NASA chỉ trích Trung Quốc sau khi mảnh vỡ tên lửa bốc cháy trên Ấn Độ Dương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trưởng quản lý NASA Bill Nelson hôm thứ Bảy (ngày 8/5) đã chỉ trích Trung Quốc sau khi lõi của tên lửa khổng lồ của nước này rơi không kiểm soát trở lại bầu khí quyển của Trái đất phía trên Maldives thuộc Ấn Độ Dương vào hôm Chủ nhật (ngày 9/5).

Ông Nelson nói: “Rõ ràng là Trung Quốc đang không đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm liên quan đến các mảnh vỡ không gian của họ”.

Cơ quan vũ trụ của Trung Quốc cho biết phần lớn lõi tên lửa dài 100 feet (30,5 mét) bị cháy trong quá trình rơi trở lại Trái đất. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã chính thức của Trung Quốc cho biết lần trở lại của tên lửa xảy ra vào lúc 10:24 sáng Chủ Nhật, theo giờ Bắc Kinh. Hãng tin cho biết: “Phần lớn mảnh vỡ tên lửa đã bị đốt cháy đến mức không thể nhận ra trong quá trình rơi trở lại”.

Người dân ở Jordan, Oman và Ả Rập Xê Út đã báo cáo về việc nhìn thấy các mảnh vỡ tên lửa của Trung Quốc trên mạng xã hội, với đoạn phim về các mảnh vỡ xuyên qua bầu trời buổi bình minh ở Trung Đông.

Nhà vật lý thiên văn đến từ Đại học Harvard Jonathan McDowell, một người theo dõi mảnh vỡ tên lửa, cho biết trên Twitter: “Theo thống kê, khả năng mảnh vỡ tên lửa rơi trở lại đại dương luôn có xác suất xảy ra cao nhất. Có vẻ như Trung Quốc đã thắng canh bạc của mình… Nhưng họ vẫn rất liều lĩnh”.

Thông thường, các phần của tên lửa bị loại bỏ sẽ quay trở lại bầu khí quyển ngay sau khi nó cất cánh. Các mảnh vỡ này thường rơi xuống biển và không đi vào quỹ đạo.

Tầng lõi của tên lửa Trung Quốc là một trong những mảnh vỡ không gian lớn nhất rơi xuống Trái đất. Chương trình vũ trụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với các liên kết quân sự chặt chẽ, đã không cho biết lý do tại sao họ đưa thành phần chính của tên lửa vào không gian thay vì cho phép nó quay trở lại Trái đất ngay sau khi xả tải như thường lệ.

Tên lửa Long March 5B (Trường Chinh 5B) mang mô-đun chính của trạm vũ trụ thường trực đầu tiên của Trung Quốc Tianhe (Thiên Hà) lên quỹ đạo vào ngày 29/4. Bắc Kinh có kế hoạch phóng thêm 10 lần nữa để mang các bộ phận bổ sung của trạm vũ trụ vào quỹ đạo.

Được biết, mảnh vỡ tên lửa rơi lần này có khối lượng 18 tấn. Nó cũng là mảnh vỡ lớn nhất rơi không kiểm soát xuống Trái đất kể từ thời trạm vũ trụ Salyut 7 của Liên xô cũ rơi năm 1991.

Trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc, Tiangong-1 (Thiên Cung-1), đã đâm xuống Thái Bình Dương vào năm 2016 sau khi Bắc Kinh xác nhận nó đã mất kiểm soát. Vào năm 2019, cơ quan vũ trụ Trung Quốc đã kiểm soát việc phá hủy trạm thứ hai, Tiangong-2 (Thiên Cung-2), trong khí quyển. Cả hai đều được các phi hành gia Trung Quốc ghé thăm trong một thời gian ngắn. Chúng đóng vai trò như tiền thân của trạm vũ trụ thường trực hiện đang được Trung Quốc xây dựng.

Vào tháng 3, các mảnh vỡ từ tên lửa Falcon 9 do công ty hàng không SpaceX của Mỹ cũng rơi xuống bờ biển Oregon.

Vào tháng 1/2007, Trung Quốc cũng bị chỉ trích nặng nề sau khi phóng một tên lửa để phá hủy một vệ tinh thời tiết không còn hiệu lực, tạo ra một trường lớn các mảnh vỡ có thể gây nguy hiểm cho các vệ tinh và tàu vũ trụ khác.

Văn Thiện

Theo The Epoch Times

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

NASA chỉ trích Trung Quốc sau khi mảnh vỡ tên lửa bốc cháy trên Ấn Độ Dương