NASA thử nghiệm phóng phi thuyền vào tiểu hành tinh để cứu Trái đất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơ quan không gian Hoa Kỳ (NASA) đã lần đầu tiên phóng một phi thuyền lên vũ trụ để đâm vào một tiểu hành tinh. Hy vọng sẽ làm thay đổi đường bay của tiểu hành tinh này, tránh cho Trái Đất nguy cơ một vụ va chạm với hậu quả kinh khủng.

Nhiệm vụ DART (Double Asteroid Redirection Test), cất cánh vào 13h21 ngày 24/11 theo giờ Hà Nội trên một tên lửa Falcon 9 của SpaceX từ Căn cứ vũ trụ Vandenberg ở California. Tên lửa sẽ đâm vào tiểu hành tinh vào tháng 9/2022 với hy vọng sẽ làm trệch hướng đi của tiểu hành tinh. Thông qua thử nghiệm, các nhà khoa học có thể tìm hiểu vụ va chạm tác động ra sao tới chuyển động của tiểu hành tinh gần Trái Đất trong không gian.

Trước đây, vào tháng 5/2021, các nhà khoa học từ các cơ quan không gian châu Âu và Mỹ đã thử nghiệm mô phỏng tàu vũ trụ đâm vào tiểu hành tinh để làm thay đổi đường đi của nó tránh cho Trái đất khỏi bị diệt vong. Kết quả thật đáng tiếc là: Thế giới đã không ngăn chặn được một tiểu hành tinh va chạm với Trái đất.

Tiểu hành tinh có tên Dimorphos là mục tiêu của nhiệm vụ lần này, đây mặt trăng nhỏ quay quanh tiểu hành tinh Didymos gần Trái Đất. Trong một cuộc họp báo, nhà khoa học Tom Statler của cơ quan NASA tuyên bố đây là một cuộc thử nghiệm mang tính “lịch sử”: Lần đầu tiên, nhân loại sẽ làm thay đổi đường di chuyển của một thiên thể trong không gian.

Vật thể bay gần Trái Đất (NEO) là những tiểu hành tinh và sao chổi có quỹ đạo chỉ cách Trái Đất trong vòng 48 triệu km. Việc phát hiện mối đe dọa từ NEO là trọng tâm chính của NASA và các cơ quan vũ trụ khác trên khắp thế giới.

Hiện giờ NASA đã liệt kê được hơn 27.500 tiểu hành tinh đủ mọi kích thước bay gần Trái Đất và trong số này không có một tiểu hành tinh nào là một mối đe dọa đối với nhân loại trong khoảng 100 năm tới.

Nhưng các chuyên gia mới chỉ biết được khoảng 40% số tiểu hành tinh có kích thước từ 140 mét trở lên. Như vậy vẫn còn rất nhiều các tiểu hành tinh chưa được khám phá, đó là những mối đe dọa thực sự đến Trái đất. Vì vậy, việc phát triển một kỹ thuật để bảo vệ Trái đất khỏi các hiểm họa tiểu hành tinh là vô cùng quan trọng.

Vụ va chạm này sẽ được ghi lại bởi LICIACube (Light Italian Cubesat for Imaging of Asteroids), một vệ tinh khác do Cơ quan Vũ trụ Italy cung cấp bay cùng với tàu vũ trụ. Sau đó vệ tinh này sẽ tách ra trước vụ va chạm để ghi hình diễn biến.

Ba phút sau va chạm, vệ tinh sẽ bay gần Dimorphos để chụp ảnh và quay video. Dữ liệu sẽ được truyền trực tiếp về Trái Đất. Nhờ đó, các nhà thiên văn học có thể so sánh quan sát từ kính viễn vọng trên Trái Đất trước và sau va chạm, từ đó xác định thời gian quay quanh quỹ đạo của Dimorphos thay đổi bao nhiêu.

NASA lựa chọn Dimorphos cho nhiệm vụ DART bởi nó có kích thước tương đương những tiểu hành tinh có thể đe dọa Trái Đất, nhưng tiểu hành tinh này không thực sự gây nguy hiểm cho hành tinh của chúng ta.

Tàu vũ trụ nhỏ hơn khoảng 100 lần so với Dimorphos nên không thể phá hủy tiểu hành tinh. Vụ va chạm chỉ thay đổi tốc độ của Dimorphos, khiến thời gian quay quanh quỹ đạo của nó chênh lệch hơn một phút. Các nhà nghiên cứu có thể quan sát và đo thay đổi đó từ kính viễn vọng trên Trái Đất.

NASA chi cho dự án DART 330 triệu đô la, thấp hơn đáng kể so với nhiều chương trình khoa học có tham vọng to lớn hơn của cơ quan vũ trụ này.

(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

NASA thử nghiệm phóng phi thuyền vào tiểu hành tinh để cứu Trái đất