Nền văn minh công nghiệp có thể sắp sụp đổ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, những hậu quả kinh hoàng và khó lường do Trái đất bị hâm nóng vì biến đổi khí hậu, tốc độ diệt vong nhanh chóng của hệ sinh thái, cũng như một loạt suy thoái môi trường, đại dịch ghê gớm khác là những thực tế khốc liệt ngày càng dẫn tới sự nguy hiểm cho con người. Trái đất dường như sắp quá tải.

Trong lịch sử nhân loại đã có nhiều nền văn minh rơi vào tình trạng biến động dẫn tới sụp đổ xã hội. Bỏ qua các sự kiện do tự nhiên gây ra như sự va chạm của hành tinh, khí hậu khắc nghiệt, sự nổ của vũ trụ, bị hố đen nuốt chửng, mặt trời bị tắt hoặc chiến tranh vũ trụ... lịch sử cho thấy thường là rất nhiều yếu tố góp phần vào sự sụp đổ xã hội. Tất cả các yếu tố đó đều bắt nguồn từ sự trượt dốc và suy đồi về văn hoá và các chuẩn mực đạo đức trong xã hội.

Sự sụp đổ của nền văn minh La Mã

Vào cuối những năm 100 TCN người La Mã đã lấn chiếm vượt qua Địa Trung Hải, tới những nơi gần biển. Họ tiếp tục mở rộng biên giới mới theo đường bộ. Họ đã mở rộng bờ cõi quá rộng nên phải chi phí quá nhiều. Rome ngày càng bổ sung thêm những thứ mới, một quân đội tăng gấp đôi, các đội kỵ binh, các tỉnh nhỏ lẻ đều có bộ máy hành chính, toà án và lực lượng phòng vệ riêng, chỉ để duy trì hiện trạng và không bị trượt lùi.

Đế Chế vẫn duy trì ổn định trong những thế kỷ tiếp theo, nhưng những hậu quả do việc phải trải mỏng đã xảy ra vào thế kỷ thứ 3, với các cuộc nội chiến và xâm lăng. Cuối cùng, Rome không còn đủ khả năng kham nổi những sự phức tạp gay gắt này. Sự sụp đổ bắt đầu vào năm 410 khi mà quân Visigoth xâm chiếm thủ đô, sự kiện này đã tạo ra một vòng xoáy đi xuống kéo dài hơn một thế kỷ. Sự yếu kém về quản lý kinh tế do tham vọng bành trước quá sức, chứ không phải do chiến tranh, đã làm Đế Chế suy sụp.

Nguyên nhân sụp đổ của các nền văn minh

Tiến sĩ Safa Motesharrei, một nhà khoa học về hệ thống tại Đại học Maryland, có sử dụng các mô hình máy tính để nghiên cứu sâu hơn về các cơ chế mà các xã hội có thể dẫn đến sự bền vững hay sụp đổ cục bộ hoặc toàn cầu. Theo những phát hiện mà Motesharrei và các đồng nghiệp của ông xuất bản vào năm 2014, có hai yếu tố quan trọng trực tiếp dẫn tới sự sụp đổ xã hội là căng thẳng sinh tháiphân tầng kinh tế.

Yếu tố căng thẳng sinh thái dẫn đến hủy diệt thì dễ hiểu, đặc biệt về mặt cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước ngầm, đất, thủy sản, rừng, và hiện nay là môi trường độc hại, tất cả đều có thể trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu được gây ra bởi các ngành công nghiệp. Thật không may, một số chuyên gia tin rằng những quyết định khó khăn như vậy vượt quá khả năng chính trị và tâm lý của con người chúng ta trong xã hội ngày nay. "Thế giới sẽ không tới tầm giải quyết vấn đề khí hậu trong thế kỷ này, đơn giản là vì nó tốn kém hơn để giải quyết vấn đề trong thời gian ngắn so với việc như đang làm hiện nay" Jorgen Randers (giáo sư danh dự về chiến lược khí hậu tại Trường Kinh doanh BI của Na Uy và tác giả của cuốn "2052: Dự báo toàn cầu trong bốn mươi năm tới") cho biết. "Vấn đề khí hậu sẽ trở nên tồi tệ, tồi tệ, tồi tệ hơn bởi vì chúng ta không có khả năng làm những gì chúng ta đã hứa ở Hiệp Định Paris và ở các nơi khác".

Sự phân tầng kinh tế có thể dẫn đến sự sụp đổ xã hội lại là điều làm cho Motesharrei và đồng nghiệp ngạc nhiên hơn. Theo kịch bản này, giới giàu có đang đẩy xã hội vào tình trạng bất ổn và cuối cùng là sụp đổ bằng cách tích trữ với số lượng lớn tiền của và tài nguyên, và để lại ít hoặc không có gì cho người dân thường là những người chiếm đại đa số nhưng vẫn hỗ trợ họ bằng lao động. Cuối cùng là người dân lao động suy sụp vì tiền của dành cho họ là không đủ, tiếp theo là sự sụp đổ của giới giàu có do không có lao động. Sự bất bình đẳng mà chúng ta thấy ngày hôm nay trong phạm vi một nước và giữa các nước nói lên điều này. Chẳng hạn, 10% số người có thu nhập toàn cầu cao nhất chịu trách nhiệm về tổng lượng phát thải khí nhà kính gần bằng tổng số 90% số người còn lại. Tương tự, khoảng một nửa dân số thế giới sống dưới 3 đô la một ngày.

Chẳng hạn Syria, có một giai đoạn dân số phát triển nhanh. Một đợt hạn hán trầm trọng vào cuối những năm 2000, có thể là do sự thay đổi khí hậu mà con người gây ra, kết hợp với tình trạng thiếu nước ngầm làm cho sản xuất nông nghiệp tồi tệ. Khủng hoảng đó làm cho rất nhiều người dân, đặc biệt là thanh niên, bị thất nghiệp, bất mãn và tuyệt vọng. Nhiều người đổ về các trung tâm đô thị, đè nặng lên các nguồn lực và dịch vụ hạn chế ở đây. Sự căng thẳng sắc tộc, đã có từ trước, đã gia tăng, tạo nền tảng cho bạo lực và xung đột. Thêm vào đó, quản lý kém của chính phủ, bao gồm các chính sách tự do cạnh tranh, loại bỏ trợ cấp về nước ở giữa kỳ hạn hán, đã đưa đất nước này vào cuộc nội chiến năm 2011, làm nó chao đảo đi tới sự sụp đổ.

Theo Thomas Homer-Dixon, (chủ tịch của các hệ thống toàn cầu tại trường Quan hệ Quốc tế Balsillie, Waterloo, Canada, và tác giả cuốn The Upside Down - Sự sụp đổ) thì trong trường hợp sụp đổ của Syria, giống như ở các xã hội khác trong lịch sử, không phải là một mà là rất nhiều yếu tố đã đóng góp vào. Homer-Dixon gọi những lực kết hợp này là sức nén kiến tạo là vì nó tích tụ âm thầm rồi đột ngột bùng phát, đè bẹp bất kỳ cơ chế ổn định nào đang giữ xã hội trong tầm kiểm soát.

Sự sụp đổ của các nền văn minh sẽ không thể tránh khỏi nếu khả năng chịu tải quá cao.
Sự sụp đổ của các nền văn minh sẽ không thể tránh khỏi nếu khả năng chịu tải quá cao. (Ảnh: Akuptsova/Pixabay)

Đối với cả hai kịch bản, các mô hình đã xác định khả năng chịu tải (nghĩa là tổng dân số mà nguồn tài nguyên của một môi trường nhất định có thể chịu đựng được một cách dài hạn). Nếu khả năng chịu tải quá cao thì sự sụp đổ là không tránh khỏi. Tuy nhiên, hậu quả này là có thể tránh được. "Nếu chúng ta đưa ra những lựa chọn hợp lý để giảm các yếu tố như bất bình đẳng, như bùng nổ dân số, như tốc độ mà ta làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và tốc độ ô nhiễm, là những thứ có thể thực hiện được, thì chúng ta có thể tránh sụp đổ và ổn định được theo một quỹ đạo bền vững" Motesharrei nói. "Nhưng chúng ta không thể chờ đợi mãi những quyết định đó được".

Cần một môn khoa học về sự sụp đổ

Trái đất nóng lên, phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, các thiên tai diễn ra dồn dập, khó dự đoán hơn. Theo một nghiên cứu, được công bố trên tạp chí khoa học Nature năm 2009, được cập nhật năm 2015, có 9 ranh giới tuyệt đối cần thiết cho sự sống của con người trên hành tinh không thể bị xâm phạm.

Theo các tác giả cuốn Mọi thứ có thể sụp đổ như thế nào? về viễn cảnh sụp đổ, chỉ riêng việc xâm phạm các ngưỡng về Khí hậu và Đa dạng sinh thái đã đủ để đưa loài người vào thảm họa khôn lường.

Tuy nhiên, mức độ khủng hoảng do phân tầng kinh tế và căng thẳng sinh thái hết sức trầm trọng hiện nay đã không được giới cầm quyền chính trị và kinh tế nhận thức đúng mức hoặc có nhận thức được nhưng không có khả năng giải quyết. Viễn cảnh sụp đổ của toàn bộ nền văn minh công nghiệp và thậm chí của toàn bộ Hệ sinh thái – Hành tinh là điều còn ít chính quyền chấp nhận đối diện.

Ông Raphel Stevens, nhà tư vấn kinh tế - sinh thái, đồng tác giả cuốn sách Mọi thứ có thể sụp đổ như thế nào? tâm sự : “Chúng ta thiếu một môn khoa học về sự sụp đổ của ‘‘nền văn minh công nghiệp’’ của chúng ta, nền văn minh đương đại. Chúng tôi muốn xây dựng một môn khoa học liên ngành, tự trang bị cho mình những hiểu biết của nhiều bộ môn khoa học, để phân tích về những gì xảy ra với xã hội chúng ta ngày hôm nay. (…) Chúng tôi không lạc quan, cũng không bi quan, chúng tôi cũng không sáng tạo ra gì mới, mà chỉ tổng hợp lại các nghiên cứu khoa học từ ba, bốn, năm năm trở lại đây, khoảng 3.000 bài báo và 300 cuốn sách. Nỗ lực của chúng tôi là cập nhật các hiểu biết trong lĩnh vực sinh thái học’’.

Mô hình dự báo và dấu hiệu cảnh báo sự sụp đổ của các nền văn minh

Ông Raphel Stevens giới thiệu một công cụ quan trọng của môn khoa học về sự sụp đổ : “Đó là các mô hình Meadow và mô hình Handy. Các mô hình không trực tiếp dự báo tương lai, mà là công cụ để hình dung khả năng chuyển hóa của hệ thống. Theo mô hình Handy (Human And Nature DYnamical), sự bất bình đẳng xã hội, bất bình đẳng về kinh tế, là các nhân tố dẫn đến sụp đổ. Xã hội càng bất bình đẳng, sẽ càng sớm sụp đổ, và điều này là chắc chắn. Mà trong xã hội chúng ta hiện nay, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, và điều này rất nguy hiểm. Điều này khiến xã hội chúng ta trở nên rất mong manh.

(…) Mô hình Meadow, ra đời vào năm 1972, là một mô hình rất vững chắc. Sau hơn 40 năm tồn tại, mô hình này vẫn chưa bị bác bỏ. Dựa trên việc phân tích các cuộc khủng hoảng trước đây, mô hình Meadow dự báo nền văn minh công nghiệp của chúng ta sẽ sụp đổ trong nửa đầu thế kỷ XXI. Căn cứ vào các biểu đồ trong cuốn sách này, có thể thấy chúng ta đang đứng bên bờ vực của tiến trình.

Sau khi phỏng vấn Dennis Meadow, đồng tác giả mô hình này, vào năm 2011, tôi đã rơi vào trạng thái trầm cảm trong suốt hai tháng. Đó là điểm khởi đầu cho quyết định đi vào nghiên cứu này của chúng tôi ».

Về các công cụ của môn khoa học mới, Raphel Stevens đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của trực giác :

Về hiện tại, theo trực giác của chúng tôi, nền văn minh của chúng ta sẽ sụp đổ trong khoảng từ năm 2020 đến 2030. Sau khi đọc tất cả những nghiên cứu nói trên, chúng tôi hoàn toàn không còn nghĩ rằng thời hạn của sự sụp đổ sẽ bắt đầu vào 2050 hay 2100. Tuy nhiên, không có chứng cứ nào để xác nhận điều này’’.

Một công cụ khác của ngành dự báo là các dấu hiệu cảnh báo. Các chuyên gia về những hệ thống phức tạp biết rằng, trước khi một hệ thống sụp đổ, ngay trước khi đó, có những tiếng ồn rất đặc hiệu, của sự sụp đổ sẽ xảy ra. Người xưa thì nhìn thấy các dự báo qua các hiện tượng bất thường của thiên nhiên như hiện tượng mưa to gió lớn trong đêm giao thừa, mưa đá vào mùa xuân, 3 mặt trời, mặt trăng máu... Năm 2012, 24 nhà khoa học công bố trên tạp chí Nature một nghiên cứu về các dấu hiệu báo trước về sự sụp đổ của hệ sinh thái trên Trái đất.

Trong lịch sự của loài người, đã có nhiều nền văn minh suy tàn hay sụp đổ hoàn toàn, như của người Maya châu Mỹ (thế kỷ IX), người Viking châu Âu (thế kỷ XI), còn rất nhiều bí ẩn cần chúng ta tiếp tục nghiên cứu. Dự báo sụp đổ không đồng nghĩa với bi quan, có một số điều mà chúng ta có thể thay đổi trong nhận thức và tư duy để xã hội đi theo hướng phát triển khác.

Nâng cao đạo đức để tránh sự sụp đổ nền văn minh

Chuyển đổi văn hóa để tác động lên xã hội và chính trị mới có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các bất bình đẳng trong phân tầng kinh tế hiện tại. Muốn chuyển đổi văn hóa thì đạo đức là yếu tố đầu tiên cần được cải thiện.

Trước tiên, hãy xem xét “đạo đức” là gì. Đạo đức bao gồm các quy tắc và quy định về hành vi của con người. Chúng cũng là quy tắc của vũ trụ đối với con người mà con người phải tuân theo. Quan niệm của mọi người về đạo đức có thể thay đổi khi xã hội phát triển, nhưng tiêu chuẩn đạo đức là phổ quát và không thể thay đổi.

Trong đó có một quy tắc là “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo’’, con người cần biết đến quy luật này của tự nhiên, quy luật vũ trụ và tuân theo trong việc tiếp xúc và giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống xung quanh. Các thành phần trong xã hội, từ những người làm việc trong chính quyền đến những người dân bình thường đều sẽ tự ước thúc bản thân mình vào các giá trị đạo đức, ứng xử phù hợp với thiên nhiên và môi trường xung quanh một cách hài hòa.

Chỉ khi con người làm mọi việc theo tiêu chuẩn đạo đức phổ quát này, văn hóa xã hội được nâng cao lên, các hành vi của con người với môi trường sẽ tốt đẹp hơn, các ý chí chính trị với phát triển công nghiệp mới sẽ hướng đến thân thiện với môi trường và làm giảm bớt khoảng cách phân tầng kinh tế.

Tất nhiên, người có đạo đức cao sẽ biết được cần làm gì để phù hợp với tự nhiên. Họ sẽ biết cách đối xử với người khác và mọi thứ xung quanh. Họ chắc chắn cũng sẽ biết cách đối xử và định hướng phát triển công nghiệp phục vụ xã hội con người phù hợp với thiên nhiên, môi trường tự nhiên.

Ánh Dương

Tham khảo rfi/bbc/ntd



BÀI CHỌN LỌC

Nền văn minh công nghiệp có thể sắp sụp đổ?