vị vì có thể nghiên cứu nó chi tiết hơn với các kính thiên văn mạnh mẽ như Kính viễn vọng Không gian James Webb và Kính viễn vọng Cực lớn trong tương lai’’.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng thiết bị MAROON-X được lắp đặt gần đây trên Đài quan sát Gemini North để xác định khối lượng của Gliese 486b.

Jacob Bean, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Chicago phụ trách sử dụng thiết bị MAROON-X, giải thích trong một tuyên bố: “Đó là một khoảng thời gian kéo dài sáu tháng căng thẳng. Chúng tôi đã dành mười năm để phát triển công cụ này và với MAROON-X hiện đã được cài đặt trên Gemini, chúng tôi sẽ bắt đầu có được những hiểu biết thực tế về thế giới có thể sinh sống được xung quanh các ngôi sao khác”.

Dựa trên các phép đo về khối lượng và bán kính của hành tinh, nhóm nghiên cứu kết luận rằng thành phần của nó có vẻ giống với Trái đất, với một lõi kim loại.

Phân tích lực hấp dẫn của ngoại hành tinh cho thấy Gliese 486b có lực hấp dẫn mạnh hơn Trái đất 70%.

Tuy nhiên, Gliese 486b ở rất gần ngôi sao chủ của nó, ở khoảng cách 2,5 triệu km. Điều này làm cho bề mặt của nó có thể cực kỳ nóng, với nhiệt độ ít nhất là khoảng 430° C hoặc 800° F. Do đó, không có khả năng tồn tại sự sống tương tự như trên Trái đất.

Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng ngoại hành tinh này có thể có một phần bầu khí quyển của nó, điều này có thể giúp chúng ta hiểu được bầu khí quyển của các hành tinh ngoại tương tự như Trái đất.

“Việc phát hiện ra Gliese 486b là một sự may mắn. Bề mặt hành tinh có nhiệt độ nóng hơn một trăm độ và toàn bộ bề mặt hành tinh sẽ là dung nham. Bầu khí quyển của nó sẽ bao gồm những hơi nóng bốc lên từ bề mặt bằng đá của nó”, José A. Caballero của Centro de Astrobiología (CSIC-INTA, Tây Ban Nha) và đồng tác giả của bài báo kết luận. “Mặt khác, nếu Gliese 486b lạnh hơn một trăm độ, thì nó sẽ không thích hợp cho các quan sát tiếp theo”.

Trifonov nói: “Chúng tôi khó có thể chờ đợi các kính thiên văn mới ra mắt. Kết quả sẽ giúp chúng ta hiểu được các hành tinh đá có thể giữ bầu khí quyển của chúng tốt như thế nào, chúng được tạo thành từ gì và chúng ảnh hưởng như thế nào đến sự phân bố năng lượng trên các hành tinh”.

Ánh Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mới phát hiện Ngoại hành tinh đá có thể có bầu khí quyển