Nếu COVID-19 được tuyên bố là đại dịch, điều gì sẽ xảy ra?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giữa lúc dịch COVID-19 lan rộng khắp nơi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi thế giới phải chuẩn bị cho nguy cơ đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch theo định nghĩa của WHO là gì? Thế giới cần làm gì nếu đại dịch xảy ra?

Đại dịch là gì?

Đại dịch không liên quan gì đến mức độ nghiêm trọng của bệnh mà là sự lây lan của nó về mặt địa lý. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một đại dịch được tuyên bố khi dịch bệnh mới lan truyền khắp thế giới ngoài mong đợi mà mọi người không có khả năng miễn dịch.

Các trường hợp là khách du lịch bị nhiễm bệnh ở Trung Quốc và sau đó trở về nước của họ, hoặc người bị lây nhiễm bởi khách du lịch đó, được gọi là ‘’trường hợp chỉ số’’, chưa được tính vào trường hợp tuyên bố đại dịch. Cần phải có một làn sóng lây nhiễm thứ hai từ người này sang người khác trong toàn cộng đồng. Ở Mỹ, Anh và Úc, hiện tại không có sự truyền nhiễm cộng đồng thực sự.

Một khi đại dịch được tuyên bố, sự lây lan của cộng đồng sẽ xảy ra ở mức độ được cho là nghiệm trọng và các chính phủ và hệ thống y tế cần đảm bảo rằng họ đã chuẩn bị cho điều đó.

Khi nào một đại dịch được tuyên bố?

Giáo sư Mary-Louise McLaws, một chuyên gia kiểm soát nhiễm trùng, từng làm cố vấn cho WHO, cho biết tuyên bố đại dịch không phải lúc nào cũng rõ ràng vì nó có thể phụ thuộc vào mô hình được sử dụng, có thể khác nhau giữa WHO và các tổ chức y tế khác. Tuy nhiên, WHO sẽ có tiếng nói cuối cùng.

Không có ngưỡng quy định nào cần được đáp ứng để tuyên bố đại dịch, chẳng hạn như số lượng tử vong hoặc nhiễm trùng nhất định, hoặc số quốc gia bị ảnh hưởng... Ví dụ, Sars coronavirus, được xác định vào năm 2003, đã không được WHO tuyên bố là đại dịch mặc dù ảnh hưởng đến 26 quốc gia. Tuy nhiên, sự lây lan của nó được ngăn chặn nhanh chóng và chỉ một số ít quốc gia bị ảnh hưởng đáng kể, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và Canada.

Tuy nhiên, nếu tuyên bố đại dịch thì sẽ khởi phát ra sự hoảng loạn toàn cầu, điều này có thể làm giảm mục tiêu là nâng cao nhận thức phòng tránh dịch bệnh cho người dân. Người ta đã viết nhiều về việc tuyên bố đại dịch cúm H1N1, hay còn gọi là cúm lợn, vào năm 2009, đã gây ra sự hoảng loạn không cần thiết, mang đến áp lực lớn cho các khoa cấp cứu và khiến chính phủ phải chi quá nhiều thuốc chống virus.

Những đại dịch trước đây

Đại dịch là một phần trong lịch sử loài người nhiều thế kỷ qua và được ghi nhận sớm nhất là vào năm 1580. Tính từ 1580, ít nhất 4 đại dịch cúm đã xảy ra vào thế kỷ XIX và 3 trong thế kỷ XX, theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

- Đại dịch nghiêm trọng nhất trong thế kỷ XX là đại dịch cúm năm 1918, còn được gọi là "cúm Tây Ban Nha". Đại dịch cúm năm 1918 lây nhiễm khoảng 500 triệu người, tức 1/3 dân số thế giới lúc bấy giờ, và làm chết khoảng 50 triệu người trên toàn cầu.

- Năm 1957, virus cúm A/H1N1 (còn được gọi là “cúm châu Á”) đã bùng phát ở Đông Á, gây ra đại dịch làm chết 1,1 triệu người trên toàn thế giới và 116.000 người ở Mỹ.

- Năm 1968, một đại dịch do virus cúm A/H3N2 bùng phát từ Trung Quốc và lan rộng khắp thế giới. Đại dịch năm 1968 làm chết khoảng 100.000 người khắp Trung Quốc và một triệu người tử vong trên toàn thế giới. Hầu hết trường hợp tử vong là ở người lớn từ 65 tuổi trở lên, theo CDC. H3N2 tiếp tục hoành hành trên toàn cầu dưới dạng virus cúm mùa cho đến nay.

- Vào mùa xuân năm 2009, virus cúm A/H1N1 bùng phát, được phát hiện đầu tiên ở Mỹ và sau đó lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới. CDC ước tính có khoảng 151.700-575.400 người tử vong khắp thế giới trong năm đầu tiên H1N1 xuất hiện. Trên toàn cầu, 80% số ca tử vong được ước tính xảy ra ở những người dưới 65 tuổi. Đến tháng 8/2010, WHO tuyên bố đại dịch cúm toàn cầu. Từ đó, H1N1 vẫn tiếp tục trở lại dưới dạng virus cúm mùa hàng năm.

Các quốc gia sẽ làm gì nếu WHO tuyên bố đại dịch COVID-19?

Hiện tại có sự lây lan của coronavirus tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Ý, Singapore và đang tiếp tục lan rộng ở các nước khác.

Người dân phải đeo khẩu trang khi đi ở các khu phố. (Ảnh: Unsplash)

Giám đốc các bệnh truyền nhiễm và miễn dịch học tại Viện Sức khỏe Menzies ở Queensland, Giáo sư Nigel McMillan, cho biết họ cần cân nhắc đến truyền thông quá nhạy cảm trước khi công bố một đại dịch.

‘’Chúng tôi không muốn tạo ra sự hoảng loạn hoặc tích trữ hàng hóa lương thực, khi đối với 95% dân số, đây sẽ là một cơn cảm lạnh nhẹ’’, ông nói.

Nhưng công bố một đại dịch có nghĩa là lệnh cấm du lịch sẽ đương nhiên hiệu lực hoặc có ý nghĩa là cảnh báo các cơ quan y tế cần chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.

‘’Điều này bao gồm chuẩn bị cho các bệnh viện có khả năng đáp ứng một lượng lớn bệnh nhân, dự trữ bất kỳ loại thuốc chống virus nào và khuyên mọi người rằng khi đến lúc, họ sẽ cần phải cân nhắc tự cách ly và điều trị ở nhà nếu bị bệnh, giữ khoảng cách với xã hội, tránh tụ tập đông người, v.v.’’, Giáo sư McMillan nói.

Giáo sư McLaws cho biết các chính phủ sẽ phải áp dụng các điều kiện đặc biệt đối với người dân của họ - khuyến khích mọi người thay đổi hành vi, chẳng hạn như từ bỏ hoặc hủy bỏ các sự kiện xã hội lớn. Để đối phó với Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (Sars) cách đây 17 năm, McLaws đã hợp tác với Bắc Kinh để hướng dẫn các nhân viên y tế ngăn chặn dịch bệnh Sars này.

‘’Những gì các nhân viên y tế nhìn thấy, và cách họ nhìn thấy đồng nghiệp của họ bị bệnh, có nghĩa là họ hợp tác với chính phủ để ngăn chặn sự lây lan’’, cô nói.

‘’Các quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt cần phải làm mạnh hơn để công dân của họ có ý thức chuẩn bị sẵn sàng cho mọi điều xảy ra’’.

Các chuyên gia nói rằng cần khoảng thời gian 18 tháng nữa thì mới có vaccine có hiệu lực sử dụng.

Ánh Dương

Theo The Guardian/Thanhnien

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Nếu COVID-19 được tuyên bố là đại dịch, điều gì sẽ xảy ra?