Nghiên cứu cho thấy con người có thể linh cảm tương lai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu trên tạp chí Frontiers of Perception cho thấy điều gì đó cơ bản về các quy luật tự nhiên vẫn chưa được khám phá, cơ thể con người có thể linh cảm một sự kiện lớn ngay trước khi nó xảy ra, theo Live Science.

Julia Mossbridge, nhà khoa học thần kinh của Đại học Northwestern, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Bằng chứng cho thấy hiệu quả của linh cảm là có thật nhưng nhỏ. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: Nó hoạt động như thế nào?".

Hiện tượng có thật?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các phản ứng vật lý bao gồm nhịp tim, sự giãn nở của đồng tử và hoạt động của não thay đổi từ 1 đến 10 giây trước khi mọi người nhìn thấy một hình ảnh đáng sợ chẳng hạn một con rắn đang trườn. Nghiên cứu tiến hành những thí nghiệm cho người tham gia xem những bức ảnh đáng sợ được xen kẽ ngẫu nhiên với những bức trung tính hơn, và những người này không có bất kỳ manh mối nào về bức ảnh nào sẽ xuất hiện tiếp theo.

Để xem liệu hiệu ứng này có thật hay không, Mossbridge và nhóm của bà đã phân tích hơn hai chục thí nghiệm. Họ loại đi bất kỳ thử nghiệm nào mà họ thấy sai lệch hoặc sai sót.

Họ vẫn tìm thấy một hiệu ứng "linh cảm", trong đó các kích thích sinh lý thay đổi vài giây trước một sự kiện. Phát hiện cho thấy rằng cơ thể của con người có tiềm thức có thể cảm nhận về điều gì đó quan trọng sắp xảy ra, ngay cả khi họ không biết điều đó là gì.

Mossbridge nói với LiveScience: chẳng hạn nếu bạn là một nhà giao dịch hàng ngày đặt cược nhiều tiền vào một cổ phiếu, thì "10 giây trước bạn có thể đã dự đoán cổ phiếu của mình giảm giá".

Bài báo không tuyên bố rằng mọi người đều là nhà ngoại cảm hoặc có sức mạnh siêu nhiên hoặc huyền bí. Thay vào đó, các tác giả tin rằng hiện tượng là một hiệu ứng vật lý thực sự tuân theo các quy luật tự nhiên - chỉ là những quy luật mà không ai hiểu được.

Nhưng nhìn chung những nhà nghiên cứu khác nghi ngờ hiện tượng linh cảm.

Rufin VanRullen, một nhà khoa học nhận thức tại Trung tâm Nghiên cứu về Não bộ và Nhận thức, cho biết các phương pháp thống kê được sử dụng trong nghiên cứu này không có nghĩa linh cảm là có thật.

VanRullen cho biết: “Có một xu hướng thống kê đối với các nhà khoa học tìm kiếm cái gọi là hiệu ứng linh cảm này để thực sự tìm thấy nó”.

Kyle Elliott Mathewson, nhà nghiên cứu tại Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, cho biết qua email rằng nhiều khả năng các thí nghiệm bị sai lệch, có lẽ là vô tình, theo cách mà các tác giả nghiên cứu đã bỏ sót.

Linh cảm của các vĩ nhân trong lịch sử

Mặc dù hiện tượng linh cảm vẫn bị nhiều nhà khoa học hoài nghi nhưng lịch sử đã ghi chép lại khá nhiều sự kiện về hiện tượng này.

Churchchill (1874-1965) được giải thưởng Nobel văn học năm 1953, làm Thủ tướng nước Anh 2 nhiệm kỳ: 1940-1945 và 1951-1955, một lần thoát chết trong trận oanh tạc của không quân phát xít Đức là do linh tính mách bảo. Ông kể: Năm 1944, khi Churchchill vừa chuẩn bị rời trận địa tên lửa thì máy bay oanh tạc của Đức ập đến. Người tài xế vội vàng nổ máy cho xe đi. Không hiểu sao, Churchchill không chịu vào xe mà chạy vòng ra phía sau. Đúng lúc ấy, một quả bom nổ ngay cạnh cửa xe, chỗ Churchchill vừa đứng. Trong tập hồi ký của ông, Churchchill viết: “Dường như có một sức mạnh nội tâm đã mách bảo tôi phải rời ngay chỗ đứng”.

Nhà thơ Nga Lermontov (1814-1841) đã kể lại câu chuyện khi ông còn là sĩ quan biên phòng ở Kabkaz. Một hôm, ông đang ngồi đánh bài với lính của mình và nhìn thấy một người lính có vẻ mặt khác lạ so với ngày thường, ông bèn nói với người ấy: “Anh phải đề phòng, có lẽ anh sắp bị chết bất đắc kỳ tử. Đêm nay, anh nên ngủ lại ở đồn biên phòng và sáng mai hãy về”. Người lính ấy không nghe ông, ra về và dọc đường đã bị một kẻ say rượu đâm chết.

Nhà bác học người Nga Mendeleev (1834-1907) - người phát minh ra Định luật tuần hoàn các nguyên tố hóa học, đã nằm mơ thấy toàn bộ bảng hệ thống tuần hoàn hiện ra trước mắt. Điều này có thể lý giải được vì có lẽ ông đã nghiên cứu hàng chục năm về hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học, khi chín mùi thì kết quả đã hiện ra trong giấc mơ, ông chỉ việc ngồi dậy và chép lại.

Nhạc sĩ Mozart (1756-1791), ông khẳng định rằng, mỗi tác phẩm âm nhạc của ông là sự kết tinh của nguồn cảm hứng, tư duy sáng tạo và do linh cảm mách bảo. Còn nhà bác học Newton (1642-1727) đã phải công nhận linh cảm đã đưa ông đến những phát minh vĩ đại.

Văn Thiện

Theo Live Science, Sức khỏe Đời sống

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu cho thấy con người có thể linh cảm tương lai?