Mỹ bảo vệ công nghệ chip bằng cách trói chân các nhà sản xuất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quốc hội Mỹ vừa thông qua Dự luật Khoa học và CHIPS, trong đó có gói tài trợ 52 tỷ USD cho sản xuất chip với điều kiện hạn chế mở rộng hoạt động với Trung Quốc.

Dự luật Khoa học và CHIPS được thông qua tuần trước và dự kiến được Tổng thống Mỹ ký phê duyệt trong tuần này. Dự luật đưa ra gói tài trợ 280 tỷ USD cho các hoạt động Khoa học và Công nghệ. Trong đó có khoản chi hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn là 52 tỷ USD. Dự luật đưa ra quy định rằng các công ty nhận trợ cấp sẽ bị hạn chế thực hiện các "giao dịch lớn" liên quan đến mở rộng quy mô sản xuất chip ở Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào trong vòng 10 năm.

Theo Nikkei Asia, quy định của gói trợ cấp như một rào cản, buộc nhà sản xuất chip phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Chất bán dẫn là chiến trường quan trọng, là bộ não của hàng loạt thiết bị điện tử từ smartphone, laptop đến việc quản lý dữ liệu. Ngoài ra, nó còn có vai trò lớn trong việc sản xuất và điều khiển các hệ thống vũ khí hiện đại.

Trong dự luật CHIPS cũng có trường hợp ngoại lệ, cho phép nhà sản xuất tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc nếu khoản đầu tư đó bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, ngoại lệ này chỉ áp dụng cho việc mở rộng cơ sở hiện có và "chất bán dẫn kế thừa", có trong công nghệ chip 28 nm trở lên. Intel và Qualcomm là hai công ty đặc biệt nằm trong nhóm mở rộng này.

Chip kế thừa đang được dùng trong rất nhiều các thiết bị điện tử, từ smartphone, máy tính, thiết bị gia dụng, ôtô đến các loại vũ khí hiện đại. Sự hiện diện của chúng còn nhiều hơn những bộ vi xử lý tiên tiến. Rất nhiều công ty lớn của Trung Quốc đang tập trung nghiên cứu vào những loại chip này để tìm cách đuổi kịp và vượt Mỹ.

Công ty quan trọng nhất trong lĩnh vực này là Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Công ty này kiểm soát 84% thị phần của những chip có bảng mạch nhỏ nhất, hiệu quả nhất mà các thương hiệu công nghệ lớn nhất thế giới như Apple ở Mỹ đến Alibaba ở Trung Quốc đều sử dụng.

Luật sư Tan Albayrak của công ty luật Reed Smith cho rằng các điều khoản đang nhắm thẳng vào những công ty đang đầu tư vào Trung Quốc. Nhà Trắng muốn dùng nguồn tài trợ lớn để đảm bảo chuỗi cung ứng được thông suốt trong tương lai. "Đây là động thái nhằm cân bằng trong chính sách giữ lợi thế về công nghệ, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho Mỹ", ông nói.

Một số nhà sản xuất cảnh báo việc thông qua dự luật CHIPS sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch đầu tư trong tương lai. Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã lên tiếng chỉ trích dự luật. Trong khi đó, nhà sản xuất chip Trung Quốc SK Hynix nói: "Chúng tôi tuân thủ mọi quy định tại các quốc gia nơi chúng tôi hoạt động kinh doanh. Chúng tôi sẽ điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với thị trường trong kế hoạch đầu tư và sản xuất". Samsung từ chối bình luận.

SCMP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian hôm 28/7, một ngày trước khi dự luật được thông qua: "Trung Quốc kiên quyết phản đối các điều khoản trong đạo luật vì có thể làm hạn chế sự hợp tác thường xuyên về khoa học công nghệ giữa hai nước".

Martijn Rasser, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ nói: "Những ràng buộc trong đạo luật mới là bản phác thảo sơ bộ về một khuôn khổ đánh giá đầu tư ra nước ngoài. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang lo tiền của mình sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Trung Quốc".

Trước đó, nhiều nhà sản xuất chip lớn đã tuyên bố mở rộng hoạt động tại Mỹ. TSMC cho biết sẽ đầu tư ít nhất 12 tỷ USD vào Arizona. Samsung cam kết đầu tư 17 tỷ USD vào Texas. SK Hynix tiết lộ kế hoạch chi 15 tỷ USD cho Intel và Micron.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng lên kế hoạch tăng thị phần chip nội địa lên 70% năm 2025. Ông Louis Lau, Giám đốc đầu tư của Brandes Investment Partners, cho biết: "Tham vọng của Trung Quốc là thay thế tất cả chip tiên tiến bằng chip sản xuất trong nước. Các công ty chip của Mỹ từ lâu đã đánh mất lợi thế sản xuất".

Theo Nikkei Asisa

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Mỹ bảo vệ công nghệ chip bằng cách trói chân các nhà sản xuất