Một số lượng lớn các ngôi sao mới cùng xuất hiện trong hàng chục thiên hà xa xôi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù nhiều thiên thể trên bầu trời đêm có vẻ gần nhưng trên thực tế chúng có thể cực kỳ xa nhau. Đặc biệt, nhiều thiên hà trong vũ trụ ở rất xa, và chúng thường được coi là không liên quan.

Tuy nhiên, những quan sát mới nhất cho thấy 36 thiên hà lùn cách xa nhau đã đồng loạt bùng nổ các ngôi sao mới. Khám phá bất ngờ này đã thách thức các lý thuyết tiến hóa thiên hà hiện tại, và có thể nâng cao hiểu biết của chúng ta về vũ trụ nói chung.

Lý thuyết hiện tại tin rằng các thiên hà cách nhau trên một triệu năm ánh sáng nên hoàn toàn độc lập khi các ngôi sao mới được sinh ra. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất đã phát hiện ra rằng 36 thiên hà với khoảng cách lên tới 13 triệu năm ánh sáng đã đột ngột tăng tốc độ sinh sao của chúng cùng lúc sau khi tốc độ sinh sao này chậm lại.

Charlotte Olsen, một nghiên cứu sinh tại Đại học Rutgers, Hoa Kỳ, cho biết: "Những thiên hà này dường như đang phản ứng với những thay đổi quy mô lớn của môi trường, giống như một nền kinh tế tốt có thể kích thích sự bùng nổ trẻ sơ sinh”.

Eric Gawiser, giáo sư tại Khoa Vật lý và Thiên văn học và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng bất kể các thiên hà này có phải hàng xóm bên cạnh hay không, thì trước tiên chúng đều dừng lại, và sau đó bắt đầu hình thành các ngôi sao mới cùng một lúc, như thể tất cả chúng đều ảnh hưởng lẫn nhau thông qua một mạng xã hội giữa các thiên hà”.

36 thiên hà lùn cách xa nhau đã đồng thời bùng nổ các ngôi sao mới. (Ảnh: Đại học Rutgers-New Brunswick)
36 thiên hà lùn cách xa nhau đã đồng thời bùng nổ các ngôi sao mới. (Ảnh: Đại học Rutgers-New Brunswick)

Theo ước tính của mô hình tiến hóa vũ trụ hiện tại, tỷ lệ sinh sao trong 36 thiên hà lùn giảm đồng bộ khoảng 6 tỷ năm trước, và đột ngột tăng đồng bộ khoảng 3 tỷ năm trước.

Để hiểu được cách các thiên hà tiến hóa đòi hỏi phải làm sáng tỏ nhiều quá trình vật lý ảnh hưởng đến thời gian tồn tại của chúng (hàng tỷ năm). Quá trình hình thành sao là một trong những quá trình cơ bản nhất. Khi các thiên hà va chạm hoặc tương tác, tỷ lệ sinh của các ngôi sao sẽ tăng lên. Nếu khí (chủ yếu là hydro) tạo ra các ngôi sao bị mất đi, thiên hà sẽ ngừng tạo ra các ngôi sao mới.

Khi thiên hà dần lớn lên, lịch sử hình thành sao có thể mô tả một hồ sơ phong phú về điều kiện môi trường. Thiên hà lùn là loại thiên hà phổ biến nhất nhưng có khối lượng nhỏ nhất trong vũ trụ, và chúng đặc biệt nhạy cảm với các tác động của môi trường xung quanh.

36 thiên hà lùn này bao gồm các môi trường khác nhau cách Dải Ngân hà của chúng ta 13 triệu năm ánh sáng. Nhóm nghiên cứu cho rằng những thay đổi môi trường ảnh hưởng đến tốc độ hình thành sao của các thiên hà này phải là một cơ chế vật lý có thể phân phối nhiên liệu cho các thiên hà phân bố trên một khu vực rộng lớn của vũ trụ. Theo Olsen, điều này có thể có nghĩa là một đám mây khí khổng lồ, hoặc một hiện tượng quy mô lớn trong vũ trụ mà các nhà khoa học chưa biết đến.

Các nhà khoa học sử dụng hai phương pháp để so sánh lịch sử hình thành sao. Một loại sử dụng ánh sáng từ một ngôi sao đơn lẻ trong thiên hà; loại kia sử dụng ánh sáng từ toàn bộ thiên hà, bao gồm nhiều màu sắc khác nhau.

“Tác động đầy đủ của khám phá này là không rõ ràng, bởi vì mô hình tăng trưởng thiên hà hiện tại của chúng ta cần được sửa đổi để hiểu được điều bất ngờ này”, Gawizel nói. “Nếu kết quả không thể giải thích bằng hiểu biết hiện tại của chúng ta về vũ trụ học, thì đó sẽ là một tác động rất lớn, nhưng chúng ta phải cho các nhà lý thuyết có cơ hội đọc các bài báo của chúng tôi và phản hồi với những tiến bộ nghiên cứu của chính họ”.

"Kính viễn vọng không gian James Webb, dự kiến được NASA phóng vào tháng 10 năm nay, sẽ là một cách lý tưởng để bổ sung dữ liệu mới để hiểu được ‘sự bùng nổ trẻ sơ sinh’ này đã kéo dài bao xa so với Dải Ngân hà", Olsen nói thêm.

Nghiên cứu mới sẽ được công bố trên Astrophysical Journal.

Văn Thiện

Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Một số lượng lớn các ngôi sao mới cùng xuất hiện trong hàng chục thiên hà xa xôi