Một sao chổi khổng lồ từng được xác định nhầm là hành tinh lùn đang tiếp cận hệ Mặt trời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sao chổi hầu như không phải là những ngôi sao nhỏ kỳ quái với một cái đuôi giống như chúng ta nhìn thấy chúng từ Trái đất. Về cơ bản, một sao chổi kích thước trung bình là một quả cầu tuyết vũ trụ, có đường kính xấp xỉ 10 km. Nhưng có một số ngoại lệ, chẳng hạn như sao chổi Hale-Bopp với đường kính kỷ lục 30 km, được mệnh danh là 'Sao chổi Lớn' của năm 1997...

Năm 2014, hai nhà thiên văn học tại Đại học Pennsylvania, Pedro Bernardinelli và Gary Bernstein, đã phát hiện ra một thiên thể bí ẩn. Nó có vẻ lớn hơn nhiều so với Sao chổi Lớn, nhưng kích thước chính xác của nó vẫn chưa rõ ràng. Trên thực tế, ban đầu nó bị xác định nhầm là một hành tinh lùn, nhưng sau đó đã được phân loại lại thành sao chổi sau khi người ta nhin thấy các dấu hiệu hoạt động của nó.

Giờ đây, các nhà khoa học thuộc Dự án Khảo sát Năng lượng Tối Quốc tế đã xác định rằng, sao chổi kể trên, một "sao chổi siêu cấp" (megacomet) được đặt tên là sao chổi C/2014 UN271 có đường kính khổng lồ 160 km và khối lượng lớn gấp mười lần khối lượng của Hale-Bopp, sẽ đi qua thái dương hệ của chúng ta ở khoảng cách gần nhất với Mặt trời trong một thập kỷ kể từ bây giờ, vào năm 2031.

Sao chổi C/2014 UN271, còn được gọi là sao chổi Bernardinelli-Bernstein để vinh danh các nhà thiên văn học đã tìm ra nó, ước tính lớn hơn vệ tinh Phobos của sao Hỏa khoảng 7 lần. Will Gater, một nhà thiên văn học và một nhà báo khoa học đến từ Vương quốc Anh, đã so sánh kích thước của sao chổi C/2014 UN271 với các thiên thể khác trong hệ Mặt trời trong một tweet của mình.

Kể từ khi giả thuyết về loài khủng long bị xóa sổ vì một cuộc tấn công của thiên thạch được công bố rộng rãi, loài người đã luôn cảnh giác với bất kỳ vật thể bay lớn nào có thể va chạm với Trái đất một lần nữa. Nhưng không có lý do gì phải lo lắng về sao chổi siêu cấp này.

Một hình ảnh do dự án Khảo sát Năng lượng Tối chụp cho thấy Sao chổi Bernardinelli-Bernstein vào tháng 10/2017. (Ảnh: Dark Energy Survey)
Một hình ảnh do dự án Khảo sát Năng lượng Tối chụp cho thấy sao chổi Bernardinelli-Bernstein vào tháng 10/2017. (Ảnh: Dark Energy Survey)

Sao chổi Bernardinelli-Bernstein tiếp cận Mặt trời gần nhất tại khoảng cách 10,9 AU (1 Đơn vị thiên văn là khoảng cách giữa Mặt trời và Trái đất). Ở khoảng cách này, rất có thể nó sẽ quét qua quỹ đạo của sao Thổ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng sao chổi khổng lồ này có nguồn gốc từ Đám mây Oort, một vùng giả thuyết bao quanh các rìa của hệ Mặt trời và bao gồm hàng tỷ thiên thể giống như sao chổi. Tuy nhiên, chỉ có bằng chứng ngẫu nhiên gợi ý về sự tồn tại của một khu vực như vậy do thiếu các quan sát thực tế.

Khoảng cách từ đám mây Oort đến vùng phía trong của hệ Mặt Trời, và hai ngôi sao gần nhất, được tính theo đơn vị thiên văn. Tỉ lệ được tính theo lôgarit; mỗi khoảng cách được thể hiện xa hơn gấp mười lần so với khoảng cách trước đó. Mũi tên đỏ chỉ vị trí của tàu thăm dò Voyager 1, con tàu này sẽ chạm tới đám mây Oort trong vòng khoảng 300 năm nữa. (Ảnh: NASA)
Hình mô tả khoảng cách từ đám mây Oort đến vùng phía trong của hệ Mặt Trời, và hai ngôi sao gần nhất, được tính theo đơn vị thiên văn. Mũi tên đỏ chỉ vị trí của tàu thăm dò Voyager 1, con tàu này sẽ chạm tới đám mây Oort trong vòng khoảng 300 năm nữa. (Ảnh: NASA)

Trong thập kỷ tới, sao chổi này có thể sẽ hiển thị cho các nhà thiên văn học. Trước khi nó tiến lại gần sao Thổ, các nhà khoa học dự đoán rằng sao chổi sẽ phát triển các đặc điểm cổ điển của sao chổi, chẳng hạn như đuôi và đầu sao chổi (coma), vì vật chất trên bề mặt của nó sẽ bốc hơi do nhiệt và bức xạ của Mặt trời.

Hành tinh lùn là gì?

Hành tinh lùn là một khái niệm trong việc phân loại các thiên thể trong hệ Mặt trời của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) vào ngày 24/8/2006.

Theo IAU, một thiên thể được coi là một hành tinh chỉ khi nó đáp ứng đủ 3 tiêu chí cụ thể:

  1. phải quay quanh Mặt trời,
  2. phải đủ lớn và có đủ trọng lực để tự kéo mình thành một hình cầu,
  3. phải “quét sạch” những vật thể tương tự như nó ra khỏi quĩ đạo của nó.

Các hành tinh lùn đáp ứng được 2 tiêu chí đầu nhưng lại không đạt tiêu chí thứ 3: Chúng chia sẻ không gian của mình với các vật thể tương tự, vì thế chúng không có được vị trí độc nhất vô nhị như Trái đất hoặc sao Hỏa.

Sao Diêm Vương được xếp vào loại hành tinh lùn do không đáp ứng được tiêu chí thứ ba. Nhiều vật thể tương tự sao Diêm Vương đã được phát hiện ở phía ngoài hệ Mặt trời, đáng chú ý nhất là vật thể đĩa phân tán Eris, có khối lượng lớn hơn sao Diêm Vương 27%.

Sau khi phân loại lại danh hiệu của sao Diêm Vương vào tháng 8/2006, đã có một số tranh cãi nảy lửa trong cộng đồng thiên văn học. Một số nhà khoa học cũng phản đối về cách phân loại này, điển hình là Alan Stern, trưởng nhóm sứ mệnh New Horizons của NASA, đã chế giễu nghị quyết của IAU, nói rằng "định nghĩa này không khả thi và sai cơ bản về mặt khoa học".

Stern cho rằng, theo định nghĩa mới này, cả Trái đất, sao Hỏa, sao Mộc và sao Hải Vương sẽ không phải là hành tinh vì quỹ đạo của chúng vẫn còn quá nhiều tiểu hành tinh chưa thể dọn sạch. Ông còn lập luận rằng tất cả các vệ tinh lớn dạng cầu, bao gồm cả Mặt trăng của Trái đất, cũng nên được coi là hành tinh. Ông cũng tuyên bố rằng vì chỉ có ít hơn 5% các nhà thiên văn học đã bỏ phiếu cho tiêu chí thứ ba, nên quyết định này không mang tính đại diện cho toàn cộng đồng thiên văn học. Nhà thiên văn học Marc W. Buie, lúc đó làm việc tại Đài quan sát Lowell, đã kiến ​​nghị không sử dụng định nghĩa này.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Một sao chổi khổng lồ từng được xác định nhầm là hành tinh lùn đang tiếp cận hệ Mặt trời