Ngành trí tuệ nhân tạo: Điểm chuẩn, học trường nào, học gì, ra trường làm gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, nhu cầu nhân lực cũng càng ngày càng tăng. Hiện nay có nhiều trường Đại học đã tiến hành đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo. Bài viết này tổng hợp điểm chuẩn ngành trí tuệ nhân tạo những năm gần đây của các trường Đại học trên cả nước; cũng như trả lời một số câu hỏi như nên học trường nào, học gì, và ra trường làm gì?

1. Điểm chuẩn ngành trí tuệ nhân tạo 2019, 2020, 2021, và 2022

Tên trường Tên ngành Năm 2019 Điểm chuẩn 2020 Điểm chuẩn 2021 Năm 2022
ĐH Bách Khoa Hà Nội Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (chương trình tiên tiến) 27 28.65

(A19: 25.28)

28.04 22.68
ĐH Bách Khoa HCM Khoa học máy tính 25.75 28 28 75.99
ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội Khoa học máy tính 25 27 27.9 27 (Ngành Trí tuệ nhân tạo)
ĐH Khoa học tự nhiên HCM Trí tuệ nhân tạo 24.6

(KHMT)

26.65

(KHMT)

27.5 28.20 (KHMT)
ĐH Công nghệ thông tin HCM Khoa học máy tính (Hướng Trí tuệ nhân tạo) 25.55

(KHMT)

27.1 27.5 28 (Ngành Trí tuệ nhân tạo)
ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN Khoa học dữ liệu - 25.2 26.55 26.45
ĐH Sư phạm Kỹ thuật HCM Robot và trí tuệ nhân tạo 25.2 27 26.5/27 26
ĐH Bách Khoa Đà Nẵng Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo 23/23.5 25.65 25.1 26.5
ĐH Công nghiệp Hà Nội Robot và trí tuệ nhân tạo 21.15

(KHMT)

24.7

(KHMT)

24.2 24.55
ĐH Quốc tế HCM Khoa học máy tính 19

(KHDL)

20

(KHDL)

24 25
ĐH FPT Trí tuệ nhân tạo 21 - 21 TOP40 Schoolrank
ĐH Công nghiệp HCM IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng - 17 20.5 22.50
ĐH Giao thông vận tải HCM CNTT - chuyên ngành Khoa học dữ liệu 21.8 (CNTT) 23.9 (CNTT) 26 (CNTT) 20 (học bạ); 15 (thi THPT)
ĐH Công nghệ TPHCM Robot và trí tuệ nhân tạo Ngành CNTT: 18 Ngành CNTT: 18 21 19
Khoa Kỹ thuật & Công nghệ - ĐH Huế Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo - 20 18 18.50
ĐH Công Nghệ Thông Tin và Truyền Thông Thái Nguyên Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn 14 (KHMT) 18 (KHMT) 18 18
ĐH Thủ Dầu Một Trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu - 15 15 16
ĐH Quốc tế Hồng Bàng Trí tuệ nhân tạo - 15 15 Ngành CNTT: 15
ĐH Quy Nhơn Trí tuệ nhân tạo 14 (CNTT) 15 (CNTT) 15 (CNTT) 15

Một số thông tin thêm:

KHMT là chữ viết tắt của ngành Khoa học máy tính; KHDL là Khoa học Dữ liệu; CNTT là ngành Công nghệ thông tin.

Trường đại học Khoa học Tự nhiên Thành Phố HCM mở ngành đào tạo trí tuệ nhân tạo đầu tiên là năm 2021; trước đó Trường cũng đã đào tạo về Trí tuệ nhân tạo, nhưng tên ngành là Khoa học máy tính. Điểm chuẩn trong bảng ở trên là điểm chuẩn của chương trình tiên tiến.

Chương trình tiên tiến có nghĩa là ngôn ngữ đào tạo của chương trình học là tiếng Anh, thay vì sử dụng tiếng Việt như bình thường.

2. Ngành trí tuệ nhân tạo học trường nào?

Như vậy dựa vào bảng điểm chuẩn của ngành trí tuệ nhân tạo trong các năm qua cùng với khả năng của bản thân, các bạn có thể đưa ra quyết định cho mình về việc nên chọn học trường nào.

Nếu số điểm của bạn cao, và bạn ở khu vực miền Nam thì có thể chọn các trường như Bách Khoa HCM, Khoa học Tự nhiên HCM hay ĐH Công nghệ thông tin HCM, đây là những trường hàng đầu về đào tạo Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo ở miền Nam.

Nếu bạn có số điểm cao và ở miền Bắc thì bạn có thể chọn Đại học Bách khoa Hà Nội hay ĐH Công nghệ - ĐHQGHN, đây là những trường hàng đầu về đào tạo Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo ở miền Bắc.

Trong trường hợp bạn có số điểm thấp hơn, thì có thể cân nhắc các trường khác như Sư phạm Kỹ thuật HCM hay Quốc tế HCM.

Trường Đại học cũng quan trọng, nhưng việc bản thân chúng ta nỗ lực tự học cũng quan trọng. Ngoài việc học các kiến thức ở trường, bạn cũng có thể tự học Trí tuệ nhân tạo trên Internet thông qua các khóa học trực tuyến hay các blog của những người làm về trí tuệ nhân tạo. (Xem thêm: Có thể học trí tuệ nhân tạo ở đâu? Và học như thế nào?)

Top những trường đào tạo tốt về ngành Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

Dựa vào bảng điểm chuẩn ở trên, và một số thông tin về các trường Đại học ở VN.

Có thể nói 5 trường đào tạo tốt nhất ngành Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam là ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Bách Khoa HCM, ĐH Công Nghệ - ĐHQG Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên HCM, và ĐH Công nghệ thông tin HCM.

3. Ngành trí tuệ nhân tạo học gì?

Hiện tại có khá nhiều trường Đại học đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo, nhưng về cơ bản, nội dung giữa các trường sẽ không khác nhau quá nhiều.

Chúng ta có thể tham khảo chương trình đào tạo cử nhân ngành Khoa học Máy tính của Đại học Công Nghệ Thông Tin HCM ở đây.

Có thể hiểu đơn giản, ngành Trí tuệ nhân tạo, cũng là một ngành thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin. Nói hẹp hơn, thì là thuộc nhóm ngành Khoa học máy tính.

Như vậy, ngành Trí tuệ nhân tạo cũng cần học lập trình và học các môn học đại cương theo yêu cầu của trường Đại học. Ví dụ về các môn học lập trình như:

  • Nhập môn lập trình
  • Kỹ thuật lập trình
  • Cấu trúc dữ liệu và giải thuật
  • Nhập môn Công nghệ phần mềm
  • Lập trình hướng đối tượng
  • Hệ điều hành
  • Nhập môn mạng máy tính

Vào những năm cuối của Đại học, các trường Đại học thường đào tạo chuyên sâu hơn, và đi vào từng chuyên ngành cụ thể.

Đối với các môn học chuyên ngành, nếu bạn định hướng Trí tuệ nhân tạo, thì sẽ cần học các môn học sau:

  • Trí tuệ nhân tạo
  • Máy học
  • Trí tuệ nhân tạo nâng cao
  • Khai thác dữ liệu và ứng dụng
  • Lập trình symbolic trong trí tuệ nhân tạo
  • Máy học nâng cao.

Ngoài ra còn có các chuyên ngành nhỏ khác trong Khoa học máy tính, như định hướng Công nghệ tri thức, định hướng Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, định hướng tính toán đa phương tiện, và định hướng Thị giác máy tính.

Thông thường Trí tuệ nhân tạo thường áp dụng vào các lĩnh vực cụ thể, ví dụ như vào xử lý ngôn ngữ hay vào xử lý hình ảnh. Ngoài việc học các môn trong Trí tuệ nhân tạo, bạn có thể cân nhắc học các môn trong Xử lý ngôn ngữ tự nhiên và Thị giác máy tính.

4. Sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo ra trường làm gì?

Với nhu cầu nhân lực AI ngày càng tăng, sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo thông thường là sẽ dễ dàng tìm được một công việc. Có rất nhiều công việc mà sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo có thể làm như sau:

Hình ảnh mô tả công việc mà sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo có thể làm sau khi ra trường. (Ảnh: Pixabay)
Hình ảnh mô tả công việc mà sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo có thể làm sau khi ra trường. (Ảnh: Pixabay)

Machine Learning/AI Engineer:

Đối với công việc này, ứng viên cần có kiến thức cơ sở về máy học và Trí tuệ nhân tạo. Tuỳ theo nhu cầu và dự án của công ty, mà bạn có thể cần thiết kế, lập trình, và quản lý một số mô hình để giải quyết các bài toán trong dự án của công ty.

Machine Learning/AI Researcher:

Công việc này cũng yêu cầu kiến thức cơ sở về máy học và Trí tuệ nhân tạo, nhưng chuyên về hướng nghiên cứu hơn. Thông thường công việc nghiên cứu thường phù hợp với những người đã học xong Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ.

Deep Learning Engineer:

Đòi hỏi của công việc này có thể cao hơn so với công việc Machine Learning/AI Engineer; bởi vì lúc này ứng viên cầu có kiến thức chuyên sâu về các mô hình trong học sâu (deep learning).

Data Scientist:

Một Data Scientist sẽ cần có khả năng sưu tầm, phân tích và giải thích dữ liệu. Để làm tốt công việc này, thì khả năng lập trình trong AI là khá cần thiết.

Data/Big Data Engineer:

Yêu cầu đối với công việc này là khả năng xử lý dữ liệu lớn. Ngoài khả năng lập trình, đòi hỏi ứng viên cần có khả năng và kinh nghiệm sử dụng các Framework như Hadoop, MapReduce, …

Data Analytics:

Ứng viên cần có khả năng phân tích dữ liệu, tìm kiếm những đặc điểm của dữ liệu trong quá khứ; tìm cách dự đoán dữ liệu trong tương lai, …

Natural Language Processing Engineer:

Ứng viên cần có kiến thức về các mô hình trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Các ứng dụng của xử lý ngôn ngữ tự nhiên khá đa dạng, ví dụ như chatbot, trợ lý ảo, phân tích bình luận trên mạng xã hội, …

Natural Language Processing Researcher:

Công việc này đòi hỏi chuyên sâu về nghiên cứu. Có thể là đọc nhiều nghiên cứu mới và tìm cách áp dụng vào dự án hay vấn đề của công ty.

Du học ngành Trí tuệ nhân tạo

Một trong những lựa chọn sau khi tốt nghiệp của sinh viên Việt Nam là tiếp tục học lên cao; có thể là Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ ở nước ngoài.

Hiện nay có rất nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu, hay phòng thí nghiệm trên thế giới mà cung cấp tất cả học phí và chi phí cho các nghiên cứu sinh. Chỉ cần bạn có khả năng và trình độ ngoại ngữ tốt, thì cơ hội luôn rộng mở.

Ví dụ, nếu bạn theo dõi các chuyên gia về AI trên Twitter, thì bạn dễ dàng sẽ bắt gặp các bài Tweet có thông tin về học bổng hay thông tin về chương học nghiên cứu sinh có tài trợ toàn phần.

Theo trang csrankings.org, top 5 trường đào tạo về Trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới là:

  1. Carnegie Mellon University
  2. Cornell University
  3. Stanford University
  4. University of Illinois at Urbana-Champaign
  5. University of California - San Diego

5. Ngành trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

Hiện nay có khá nhiều công ty làm về Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. Do nhu cầu nhân lực ngày càng cao, tùy theo khả năng, sở thích bạn có thể tìm kiếm một công việc làm về AI.

Đây là danh sách một số công ty có làm về Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam:

  • Cinnamon AI Labs
  • Tiki
  • Shopee
  • Zalo
  • Zalora
  • Olli Technology
  • Momo
  • Trusting Social
  • FPT

6. Hỏi và đáp một số câu hỏi liên quan đến ngành Trí tuệ nhân tạo

Phân biệt ngành Khoa học máy tính và ngành Trí tuệ nhân tạo

Có thể hiểu một cách đơn giản, ngành “khoa học máy tính" cũng bao gồm trí tuệ nhân tạo, nhưng nó rộng hơn.

Về cơ bản, cả hai ngành Khoa học máy tính và ngành Trí tuệ nhân tạo đều phải học các môn học cơ sở trong Khoa học máy tính. Ví dụ như: Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Lập trình Python cho máy học, Nhập môn công nghệ phần mềm …

Nhưng khi đi vào chuyên ngành chuyên sâu, thì sinh viên ngành Khoa học máy tính có thể học các môn từ nhiều chuyên ngành nhỏ khác nhau; ví dụ như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, và trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó, sinh viên chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo có thể sẽ tập trung học các môn chuyên ngành AI.

Trí tuệ nhân tạo tiếng Anh là gì?

Thuật ngữ 'trí tuệ nhân tạo' tiếng Anh là artificial intelligence, viết tắt là AI; Trí tuệ nhân tạo, thỉnh thoảng cũng có thể gọi là Trí thông minh nhân tạo.

Xem thêm: Trí tuệ nhân tạo là gì? Top 10 ứng dụng của AI trong cuộc sống

Học phí ngành trí tuệ nhân tạo là bao nhiêu?

Học phí ngành Trí tuệ nhân tạo khoảng bao nhiêu là phụ thuộc vào chương trình học và Trường Đại học mà bạn theo học.

Ví dụ như, nếu bạn theo học trường Đại học Khoa học Tự Nhiên HCM hay ĐH Công nghệ thông tin, thì mức học phí cho một học kỳ có thể dao động từ 10 đến 15 triệu. Nhưng đối với các trường khác, ví dụ như FPT, thì học phí có thể cao hơn.

Có nên học Trí tuệ nhân tạo?

Nếu bạn có đam mê lập trình, đam mê tìm tòi nghiên cứu kiến thức, có thời gian và điều kiện, thì bạn hoàn toàn có thể học AI.

Việc học AI, không nhất thiết phải thông qua các trường Đại học, bạn hoàn toàn có thể tự học. Hoặc học qua các khóa học trực tuyến trên Internet.

Có nên học ngành trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam?

Hiện nay có khá nhiều trường đào tạo về công nghệ thông tin (bao gồm cả AI) ở VN có chất lượng cao. Ví dụ như: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Bách Khoa Hồ Chí Minh, hay Khoa học Tự nhiên Hồ Chí Minh.

Nếu bạn chưa có điều kiện thuận lợi, (gồm cả tài chính và khả năng tiếng Anh), thì việc học AI ở Việt Nam có thể xem là một bước đệm.

Hiện tại, có khá nhiều bạn trẻ học Đại học ở VN, ngành Khoa học máy tính, hoặc Công nghệ thông tin, và sau đó thực hiện học Tiến Sỹ (PhD) về Khoa học máy tính hoặc AI ở nước ngoài.

Quý độc giả có thể tham khảo kinh nghiệm của một chuyên gia về AI ở đây - Con đường học PhD của tôi.

Tất nhiên, nếu bạn có điều kiện để có thể học AI ở các trường Đại Học nổi tiếng ở nước ngoài thì vẫn là tốt hơn nhiều so với học AI ở Việt Nam.

Ai là người đầu tiên đưa ra khái niệm Trí tuệ nhân tạo

Theo trang artificial-solutions.com, vào giữa những năm 1950, McCarthy đã giới thiệu thuật ngữ “Trí tuệ nhân tạo”; ông định nghĩa rằng AI là “khoa học và kỹ thuật tạo ra máy móc thông minh”.

Mức lương của ngành Trí tuệ nhân tạo là bao nhiêu?

Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào đất nước mà bạn đang làm việc, công ty mà bạn đang làm việc.

Nhưng có thể nói, mức lương ngành AI thường khá cao. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp các thông báo tuyển dụng trên các trang tìm việc về ngành AI với mức lương hàng nghìn đô la Mỹ (ví dụ: ~$1500, ~$2500, …). Tất nhiên, mức lương cao, thì trách nhiệm và công việc cần làm cũng nhiều.

Liên Liên - Tổng Hợp

Xem thêm:

Nguồn tham khảo:

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Ngành trí tuệ nhân tạo: Điểm chuẩn, học trường nào, học gì, ra trường làm gì?