Nghiên cứu 80 năm của đại học Harvard tiết lộ bí mật bất ngờ về trường thọ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu "dài nhất trong lịch sử" của Đại học Harvard đã phát hiện lý do then chốt để kéo dài tuổi thọ, điều ngạc nhiên là nó nằm ngoài dự đoán của nhiều người.

Tất cả chúng ta đều muốn sống đến 90 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Có vô số lời khuyên sức khỏe. Một số người nói rằng tập thể dục hàng ngày để kiểm soát cân nặng bản thân; một số người nói rằng bạn nên đi ngủ sớm và dậy sớm, không hút thuốc hoặc uống rượu; những người khác nói rằng bạn phải có một cuộc sống giàu có và chất lượng v.v…, những điều này đều hợp lý.

Câu chuyện về một cựu chiến binh 95 tuổi trong Thế chiến II

Vào tháng 1 năm 2020, ông Louis San Miguel, một cựu chiến binh Thế chiến II, 95 tuổi, đã nhận được phần thưởng về nghĩa vụ quân sự của chính quyền địa phương và tiểu bang tại siêu thị Stop & Shop ở Braintree, Massachusetts. Cho đến nay, ông vẫn làm việc 16 giờ một tuần trong siêu thị.

Nhân viên thu ngân đặc biệt này thường xuyên mỉm cười và khá nhanh nhẹn. Theo báo chí địa phương, ông từng là trợ lý phó chủ tịch của Bank of Boston, nghỉ hưu ở tuổi 74, ông đã kết hôn với người vợ trong 69 năm, hiện vợ ông cũng đã 91 tuổi. Ông là nhân viên thu ngân từ năm 1998.

“Tôi làm công việc này vì tôi thực sự thích được ở bên mọi người, đó luôn là một niềm vui”, ông Miguel nói.

Nghiên cứu kéo dài 80 năm của đại học Harvard

Câu chuyện của Miguel là một bằng chứng sinh động minh hoạ cho kết quả nghiên cứu về trường thọ của Đại học Harvard. Trong nghiên cứu gần 80 năm về sự phát triển của người trưởng thành, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các mối quan hệ của chúng ta và mức độ hạnh phúc trong các mối quan hệ này có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe.

Các nhà nghiên cứu bắt đầu theo dõi sức khỏe của 268 nam sinh viên năm thứ hai tại Đại học Harvard (bao gồm cả Tổng thống Kennedy) vào năm 1938, và sau đó tuyển thêm 456 nam cư dân Boston tham gia nghiên cứu.

Đến nay, khoảng 60 người trong số họ vẫn còn sống và nhiều người đã trên 90 tuổi. Khi nghiên cứu tiếp tục, vợ của những người đàn ông này và hàng nghìn con cái của họ cũng đã liên tiếp tham gia dự án.

Trong gần 80 năm, các nhà nghiên cứu đã quan sát quỹ đạo sức khỏe và tình trạng cuộc sống của những người tham gia, bao gồm cả những thành công và thất bại trong sự nghiệp và hôn nhân của họ. Các hình thức nghiên cứu bao gồm xem hồ sơ bệnh án, phỏng vấn trực tiếp, khảo sát bảng câu hỏi, v.v…

Kết quả cho thấy, so sánh với tiền bạc và danh tiếng, mối quan hệ thân thiết giữa các cá nhân đã khiến mọi người thực sự hạnh phúc và giúp trì hoãn sự suy giảm các chức năng của não bộ và cơ thể. Ngoài ra, chất lượng của các mối quan hệ dường như dự báo tốt hơn về tuổi thọ và hạnh phúc hơn là địa vị xã hội, chỉ số IQ và thậm chí cả gen.

"Khi chúng tôi thu thập tất cả dữ liệu về họ ở độ tuổi 50, chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi có thể dự đoán họ sẽ như thế nào khi về già, không phải nhờ mức cholesterol ở tuổi trung niên mà là mức độ hài lòng của họ trong các mối quan hệ ở tuổi 50. Người hài lòng nhất với các mối quan hệ giữa các cá nhân là người khỏe mạnh nhất ở tuổi 80". Waldinger nói trong một bài nói chuyện trên TED có tựa đề "Điều gì tạo nên cuộc sống tốt đẹp? Bài học từ cuộc nghiên cứu dài nhất về hạnh phúc".

Hãy dành thời gian cho con người thay vì thời gian cho màn hình điện tử. (Ảnh: Pasja1000/Pixabay)
Hãy dành thời gian cho con người thay vì thời gian cho màn hình điện tử. (Ảnh: Pasja1000/Pixabay)

Waldinger cũng nói rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người không nằm ở số lượng người thân và bạn bè, mà nằm ở việc có được sự lương thiện, sự ấm áp và các mối quan hệ vững chắc hay không.

"Những mối quan hệ tốt đẹp này không nhất thiết phải hoàn toàn suôn sẻ. Một số cặp vợ chồng 80 hay 90 tuổi của chúng ta có thể cãi nhau hàng ngày. Nhưng chỉ cần họ cảm thấy thực sự có thể dựa vào nhau khi gặp khó khăn, thì những cuộc cãi vã này không là gì trong ký ức của họ”, Waldinger nói.

Nghiên cứu do Waldinger đứng đầu đã đặc biệt chú ý đến các mối quan hệ trong hôn nhân. Tất nhiên, hôn nhân thường là mối quan hệ mật thiết nhất trong tất cả các mối quan hệ của chúng ta, và nó cũng là mối quan hệ ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí "Tâm lý và Lão hóa" vào năm 2011, một số người già 80 tuổi đã nói chuyện với các nhà nghiên cứu rằng một cuộc hôn nhân hạnh phúc khiến họ cảm thấy bớt tồi tệ hơn khi đối mặt với bệnh tật; và một số người cao tuổi có cuộc hôn nhân không hạnh phúc phải chịu đựng nỗi đau về tình cảm và thể xác cùng một lúc.

Dành thời gian cho “con người"

Với tư cách là giám đốc dự án thứ 4 của dự án nghiên cứu kéo dài 80 năm, ông Waldinger đã tổng kết kết quả nghiên cứu và kết luận rằng những người có thể duy trì mối quan hệ ấm áp với mọi người thường sống lâu hơn và hạnh phúc hơn. Ông nói: “Cô đơn có thể gây chết người, và hậu quả cũng tồi tệ như hút thuốc hoặc uống rượu’’.

Đồng thời, bản thân Waldinger cũng được hưởng lợi rất nhiều từ quá trình nghiên cứu. Giờ đây, Waldinger điều chỉnh cơ thể và tâm trí của mình thông qua thiền định mỗi ngày, và sau đó dành nhiều thời gian và năng lượng hơn cho các mối quan hệ cá nhân. Waldinger cũng đưa ra gợi ý mà chúng ta có thể áp dụng ngay lập tức trong bối cảnh hiện nay: "Dành thời gian cho con người thay vì thời gian cho màn hình điện tử".

Nhờ một nghiên cứu kéo dài gần 80 năm, bức tranh toàn cảnh về cuộc đời thế hệ trước đã trải ra trước mắt. Đến hiện tại khi nhiều người đã nhắm mắt xuôi tay, số khác an hưởng những năm cuối của đời người, cuộc đời họ đã được tổng kết một cách khách quan. Thế hệ trước từng có nhiều người lầm đường lạc lối, để lại bài học quan trọng cho chúng ta ngày hôm nay.

Hơn một thế kỷ trước, khi nhìn lại cuộc đời của mình, nhà văn Mark Tain đã từng nói: “Cuộc đời quá ngắn ngủi, không có thời gian cho những cuộc tranh cãi, xin lỗi, thương tâm và chỉ trích. Hãy dùng thời gian để yêu thương, đừng phí hoài dù chỉ là một khoảnh khắc...”.

Đại Hải

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu 80 năm của đại học Harvard tiết lộ bí mật bất ngờ về trường thọ